Tin tức

Ngô Thị Lam Vân

Ngô Thị Lam Vân

Dù thị trường ảm đạm vào quý đầu của năm 2020 nhưng thời điểm trước đó nhiều khu vực ở các tỉnh phía Nam có giá nhà đất tăng chóng mặt trong năm 2019. Với việc đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, nhiều chuyên gia dự báo giá đất còn tăng trong tương lai.

Giá đất Nhơn Trạch tăng trung bình khoảng 50%

Theo ghi nhận của giới kinh doanh, giá đất tại huyện Nhơn Trạch từ đầu năm 2019 đến cuối năm có mức tăng dao động khoảng 40% đến 60% tùy từng khu vực. Mức tăng nhiều nhất ghi nhận tại các xã gần Phà Cát Lái như xã Phú Hữu, xã Đại Phước…

Theo khảo sát, giá đất nền tại xã Phú Đông, nền diện tích 100m2 đầu năm 2019 có giá 1.2-1.3 tỉ đồng/nền, hiện nay vào khoảng 1.7-1.8 tỉ đồng/nền. Một số khu đô thị dưới xã Long Thọ, Phước An đầu năm 2019 các nền dao động ở mức 700-750 triệu đồng, hiện giá là 1-1.1 tỉ đồng/nền.

 3 nơi tại khu vực phía Nam có giá đất tăng phi mã trong năm qua - Ảnh 1.

Riêng đất nông nghiệp lâu năm tại khu vực này ghi nhận mức tăng giá nhiều nhất. Tại xã Phú Đông, 1.000m2 đất lúa hiện tại giá đã khoảng 1.1 tỉ đồng, trong khi đầu năm 2019 có giá khoảng 550-600 triệu đồng/1.000m2. Đất trồng cây lâu năm từ 600-700 triệu đồng/1 công (1.000m2) hiện đã tăng lên 1.2-1.4 tỉ đồng/1 công. Có những công đất nằm ở vị trí đẹp, hiện rao bán với giá 1.8-1.9 tỉ đồng/1.000m2.

Theo dự tính của giới đầu tư, khi có thông tin chính thức thời gian động thổ cầu Cát Lái (nối Q.2, Tp.HCM với huyện Nhơn Trạch) giá đất tại khu vực này có thể tăng gấp đôi, gấp 3 so với thời điểm hiện tại. Hiện thông tin xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành cũng đã khiến giá đất tại các xã ráp ranh với Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu như Long Thọ, Phú Hội, Vĩnh Thanh….rục rịch ở thời điểm này.

Mặc dù khu vực này hiện đầu năm 2020 thị trường có chậm do dịch Covid-19 nhưng theo dự báo, mức độ tăng giá BĐS tại thị trường này vẫn sẽ tiếp diễn khi các thông tin hạ tầng đang dần lộ diện.

Giá đất Long Thành tăng trung bình 30-35%

Đây cũng là khu vực của tỉnh Đồng Nai ghi nhận sự nhộn nhịp trong năm 2019 khi mà BĐS tại Tp.HCM khá im ắng thì nơi đây liên tục nổ ra các giao dịch, giá biến động tăng mạnh.

Theo ghi nhận, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành là yếu tố xúc tác mạnh nhất cho thị trường BĐS khu vực này nóng lên mỗi ngày. Trong khoảng 1 năm qua, thị trường Long Thành ghi nhận nhiều doanh nghiệp BĐS đến đây đầu tư các dự án khu đô thị mới, kéo theo việc giao dịch đất nền khu đô thị ở khu vực này diễn ra sôi động. Giá nhà đất ở khu vực này tăng khá mạnh, trong vòng 1 năm, mặt bằng trung bình tăng ở mức khoảng 30-35%.

Người dân địa phương cho biết, thời gian qua, giá đất tại các khu vực quanh dự án sân bay tăng mạnh, có những lô đất cuối năm 2019 tăng hơn 35% so với đầu năm 2019. Đặc biệt, giá nhà đất các khu vực phụ cận phía Nam sân bay để phát triển dịch vụ như Bàu Cạn, Tân Hiệp, Phước Bình tăng giá nhanh.

3 nơi tại khu vực phía Nam có giá đất tăng phi mã trong năm qua - Ảnh 2.

Khảo sát cho thấy mức giá hiện nay đã tăng 30-50% so với đầu năm 2019, phổ biến ở mức 15- 25 triệu đồng/m2. Những dự án nằm gần các tuyến đường lớn, thuận tiện khai thác kinh doanh có thể đạt bình quân 30-40 triệu đồng/m2. Mức tăng trung bình đạt khoảng 30%/năm trong vòng một năm qua.

Giá đất ở Long Thành tư năm 2014 – 2018 tăng trung bình từ 15-20%/năm, nhưng từ cuối năm 2018 đến nay đã tăng hơn 35%/năm.

