Sự bùng nổ công nghệ gây ra khoảng cách giàu nghèo quá lớn ở Trung Quốc

Viết bởi  - Thứ năm, 20 Tháng 9 2018

photo1537408070268 1537408070268637196853

Tình trạng người giàu ngày càng trở nên giàu có hơn ở Trung Quốc đang "đe doạ" kế sinh nhai của hàng loạt công nhân có trình độ thấp.

Chen Lulu, một công nhân sống tại Thâm Quyến, mua tất cả những đồ dùng từ chiếc ô cho đến cuộn giấy vệ sinh trên Pinduoduo, một trang web mua sắm với vô số những sản phẩm giá rẻ. Những sản phẩm tương tự tại các siêu thị nằm ngoài khả năng chi trả của cô.

Chen đến từ một ngôi làng nghèo ở tỉnh An Huy, cô đã làm việc tại một tiệm làm móng gần trung tâm thành phố Thâm Quyến từ năm 2015. Mỗi tháng, cô phải trả 3000 NDT (436 USD) cho một căn hộ hai phòng ngủ trong khu ổ chuột của thành phố, trong khi thu nhập của cô chỉ khoảng 4000 đến 5000 NDT.

"Các loại chi phí sinh hoạt ở Thâm Quyến đang tăng cao, nhưng việc kiếm tiền lại ngày càng khó khăn hơn." - Chen nói.

Người giàu ngày càng giàu hơn, còn người lao động lại không có cơ hội thăng tiến

Việc Chen phải sử dụng những sản phẩm được bày bán trên Pinduoduo lại là sự trớ trêu. Trong một thập kỷ qua, sự bùng nổ internet tại Trung Quốc đã tạo ra một danh sách dài các tỷ phú. Nhà sáng lập Pinduoduo - Colin Huang - là một trong số đó. Giá trị tài sản ròng của ông là 9,89 tỷ USD chỉ sau đợt IPO 1,6 tỷ USD vào tháng 7 vừa rồi.

Tuy vậy, thế hệ giàu có này lại không làm gì nhiều để giúp đỡ những người nghèo nhất của đất nước. Trong khi đó lại có rất nhiều người bị mắc kẹt bởi những công việc vất vả, ít có triển vọng trong bối cảnh nền kinh tăng trưởng chậm và căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ở trường hợp của Chen, khi số tiền thuê nhà cô phải trả đã tăng gấp đôi trong vòng 3 năm qua thì thu nhập chỉ tăng ở mức vài trăm NDT. Điều này một phần là do các tiệm làm móng buộc phải cắt giảm các loại chi phí, bởi các khách hàng thường tìm kiếm dịch vụ giảm giá trên các trang web.

Hệ số Gini, chỉ số đo lường về mức độ bất bình đẳng trong thu nhập, đã cho thấy những con số khả quan hơn từ năm 2008 nhưng lại trở nên tồi tệ hơn trong vòng 2 năm trở lại đây. Hệ số trên mức 0,4 mang dấu hiệu cảnh báo về mức độ bất bình đẳng đang ở ngưỡng nguy hiểm, kèm theo nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị gia tăng. Năm ngoái, con số này là 0,467, tăng từ 0,462 vào năm 2017, theo thống kê của nhà nước. Rất nhiều học giả và các tổ chức độc lập tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Nghiên cứu sâu hơn về những con số này còn cho thấy một kịch bản đáng lo ngại hơn. Theo số liệu từ Đại học Bắc Kinh, 1% dân số năm giữ 1/3 tổng tài sản của Trung Quốc, trong khi 25% còn lại chỉ nắm giữ 1%.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc đã giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhưng những thay đổi gần đây từ sản xuất thông thường sang các ngành công nghiệp giá trị gia tăng đã khiến sự chênh lệch về khoản thu nhập của người dân ngày càng cao. Những khoản thưởng cho các CEO và kỹ sư của các công ty công nghệ là rất hào phóng, nhưng hàng trăm nghìn nhân viên sản xuất chỉ nhận được "một mẩu vụn" so với số tiền trên, trong đó bao gồm các nhân viên phân phối sản phẩm cho các trang web thương mại điện tử và tài xế.

Cũng chật vật kiếm sống từng ngày với trình độ thấp như Chen Lulu, Chen Jinhua "làm việc" cùng chiếc xe máy của mình 10 tiếng mỗi ngày, là người giao thực phẩm của Meituan Dianping - nền tảng giao thực phẩm lớn nhất Trung Quốc. Mỗi tháng, anh kiếm được khoảng 7000 NDT, nhiều hơn thu nhập khi làm việc tại nhà máy, nhưng anh vẫn chưa hài lòng với số tiền đó.

