Tin tức

Ngô Thị Lam Vân

Ngô Thị Lam Vân

Việc đưa bến xe Miền Đông mới giáp ranh P.Long Bình, quận 9, TP.HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa áp lực kẹt xe trong nội đô, nhất là khu vực bến xe miền Đông hiện hữu ở quận Bình Thạnh.

Cuối tháng 4 tới khai trương bến xe Miền Đông mới - Ảnh 1.

Nhà ga bến xe miền Đông mới - Ảnh: VĂN BÌNH

Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (SAMCO) vừa có báo cáo UBND TP.HCM về dự kiến tổ chức lễ khai trương chính thức đưa bến xe Miền Đông mới hoạt động trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 26-4. 

Bến xe miền Đông mới đã được khởi công cách đây 3 năm với kinh phí 773 tỉ đồng. Trước đó, bến xe này nhiều lần dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2019 nhưng do vướng các thủ tục liên quan nên việc vận hành chính thức chưa được thực hiện. 

Theo SAMCO, đến nay tổng công ty đã hoàn thành việc nghiệm thu đưa vào sử dụng dự án đầu tư xây dựng bến xe Miền Đông mới giai đoạn 1. Đồng thời đã lắp đặt xong các trang thiết bị cần thiết bên trong và ngoài nhà ga của bến xe theo quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải.

SAMCO cho biết trong giai đoạn 1, bến xe mới này sẽ phục vụ vận tải hành khách tuyến đường cố định có cự ly từ 1.000km trở lên. Như vậy, bến xe sẽ phục vụ hành khách chủ yếu đi từ TP.HCM đến các tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc. 

Giai đoạn 2, bến xe Miền Đông mới sẽ lần lượt phục vụ hành khách đi các tuyến đường từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trở vào TP.HCM.

Việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa bớt tình trạng kẹt xe khu vực trung tâm thành phố, nhất là quanh khu vực bến xe hiện hữu tại quận Bình Thạnh.

Theo Tuổi Trẻ Online

Có khá nhiều chủ đất ngưng không bán để chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về dự án sân bay Long Thành và cầu đường Cát Lái trong năm nay, để chốt lời cao hơn.

Sau Tết, nhà đầu tư quay lại "săn" đất Nhơn Trạch, thị trường sôi động trở lại

Ghi nhận mới nhất tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) sau thời điểm Tết Nguyên đán cho thấy, tình hình giao dịch đất đai sôi động trở lại. Theo ghi nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Nhơn Trạch, số lượng giao dịch về đất đai tăng đột biến. 8h sáng tại đây, các nhân viên giải quyết hồ sơ đất đai đều trong tình trạng làm việc hết công suất.

Theo báo cáo của UBND huyện Nhơn Trạch, khoảng 2 tháng trở về trước (trước Tết) trung bình mỗi ngày huyện tiếp nhận khoảng 300 lượt hồ sơ, trong đó khoảng 200 hồ sơ liên quan đến đất đai nhưng hiện nay số lượng này đã tăng lên gấp đôi, tức giao dịch đất đai mỗi ngày tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện khoảng 400-500 hồ sơ.

Sau Tết, nhà đầu tư quay lại săn đất Nhơn Trạch, thị trường sôi động trở lại - Ảnh 1.

Phòng công chứng huyện Nhơn Trạch luôn trong tình trạng đông kín người. Ảnh: Hạ Vy

Ghi nhận cho thấy, hiện tại không chỉ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện mà nhiều văn phòng công chứng trên địa bàn huyện cũng trong tinh trạng kín người vào mỗi ngày.

Ông Phan Trí Thảo, Trưởng phòng nội vụ UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, số lượng hồ sơ tăng rất lớn, hàng tháng có 7.000 - 8.000 hồ sơ, trong đó đa phần là hồ sơ về đất đai. Có thời điểm huyện phải bố trí thêm cán bộ công chức để làm việc hết công suất giải quyết hồ sơ đúng hạn cho dân.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại huyện Long Thành - nơi được xem là tâm điểm của thị trường BĐS ở thời điểm này.

