Tin tức

Bùi Yến Ngọc

Bùi Yến Ngọc

VOV.VN - Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo ra những tiềm năng tốt, đồng thời, "thúc" Việt Nam đẩy nhanh hơn quá trình thay đổi để tìm động lực tăng trưởng mới.

GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,3%

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Nhìn chung về tổng thể, Hiệp định CPTPP thực thi mang đến nhiều lợi thế cho Việt Nam. Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, tham gia CPTPP có thể giúp Việt Nam tăng khoảng 1,3% GDP. Nếu có những mở cửa lớn hơn về dịch vụ, thì mức tăng trưởng GDP tăng thêm có thể lên tới 2,1%.

23

Tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,3%

“Lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ chỉ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỉ USD trong trung hạn. Trong đó, một số nước có thể hưởng lợi nhiều hơn. Malaysia sẽ có thể có được nhiều lợi ích nhất (bằng 2% GDP), theo sau là Việt Nam và Brunei dao động khoảng 1,3-1,5% GDP”, TS. Thắng cho biết.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng đánh giá, nhờ có CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. Kim ngạch nhập khẩu có khả năng tăng 3,8-4,6% và nhiều khả năng nguy cơ thâm hụt thương mại được kiềm chế theo thời gian. Mức tăng thêm nhập khẩu chủ yếu do tốc độ tăng xuất khẩu tới các nước trong nội khối CPTPP.

“Hiệp định CPTTP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. CPTPP là hiệp định mở, trong tương lai có thể có thêm một số thành viên khác ví dụ Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được một thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế”, TS. Trần Toàn Thắng cho hay.

Năm 2019 là năm đầu tiên thực thi CPTPP. Một số nhóm hàng sẽ bắt đầu có thuế quan bằng 0, một số nhóm bắt đầu lộ trình cắt giảm dài hơn. Tuy nhiên, TS Thắng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng kỳ vọng vào triển vọng kinh tế tốt hơn ở Việt Nam, doanh nghiệp (DN) nội địa cũng kỳ vọng vào tăng trưởng trong nước sẽ kéo theo cầu về hàng hoá tăng.

“Việc kỳ vọng tăng sẽ kéo theo đầu tư tăng, theo đó có thể tạo ra những tiềm năng tốt, mở ra “room” rất lớn cho tăng trưởng trong năm 2019”, TS Trần Toàn Thắng nhận định.

Đáng lưu ý, theo ông Thắng, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới có thể giúp Việt Nam thay đổi được công nghiệp phụ trợ. Nghĩa là Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp FDI ngành công nghiệp phụ trợ chứ không phải là đơn thuần lắp ráp. Đây là điểm tích cực từ CPTPP.

“Cán cân thương mại với Trung Quốc cũng có thể thay đổi, giảm dần được thâm hụt như hiện nay do các doanh nghiệp FDI sản xuất linh phụ kiện ngay tại Việt Nam. Do đó, có thể thấy yếu tố “nguồn gốc xuất xứ” sẽ ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới khả năng hiện thực hóa lợi ích từ CPTPP”, ông Thắng nói.

Sức ép cải cách thể chế

Lạc quan, nhưng TS. Trần Toàn Thắng cũng nêu ra những vấn đề đặt ra khi CPTPP được thực thi tại Việt Nam. Cụ thể, do tác động của CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm, và dịch vụ bảo hiểm. Trong đó, ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này còn yếu. Trong nông nghiệp, trừ mặt hàng gạo, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao, vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm giảm đi ở mức 0,37%-0,52%.

 

CPTPP mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng đồng thời với đó, cạnh tranh cũng sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia. Vì vậy, DN phải chủ động tìm hiểu thông tin chi tiết về CPTPP để tận dụng và so sánh lợi thế với các FTA khác.

24

          TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp,

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia

“Rủi ro từ CPTPP đối với DN Việt Nam là anh không tận dụng được các cơ hội về xuất khẩu thì anh sẽ chịu tác động tiêu cực về sản xuất trong nước. Cạnh tranh với DN FDI về lao động. Mặt bằng chung của DN Việt vẫn còn thấp, sức cạnh tranh yếu. Ngoài ra, trong thời gian đầu thì việc thu nộp ngân sách thì DN nội sẽ chịu nhiều sức ép hơn khi mà thu thuế nhập khẩu giảm”, TS Trần Toàn Thắng lo ngại.

