Điều gì sẽ xảy ra với thị trường bất động sản 2019?

Viết bởi  - Thứ tư, 12 Tháng 12 2018

04

Dù thị trường có dấu hiệu chững lại ở một vài phân khúc, song nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ xuất hiện thêm nhiều dòng vốn tiếp tục đổ vào thị trường địa ốc

Tại sự kiện Tọa đàm về “Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng và Cơ hội đầu tư” do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, giới chuyên gia trong ngành đã dự báo về bức tranh thị trường BĐS năm 2019.

Theo đó, nhiều khả năng dòng vốn sẽ chảy mạnh hơn khi các doanh nghiệp trong nước ngày càng năng động hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới.

Nhìn tổng quan thị trường, ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định rằng trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, có thể dự báo thị trường bất động sản 2019 tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra “bong bóng" bất động sản.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phấn, thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.

Dưới góc độ là nhà phát triển dự án bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT HD Mon Holdings, cho rằng nhu cầu ở của người dân Việt Nam hiện nay rất cao, nhất là ở thành phố lớn tập trung rất nhiều người ngoại tỉnh đến. Chưa kể, tính sở hữu của người dân Việt Nam chúng ta cũng cao. Do đó, nhu cầu nhà ở cho người dân rất cao, sẽ còn tăng, nhất là thị trường nhà ở phù hợp với túi tiền.

01

GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cho biết thêm nếu nhìn 2017, thấy 2018, thị trường bất động sản tốt hơn thì theo đó, năm 2019 cũng tốt hơn rất nhiều, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng tăng bao nhiêu cũng không đủ, không cần lo bong bóng hay thừa cung, dư địa còn rất nhiều. 

"Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm condotel, tôi cho rằng đó là lo xa, chưa cần thiết. Trong khi đó, phân khúc nhà ở có chuyển động tốt nhưng cần sự điều chỉnh về mặt chính sách, hướng phát triển", ông Võ cho biết thêm.

02

Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Vũ Thiên Diễm, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, thì cho rằng thị trường bất động sản trong năm 2019 tại TP.HCM sẽ không sôi động hoàn toàn nhưng cũng sẽ không có việc đi xuống, mà sẽ đi ngang. Ngoài ra, thị trường sẽ đứng trước nhiều thách thức, trước hết là do thiếu hụt quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp và phân khúc nhà ở bình dân.

Cũng theo vị nữ giám đốc này, trong năm 2019 phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, phát triển bền vững của thị trường và có tính thanh khoản cao nhất. Phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, phải đối diện với nhiều thách thức rất lớn. Còn lại, sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt, các dự án sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Phân khúc condotel sẽ tiếp tục xu thế chững lại và giá cả hợp lý hơn.

Tuy nhiên, đằng sau "màu hồng" của thị trường bất động sản của một năm mới sắp đến, nhiều chuyên gia cho biết vấn đề quan trọng nhất là làm sao nhanh chóng tháo gỡ được các "điểm nghẽn" để giúp doanh nghiệp triển khai nhanh dự án.

Về các khó khăn "bủa vây" doanh nghiệp, bà Diễm cho biết thêm đối với từng doanh nghiệp, mọi yếu tố chính sách đều có khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề điểm nghẽn nào lớn nhất thì cũng phải tùy vào từng dự án, tùy từng chủ đầu tư. Nhưng nhìn chung những khó khăn đó làm khó doanh nghiệp.

 

Nhận định về dòng vốn đổ vào thị trường BĐS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, trong 3 năm vừa qua, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng trưởng theo từng năm. Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.

"Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một cao, nhiều nút thắt về thủ tục pháp lý liên tục được tháo gỡ, tôi cho rằng trong giai đoạn tới thị trường sẽ đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư mới. Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện nay đã rất chủ động tự tìm kiếm cho mình một nguồn vốn thay thế tín dụng ngân hàng. Trong đó, các doanh nghiệp đã tái cơ cấu mạnh để niêm yết lên sàn chứng khoán, bắt tay với nhiều đối tác là quỹ đầu tư ngoại cùng hợp tác phát triển dự án. Do vậy, chúng ta không quá lo là vốn đầu tư BĐS sẽ "tắt" một khi các ngân hàng "khép" bớt cửa cho vay", TS. Hiếu cho biết thêm.

03

Đồng tình với quan điểm này, ông Sử Ngọc Khương nói thêm rằng các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam hiện có thể phân làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất quan tâm đến các tài sản tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng , trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ và khách sạn. Đặc điểm chung của loại bất động sản này là đều nằm ở khu trung tâm, nhà đầu tư có thể mua và có thể khai thác ngay lập tức. Đây là hướng đi dành cho các nhà đầu tư tài chính vì họ không có kinh nghiệm đầu tư dự án .

Nhóm thứ hai tập trung vào phát triển, và đa số trong nhóm này hướng đến việc phát triển nhà ở. Họ phối hợp với các nhà đầu tư trong nước, nhất là các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất để phát triển. Với các nhà đầu tư này, cái mà họ mang đến Việt Nam không chỉ là vốn mà còn là kinh nghiệm đầu tư phát triển dự án của họ ở nước sở tại.

Theo Trí Thức Trẻ

Đối tác chiến lược