Nguyên nhân việc hồ sơ đất đai tăng đột biến tại Nhơn Trạch, Long Thành ở thời điểm này là do người dân nắm bắt được một số thông tin về việc tăng tốc dự án sân bay Long Thành, đặc biệt dự án xây cầu Cát Lái cùng các dự án chuẩn bị triển khai sắp tới trên địa bàn nên đổ xô đi thực hiện các giao dịch. Theo các môi giới khu vực, khi có thông tin tốt về cảng hàng không và cầu đường trong năm nay có khá nhiều chủ đất ngưng không bán để chờ đợi thông tin rõ ràng hơn, để chốt lời cao hơn.

Sau Tết, nhà đầu tư quay lại săn đất Nhơn Trạch, thị trường sôi động trở lại - Ảnh 2.

Không chỉ bộ phận tiếp nhận và trả kết qủa của UBND huyện mà nhiều văn phòng công chứng trên địa bàn huyện cũng đông đúc mỗi ngảy. Ảnh: Hạ Vy

Tìm hiểu được biết, sau Tết do dịch virus Covid-19 nên giao dịch BĐS các khu vực này có phần ít hơn so với thời điểm giữa năm 2019. Đây cũng là tình hình BĐS chung của cả nước. Nhưng nhìn về tổng quan thì lượng giao dịch mua bán ở khu vực Nhơn Trạch, Long Thành trong 2 năm qua khá ổn định. Vài tháng lại thiết lập 1 mặt bằng giá mới.

Mà trong đó, hạ tầng tác động rõ nét đến giá BĐS các khu vực này. Giá cả tại đây luôn tăng nhờ những công trình và hạ tầng đang được thực hiện khá nhiều, chẳng hạn, tuyến 25C kết nối vào cổng chính sân bay Long Thành đang được thực hiện.

Hơn nữa, năm 2020 Nhơn Trạch thực hiện thu hồi hàng ngàn ha đất để thực hiện phát triển giao thông và dự án khu dân cư đô thị mới, cùng với đó là tập trung phát triển các khu thương mại để kéo dân về.

Mới đây, theo thông tin từ Sở Giao thông - vận tải, dự án đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ sớm đưa vào khai thác trước ngày 31/3/2020. Trong sơ đồ quy hoạch giao thông của huyện Nhơn Trạch, nếu các dự án đường Hùng Vương, 25A, 25B và 25C được coi là trục xuyên tâm đô thị thì đường 319 lại có vai trò kết nối 3 tuyến đường trên vào 2 tuyến cao tốc.

Bên cạnh đó, đường 319 còn chạy song song với QL 51 qua các KCN của huyện Nhơn Trạch, nối thẳng xuống cầu, cảng Phước An để đi qua khu vực Cái Mép, Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Với vị trí quan trọng như vậy nên tuyến 319 được xem là đường chiến lược cho sự phát triển của đô thị Nhơn Trạch trong tương lai.

Riêng khu Long Thọ, Hiệp Phước ngoài trục 319 thì còn chịu tác động mạnh của dự án đường Vành đai 3 (đoạn Nhơn Trạch – TP.HCM dài hơn 30km. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km.

Sau Tết, nhà đầu tư quay lại săn đất Nhơn Trạch, thị trường sôi động trở lại - Ảnh 3.

Người mua rục rịch tìm kiếm BĐS sau Tết. Ảnh: Hạ Vy

Chính các thông tin hạ tầng này hiện hữu, ngoài khu vực giáp ranh cầu Cát Lái giá tăng phi mã thì cuối năm 2019, khu vực trung tâm Nhơn Trạch (Hiệp Phước, Long Thọ) cũng nhanh chóng đón làn sóng tăng giá.

Cụ thể, khu vực xung quanh đường Tôn Đức Thắng, ĐT 25B hiện có giá ngang ngửa nhau, dao động chủ yếu ở khoảng 18-28 triệu/m2, tùy vị trí. Tăng giá nhiều nhất phải kể đến đoạn đường từ chợ Long Thọ (Hùng Vương) kéo dài đến đường Nguyễn Văn Ký. Theo ghi nhận, trước 2018 giá đất tại đây chỉ khoảng 3-8 triệu/m2 thì nay vọt lên 13- 22 triệu/m2 đất thổ cư.