Nếu trước đây, khi thông tín sân bay Long Thành còn chưa rõ nét thì chỉ có 1 số sàn giao dịch hoạt động tại cửa ngõ sân bay, đến nay khi thông tin về sân bay lộ rõ tình hình chộn rộn hơn hẳn, nhiều sàn mới mọc lên, lượng khách tìm về các sàn để tìm hiểu thông tin các dự án cũng “tăng nhiệt” khiến nhiều sàn mở thêm chi nhánh, tuyển thêm quân số để đáp ứng nhu cầu.

Hiệ tại, các NĐT đang kì vọng mức tăng cao khi mà sân bay và các tuyến đường kết nối sân bay đi vào hoạt động.

Giá nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trên 30%

Ngoài 2 khu vực trên, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là khu vực chứng kiến các đợt tăng giá. Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, giá đất đã tăng từ 30-50%.

Theo dữ liệu nghiên cứu từ batdongsan.com.vn, trong quý 1/2019, giá đất trung bình tại Bà Rịa - Vũng Tàu tăng đến 36% so với thời điểm quý 4/2018. Đây là mức tăng giá đất cao nhất trong số các tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Đặc biệt là khu vực trung tâm Bà Rịa, Long Điền, Tân Thành, Long Hải, Xuyên Mộc, Châu Đức đều sôi động với mức giá tăng nhanh.

Các khu vực, tuyến đường tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ mức trung bình 8-10 triệu đồng/m2 đầu năm 2019, đến cuối năm đã tăng lên 15-20 triệu đồng/m2 (tùy khu vực).

3 nơi tại khu vực phía Nam có giá đất tăng phi mã trong năm qua - Ảnh 3.

Tuyến đường Hùng Vương, Võ Văn Kiệt, Bùi Công Minh giá đất từ 20-25 triệu đồng/m2, tăng ít nhất 5-7 triệu đồng/m2. Đất gần Quốc lộ 56 các nền đất từng rao giá 800-900 triệu đồng/nền hiện tăng lên từ 1,3-1,5 tỉ đồng.

Nhà phố tại một số khu gần khu vực trung tâm TP Bà Rịa đang được giao dịch ở mức từ 45-50 triệu đồng/m2. Sự biến động giá này ghi nhận diễn ra mạnh mẽ trong năm 2018-2019. Đầu năm 2020, tại một số khu vực trên địa bàn đã có hiện tượng “nóng sốt”, giá đất nhảy múa liên tục. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn lại trở về trạng thái im ắng.

Theo đánh giá của giới đầu tư, mặc dù một số dự án mới rục rịch ra thị trường ở thời điểm này nhưng so với 2 năm trước, nguồn cung thị trường BĐS Bà Rịa - Vũng Tàu có xu hướng giảm. Trong bối cảnh pháp lý siết chặt dự báo xu hướng tăng giá còn tiếp tục diễn biến mạnh trong thời gian tới.

Theo CafeF

 

Có khoảng 18.290 ha đất tại phía Nam đã được định hướng cho phát triển công nghiệp, tập trung phần lớn ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2020

Đặc biệt, theo các chuyên gia, BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng sau Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) được chính thức kí kết trong tháng 2/2020.

Đầu năm 2020, thỏa thuận thành công EVFTA được xem là “chất xúc tác” bổ sung thêm những điều kiện thuận lợi để BĐS công nghiệp tăng tốc. Trong đó, 99% dòng thuế được cắt giảm về 0% sau 7 năm đầu tiên của hiệp định sẽ “rộng cửa” sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kéo theo chuyển dịch quy mô lớn các nhà máy sản xuất về Việt Nam.

Chưa kể, có khoảng 18.290 ha đất tại phía Nam đã được định hướng cho phát triển công nghiệp, tập trung phần lớn ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Đây được xem là động thái của BĐS công nghiệp tiếp tục xây dựng và mở rộng đón đầu sức cầu lớn của thị trường.

Trong suốt thời gian qua, BĐS công nghiệp được xem là điểm sáng trong bối cảnh thị trường khó khăn. Cuối năm 2019, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh thành phố lớn phía Bắc và Nam đạt hơn 92%, giá thuê tăng gấp 30 -40% so với 2 -3 năm trước. Lý do là Việt Nam đón nhận lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó là lĩnh vực kinh doanh BĐS với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký và tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ.

Những số liệu trên phần nào cho thấy thị trường BĐS công nghiệp sẽ còn nhiều cơ hội để đồng hành cùng các ngành nghề sản xuất trên con đường tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

BĐS công nghiệp được đánh giá là thị trường hấp dẫn tại Việt Nam vì được hỗ trợ bởi các chính sách từ Chính phủ như: miễn giảm, ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư. Đến nay trên cả nước có 326 KCN, Khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; trong đó, 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt hơn 74%. 88% các KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ là lĩnh vực nóng nhất trong năm 2020 và được đánh giá có nhiều lợi thế, khi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết trong năm 2019.