Trong một phiên thảo luận trước Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng từng bày tỏ lo lắng các cơ hội CPTPP có thể không trở thành hiện thực. Ông dẫn bài học từ việc thực hiện 10 FTA đang cho thấy rất rõ điều này.

“Các Hiệp định này đều được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các ngành hàng của Việt Nam, nhưng trên thực tế không được như vậy. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40%, chủ yếu thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Số còn lại vì nhiều lý do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Từ thực tiễn này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc quan trọng là phải có động thái cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, cải thiện thực chất môi trường kinh doanh.

"CPTPP là Hiệp định chất lượng cao, đòi hỏi Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp", TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ý kiến.

Rõ ràng, các con số mà Hiệp định CPTPP mang lại chỉ được đưa ra kèm từ “có thể”, còn việc hiện thực hóa được lợi ích của CPTPP hay không phụ thuộc rất lớn vào việc Việt Nam có thể đẩy nhanh và làm tốt trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới thể chế, mô hình tăng trưởng có phù hợp với tốc độ mở cửa trong CPTPP hay không.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tư duy và nhìn thách thức ở góc độ hội nhập. Nếu cứ án binh bất động hoặc đứng ngoài cuộc thì làn sóng toàn cầu hóa, tự do hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn diễn ra mạnh mẽ và gây áp lực với kinh tế nước ta, bất kể ngành nào. Chúng ta vẫn có thể thụt lùi, thậm chí thua ngay trên sân nhà, vì người ta vẫn cứ tiến lên và bỏ lại chúng ta ở phía sau.

“Thuận lợi hay cơ hội không tự nhiên đến mà chỉ trở thành hiện thực nếu ta vượt qua được thách thức, đáp ứng được yêu cầu do hội nhập đặt ra. Tất cả tùy thuộc ở sự nỗ lực cải cách của Nhà nước, sự vươn lên và khả năng thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Thấy rõ được điều đó, chúng ta sẽ có quyết tâm và niềm tin vào triển vọng của việc tham gia CPTPP”, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh./.

Ngày 25.01 vừa qua, tại khách sạn Rex – khách sạn 5 sao cao cấp tại TPHCM, SAIGONTEL rất vinh dự khi trở thành nhà đăng cai tổ chức sự kiện GALA DINNER 2018 của Tập Đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI). Với sự tham dự của hơn 400 vị khách quý đến từ các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn SGI như SAIGONTEL GROUP, HUNG VUONG, VINATEXIN, SDN, SGH,… các khách mời là đối tác ở nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước cùng sự góp mặt các cơ quan báo chí. 

TTO - Trong bảng xếp hạng những thị trường bất động sản (BĐS) năng động nhất thế giới do JLL công bố, các thành phố của châu Á cho thấy sự áp đảo khi chiếm tới 19 vị trí trong top 20.

12

Hầu hết các thị trường nhà đất năng động nhất toàn cầu đều thuộc châu Á - Ảnh: Joydeep Mitra

Kết quả một nghiên cứu mới đây của JLL cho biết thành phố Bengaluru (Ấn Độ) đứng đầu trong số 131 thành phố trên toàn cầu được khảo sát về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản trong ngắn hạn.

Theo JLL, lĩnh vực công nghệ khởi sắc mạnh mẽ là động lực thúc đẩy cả nền kinh tế cũng như ngành công nghiệp bất động sản ở Bengaluru và một số thành phố khác trong top 20 như Hyderabad (vị trí thứ 2), Tp.HCM (vị trí thứ 8) và Thâm Quyến (vị trí thứ 19).

Bảng xếp hạng của JLL cũng cho thấy sự áp đảo của châu Á khi có tới 19 đại diện góp mặt trong top 20 thành phố năng động nhất toàn cầu. Thành phố duy nhất không thuộc châu Á là Nairobi – thủ đô của Kenya. 

Dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc chảy vào lĩnh vực hạ tầng ở thành phố này đã thúc đẩy thị trường bất động sản khởi sắc, chiếm vị trí thứ 6 trong xếp hạng của JLL.

Cùng với TP.HCM, Hà Nội cũng được đánh giá cao về sự năng động, xếp vị trí thứ 3. Hai đại diện khác của Đông Nam Á là Manila và Bangkok lần lượt chiếm vị trí thứ 12 và 18. Các đại diện của Trung Quốc và Ấn Độ chia nhau các vị trí còn lại trong top 20.