Đánh giá chung về Nhơn Trạch, các chuyên gia cho rằng giá bán nơi đây có thể sẽ tiếp tục leo thang tiệm cận với Tp.HCM khi cầu Cát Lái, sân bay Long Thành chính thức khởi công. Đây cũng là một hướng đi để các khu vực này trở thành một trong những khu đô Thị vệ tinh tầm cỡ trong vùng Tp.HCM. Dự báo năm 2020 Nhơn Trạch, Long Thành sẽ là năm tiếp theo “ăn nên làm ra” của môi giới BĐS và là một năm sôi động của thị trường nơi đây.

Theo CafeF

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch các sân bay Tuy Hòa, Cà Mau. Theo đó, đến năm 2030, sân bay Tuy Hòa có thể đón 3 triệu hành khách/năm và sân bay Cà Mau đón 1 triệu hành khách/năm.

Cảng hàng không Tuy Hòa

Cảng hàng không Tuy Hòa

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa giai đoạn đến năm 2030.

Trước đó, Cảng hàng không Tuy Hòa đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 4123/QĐ-BGTVT từ năm 2017, với quy mô 300.000 lượt hành khách /năm; hàng hóa thông qua cảng 2.000 tấn/năm vào năm 2025.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó Cảng hàng không Tuy Hòa giai đoạn đến năm 2030 có công suất thiết kế dự kiến là 3 triệu hành khách/năm. 

Theo Cục HKVN, việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa giai đoạn đến năm 2030 là cần thiết và cần phải tổ chức thực hiện ngay trong năm 2020 để có cơ sở thực hiện các bước đầu tư, kêu gọi đầu tư nhằm sớm nâng cấp, mở rộng cảng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không.

Tương tự, Cục HKVN cũng cho biết đang lên kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Cà Mau giai đoạn đến năm 2030, đảm bảo nâng công suất sân bay này lên 1 triệu hành khách/năm, đáp ứng khai thác các loại máy bay dân dụng và quân sự hiện đại.

 Nâng công suất các sân bay Cà Mau, Tuy Hòa ảnh 1

Cảng hàng không Cà Mau

Theo quy hoạch trước đó, Cảng hàng không Cà Mau được quy hoạch là cảng hàng không có công suất 500.000 hành khách/năm, 500 tấn hàng hóa/năm, tổng vị trí đỗ máy bay là 3 vị trí vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 236/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau được xác định có công suất thiết kế dự kiến là 1 triệu khách/năm.

Hiện Bộ GTVT đã có Quyết định giao Cục HKVN điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau, báo cáo trong tháng 11- 2020.

Theo Sài Gòn Giải Phóng 

Thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đã có những phát triển tích cực và toàn diện. Đặc biệt, việc Nghị viện châu Âu thông qua hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) ngày 12/2 kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước EU vào Việt Nam.

Triển vọng thu hút FDI từ EU vào Việt Nam

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: EU đứng thứ tư

Thu hút FDI là một mảng sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019. Tính đến cuối năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam trong năm đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Trong đó, tính lũy kế đến năm 2019, EU là đối tác đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với trên 2.240 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, các dự án đầu tư của EU có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, liên tục trong những năm qua, EU luôn là một trong những đối tác viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Xu thế đầu tư trực tiếp của EU hướng vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và các ngành dịch vụ như: bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ... EU đã đầu tư vào 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; Sản xuất, phân phối điện, khí, Bất động sản, Thông tin và truyền thông… Đồng thời, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại 54 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn với kết cấu hạ tầng phát triển, có cảng biển, sân bay, như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI từ EU đã mang đến một số công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực, như dầu khí, công nghiệp nặng, dịch vụ bưu chính... tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể thấy, lượng vốn FDI từ EU vào Việt Nam còn chưa ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng về vốn, công nghệ và kỹ thuật của các nhà đầu tư EU. Số lượng dự án FDI có quy mô lớn trong các lĩnh vực là lợi thế của các nước EU, đồng thời là lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm thu hút, như các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng,... vẫn còn khiêm tốn. Nhiều dự án đầu tư của EU vẫn tập trung tận dụng nguồn lao động giá rẻ để thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến sản phẩm bán trong nước và xuất khẩu...

Theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề khi thu hút FDI từ EU. Cụ thể, lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam đến từ việc sớm ký kết FTA với EU trong khi các nước cạnh tranh chính trong khu vực về thương mại và đầu tư chưa có FTA với EU. Lợi thế này có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn, vì định hướng của cả ASEAN và EU là một FTA giữa hai khu vực. Khi EU tiếp tục đàm phán, ký kết FTA song phương với các nước ASEAN, lợi thế về thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại và đầu tư dành riêng cho Việt Nam sẽ không còn. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi các nước ASEAN chưa có FTA với EU để tiếp cận, thâm nhập thị trường cũng như thu hút FDI từ các nước EU.

Bên cạnh đó, đối với thu hút FDI chất lượng cao, EVFTA chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không có tính quyết định đối với hoạt động đầu tư. Muốn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang rà soát Luật Sở hữu trí tuệ nhằm điều chỉnh phù hợp với các cam kết sâu hơn trong EVFTA và các FTA thế hệ mới khác, cũng như bảo đảm thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết nhằm tạo niềm tin đối với nhà đầu tư; Đồng thời, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ EVFTA đưa ra. 

Đặc biệt, dù EVFTA có tác động sâu rộng và được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, song số lượng doanh nghiệp hiểu biết về EVFTA vẫn còn hạn chế. Ngay cả đối với các doanh nghiệp EU đang hoạt động tại Việt Nam cũng có tới 28% số doanh nghiệp được khảo sát vẫn mơ hồ về các nội dung của EVFTA. Tỷ lệ này trong các doanh nghiệp của Việt Nam có thể còn ở mức cao hơn. Điều này có thể làm hạn chế khả năng của doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội cũng như chuẩn bị sẵn sàng trước các thách thức mà EVFTA mang lại. Vì vậy, việc tăng cường nhận thức và nghiên cứu về tác động của EVFTA là vô cùng cần thiết. Trước mắt, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, tìm hiểu về rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành viên EU… để tránh những rủi ro trong quá trình giao thương hàng hóa...

Triển vọng thu hút FDI từ EU vào Việt Nam

EVFTA là Hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, đồng thời cũng là một trong những hiệp định toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển. Do vậy, FDI từ EU vào Việt Nam được dự báo có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Các cam kết này sẽ là động lực để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Như vậy, có thể thấy EVFTA có những tác động nhất định. Các cam kết cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA ở mức độ rất cao là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy FDI vào Việt Nam. 

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, về mặt lý thuyết, các cam kết xóa bỏ thuế quan sẽ giúp gia tăng FDI nói chung từ các nước không tham gia FTA nhằm tận dụng những ưu đãi mà các nước thành viên FTA dành cho nhau. Trong khi đó, đối với FDI nội khối, FTA có thể làm tăng FDI theo chiều dọc và giảm FDI theo chiều ngang. Tác động tổng thể của việc xóa bỏ rào cản thương mại do đó phụ thuộc vào bản chất của FDI giữa hai bên. Áp dụng vào trường hợp EVFTA, Hiệp định kỳ vọng sẽ giúp gia tăng FDI từ các nước ngoài khối EU, tăng FDI theo chiều dọc và giảm FDI theo chiều ngang từ các nước EU vào Việt Nam.

Còn trên thực tế, FDI từ EU vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là FDI theo chiều dọc khi các nhà đầu tư EU hướng tới mục tiêu khai thác tài nguyên, nhiên vật liệu và lao động giá rẻ. Vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ làm gia tăng FDI vào Việt Nam từ cả các nước thành viên EU và các nước không thuộc EU.

