Đây là kết quả từ những trăn trở của Lãnh đạo tập đoàn: Làm sao để kết nối hiệu quả nhất các nhân sự, phòng ban, công ty thành viên trong Tập đoàn với nhau tạo thành một khối sức mạnh cộng hưởng, bởi đặc thù của SGI là một Tập đoàn đa ngành nghề và có độ “phủ sóng” rộng khắp cả nước?
Chị Thu Trang, Trưởng Ban Đào tạo của SGI đã đưa ra sáng kiến tổ chức chương trình xây dựng đội ngũ và thế là sau gần 2 tháng chuẩn bị, chương trình kết hợp hoạt động dã ngoại đã được các lãnh đạo, cán bộ SGI hưởng ứng nhiệt tình.
SGI và ngày “đồng phục… quần soọc”
Sài Gòn, 6h50’ sáng 9/8…
Tại đại bản doanh của SGI, những cán bộ tươm tất, lịch sự và bận rộn thường ngày đã được thay thế bằng một hình ảnh hoàn toàn mới, rất đời thường, gần gũi và cũng không kém phần trẻ trung và năng động trong những bộ trang phục cực kỳ “xì po”: áo thun, quần soọc. Dường như ai cũng “thấm nhuần” tư tưởng của Ban tổ chức (BTC) đã dặn dò kỹ lưỡng từ trước đó.
Ai cũng háo hức trước giờ khởi hành, rất nhiều người trong 30 học viên ấy chưa lần nào tham dự những khóa huấn luyện Team Building, và tôi cũng nằm trong số ấy.
35’ và sự cộng hưởng bộ não
Hàm Tân 1h30 chiều…
Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, chúng tôi được chia làm 4 đội: Ban Truyền thông trộn lẫn với Phòng Kế toán, SGI chung nhóm với KBC, SGI Hà Nội cùng hàng với SCC và MCC ngồi lẫn với Naviland. Rồi các Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám độc đột nhiên “tụt hạng” trở thành thành viên dưới sự "chỉ đạo" của các Trưởng nhóm.
Trò chơi đầu tiên là trò tưởng như đơn giản nhưng lại hóa om sòm nhất: Trong vòng 35’ phải đặt tên cho nhóm, vẽ logo, nghĩ ra sologan và nhiệm vụ khó khăn nhất là sáng tác 1 bài hát cho nhóm. Sau 35’, các màn trình diễn sôi động và sáng tạo của các nhóm lần lượt trình làng. Nhóm tiên phong là Đàn Kiến (gọi tắt là đội Kiến) do Anh Trọng Hòa, Naviland dẫn đầu rồi đến đội Kết Tân do chị Phương Thủy SGI cầm trịch, đội Cướp biển Lagi của anh Tuấn Dũng SGI Hà Nội và đội Cướp biển Lagidê (gọi tắt là đội Dê) của chị Triệu Thanh SQC.
Khi tín hiệu cho trò chơi đầu tiên được bắt đầu, thốt nhiên, dường như không ai còn để ý đến việc mình đang là lãnh đạo cao cấp của những công ty lớn, các trưởng/phó phòng cũng tự nhiên chẳng còn thấy dè dặt trước các sếp của mình như mọi ngày. Họ, đơn giản chỉ còn khái niệm là đồng đội của nhau, cũng háo hức phân công nhiệm vụ và cũng sẵn sàng sôi nổi tranh luận…
Điều gì khiến cho chỉ trong một thời gian cực ngắn, 35’ mà các đội có thể hoàn thành xuất sắc từng ấy công việc? Câu trả lời chỉ gói gọn trong 5 từ: sự cộng hưởng bộ não.
Cùng bước - chuyện không đơn giản!
“Đồ dùng” cho trò chơi lần này có vẻ đơn giản hơn: chỉ là 2 que gỗ dài chừng 1m và khoảng 3,5m dây nilon. Nhiệm vụ của các đội là làm thế nào đứng lên que gỗ, buộc chân của các thành viên lên que gỗ, cùng tiến về phía trước khoảng 3m rồi quay lại. Nhìn thì ngỡ như đơn giản nhưng khi bắt đầu thì mới biết: Đã có đội bị ngã dúi vào nhau, có đội mãi 30’ vẫn không thể tiến được nửa mét. Nhiều đội bị đứt hết dây, phải thay thế bằng dây giày… Lúc này, chúng tôi mới thâm thía câu hỏi nhỏ của người trợ giảng: “Các bạn không để dành dây cho tình huống dây bị đứt à?”.
Và với sáng kiến không buộc chân thành viên mà buộc các sợi dây vào que gỗ, xỏ ngón chân kẹp sợi dây như kiểu dép xỏ ngón, đội Cướp biển Lagi đã về nhất trong khi các đội khác vẫn còn loay hoay ở vạch xuất phát.
Qua trò chơi này, cũng như ở các phần thi kế tiếp như phiên bản Tam sao thất bản, dập lửa, đỏ đen, tháp người, thi aerobic và biểu diễn thời trang… (các thành viên luân phiên thay nhau làm đội trưởng của mỗi trò chơi), có lẽ mọi người trong chúng tôi đều một lần nữa hiểu rõ hơn vai trò của người đội trưởng, của việc lập kế hoạch, tính sáng tạo trong việc lập kế hoạch, phương án rủi ro, kỹ năng đàm phán và đặc biệt nhất là sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên trong êkip trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, dù đó chỉ đơn thuần là trò chơi. Tôi tin chắc rằng, đằng sau những tiếng cười của trò chơi đồng đội mang lại, tất cả các thành viên trong đoàn đều nhận ra những điều ngỡ như vô cùng đơn giản lại có thể ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của đơn vị mình như thế nào.
Vĩ thanh
Những cảm xúc, ấn tượng và cảm giác đọng lại sâu sắc trong tất cả các thành viên tham dự, không chỉ về những ý nghĩa áp dụng cho công việc đằng sau mỗi trò chơi được nhận ra quá giản dị, không chỉ về những bài học, tình huống nảy sinh bất ngờ không hề có trong giáo án, mà hơn hết, họ nhận ra, một sự gắn kết mới được hình thành giữa họ và những sức mạnh không ngờ của công ty mình…… Khi viết những dòng này, tay tôi vẫn hơi run run bởi lòng quá rạo rực những cảm giác ngỡ ngàng nhận ra từ chuyến đi và kèm theo nỗi hồi hộp của trách nhiệm: làm sao để sử dụng linh hoạt và có hiệu quả những bài học giản dị ấy vào công việc của bộ phận mình phụ trách? Và tôi tin, không ai đã tham gia khóa tập huấn vừa rồi muốn mắc nợ câu trả lời…
My Lăng