 

Sự vắng mặt của các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đã cho thấy sự phân cực tăng trưởng Đông - Tây, được đánh dấu bằng quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở châu Á.

Ông Jeremy Kelly - giám đốc nghiên cứu toàn cầu của JLL - cho biết: "Châu Á tiếp tục cho thấy động lực tăng trưởng mạnh mẽ với các thành phố đang mở rộng thành công nền kinh tế đổi mới, thu hút vốn, các doanh nghiệp và người lao động".

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã chỉ đạo Napas phải thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thanh toán mới trên nền tảng số hóa để hỗ trợ kết nối các kênh ngân hàng.

16

17

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã chỉ đạo Napas phải phải thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử

Tại Hội nghị triển khai hoạt động năm 2019 của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (Napas) mới đây, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống Napas trong năm 2018 tăng trưởng 45,7% so với 2017; tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống này trong năm 2018 tăng trưởng 169% so với năm 2017, đạt hơn 1.763.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng  giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 của Napas tăng trưởng gấp 4 lần tổng giá trị giao dịch rút tiền mặt tại mạng lưới ATM liên ngân hàng thực hiện qua hệ thống chuyển mạch tài chính Napas. Điều này cho thấy hệ thống chuyển mạch các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 của Napas đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho các ngân hàng giảm tải việc cung ứng tiền mặt tại hệ thống ATM, phát huy vai trò của một hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng trong hoạt động thanh toán.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, vai trò quan trọng của công tác thanh toán không dùng tiền mặt đã được nêu trong các nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, trong năm 2019, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng phải tập trung đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công cấp độ 4. Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nhìn nhận các nhiệm vụ này đều liên quan trực tiếp đến kế hoạch hoạt động của Napas trong năm 2019.

Phó Thống đốc yêu cầu tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên Napas cần tập trung triển khai hiệu quả Quyết định 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019 về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019 thông qua việc thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả một số nội dung quan trọng.

Phó Thống đốc cho rằng Napas phải hỗ trợ các ngân hàng triển khai kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ Chip đồng thời với việc tiếp tục nghiên cứu việc ứng dụng thẻ Chip vào các lĩnh vực, các kênh thanh toán mới. Bên cạnh đó, Napas xây dựng và phát triển Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch bán lẻ, giao dịch thẻ (ACH). Phó thống đốc đề nghị Napas triển khai chuyển mạch thẻ qua một cổng tuân thủ quy định về thời hạn thực hiện kể từ ngày 01/01/2020 tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19 về hoạt động thẻ ngân hàng. Napas cũng phải tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thanh toán, cung ứng các giải pháp thanh toán mới trên nền tảng số hóa để hỗ trợ kết nối các kênh ngân hàng dựa trên công nghệ Blockchain, Big data, QR.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng yêu cầu Napas phải tổ chức vận hành an toàn, thông suốt, ổn định và hiệu quả hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống các dịch vụ trung gian thanh toán khác. Ngoài ra, Napas sẽ phải nghiên cứu các vấn đề về phí theo hướng hỗ trợ phát triển thị trường đặc biệt là hỗ trợ triển khai các dịch vụ công cấp 4.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, NAPAS cần tập trung công tác cán bộ và quản trị điều hành. Theo đó, cần rà soát tổ chức đảm bảo sử dụng hiệu quả tất cả các nguồn lực lao động; tăng cường tính trách nhiệm của từng cá nhân và đoàn kết trong toàn đơn vị; coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đúng thực trạng cán bộ để có bố trí sắp xếp phù hợp.

18

                             Bà Nguyễn Tú Anh, cũng đã trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Hưng, nguyên Phó Cục Trưởng - Cục Công nghệ tin học NHNN giữ chức vụ Tổng giám đốc Napas

Phát biểu tại hội nghị này, Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Napas cam kết sẽ khẳng định vai trò trung tâm và chủ đạo trong phát triển thị trường thẻ và thanh toán điện tử bán lẻ Việt Nam hướng tới trở thành một trong những Công ty thanh toán ngang tầm khu vực như Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Tú Anh cũng đã trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Hưng, nguyên Phó Cục Trưởng - Cục Công nghệ tin học NHNN giữ chức vụ Tổng giám đốc Napas kể từ ngày 22/1/2019.