Nhóm sản phẩm xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được giảm thuế nhiều nhất lần lượt là: giày dép, mũ và các sản phẩm đội đầu; sản phẩm bằng đá, thạch cao, thủy tinh; hàng dệt may; thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá; sản phẩm da... Đây là các ngành có thể thu hút FDI theo chiều dọc từ các nước EU, cũng như các nước ngoài EU nhằm tận dụng các lợi thế so sánh của cả Việt Nam và EU.

Đáng lưu ý, có một số nhóm hàng được giảm thuế nhiều từ cả hai phía, như giày dép, mũ và các sản phẩm đội đầu; hàng dệt may; sản phẩm da; nguyên liệu dệt may. Đây đều là những ngành mà Việt Nam có lợi thế lớn. Các cam kết này sẽ tạo điều kiện thu hút FDI nói chung vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất dệt may, da giày, nhất là hoạt động gia công quốc tế khi doanh nghiệp nước ngoài có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ EU sau đó xuất khẩu thành phẩm sang EU với chi phí thấp.

FDI từ EU có thể tăng vào các phân ngành dịch vụ mà Việt Nam không cam kết trong WTO nhưng lại cam kết trong EVFTA, như dịch vụ hội chợ, triển lãm, dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ bảo hành và sửa chữa tàu  biển, tàu thủy nội địa, máy bay, dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ hàng hải, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa… FDI cũng có thể gia tăng trong các ngành dịch vụ được cam kết mở cửa sâu hơn so với cam kết trong WTO, đồng thời là thế mạnh của các nước EU, như dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ máy tính, dịch vụ môi trường, giáo dục bậc cao, phân phối, viễn thông và y tế.

Triển vọng thu hút FDI từ EU trong bối cảnh hai bên đã ký kết EVFTA là rất tích cực, hứa hẹn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực doanh nghiệp EU có thế mạnh, như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính… 

Theo Tạp chí Tài Chính

Thứ ba, 18 Tháng 2 2020

Metro tăng tốc

Tuyến metro số 1 đẩy nhanh tiến độ nhiều hạng mục, tuyến số 2 thúc đẩy giải phóng mặt bằng để kịp khởi công vào tháng 10, nên năm 2020 được kỳ vọng là năm tăng tốc của hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.

Tuyến metro số 1 đã chính thức được kết nối thông suốt toàn tuyến  /// Ảnh: H.Mai

Tuyến metro số 1 đã chính thức được kết nối thông suốt toàn tuyến (Ảnh: H.Mai)

Chiều qua (17.2), Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Ban QLĐSĐT) đã tổ chức lễ thông tuyến toàn dự án đường sắt đô thị số 1 - tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó giám đốc Ban QLĐSĐT Huỳnh Hồng Thanh nhấn mạnh đây là một trong những cột mốc quan trọng của dự án này, đánh dấu sự kiện chính thức kết nối thông suốt toàn bộ tuyến metro số 1 dài 19,7 km từ depot Long Bình (Suối Tiên) đến ga trung tâm Bến Thành, cũng như đã nối thông toàn bộ 3 nhà ga ngầm Bến Thành - Nhà hát TP - Ba Son và toàn bộ 2,6 km đi ngầm.
 
Sự kiện này cũng đánh dấu việc chuyển sang tăng tốc thi công lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu... trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, bảo đảm hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020, hướng tới mục tiêu vận hành khai thác cuối năm 2021.
 
Theo ông Thanh, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 bắt đầu khởi công từ tháng 8.2012, với 4 gói thầu chính đang triển khai, trong đó 3 gói thầu xây lắp chính gồm các gói thầu số 1a, 1b xây dựng đoạn ngầm, gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và gói thầu số 3 về thiết bị, đầu máy toa xe.
 
Khối lượng toàn dự án đến nay đạt 71%, đoạn trên cao đã thông tuyến vào tháng 6.2018, trong đó cầu Sài Gòn của tuyến metro số 1 hợp long vào tháng 9.2016. Đoạn ngầm của dự án gồm: Gói thầu số 1b gồm 2 ga ngầm Nhà hát TP và Ba Son khởi công từ tháng 8.2014 đến nay đạt 80% khối lượng, trong đó, đoạn hầm thi công bằng công nghệ Khiên đào (TBM) gồm 2 ống hầm dài 781 m đã thông vào tháng 6.2018; Gói thầu số 1a gồm ga Bến Thành khởi công từ tháng 11.2016 đến nay đạt được 65% khối lượng.
 
