Công nghệ ứng dụng “đua nhau” vào bất động sản

Viết bởi  - Thứ ba, 13 Tháng 8 2019

Nhà ở và văn phòng là hai phân khúc thu hút công nghệ ứng dụng (Proptech) nhiều nhất khi có sự quan tâm mạnh từ cả người bán và người mua.

Theo JLL, công nghệ ứng dụng (Proptech) trong lĩnh vực bất động sản phát triển  mạnh nhất trong phân khúc nhà ở và văn phòng. Hai phân khúc này ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ đến từ cả phía nhà phát triển lẫn khách thuê mua, chiếm hơn 50% trong tổng số các công ty proptech trên thị trường.

Theo danh sách hệ sinh thái PropTech tại Việt Nam của Finrei, PropTech được áp dụng nhiều nhất vào nhà ở, nổi bật nhất là các trang web giới thiệu và liệt kê các bất động sản nhà ở, tư vấn các giao dịch, mua bán, cho thuê và quản lý dự án.

PropTech còn được áp dụng rộng rãi trong mảng co-working (không gian làm việc chung), khi thị trường tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ, công nghệ thông minh đóng vai trò rất quan trọng giúp chủ nhà và khách thuê tối ưu hóa các không gian cần thiết trong một văn phòng.

JLL ghi nhận phân khúc văn phòng thông minh có sự tăng trưởng lớn, nhờ vào các bản thiết kế mới liên quan đến ít nhất một khía cạnh của công nghệ thông minh như hệ thống chiếu sáng và trung tâm điều hòa không khí có chức năng tiết kiệm năng lượng.

Hiện nay, PropTech không chỉ phục vụ trực tiếp cho phân khúc nhà ở và văn phòng mà còn được phát triển để phục vụ những ngành công nghiệp liên quan như khách sạn, nghiên cứu thị trường, xây dựng, quản lý quỹ...

Theo ông Jeriel Tan, Trưởng phòng Marketing Technode.com thì những ứng dụng PropTech không chỉ phục vụ khách hàng trong thời gian ngắn mà còn có tầm ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn của chính phủ, tính bền vững và biến đổi khí hậu bởi môi trường tự nhiên và nhân tạo thay đổi nhanh chóng.

50% công ty công nghệ ứng dụng trong bất động sản quan tâm đến phân khúc nhà ở và văn phòng. Ảnh: Kinhtedothi.vn

Kết hợp cùng Fintech: Xu hướng PropTech trong tương lai

JLL cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế hớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp PropTech tại Việt Nam. Thực tế, có đến 80% doanh nghiệp PropTech là các nhà khởi nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Một số công ty PropTech trong nước được thành lập và khá phổ biến trong giới bất động sản đang trên đà phát triển nhanh chóng.

Những công ty Proptech tại Việt Nam đã bắt đầu hợp tác với các nhà Fintech - thuật ngữ chỉ sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ. “Chúng tôi kỳ vọng phân khúc nhà ở sẽ trở thành cầu nối đầu tiên giữa PropTech và FinTech. Có thể thấy các công ty quản lý bất động sản đang tìm cách để kết nối và lồng ví điện tử vào các ứng dụng quản lý của họ nhằm nâng cao dịch vụ và trải nghiệm người dùng,”, JLL nhấn mạnh.

Các trang web giao dịch bất động sản cũng đã bắt tay với các các đơn vị cung cấp ví điện tử, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đóng và thu các khoản phí. Tuy nhiên, các thương vụ tích hợp này sẽ mất khá nhiều thời gian do Việt Nam vẫn là quốc gia giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt và thẻ tín dụng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.

Dự báo bức tranh PropTech trong tương lai sẽ tươi sáng nhờ vào tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư luôn sẵn sàng đổ vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam.

Trong khi không nhiều chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động thông minh. Đây là thời điểm tốt dành cho các chủ đầu tư nhỏ hơn hoặc mới gia nhập thị trường định vị thương hiệu với mô hình này.

Tuy nhiên, đại diện JLL cho biết, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, giúp các công ty mới dễ dàng thâm nhập thị trường công nghệ. Chi phí từ đó sẽ giảm khi có nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường trong nước. Để proptech thật sự phát triển, Việt Nam cũng cần nâng cấp chất lượng kết nối mạng.

Theo Báo Nhịp Cầu Đầu Tư

Đối tác chiến lược