Theo PV

ICT News

VOV.VN - Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các dự án FDI vào Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD...

Từ đầu năm đến 20/1/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là lĩnh vực dẫn đầu trong thu hút đầu tư, tiếp đến là lĩnh vực khoa học công nghệ và bất động sản.

13

Tính đến ngày 20/1/2019, có 226 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 805 triệu USD.

Tính đến ngày 20/1/2019, có 226 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 805 triệu USD, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2018. 

Cũng trong tháng 1/2019, có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 761,8 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ 2018.

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với tổng số vốn đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đó lần lượt là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo đối tác đầu tư, có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 364 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 349,1 triệu USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 307,8 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, có 39 tỉnh thành phố được đầu tư nước ngoài, trong đó, TP HCM thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất. Tiếp đó lần lượt là Bình Dương, Hải Dương./.

Nhiều chủ đầu tư cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội, TPHCM hết quỹ đất và dư địa để phát triển nên nhà đầu tư chuyển sang đầu tư ở vùng ven. Dòng tiền đầu tư của người dân được dự báo có thể “đổ” vào phân khúc đất nền năm 2019 vùng ven trong khi quỹ đất trung tâm cạn kiệt (?!).

15

Giẫm chân “đi săn” quỹ đất đẹp 

 Theo các chuyên gia BĐS, xu hướng nhà đầu tư dịch chuyển về vùng ven đã bắt đầu gia tăng từ năm 2017, bùng nổ trong năm 2018 và được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong năm 2019. Đây là lựa chọn tất yếu khi thị trường Hà Nội, TPHCM gần như đã cạn quỹ đất để phát triển dự án mới. Điều này, đẩy các nhà đầu tư và nhà phát triển BĐS buộc phải theo dòng chảy thị trường khi mà quỹ đất nội đô Hà Nội, TPHCM giá ngày càng tăng cao.

 Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho biết, năm 2019, doanh nghiệp tập trung làm dự án Khu đô thị mới Tây Nam Việt Trì tại tỉnh Phú Thọ. Dự án có quy mô 58,5ha gồm hệ thống biệt thự liền kề, nhà ở cao tầng và các công trình phụ trợ. Sở dĩ doanh nghiệp chuyển hướng sang vùng ven vì sau nhiều dự án thành công ở Hà Nội, ông Hiệp cho rằng, hiện quỹ đất nội thành Hà Nội không còn, trong khi đó để ra một dự án phải mất thủ tục từ 3 đến 4 năm gây cản trở cho doanh nghiệp. Ông Hiệp tỏ ra lạc quan với thị trường các tỉnh trong năm 2019.

 Tổng giám đốc LDG Group - Nguyễn Minh Khang dự đoán năm 2019 sẽ là năm “bùng nổ” phát triển BĐS ở các thị trường tỉnh, không chỉ là các khu vực quen thuộc mà ở cả những thị trường chưa được khai phá trước đó. Ông Khang cho biết, hiện việc tìm kiếm quỹ đất vùng ven cũng không còn là chuyện dễ, doanh nghiệp đang phải “giẫm chân nhau” đi săn quỹ đất đẹp.

Yếu tố quỹ đất đang tác động trực tiếp đến việc tìm kiếm nguồn vốn phát triển của doanh nghiệp. Xu hướng huy động vốn được xem là chủ chốt và ổn định nhất hiện nay, có thể thay thế cho vốn ngân hàng là huy động qua sàn chứng khoán. Tuy nhiên, muốn huy động qua kênh này thì doanh nghiệp cũng phải chứng thực năng lực thông qua hoạt động của các dự án, lượng quỹ đất.

 Chủ tịch HĐQT của Kosy - Nguyễn Việt Cường, cho rằng, dư địa của phân khúc đất nền còn rất lớn, đặc biệt là các tỉnh lẻ. Khi giá đất của Hà Nội lên cao, nhiều đơn vị kinh doanh chọn chuyển dịch sang các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, một số địa phương có hạ tầng tương đối tốt và xây dựng nhiều khu công nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi cho thị trường bất động sản địa phương phát triển. “Các cơn sốt đất nền ở những khu vực chỉ là cục bộ, về cơ bản thị trường đất nền phát triển khá tốt. Thị trường có dư địa phát triển nhưng nhà đầu tư cũng cần cân nhắc kỹ khi đầu tư, không nên dùng đòn bẩy tài chính khi thị trường tăng giá” - ông Cường nói.