“Hạng mục thi công tái lập đường Lê Lợi (đoạn Đồng Khởi đến Pasteur) và công viên trước Nhà hát TP dự kiến hoàn thành trước 30.4, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu là tháng 6. Chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành toàn bộ công tác hoàn thiện, cơ điện tầng B1 ga Nhà hát TP trước 30.4, sớm 5 tháng so với dự kiến. Cũng trong hôm nay (17.2), công tác phá dỡ tường vây vị trí tiếp giáp 2 gói thầu của đoạn ngầm là 1a và 1b đã hoàn thành, sớm hơn 3 ngày so với kế hoạch”, Phó giám đốc Ban QLĐSĐT khẳng định và nêu rõ đang hướng đến mục tiêu đưa metro số 1 về đích vào quý 4/2020.
Theo Thanh Niên 

 

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái dịnh cư dự án sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, nhưng tiến độ vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã phê bình Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chưa chủ động, tích cực trong triển khai lập hồ sơ, thủ tục các dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và phân khu 3, khu tái định cư Bình Sơn; chưa tuân thủ đúng quy định, chế độ thời gian và thủ trưởng ký báo cáo gửi UBND tỉnh.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh tập trung lập hồ sơ thủ tục các dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và phân khu 3, khu tái định cư Bình Sơn; trong đó, đặc biệt ưu tiên để sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục để khởi công xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật dự án khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn trong tháng 4/2020.

Ngoài ra, tỉnh yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm việc với UBND huyện Long Thành, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, lựa chọn khoảng 500 lô tái định cư để tổ chức cắm mốc, ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng để bố trí, di dời các hộ dân thuộc giai đoạn 1 của dự án; đồng thời xác định các hạng mục, công trình cấp bách như trường học, trạm y tế, chợ… sớm triển khai xây dựng, đảm bảo đồng bộ để phục vụ tốt khi người dân về ở.

Được biết, để thực hiện dự án xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi đất của 18 tổ chức và 5.283 hộ gia đình cá nhân với tổng số 15.716 thửa đất; trong đó, giai đoạn 1 của dự án có diện tích 1.810 ha. Dự kiến năm 2021 sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thành, đến năm 2025 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 của dự án.

Để đảm bảo tiến độ giao mặt bằng thực hiện dự án sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành và huyện Long Thành báo cáo kế hoạch và chương trình triển khai của từng đơn vị trong thực hiện dự án sân bay Long Thành trong năm 2020. Qua đó, Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, theo dõi, đánh giá công vụ của từng đơn vị.

Theo CafeF

Để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TPHCM vào tháng 3/2020, UBND TPHCM đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hạ tầng giao thông.

TPHCM xem xét đầu tư hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn

Đó là, dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài theo 2 phương án; trong đó ưu tiên phương án giá trị xây lắp được tính bằng tổng giá trị phần xây lắp của dự án với giá trị phần xây lắp nút giao Vành đai 3, nút giao Tỉnh lộ 8 với đường cao tốc này thực hiện đầu tư theo phương thức BOT, toàn bộ công tác bồi thường sử dụng ngân sách TPHCM.

Đối với các dự án: Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); Xây dựng 2 cầu trên tuyến đường N2 và đường N4 để kết nối giao thông với lô đất ký hiệu 7-1 thuộc khu chức năng số 7 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Xây dựng cầu Rạch Dơi;

Xây dựng nút giao An Phú (giai đoạn 1); Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; đường Vành đai 2 - đoạn 1 và đoạn 2; Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; Xây dựng cầu Bình Triệu 2; Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa và dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị - Nghè đến sông Vàm Thuật, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công theo ý kiến góp ý của sở-ngành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập danh sách những dự án đủ điều kiện cũng như những dự án không đủ điều kiện trình HĐND TPHCM để UBND TPHCM báo cáo tại cuộc họp Tổ công tác về đầu tư.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng sẽ làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng để xem xét các dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; Xây dựng nút giao An Phú (giai đoạn 1) và xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.