Đặc biệt, Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ các hiệp định, trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các cụm, KCN của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với BĐS công nghiệp trong nước.

Theo các chuyên gia, dầu năm 2020, thỏa thuận thành công EVFTA được xem là “chất xúc tác” bổ sung thêm những điều kiện thuận lợi để BĐS công nghiệp tăng tốc.

Theo CafeF

Việc “đánh bắt xa bờ” đem lại cơ hội mới, song nhà đầu tư vẫn có thể gặp rủi ro, thậm chí thua lỗ nếu không nắm những nguyên tắc cơ bản.

Bất động sản tỉnh lẻ hâm nóng thị trường đầu năm

Trong thời gian qua, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, ngày càng khan hiếm nguồn cung do các dự án bị ách tắc thủ tục đầu tư. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sóng đầu tư về thị trường vùng ven thành phố hoặc các địa phương tỉnh lẻ để tìm cơ hội mới. Tại phía Bắc, các tỉnh như hải Phòng, thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên… hàng loạt dự án rục rịch khởi động.

Điển hình như hàng loạt dự án lớn như: Vinhome Imperia, Hoàng Huy Riverside, hay Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê 72 tầng của Tập đoàn FLC… đã đánh dấu bước phát triển mới cho thị trường bất động sản Hải Phòng.

Trong khi đó, tại phía nam, hàng loạt các dự án tại Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bình Định… đã giúp hâm nóng thị trường bất động sản trong đầu năm 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc phát triển quỹ đất mới tại các địa phương khác ngoài Hà Nội và TP.HCM luôn được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển của mình.

Hàng loạt doanh nghiệp đổ về tỉnh lẻ để xây dựng các dự án. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

Hàng loạt doanh nghiệp đổ về tỉnh lẻ để xây dựng các dự án. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn

“Lý do là quỹ đất tại các thị trường chính như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, thủ tục pháp lý khó khăn. Bên cạnh đó, các thị trường này đã phát triển ổn định nên giá đất, suất đầu tư được định giá rất cao, lợi nhuận mang lại không thực sự hấp dẫn các chủ đầu tư. Để có bước phát triển mới, các doanh nghiệp bất động sản phải hướng đến những vùng đất mới tiềm năng hơn. Hơn nữa, kết nối hạ tầng giao thông ở các địa phương trên cả nước đang phát triển rất mạnh cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản tỉnh”, ông Đính nói.

Tuy nhiên, thị trường tỉnh không hoàn toàn là “miền đất hứa” mà vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như nguồn cung quá lớn, giá trị đất có thể không tăng như kỳ vọng… Thậm chí, một số điểm nóng khi nhiều dự án cùng lúc được triển khai nhà đầu tư sẽ mắc kẹt trong cơn sốt đất cục bộ và bài toán hạ tầng. Sự phát triển quá nhanh, mang tính phong trào và tự phát ở một số nơi cũng đang gây ra những lo ngại nhất định.

Làm thế nào để không bị chôn vốn

Theo các chuyên gia, việc “đánh bắt xa bờ” tuy mở ra cơ hội mới, song nếu nhà đầu tư không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản vẫn có thể gặp rủi ro, thậm chí thua lỗ.

1. Hiểu rõ khu vực định đầu tư

Trong đầu tư bất động sản, việc nắm rõ thông tin về quy hoạch, hạ tầng của địa bàn định đầu tư rất quan trọng. Thực tế, những thay đổi về hạ tầng, quy hoạch luôn là chỉ hướng cho các đợt sốt nóng, tăng giá bất động sản. Do đó, khi khoanh vùng đầu tư, nên hướng tới những địa bàn có tiềm năng thay đổi hạ tầng, chẳng hạn những nơi có công nghiệp phát triển mạnh, hay nằm gần các đô thị lớn, thu hút nguồn vốn FDI…

Nhà đầu tư cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản để tránh rủi ro chôn vốn khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ. Ảnh: bao giaothong.vn

Khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ, nhà đầu tư cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản để tránh rủi ro chôn vốn. Ảnh: bao giaothong.vn

2. Không đầu tư theo tâm lý đám đông

Bài học thất bại của không ít nhà đầu tư khi đầu tư vào bất động sản tỉnh lẻ trong 3 năm gần đây choo thấy việc đầu tư theo tâm lý đám đông khiến nhà đầu tư dễ bị chôn tiền vào đất khi dính phải dự án ma hay không thể thu hút cư dân về sinh sống.

Vì vậy, muốn đầu tư bất động sản tỉnh lẻ, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ thị trường. Tránh tình trạng ồ ạt đổ về địa phương khiến bất động sản tại đó phát triển quá nóng, lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu mua thực không nhiều, dẫn đến thất bại, nguy cơ chôn vốn cao.