 Thận trọng giao dịch giá chênh cao

 Trao đổi với báo chí tại cuộc họp quý IV thị trường BĐS mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, hiện tại, thị trường BĐS ở các tỉnh ven đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM đang phát triển khá tốt, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền.

“Ví dụ ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, giá của 1 lô đất nền 50 - 70m2 tương đương 1 căn hộ trong thành phố, nên vẫn là sản phẩm phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng tiêu dùng trong vùng. Sự tăng trưởng của phân khúc này ở các đô thị lớn cũng được duy trì và phát triển, lượng cung tung ra thị trường và giao dịch đất nền cũng sẽ tăng trưởng hơn so với 2018”, ông Đính nói.

Mới đầu năm 2019, nhiều dự án vùng ven như Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc... các chủ đầu tư đã tạo sóng với những khoản chênh lệch lớn. Lý giải về việc này, giám đốc một sàn BĐS tại Hà Nội cho biết, hiện đất nền các tỉnh lân cận Hà Nội tăng giá đáng kể so với một, hai năm trước. Tuy nhiên, mức độ giao dịch không đến độ tạo thành cơn sốt nên tình trạng sốt giá do lượng giao dịch nhiều là không có. Theo ông, việc thu tiền ngoài và tính vào phí dịch vụ thực chất là tiền chênh mà đơn vị phân phối “đút túi”.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, đoàn Luật sư TP Hà Nội cảnh báo người mua nhà nên thận trọng với những giao dịch BĐS có giá chênh cao bất thường, bởi điều này có thể tạo nên các rủi ro như khó đòi lại tiền nếu dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Hơn nữa, nếu vì mục đích lách thuế của chủ đầu tư, theo ông Vĩnh, cũng có thể tạo ra những rủi ro khác khi dự án bị thanh tra, người mua chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam, thời gian qua, phân khúc đất nền có tỷ lệ đầu tư, đầu cơ lớn và qua mỗi lần giao dịch, mức giá sản phẩm bị đẩy cao vượt giá trị thực cho nên khách mua hiện nay phần nào “e dè” và cẩn trọng hơn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/11/2018, thị trường BĐS tồn kho 2.316 căn hộ chung cư (tương đương 3.392 tỷ đồng); tồn kho 2.724 căn nhà thấp tầng (tương đương 6.446 tỷ đồng); tồn kho 2.859.461 m2 đất nền nhà ở (tương đương 11.075 tỷ đồng); tồn kho đất nền thương mại: 507.270m2 (tương đương 2.036 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: “Diễn biến thị trường BĐS năm 2019 nhiều khả năng sẽ ổn định, tích cực. Hiện chưa có dấu hiệu bất thường nào trên thị trường, dù có những đợt sốt cục bộ ở từng dự án, từng khu vực nhỏ vẫn có thể xảy ra”.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong

Xuất khẩu của Việt Nam đang được đánh giá là bắt nhịp được với các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu cao so với trước khi có FTA. Tuy nhiên, vấn đề phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ là điều mà các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục lưu tâm, nhất là từ các FTA thế hệ mới.

9

Xuất khẩu tuy đã bắt nhịp thị trường có FTA nhưng vẫn lo các biện pháp phòng vệ thương mại. Nguồn: Internet

Tận dụng lợi thế

Những thị trường mà FTA với Việt Nam đã có hiệu lực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN cũng chính là thị trường chủ lực của XK đồ gỗ, cộng với hai thị trường lớn khác là Mỹ và EU (FTA Việt Nam – EU đang chờ được ký kết). Điển hình như, XK đồ gỗ của Việt Nam vào Hàn Quốc chiếm khoảng 10% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ của thị trường này.

Chia sẻ kinh nghiệm XK đồ gỗ vào các thị trường lớn có FTA với Việt Nam dưới góc độ một chủ doanh nghiệp (DN) gỗ thuần Việt, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gỗ An Cường, nhấn mạnh: "Tại sao công ty của chúng tôi có thể XK đồ gỗ đi Nhật? Đó là vì sản phẩm của chúng tôi có chất lượng quốc tế. Với những thị trường khó thì chúng tôi sẽ xuất qua hệ thống đại lý".