Theo CafeF

47% lựa chọn phân khúc đất nền, tiếp theo là phân khúc biệt thự, liền kề, nhà phố thương mại, sau đó mới tới chung cư và BĐS du lịch.

Năm mới nên đầu tư vào đâu? Đây là câu hỏi rất nhiều nhà đầu tư và những người có tiền nhàn rỗi băn khoăn mỗi khi đầu năm mới.

Đối với bất động sản, năm 2019 đã kết thúc với nhiều biến động, mở ra năm 2020 được dự báo là năm thanh lọc thị trường mạnh mẽ. Vậy đất nền, chung cư hay bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc thu hút dòng tiền?

Do ảnh hưởng từ quá trình rà soát dự án, nguồn cung các dự án bất động sản năm 2019 đã giảm mạnh. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng cung sản phẩm mới trong năm 2019 chỉ tương đương 61% so với năm trước. Trước tình trạng này, một câu hỏi lớn được đặt ra là nguồn cung giảm, liệu giá nhà 2020 có tăng?

Do khan hiếm dự án nên giá vẫn tăng từ 5-7%. Trong khi đó, thị trường Hà Nội và TP.HCM đều xuất hiện những căn hộ giá chưa từng thấy, lên tới 200-300 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thị trường lại lâm vào nghịch lý giá tăng nhưng lượng giao dịch suy giảm, chỉ đạt 65% so với năm 2018. Phân khúc có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 có tỉ lệ hấp thụ thấp, đặc biệt với những dự án đẩy giá với biên độ lớn.

Theo phân tích của các chuyên gia, bản chất của việc khan hiếm nguồn cung không phải do hết đất mà do tạm ngưng phát triển từ phía cơ quan quản lý. Không chỉ bắt đầu tăng giá bán, có những dự án "găm" hàng chờ đẩy giá. Đại diện Hội Môi giới bất động sản cũng khẳng định, chính thị trường bất động sản sẽ quay lưng với dự án đẩy giá quá cao, không phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Theo CafeLand

Theo thông tin từ Trang tin xúc tiến đầu tư và hợp tác tỉnh Bình Định, Sở Xây dựng tỉnh vừa có văn bản đề xuất 05 dự án cần mời gọi đầu tư trong năm 2020.

Đầu tiên là dự án Khu đô thị và dịch vụ đầm Thị Nại tại thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, với diện tích 176ha. Mục tiêu dự án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 quỹ đất dọc quốc lộ 19 mới đoạn từ thành phố Quy Nhơn đến huyện Tuy Phước đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt.

Thứ hai là dự án Khu trung tâm đô thị du lịch biển tại Phân khu 2, khu vực phía Nam vùng đầm Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, với diện tích 1.772ha. Mục tiêu dự án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 Khu vực phía Nam đầm Đề Gi, huyện Phù Cát đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ mời gọi đầu tư 03 dự án Khu du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng thuộc tuyến Quy Nhơn Sông Cầu: Điểm du lịch số 2A diện tích 33,5ha; Điểm số 8C diện tích 32,8ha; điểm số 9H diện tích 38,2 ha.

Ngoài các dự án nói trên, Sở Công Thương tỉnh Bình Định cũng đang mời gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng 18 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 524,8ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.186 tỷ đồng.

Theo CafeLand

 

Nhánh hầm còn lại của dự án nút giao An Sương dự kiến hoàn thành giữa năm nay, tạo thành nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ phía Tây Bắc TP HCM.

TP HCM sắp hoàn thiện nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ Tây Bắc - Ảnh 1.

Nhánh hầm N2, hướng từ Quốc lộ 22 qua đường Trường Chinh, thuộc dự án nút giao An Sương (địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn, TP HCM), hiện đang được thi công trở lại sau thời gian tạm ngưng bởi không có mặt bằng.

