Đầu tư bất động sản tỉnh lẻ: 4 bí quyết để nhà đầu tư không vị chôn vốn

Viết bởi  - Thứ hai, 02 Tháng 3 2020

Việc “đánh bắt xa bờ” đem lại cơ hội mới, song nhà đầu tư vẫn có thể gặp rủi ro, thậm chí thua lỗ nếu không nắm những nguyên tắc cơ bản.

Bất động sản tỉnh lẻ hâm nóng thị trường đầu năm

Trong thời gian qua, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, ngày càng khan hiếm nguồn cung do các dự án bị ách tắc thủ tục đầu tư. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sóng đầu tư về thị trường vùng ven thành phố hoặc các địa phương tỉnh lẻ để tìm cơ hội mới. Tại phía Bắc, các tỉnh như hải Phòng, thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên… hàng loạt dự án rục rịch khởi động.

Điển hình như hàng loạt dự án lớn như: Vinhome Imperia, Hoàng Huy Riverside, hay Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê 72 tầng của Tập đoàn FLC… đã đánh dấu bước phát triển mới cho thị trường bất động sản Hải Phòng.

Trong khi đó, tại phía nam, hàng loạt các dự án tại Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bình Định… đã giúp hâm nóng thị trường bất động sản trong đầu năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc phát triển quỹ đất mới tại các địa phương khác ngoài Hà Nội và TP.HCM luôn được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển của mình.

Hàng loạt doanh nghiệp đổ về tỉnh lẻ để xây dựng các dự án. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

Hàng loạt doanh nghiệp đổ về tỉnh lẻ để xây dựng các dự án. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

“Lý do là quỹ đất tại các thị trường chính như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, thủ tục pháp lý khó khăn. Bên cạnh đó, các thị trường này đã phát triển ổn định nên giá đất, suất đầu tư được định giá rất cao, lợi nhuận mang lại không thực sự hấp dẫn các chủ đầu tư. Để có bước phát triển mới, các doanh nghiệp bất động sản phải hướng đến những vùng đất mới tiềm năng hơn. Hơn nữa, kết nối hạ tầng giao thông ở các địa phương trên cả nước đang phát triển rất mạnh cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản tỉnh”, ông Đính nói.

Tuy nhiên, thị trường tỉnh không hoàn toàn là “miền đất hứa” mà vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như nguồn cung quá lớn, giá trị đất có thể không tăng như kỳ vọng… Thậm chí, một số điểm nóng khi nhiều dự án cùng lúc được triển khai nhà đầu tư sẽ mắc kẹt trong cơn sốt đất cục bộ và bài toán hạ tầng. Sự phát triển quá nhanh, mang tính phong trào và tự phát ở một số nơi cũng đang gây ra những lo ngại nhất định.

Làm thế nào để không bị chôn vốn

Theo các chuyên gia, việc “đánh bắt xa bờ” tuy mở ra cơ hội mới, song nếu nhà đầu tư không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản vẫn có thể gặp rủi ro, thậm chí thua lỗ.

1. Hiểu rõ khu vực định đầu tư

Trong đầu tư bất động sản, việc nắm rõ thông tin về quy hoạch, hạ tầng của địa bàn định đầu tư rất quan trọng. Thực tế, những thay đổi về hạ tầng, quy hoạch luôn là chỉ hướng cho các đợt sốt nóng, tăng giá bất động sản. Do đó, khi khoanh vùng đầu tư, nên hướng tới những địa bàn có tiềm năng thay đổi hạ tầng, chẳng hạn những nơi có công nghiệp phát triển mạnh, hay nằm gần các đô thị lớn, thu hút nguồn vốn FDI…

Nhà đầu tư cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản để tránh rủi ro chôn vốn khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ. Ảnh: bao giaothong.vn

Khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ, nhà đầu tư cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản để tránh rủi ro chôn vốn. Ảnh: bao giaothong.vn

2. Không đầu tư theo tâm lý đám đông

Bài học thất bại của không ít nhà đầu tư khi đầu tư vào bất động sản tỉnh lẻ trong 3 năm gần đây choo thấy việc đầu tư theo tâm lý đám đông khiến nhà đầu tư dễ bị chôn tiền vào đất khi dính phải dự án ma hay không thể thu hút cư dân về sinh sống.

Vì vậy, muốn đầu tư bất động sản tỉnh lẻ, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ thị trường. Tránh tình trạng ồ ạt đổ về địa phương khiến bất động sản tại đó phát triển quá nóng, lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu mua thực không nhiều, dẫn đến thất bại, nguy cơ chôn vốn cao.

3. Kết hợp với môi giới địa phương

Để tránh mua phải những dự án ma, các nhà đầu tư cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của bất động sản, thông qua việc trực tiếp đi tìm hiểu, xác minh thông tin, nhà đầu tư có thể thông qua môi giới địa phương để giải đáp các thắc mắc như: Dự án có chủ trương đầu tư hay quy hoạch 1/500 chưa, nguồn gốc đất dự án có phải là đất nông nghiệp không, tiến độ triển khai dự án thế nào, có đúng theo quy định của Nhà nước không…?

4. Kiểm soát tài chính và đầu tư theo nhóm

Để hạn chế tối đa rủi ro khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ, nhà đầu tư cần phải cân nhắc tiềm lực tài chính. Bởi khi đầu tư vào các dự án bất động sản tỉnh lẻ quy mô lớn, thời gian phát triển dài thì nhà đầu tư phải chủ động được dòng vốn, nếu chỉ sử dụng đòn bẩy tài chính thì rủi ro rất cao.

Bên cạnh đó, đầu tư bất động sản theo nhóm cũng là phương án giúp nhà đầu tư gia tăng cơ hội thành công khi làm việc với những người có cùng chí hướng, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và gánh nặng tài chính.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Đối tác chiến lược