Ông Nghĩa cho rằng để tiếp cận các thị trường này đòi hỏi các DN Việt cần chủ động bám vào nhiều kênh, chẳng hạn như ra nước ngoài tham gia vào các hội chợ thương mại quốc tế, hoặc là thông qua chính bộ phận Thương vụ của Việt Nam ở các nước này…

Theo đánh giá mới đây của Bộ Công Thương, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam trong năm 2018 vừa qua đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cao so với thời điểm trước khi có FTA như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia – New Zealand.

Một kết quả điều tra khảo sát mới đây với 225 DN có hoạt động xuất nhập khẩu với lĩnh vực ngành nghề đa dạng đã cho thấy một bức tranh tổng quan khá tích cực của DN Việt khi có rất nhiều DN cho biết đã chủ động hoàn thiện năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng được các lợi thế mà các thị trường có FTA của Việt Nam mang lại.

Tuy nhiên, quá trình thực thi các FTA hiện cũng cho thấy so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tận dụng tốt các hiệp định này, các DN Việt vẫn còn lúng túng từ các rào cản phi thương mại và rào cản phi thuế quan. Đây là các vấn đề đã tồn tại ở Việt Nam từ lâu khi chủ yếu DN có quy mô vừa và nhỏ.

Điển hình là XK gỗ sang Hàn Quốc: các DN ngành gỗ của Hàn Quốc tại Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) so với các DN đồ gỗ Việt. Trong khi đó, một cuộc thăm dò với các DN xuất nhập khẩu cho thấy VKFTA được nhiều DN biết đến nhiều nhất so với các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Có thể lấy xuất khẩu (XK) đồ gỗ là một ngành điển hình đang bắt nhịp tốt với những thị trường có FTA của Việt Nam. Năm 2018 vừa qua, XK đồ gỗ đã đạt kim ngạch trên 9 tỷ USD và đang hướng đến mục tiêu đạt 10,5 tỷ USD trong năm 2019.

Đối mặt phòng vệ thương mại

Đến nay, Việt Nam đang thực thi 10 FTA khu vực và song phương, giúp mở rộng thị trường XK cho hàng hóa và sản phẩm cũng như nâng cao giá trị XK các mặt hàng chủ lực.

Cơ hội gia tăng XK của Việt Nam tiếp tục được mở ra với những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019) và FTA Việt Nam – EU (EVFTA).

Đối với CPTPP, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 – 10 năm. Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương, dệt may, giày dép của Việt Nam cũng nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, như lưu ý của bà Phạm Thanh Nga, Thành viên Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), khi CPTPP có hiệu lực, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với với các biện pháp tự vệ chuyển tiếp, đặc thù của Hiệp định, trong giai đoạn tối đa là 3 năm kể từ thời điểm CPTPP phát sinh hiệu lực.

"Các quốc gia thành viên sẽ có thể áp dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại trên cơ sở đề nghị của các DN trong nước mình. Khi đó, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ này khi XK ra một thị trường nhất định", bà Nga cho biết.

Ngoài vấn đề phòng vệ thương mại, với các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA, giới chuyên gia cho rằng đến nay, các cam kết về quy tắc xuất xứ vẫn là thách thức lớn cho các nhà XK của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu Nguyễn Tuấn Vũ, Trần Thị Thuận Giang (Đại học Luật Tp.HCM) nhấn mạnh xuất xứ hàng hóa trở thành một vấn đề chủ chốt trong các FTA thế hệ mới khi là yếu tố quyết định một sản phẩm có được ưu đãi hay không.

"Khi hàng hóa không ở mức độ "thuần túy" thì việc chứng minh xuất xứ trở nên khó khăn và phức tạp. Đặc biệt, đối với các quốc gia thành viên của FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang đàm phán hoặc đã ký kết hiệp định như Australia, Canada, Nhật Bản, EU…, việc tuân thủ quy tắc xuất xứ là điều kiện tiên quyết để hàng hóa XK của Việt Nam được hưởng ưu đãi", nhóm nghiên cứu này cho biết.

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Với chính sách phù hợp, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút các tập đoàn CNTT hàng đầu trên thế giới đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động như Intel, Samsung, Panasonic, Canon, LG, Foxconn…

08

Nhà máy Samsung Bắc Ninh. Ảnh Internet

Theo số liệu thống kê sơ bộ, năm 2018, công nghiệp phần cứng, điện tử, sản xuất thiết bị viễn thông là thành phần chủ lực của ngành công nghiệp ICT Việt Nam với doanh thu ước đạt 88 tỷ USD, tăng trưởng 7,8% so với năm 2017.