 TP HCM sắp hoàn thiện nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ Tây Bắc - Ảnh 2.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết hiện mặt bằng phía huyện Hóc Môn đã được bàn giao cho dự án và các đơn vị đang tập trung thi công. Tiến độ dự kiến nhánh hầm hoàn thành vào tháng 7 năm nay.
TP HCM sắp hoàn thiện nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ Tây Bắc - Ảnh 3.
Ghi nhận tại công trường, việc thi công nhánh N2 đang diễn ra khẩn trương. Các đơn vị thảm bê-tông nhựa mặt đường, lắp đặt biển báo và tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công... Phần quan trọng nhất là di dời đường ống nước D800 (có ảnh hưởng lớn đến cấp nước của các quận, huyện), cũng đã được thực hiện an toàn.
TP HCM sắp hoàn thiện nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ Tây Bắc - Ảnh 4.

Nhánh N2 hoàn thiện sẽ tạo thành nút giao 3 tầng tại cửa ngõ phía Tây Bắc TP, kỳ vọng giải toả áp lực kẹt xe và tai nạn bởi khu vực này vốn là một trong những nút giao trọng điểm tại TP, nối nhiều tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông cao là Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 và đường Trường Chinh.

TP HCM sắp hoàn thiện nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ Tây Bắc - Ảnh 5.

Các tuyến đường trên cũng là điểm tập trung chính của các loại xe theo hướng lưu thông giữa khu trung tâm TP HCM với các quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi cùng tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, khu vực này còn có Bến xe An Sương nên tình hình giao thông luôn căng thẳng. Trong hình là cảnh kẹt xe trên đường Trưởng Chinh - vốn thường xuyên xảy ra

TP HCM sắp hoàn thiện nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ Tây Bắc - Ảnh 6.

Trước đó, tại dự án nút giao An Sương, nhánh hầm N1 (hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22), thông xe năm 2018, giúp giảm tải áp lực giao thông tại đây. Công trình hoàn thành giúp các loại ôtô từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22 lưu thông thẳng qua hầm, không phải ôm cua theo vòng xoay, hạn chế xung đột giữa các hướng đi.

TP HCM sắp hoàn thiện nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ Tây Bắc - Ảnh 7.

Trong khi với nhánh hầm N2, theo Ban Điều hành dự án đường bộ 3 (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP - chủ đầu tư), từ cuối năm 2018, công trình đã hoàn thành 11/18 đốt hầm, sau đó tạm ngưng do vướng mặt bằng phía huyện Hóc Môn. Đến tháng 10-2019, mặt bằng được bàn giao để triển khai di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và thi công mở rộng mặt đường Quốc lộ 22. Trong hình là thời điểm công trình đang thi công dở cuối năm 2018, sau đó tạm ngưng do không có mặt bằng.

TP HCM sắp hoàn thiện nút giao 3 tầng, giảm áp lực giao thông cửa ngõ Tây Bắc - Ảnh 8.

Hiện nay, nhà thầu đang rào chắn phía Quốc lộ 22 (từ bến xe An Sương về Quốc lộ 1) để thi công 7 đốt hầm còn lại (gồm 1 đốt hầm kín và 6 đốt hầm hở). Các phương tiện từ Củ Chi về nút An Sương sẽ lưu thông trên phần mặt đường mới mở rộng và phần đường thuộc phạm vi giữa hai nhánh hầm.

Dự án xây dựng hầm chui nút giao thông An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỉ đồng, nối đường Trường Chinh và Quốc lộ 22 (Xuyên Á), với hai nhánh hầm, gồm nhánh N1 hướng từ khu trung tâm TP đi huyện Củ Chi, dài 445 m và nhánh N2 theo hướng ngược lại, dài 385 m. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2018 nhưng chậm tiến độ của thi công nhánh N2 bởi vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Sau khi hoàn thành toàn bộ phần hầm chui, nút giao thông An Sương sẽ là nút giao thông 3 tầng, với tầng hầm cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22 và ngược lại; tầng trên mặt bằng nút giao có đảo tròn trung tâm, kết hợp hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho các xe đi vào vòng xuyến rẽ trái, rẽ phải về các hướng; tầng trên cùng là cầu vượt cho xe đi thẳng theo hướng Quốc lộ 1.

Theo Người Lao Động

Đối tác chiến lược