3. Kết hợp với môi giới địa phương

Để tránh mua phải những dự án ma, các nhà đầu tư cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của bất động sản, thông qua việc trực tiếp đi tìm hiểu, xác minh thông tin, nhà đầu tư có thể thông qua môi giới địa phương để giải đáp các thắc mắc như: Dự án có chủ trương đầu tư hay quy hoạch 1/500 chưa, nguồn gốc đất dự án có phải là đất nông nghiệp không, tiến độ triển khai dự án thế nào, có đúng theo quy định của Nhà nước không…?

4. Kiểm soát tài chính và đầu tư theo nhóm

Để hạn chế tối đa rủi ro khi đầu tư bất động sản tỉnh lẻ, nhà đầu tư cần phải cân nhắc tiềm lực tài chính. Bởi khi đầu tư vào các dự án bất động sản tỉnh lẻ quy mô lớn, thời gian phát triển dài thì nhà đầu tư phải chủ động được dòng vốn, nếu chỉ sử dụng đòn bẩy tài chính thì rủi ro rất cao.

Bên cạnh đó, đầu tư bất động sản theo nhóm cũng là phương án giúp nhà đầu tư gia tăng cơ hội thành công khi làm việc với những người có cùng chí hướng, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và gánh nặng tài chính.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Từ thời điểm thông tin quy hoạch Vân Đồn là trung tâm công nghiệp giải trí có casino được công bố, huyện đảo này bắt đầu sôi động trở lại...

 “Cuộc đi săn” trở lại Vân Đồn của các nhà đầu tư

“Cuộc đi săn” trở lại

Đây là lần thứ 3, ông Minh - một nhà đầu tư đến từ Hà Nội, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Vân Đồn. Ngay từ thời điểm thông tin Vân Đồn trở thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino xuất hiện, ông lại tiếp tục đến Vân Đồn, tìm kiếm những sản phẩm bất động sản giàu tiềm năng sinh lời.

2 lần trước, ông Minh đều thành công khi bỏ vốn đầu tư vào Vân Đồn. Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 10/2017, khi thông tin Vân Đồn chuẩn bị được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế được công bố. Dù Vân Đồn là khu vực có tốc độ sốt đất chậm hơn nhưng đó cũng là khoảng thời gian mà trong câu chuyện kể lại của ông Minh thì: “Thị trường rất sôi động, văn phòng công chứng chật kín người”. Đó cũng là lần mà ông kiếm được tiền tỷ sau 2 thương vụ lướt sóng đất thổ cư. 

“Khi đó, bất động sản Vân Đồn lên “cơn sốt”, các chủ đầu tư bắt đầu rục rịch đặt chân tới. Nên, nhà đầu tư thời đấy chỉ kiếm tiền thông qua các quỹ đất lớn của người dân Vân Đồn”.

Lần thứ 2 trở lại Vân Đồn, với ông Minh, đó lại là một lần may mắn. “Tôi nghĩ mình đã có một chút may mắn. Khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức khánh thành vào tháng 12/2018, tôi đã xuống tiền vào lô đất nền dự án. Sau 1 tháng, mức giá tăng lên tới 20%”.

Lần thứ 3 quay trở lại với Vân Đồn, ông Minh vẫn nuôi hy vọng tiếp tục hái quả ngọt. “Tôi không còn dự định lướt sóng. Khi có quy hoạch rõ ràng, kế hoạch của tôi là đầu tư dài hạn. Khu vực này vẫn đầy tiềm năng và chắc chắn sẽ phát triển”, ông Minh nói. 

Cũng như ông Minh, ông Bùi Hòa (nhà đầu tư tại Hòa Bình) đã bắt đầu cuộc thăm dò và tìm hiểu thị trường Vân Đồn. Ông Hòa phân tích: “Xét về tiềm năng thu hút khách du lịch, thị trường nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoại trừ cơ sở hạ tầng giao thông đang hoàn thiện, Vân Đồn vẫn là một thị trường hoang sơ, chưa đủ tiềm lực để thu hút lượng khách du lịch lớn cũng như hệ thống khách sạn, dịch vụ chất lượng còn rất khiêm tốn. 

Tuy nhiên, với quy hoạch được công bố, các chủ đầu tư sẽ đi vào triển khai các dự án sớm, thực ra cũng đã có nhiều doanh nghiệp đang triển khai rồi. Và chỉ khoảng 2 - 3 năm tới, bộ mặt của Vân Đồn sẽ thay đổi rõ rệt. Đây là cơ hội để tôi có thể tìm kiếm sản phẩm bất động sản vừa tiền ở thời điểm hiện tại. Tương lai, Vân Đồn chắc chắn là điểm du lịch rất lý tưởng”.

Nhà đầu tư kỳ vọng vào Vân Đồn

Từ thời điểm thông tin quy hoạch được công khai (17/2) tới nay, điện thoại của ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Thanh Tùng Land (Vân Đồn) liên tục reo chuông. Vị giám đốc sàn tại Vân Đồn cho biết, không khí giao dịch đã nhộn nhịp trở lại, khác hoàn toàn thời điểm trước ngày 17/2.