Công nghiệp phần cứng, điện tử là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành công nghiệp CNTT Việt Nam.

Với nhiều chính sách phù hợp, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút các tập đoàn CNTT hàng đầu trên thế giới đầu tư lớn vào Việt Nam và hiện đang tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, điển hình là Intel, Samsung, Panasonic, Canon, LG, Foxconn…

Các doanh nghiệp trong ngành đã xuất khẩu tới 50 nước trong khu vực và trên thế giới. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là linh kiện, thiết bị phần cứng, điện tử, máy tính, viễn thông.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, hiện nay ngành công nghiệp CNTT thế giới đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đó là xu hướng phát triển các công nghệ mới như xu thế kết nối vạn vật IoT, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, phát triển các dịch vụ CNTT và dịch vụ trên nền CNTT, dịch vụ hóa các sản phẩm phần mềm, phát triển các sản phẩm nguồn mở hoặc dựa trên nền chuẩn mở.

Sự phân chia lao động toàn cầu cũng đang diễn ra ngày càng rõ rệt, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy mạnh việc thuê ngoài các dịch vụ CNTT và thuê ngoài quy trình nghiệp vụ sang các nước đang phát triển có tiềm năng về công nghiệp CNTT. Điều này đã tạo cơ hội mới cho các nước đang phát triển như Việt Nam.

Theo quan điểm của giới công nghệ, từ bài học kinh nghiệm thành công của các quốc gia, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam nên đầu tư vào các doanh nghiệp mũi nhọn, tập trung nguồn lực mạnh mẽ vào các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam. Điều này giúp các công ty mũi nhọn đủ tiềm lực cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

Cùng đó, cần phân định rõ hơn chức năng quản lý nhà nước ngành công nghiệp điện tử, tổ chức phối hợp tốt hơn với các Bộ, ngành để thực thi một cách có hiệu quả. Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện tử - viễn thông Việt Nam gắn liền với chiến lược phát triển các sản phẩm, dịch vụ điện tử - viễn thông của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó hỗ trợ hình thành 5-7 tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn có vai trò dẫn dắt công nghệ và thị trường hàng đầu của quốc gia và khu vực.

Việt Nam cần hoàn thiện môi trường pháp lý và huy động nguồn lực cho thúc đẩy, phát triển công nghiệp điện tử. Với sự thay đổi của nền kinh tế - xã hội trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần phải tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa các chính sách cho phù hợp với thực tiễn phát triển.

Ví dụ, chính sách ưu đãi đầu tư gắn liền với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao của các dự án đầu tư FDI, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp ICT, công nghiệp 4.0...

Theo PV

Ictnews

 

05

Nhiều dự án tại Thủ Thiêm bị đóng băng vì thủ tục pháp lý

Nguồn thu từ đất giảm sút

Năm 2017, TPHCM thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 17.905 tỷ đồng, chiếm gần 66% tổng nguồn thu về đất. Năm 2018, tổng thu ngân sách nội địa TPHCM là 268.780 tỷ đồng, trong đó ước thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng và số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm hơn 61% tổng nguồn thu về đất.

Như vậy, so với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%; số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng, giảm đến 22,5%. Điều đáng quan tâm là số tiền thu ngân sách từ đất mà các doanh nghiệp và cá nhân còn nợ đến ngày 30-11-2018 đã lên đến 3.013 tỷ đồng; tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã sụt giảm 2,43% (từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018). Như vậy, tại TPHCM, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS đã có dấu hiệu chững lại và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.

Quy mô thị trường BĐS cũng bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Cụ thể, năm 2017 có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 42.991 căn (gồm 37.502 căn hộ chung cư và 5.489 căn nhà thấp tầng).

