Financial Times: Các quỹ thị trường mới nổi đang đầu tư mạnh vào chứng khoán Việt Nam

Viết bởi  - Thứ ba, 17 Tháng 9 2019

Các nhà quản lý quỹ thường thận trong và không đầu tư quá nhiều vào các thị trường, vốn không nằm trong chỉ số mà các quỹ thường mô phỏng.

Dù vậy, khoảng 1/5 các nhà quản lý vốn cổ phần thị trường mới nổi (EM) hiện đang sở hữu cổ phiếu tại Việt Nam, mặc dù đất nước không nằm trong chỉ số MSCI, FT nhận định.

Cụ thể, 19,7% quỹ đầu tư EM trên toàn cầu hiện đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam, gấp ba lần so với đầu năm 2014, theo dữ liệu từ Copley Fund Research, vốn theo dõi 193 quỹ với lượng tài sản kết hợp trị giá 350 tỷ USD.

Con số này minh chứng cho sự hào hứng của các nhà đầu tư ngoại với Việt Nam, vốn được cho là người chiến thắng lớn nhất từ ​​cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, với một loạt các công ty chuyển đến đây để thoát khỏi thuế quan thương mại ngày càng leo thang.

"Từ góc độ nhà đầu tư, Việt Nam là nước hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung", ông Steven Holden, giám đốc điều hành của Copley Fund Research, cho biết.

Ông Roddy Snell, người quản lý Quỹ Baillie Gifford Pacific, phân bổ 11,3% danh mục vào cổ phiếu Việt Nam, cho biết đây là "câu chuyện tăng trưởng cơ cấu tốt nhất ở châu Á (trừ Nhật Bản), tại các thị trường mới nổi".

Theo dữ liệu của Copley, kể từ năm 2011, bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đã thúc đẩy ngày càng nhiều nhà quản lý quỹ đến Việt Nam, và đất nước hiện chiếm 0,26% danh mục của các quỹ thị trường mới nổi toàn cầu.

Mặc dù đây không phải là một con số lớn, nhưng đó là một động thái khác thường của các nhà quản lý danh mục đầu tư EM, khi họ phân bổ danh mục với một tỷ lệ như vậy vào thị trường mới nổi hoặc cận biên không nằm trong chỉ số MSCI.

Việt Nam dự kiến ​​sẽ đạt tiêu chuẩn của MSCI vào tháng 5 năm 2020. Phân bổ danh mục của các quỹ EM vào Việt Nam nhiều gấp 2,5 lần so với Ả Rập Saudi và cao hơn cả Cộng hòa Séc và Pakistan, vốn là những nước nằm trong chỉ số MSCI.

aa

  1. Tỷ lệ số quỹ thị trường mới nổi có đầu tư vào Việt Nam (đường màu xanh, tham chiếu cột bên trái)
  2. Tỷ trong phân bổ danh mục của các quỹ thị trường mới nổi vào chứng khoán Việt Nam (đường màu đỏ, tham chiếu cột bên phải).

Chuyên gia quốc tế nhận định rằng, nhờ vị thế giao thương độc đáo của mình, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút các nhà sản xuất nước ngoài quy mô lớn, xu hướng này tăng tốc sau khi Washington áp thuế quan thương mại lên Trung Quốc, điều này giúp Việt Nam có thặng dư thương mại song phương lớn thứ năm với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản và Đức.

Trong khi điều này có lợi cho nền kinh tế Việt Nam, việc thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia vào Việt Nam cũng không phải là sự đảm bảo rằng, dòng vốn sẽ chảy mạnh vào chứng khoán Việt Nam

Thay vào đó, các nhà quản lý quỹ lại tập trung vào các cổ phiếu và lĩnh vực tại Việt Nam, mà họ tin rằng sẽ được hưởng lợi từ chi tiêu tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Ông Snell nói rằng Việt Nam có “nhiều công ty tốt và đang được giao dịch với định giá rẻ: với cùng tốc độ tăng trưởng, giá cổ phiếu của các công ty Việt Nam đang thấp hơn 40-50% so với các công ty cùng ngành tại các nước khác tại Châu Á”. Hơn nữa, ông lập luận rằng thanh khoản không còn là mối lo ngại lớn, khi giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã lên mức khoảng 300 triệu USD/ngày.

Tuy nhiên, một số rào cản vẫn còn, chẳng hạn như giới hạn nước ngoài sở hữu đối với một số cổ phiếu. Đây là lý do chính khiến Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được đưa vào chỉ số MSCI, FT nhận định.

Những giới hạn này đồng nghĩa các nhà đầu tư ngoại thường phải một mức giá cao hơn giá niêm yết trên sàn giao dịch, để mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư nước ngoài khác, khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài của cổ phiếu đó đã chạm trần giới hạn sở hữu.

Ông Mr Snell chia sẻ với FT rằng: “Đó là một trong những lý do chính khiến chúng tôi không đầu tư nhiều vào Việt Nam. Chúng tôi muốn mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG)  nhưng hiện tại phải mua với mức giá cao hơn 30%.”

Dù vậy, ông Holden vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, vì cho rằng đất nước sẽ sớm được đưa vào chỉ số MSCI. Ông cho biết: “Nhiều khả năng khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được thêm vào danh sách theo dõi của MSCI để nâng cấp thành thị trường mới nổi. Và các quỹ có thể sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam nếu điều này trở thành hiện thực".

Theo nguồn FT

Đối tác chiến lược