“Các nhà đầu tư, các đối tác quan tâm đến Vân Đồn rất nhiều. Nếu đặt một con số so sánh với thời điểm trước khi công bố quy hoạch, có lẽ lượng khách quan tâm phải gấp đến hàng trăm lần. Vì thực tế, trước đó, thị trường Vân Đồn gần như “bất động”, không có người quan tâm và cũng không có hoạt động giao dịch”, ông Tùng chia sẻ.

Theo thông tin từ các sàn môi giới tại Vân Đồn, lượng khách quan tâm tập trung vào dự án đất nền Phương Đông và trục đường 334. Tuy nhiên, mức giá tại các khu vực này vẫn giữ nguyên. Giá đất dọc trục đường 334 dao động từ 25 - 27 triệu đồng/m2. Đối với dự án đất nền Phương Đông, mức giá đã giảm  5 - 10 triệu đồng/m2 so với trước đó và đang có xu hướng nhích lên.

Thông tin quy hoạch là căn cứ để các chủ đầu tư triển khai, thi công dự án

“Các nhà đầu tư và đặc biệt là chủ đầu tư dự án mong chờ quy hoạch Vân Đồn từ rất lâu. Họ kỳ vọng rất nhiều về quy hoạch. Thông tin công bố quy hoạch giúp các nhà đầu tư như được “cởi lòng”. Đây là căn cứ rõ ràng để chủ đầu tư dự án tiến hành triển khai thi công khi đã đủ điều kiện. Còn với nhà đầu tư đã có quỹ đất thì thở phào nhẹ nhõm. Tất nhiên, nhà đầu tư có đất rơi vào quy hoạch sẽ thất thoát vốn”, ông Tùng cho hay.

Nhận định về thị trường bất động sản Vân Đồn trong tương lai, ông Tùng khẳng định: “Dù thị trường nơi đây khó tạo ra cơn sốt nóng cục bộ như trước, song thị trường đã minh bạch và rõ ràng. Cơ hội đầu tư an toàn đã tới nếu khách hàng xác định chiến lược bỏ vốn trung và dài hạn. Bởi hiện tại, quy hoạch đã có, đâu là đất sạch, đâu là đất quy hoạch đã rõ. Tuy nhiên, tác động của dịch Corona sẽ khiến thị trường không tăng nhiệt mạnh như trước mà sự phục hồi của bất động sản sẽ từ từ và tiến dần tới mức giá đỉnh điểm như trước”.

Ông Tùng cũng cho rằng, trong 1 - 2 năm tới, dự án của các chủ đầu tư lớn sẽ bước vào giai đoạn bung hàng, và đây chính là thời điểm thị trường thực sự sôi động, nhộn nhịp. 

Theo Tạp Chí Tài Chính

Hiệp định EVFTA với lộ trình giảm thuế về 0% sẽ mở ra nhiều cơ hội cho XNK hàng hóa của 2 bên. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức cho DN chăn nuôi trong nước khi phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.

Cam kết sâu rộng

Khi EVFTA đi vào thực thi, ngành chăn nuôi Việt Nam xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu (NK) sản phẩm chăn nuôi; 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch; số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 - 9 năm. Về phía EU, sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế NK sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, 27% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau 3 - 7 năm.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) - nhận xét, đối với ngành chăn nuôi dư địa thuế và thị trường trong nước khá tốt cho các nước EU, ở chiều ngược lại, sức ép từ EVFTA đối với ngành chăn nuôi trong nước cũng không nhỏ.

evfta huong di nao cho nganh chan nuoi

EVFTA tạo áp lực cho ngành chăn nuôi trong nước

Cụ thể, các mặt hàng thịt lợn nhập từ thị trường EU đang chịu thuế 15% - 27% cũng giảm về 0% theo lộ trình 10 năm. Trong khi đó, giá bán lẻ của Việt Nam cao hơn từ 20 - 25% so với giá đông lạnh NK. Giá mua ở cổng trại chăn nuôi cao hơn từ 40 - 60% so với các nước phát triển. Dư địa thuế nhiều, nhưng lộ trình giảm từ 8-10 năm, ngành hàng này sẽ gặp thách thức trong dài hạn.

Đối với ngành sữa, thuế NK sẽ giảm trong vòng 3 năm, như vậy, sẽ cạnh tranh gay gắt với sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước. Chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cũng cao hơn EU, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU. Đặc biệt, các DN sữa trong nước gần như không được hưởng lợi từ XK, vì EU vẫn chưa cấp phép NK sữa có xuất xứ từ Việt Nam.