Anh nói với phóng viên của Nikkei rằng: "Công việc này có nhiều áp lực hơn thế. Chúng tôi không thể đến muộn dù chỉ là một phút". Anh cho biết, anh thường xuyên phải vượt đèn đỏ hoặc đi sai làn đường để có thể đến địa điểm giao hàng đúng giờ.

Nếu làm đổ thức ăn hoặc giao hàng muộn, anh sẽ phải trả tiền cho toàn bộ đơn hàng đó. Nhưng điều khiến anh thất vọng hơn cả, đó là không có cơ hội thăng tiến. Anh không học được những kĩ năng mới khi làm việc, và anh cũng chẳng thể làm việc ở một vị trí nào khác trong công ty công nghệ.

Tuy vậy, Chen Lulu và Chen Jinhua lại may mắn hơn so với những công nhân nhập cư hay những người vẫn đang vật lộn từng ngày để kiếm sống ở các vùng nông thôn. Năm 2017, trung bình mỗi người sống ở vùng nông thôn chỉ kiếm được số tiền bằng 1/3 so với người sống ở các đô thị, thu nhập hàng năm là khoảng 13.432 NDT.

Chênh lệch giàu nghèo có thể gây ra những rủi ro về bất ổn xã hội

Hiện tại, Bắc Kinh đang rất quyết tâm trong việc xoá nghèo, năm 2015, chủ tịch Tập Cận Bình đã nói kế hoạch này sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Điều đó có nghĩa là sẽ không có bất kỳ người dân Trung Quốc nào phải sống với mức thu nhập 2300 NDT mỗi năm. Tính đến năm 2017, số người nghèo vẫn rất cao, khoảng 30 triệu người. Mục tiêu của ông Tập có vẻ như một "cú sút xa", kéo theo nhiều mối lo ngại về nguy cơ thất nghiệp hàng loạt trong lĩnh vực sản xuất khi cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày một căng thẳng.

 

Cuộc chiến thương mại có thể sẽ mang lại những hậu quả đáng gờm. JPMorgan ước tính rằng Trung Quốc sẽ mất khoảng 700.000 việc làm nếu Mỹ áp đặt mức thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc.

Li Shi, giáo sư kinh tế học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phố và các vùng nông thôn đã thu hẹp dần nhờ số tiền những công nhân nhập cư mang lại. Nếu người lao động không được tăng thu nhập hoặc mất việc làm thì sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn sẽ cao trở lại và hệ số Gini sẽ có diễn biến tồi tệ hơn.

Mới đây, Bắc Kinh đã cam kết tăng gói hỗ trợ tài chính cho các nước châu Phi với 60 tỷ USD, dấy lên làn sóng phản đối trên các phương tiện truyền thông nước này, họ cho rằng số tiền này nên được sử dụng để cải thiện kế sinh nhai của người dân trong nước khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phát triển chậm lại.

Willy Lam, một phê bình gia chính trị, cho biết: "Trung Quốc không thực sự là một quốc gia giàu có." Nhiều người dân thuộc tầng lớp thấp nhất của xã hội cảm thấy mức sống của họ ngày càng tồi tệ khi chi phí nhà ở và y tế rất cao. Ông nói thêm: "Quy mô về bất ổn xã hội sẽ tăng. Chính quyền không thể giải quyết tình trạng này bằng cách chỉ sử dụng lực lượng cảnh sát để duy trì sự ổn định."

Bên cạnh những rủi ro về xã hội, sự chênh lệch về mức thu nhập sẽ cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng nền kinh tế định hướng tiêu dùng, khiến nước này trở nên yếu thế hơn trong cuộc chiến thương mại do phụ thuộc vào các hoạt động xuất khẩu và đầu tư.

Chính phủ Trung Quốc dường như cũng nhận thấy sự thay đổi về chính trị. Sau một cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 7, họ đã đưa ra một tuyên bố rằng nhà nước cam kết sẽ ổn định nền kinh tế khi đối mặt với "những thách thức mới". Trong đó, vấn đề việc làm được đặt lên hàng đầu trong số 6 lĩnh vực khác đó là tài chính, thương mại quốc tế, đầu tư, đầu tư nước ngoài và "những kỳ vọng".

 Theo Trí thức trẻ/Nikkei

Đối tác chiến lược