Cũng theo ông Trần Công Thắng, nhiều nước EU có khả năng XK rất mạnh các sản phẩm chăn nuôi như: Thịt lợn, bò, gà, sữa… vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, khả năng thâm nhập các thị trường mới của ngành chăn nuôi nội địa còn yếu, do nhiều sản phẩm chưa được công nhận về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật.

Người tiêu dùng hưởng lợi

Ông Trần Công Thắng nhận xét, NK các sản phẩm thịt từ EU vào Việt Nam hiện vẫn còn tương đối nhỏ, tuy nhiên, khi các mức thuế quan được cắt giảm, rất có thể tỷ trọng và kim ngạch NK từ EU sẽ tăng đáng kể. Cùng với sự cắt giảm về thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng, sẽ làm gia tăng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước tại thị trường nội địa. Đây là áp lực đối với DN trong ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm khi lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành. Nhất là khi, ngành chăn nuôi trong nước còn nhỏ lẻ, việc quản lý dịch bệnh, công nghệ chăn nuôi còn hạn chế… rất khó để cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại.

Thực tế này đang đòi hỏi ngành chăn nuôi trong nước phải rất sớm tự vươn lên, tự đứng vững trong bối cảnh mới. Cần lưu ý, độ trễ hiệu lực của EVFTA là rất ngắn so với các FTA khác.

Theo Công Thương 

Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó Trưởng ban.

Tien hanh Tong dieu tra kinh te nam 2021 tren pham vi ca nuoc hinh anh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 307/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

Theo quyết định, tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước.

Các nội dung Tổng điều tra gồm: Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra: thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, cơ sở trực thuộc của các tổ chức trên; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: Thông tin về người đứng đầu; lao động của cơ sở; thu nhập của người lao động. Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh: tài sản, nguồn vốn; kết quả hoạt động, chi phí sản xuất kinh doanh; thuế và các khoản nộp ngân sách; vốn đầu tư; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), đổi mới sáng tạo; các chỉ tiêu thống kê chuyên ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phân tổ theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; tiêu dùng năng lượng.

Thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin: sử dụng phần mềm quản lý, tự động hóa cho sản xuất kinh doanh; sử dụng hình thức thương mại điện tử qua hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trực tuyến; năng lực tiếp cận cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên đề về đơn vị điều tra... Kết quả chính thức công bố vào quý 2/2022.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì xây dựng phương án Tổng điều tra; tổ chức thí điểm để hoàn thiện phương án Tổng điều tra. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021.

Phương án Tổng điều tra được xây dựng trên nguyên tắc khai thác tối đa số liệu về doanh nghiệp của Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội và các số liệu thực tế hiện có của các cơ quan đã xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu trên cơ sở công nghệ thông tin; sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong thu thập và xử lý thông tin Tổng điều tra.

Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm phó trưởng ban.

Lãnh đạo các bộ, ngành: Quốc phòng; Công an; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Y tế; Nội vụ; Lao động-Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Chính phủ; Kho bạc Nhà nước; Tổng cục Thuế; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phụ trách lĩnh vực thống kê thương mại, dịch vụ và Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê làm Ủy viên.

Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Thống kê hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tại Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp ở địa phương./.

Theo Vietnamplus

Từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 02/2020 đã có 7 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên...

Ảnh: DNSG.

Theo thông tin sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 2 được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 19,23 tỷ USD, tăng 4,66 tỷ USD tương ứng 32% so với nửa đầu tháng 1/2020 (kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nằm trọn trong kỳ 2 tháng 1).\

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 56,12 tỷ USD, tăng 3,3% (tương ứng tăng 1,77 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Trong kỳ 1 tháng 2/2020, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 9,6 tỷ USD, nâng tổng trị giá xuất khẩu của cả nước tính từ đầu năm lên 27,86 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 2/2020 đạt 9,63 tỷ USD, nâng tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 28,27 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Cán cân thương mại trong kỳ 1 tháng 2 năm thâm hụt 26 triệu USD, đưa mức thâm hụt từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 2 lên 412 triệu USD.

Đáng chú ý, tính từ đầu năm đến ngày 15/2, cả nước có 7 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép; máy móc, thiết bị; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải.

Trong 7 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực nêu trên, chỉ dệt may bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt 3,43 tỷ USD (giảm khoảng 280 triệu USD). Còn lại, các nhóm khác đều tăng trưởng dương, tăng thêm nhiều nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với con số khoảng 900 triệu USD đưa kim ngạch lên xuýt soát 4 tỷ USD.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 2/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5%. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 34% và trị giá nhập khẩu tăng 26%.

Tháng 2/2020: Xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 37,1 tỷ USD

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu

Dầu thô: xuất khẩu trong tháng 2/2020 ước tính là 467 nghìn tấn, tăng 13,3% và trị giá là 213 triệu USD giảm 12,6% so với tháng 01/2020. So với tháng 02/2020, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính trong tháng này tăng 21,2% về lượng và  trị giá ước tính tang 30%.  

Quặng các loại: xuất khẩu trong tháng 02/2020 ước tính là 250 nghìn tấn, giảm 10,3% và trị giá là 7 triệu USD giảm 65,3% so với tháng trước. So với tháng 02/2019, lượng quặng xuất khẩu ước tính trong tháng này tăng 42,6% về lượng và trị giá ước tính giảm 9,7%.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu

Xăng dầu các loại: nhập khẩu trong tháng 02/2020 ước tính là 650 nghìn tấn, giảm 14,1% so với tháng trước và trị giá là 345 triệu USD, giảm mạnh tới 27,2%. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 2/2020 ước tính giảm 20% về lượng và giảm 22,8% về trị giá so với tháng 02/2019.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 02/2020 là 4,4 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước và tăng 17,1% so với tháng 02/2019.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 02/2020 là 2,5 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng trước và giảm 3,7% so với tháng 02/2019.

Sắt thép các loại: ước tính nhập khẩu trong tháng 02/2020 là 900 nghìn tấn, giảm 4,7% và trị giá là 540 triệu USD, giảm 5,3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 02/2020 giảm 8,5% về lượng và giảm 18,5% về trị giá.

Ô tô nguyên chiếc các loại: ước tính trong tháng 02/2020 là 6 nghìn chiếc, tăng 40,2% và trị giá là 134 triệu USD, tăng 21% so với tháng trước. So với tháng 02/2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 02/2020 giảm 59,9% về lượng và giảm 57,2% về trị giá.

Tình hình thu ngân sách nhà nước 

Theo Tổng cục Hải quan, ước thu tháng 2/2020 từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.700 tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 1/2020 (26.019 tỷ đồng). Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng đóng góp số thu lớn đều giảm so với tháng trước, như máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu, quặng...

Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 49.700 tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán, bằng 14,0% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 7,87% so với cùng kỳ năm 2019 (4.243 tỷ đồng). Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19  nên số thu có xu hướng giảm dần. Nếu 2 tháng đầu năm 2019 bình quân mỗi ngày thu 1.458 tỷ đồng/ngày, thì 2 tháng đầu năm chỉ thu khoảng 1.308 tỷ đồng/ngày.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đối với các bộ, địa phương về việc triển khai các nhiệm vụ để trong quý II/2020 có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Trong quý II/2020 phải triển khai trên diện rộng dịch vụ công trực tuyến

Căn cứ tình hình, kết quả thực hiện tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến ngành tư pháp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong quý I/2020 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo một số nội dung và yêu cầu các bộ, địa phương triển khai thực hiện.

Tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Tư pháp hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung của Bộ để khai thác, sử dụng các hạ tầng dùng chung đã được xây dựng trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, như: xác thực, định danh người dùng, nền tảng thanh toán tập trung; kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để theo dõi tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý I/2020.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với các thủ tục: Đăng ký khai sinh; cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục đăng ký  giao dịch bảo đảm. Thời hạn hoàn thành trước ngày 10/03/2020.

Trước ngày 10/3/2020, Bộ Tư pháp hoàn thành tích hợp, chia sẻ dữ liệu hệ thống đăng ký khai sinh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đăng ký khai sinh trên Cổng Dịch công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổ chức tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý II/2020.

Bộ Tư pháp tích hợp hệ thống đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hoàn thành trước ngày 10/3/2020.

Bộ Tư pháp đẩy mạnh kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí... trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công.

Triển khai tái cấu trúc quy trình và đơn giản hóa thủ tục hành chính

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhất là việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp làm cơ sở để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đáp ứng yêu cầu đơn giản, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện; thực hiện việc chia sẻ dữ liệu thông tin lý lịch tư pháp để phục vụ cho việc cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng chính sách, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế có thẩm quyền cấp giấy chứng sinh điện tử cho cá nhân để tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ đăng ký khai sinh trực tuyến.

Phó Thủ tướng giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ để tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và cấp phiếu lý lịch tư pháp với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh; thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý I/2020.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý II/2020.

Theo Tạp Chí Tài Chính

UBND tỉnh Bình Thuận vừa Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi đến năm 2035 với việc đầu tư các khu vực phát triển đô thị mới.

Cụ thể, Khu đô thị hành chính phức hợp: Tại khu vực cửa ngõ phía Bắc thị xã La Gi, gồm toàn bộ địa giới hành chính phường Tân An và một phần địa giới hành chính các phường Tân Thiện, Tân Phước, Bình Tân. Quy mô 1.686 ha; dân số đến 2035 đạt 54.000 người.

Khu đô thị hỗn hợp, dịch vụ mới: Tại khu vực trung tâm đô thị của thị xã La Gi, bao gồm hai bên tuyến đường số 4 và là trục giao thông chính đấu nối với tuyến Quốc lộ 55, nối kết trung tâm thị xã La Gi với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Phan Thiết. Quy mô 762 ha; dân số đến 2035 đạt 11.000 người.

Khu đô thị dịch vụ - cảng cá: Tại khu vực nội thị thị xã La Gi, thuộc địa giới hành chính phường Phước Hội, phường Phước Lộc, phường Bình Tân, được chỉnh trang, cải tạo trên cơ sở khu vực phố cũ La Gi. Quy mô 733 ha; dân số đến 2035 đạt 75.000 người.

Khu đô thị công nghiệp - dịch vụ: Trên địa bàn 02 xã Tân Phước và Tân Bình. Quy mô: Khu số 4A có diện tích 932 ha, dân số đến 2035 đạt 10.500 người; khu số 4B có diện tích 608 ha, dân số đến 2035 đạt 7.500 người.

Khu đô thị dịch vụ - du lịch: Thuộc một phần các xã Tân Phước, Tân Bình, Tân Tiến và Tân Hải. Quy mô 1.522 ha; dân số đến 2035 đạt 12.000 người.

Khu vực nông nghiệp và dự trữ phát triển: Thuộc một phần các xã Tân Phước, Tân Bình, Tân Tiến và Tân Hải. Quy mô 12.267,25 ha; dân số đến 2035 đạt 15.000 người.

Lộ trình triển khai các khu vực phát triển đô thị giai đoạn 2020 – 2025:

Khu đô thị: Phát triển một phần khu đô thị mới tại khu số 1 - khu đô thị phức hợp hành chính tại phường Tân An quy mô đất ở khoảng 289,29 ha; phát triển một phần khu đô thị mới tại khu số 2 - khu đô thị hỗn hợp dịch vụ hai bên tuyến đường số 4 quy mô đất ở khoảng 129,42 ha; phát triển và cải tạo khu dân cư cũ gắn với cảng cá La Gi với quy mô đất ở khoảng 342,59 ha; phát triển khu đô thị công nghiệp, dịch vụ với loại hình nhà ở xã hội, nhà ở mật độ thấp phục vụ nhu cầu cho lao động, dịch vụ công nghiệp và du lịch cận kề - khu số 4A, 4B với tổng quy mô khoảng 72,4 ha; một phần khu đô thị du lịch dịch vụ - Khu số 5 quy mô khoảng 36,8 ha (khu vực nội thị) và khoảng 920 ha (khu vực ngoại thị); một phần khu đô thị nông nghiệp, dịch vụ - khu số 6 quy mô khoảng 124,7 ha.

khu công nghiệp, kho tàng: Tập trung hoàn thiện cụm công nghiệp Tân Bình tại xã Tân Bình, quy mô 50 ha; lập quy hoạch và dự án cho khu khai thác cát thủy tinh với quy mô khoảng 20 ha nhằm đẩy mạnh cơ cấu phát triển công nghiệp; phát triển khu chuyển tải hàng hóa tại cửa biển La Gi.

Khu dịch vụ công cộng: Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn tại khu vực trung tâm hiện hữu thị xã gắn với tuyến đường N4 và khu cửa ngõ của thị xã; xây dựng Trung tâm văn hóa quy mô 3 ha tại phía Tây khu đô thị số 1; xây dựng các điểm dịch vụ công cộng hai bên sông Dinh đoạn qua khu vực phường Tân Thiện, Bình Tân, Phước Hội và Phước Lộc.

Khu công viên cây xanh thể dục thể thao: Hình thành khu trung tâm thể dục thể thao mới cho thị xã tại khu đô thị số 1 quy mô diện tích khoảng 30 ha. Cải tạo chỉnh trang và xây dựng thêm các công viên cây xanh hai bờ sông Dinh.

Trung tâm y tế: Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các cở sở y tế hiện có cho thị xã nhằm đảm bảo tốt hơn nữa đồng thời đáp ứng được nhu cầu phục vụ du lịch, dịch vụ; xây dựng các cơ sở y tế tại các khu đô thị mới cùng với sự phát triển của dân cư.

Giáo dục đào tạo: Nâng cấp các trường học đạt chuẩn trường quốc gia; bổ sung thêm một trường trung học phổ thông tại phường Tân An quy mô diện tích khoảng 2 ha; hình thành trung tâm giáo dục đào tạo nghề tại phía Tây khu đô thị số 1, gắn với việc đào tạo nghề nghiệp quy mô diện tích khoảng 5 ha.

Du lịch, dịch vụ: Đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ của thị xã nhằm cụ thể hóa chiến lược kinh tế biển là mũi nhọn, động lực phát triển chính yếu cho thị xã La Gi. Trong giai đoạn đầu sẽ tập trung phát triển các khu, điểm du lịch, gồm: Xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh dinh Thầy Thím với quy mô diện tích khoảng 5 ha; xây dựng phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển với tổng quy mô diện tích khoảng 953 ha.

Theo CafeLand

 

Đối tác chiến lược