Cụ thể các phân khúc: cao cấp chiếm 25,5%, trung cấp 45,5% và bình dân 29%. Năm 2018, có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017. Trong đó, phân khúc cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 chiếm 30% - tăng 4,5% so với năm 2017; phân khúc trung cấp chiếm 45,3% - tương đương năm 2017; phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7% - giảm 4,3%. Số liệu trên đây cho thấy thị trường BĐS thành phố phát triển chưa bền vững. Bởi lẽ, thị trường BĐS chỉ phát triển bền vững khi đạt được cơ cấu sản phẩm hợp lý: Phân khúc nhà ở bình dân chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là phân khúc trung cấp và nhỏ nhất là phân khúc cao cấp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho rằng đây là những dấu hiệu rất đáng lo ngại. Bởi cho đến hết năm 2018 và bước qua năm 2019, tình hình đầu tư - kinh doanh BĐS trong cả nước, đặc biệt là TPHCM, vẫn rất khó khăn, dự án mới hạn chế, nhiều dự án trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giờ cũng phải “rà” lại, khiến doanh nghiệp lẫn khách hàng rất hoang mang. 

Điểm nghẽn thủ tục

Theo nhận định của các chuyên gia, một số nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở trong thời gian qua và cả trong năm 2019 là: Thể chế hành chính và hệ thống quy phạm pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ; tinh thần làm việc của một số cán bộ, công chức có liên quan đến dự án BĐS bị sụt giảm; thủ tục hành chính có liên quan đến dự án BĐS bị trì trệ, mà trước hết là điểm nghẽn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư dự án… Điều này có thể dẫn tới việc làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2019, bởi lẽ không chỉ các doanh nghiệp BĐS bị giảm doanh thu, lợi nhuận, giảm nguồn thu thuế, mà có khoảng 95 ngành nghề khác có liên quan thị trường BĐS cũng bị ảnh hưởng theo. 

6

Nhiều dự án tại Thủ Thiêm bị đóng băng vì thủ tục pháp lý

Nhiều quy định liên quan đến đầu tư dự án nhà ở vẫn còn bất cập, gây khó cho doanh nghiệp. Hiện nay đang trong quá trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Mới đây, HoREA đề xuất kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Nhà ở, Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về việc “Quyết định chủ trương đầu tư; Lựa chọn nhà đầu tư; Chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở” để giải quyết điểm nghẽn về chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đồng thời, đề xuất UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo các sở ngành tháo gỡ khó khăn đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, bao gồm đất ở và các loại đất khác cần phải chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP ban hành quyết định chủ trương đầu tư, HoREA đề nghị UBND TP giao nhiệm vụ cho các sở ngành thực hiện các bước thủ tục hành chính tiếp theo.

Cụ thể, bước 1, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận và thụ lý hồ sơ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc bản vẽ tổng mặt bằng dự án của nhà đầu tư trình UBND TP phê duyệt. Bước 2, Sở Xây dựng chủ trì tổ chuyên gia xem xét trình UBND TP “Quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại” đối với các dự án nhà ở xen cài đất ở với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp. B

ước 3, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục trình UBND TP ra quyết định giao đất dự án cho chủ đầu tư; chủ trì công tác xác định giá đất cụ thể của dự án nhà ở thương mại; phối hợp với Sở Tài chính trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố, UBND TP quyết định tiền sử dụng đất của dự án. Như vậy vừa rút ngắn được thời gian, vừa giảm thiểu đầu mối cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án.

Ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham Việt Nam, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các quy định, cả thuế suất lẫn chính sách và kiến nghị: “Các thủ tục hành chính ràng buộc không hiệu quả phải được kiểm soát, khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được”. 

ĐỖ TRÀ GIANG

Đông Nam Á, khu vực được cho là có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bắt đầu xuất hiện những dữ liệu kinh tế đáng lo ngại...

4

Một bến cảng ở Singapore.

Đông Nam Á, khu vực được cho là có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bắt đầu xuất hiện những dữ liệu kinh tế đáng lo ngại. Theo hãng tin Bloomberg, một loạt thống kê xuất khẩu gần đây của Đông Nam Á cho thấy căng thẳng thương mại đang phủ bóng lên khu vực có mức độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu này.

Số liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy xuất khẩu của Singapore tháng 12 giảm mạnh nhất hơn 2 năm. Đầu tuần, Indonesia báo mức giảm xuất khẩu tệ nhất 1 năm rưỡi. Các con số từ Philippines tuần trước cho thấy xuất khẩu bất ngờ sụt giảm trong tháng 11, trong đó có sự suy giảm xuất khẩu hàng điện từ lần đầu tiên trong 2 năm.

Sự suy yếu trong các báo cáo thương mại của Đông Nam Á là tín hiệu cho thấy các nền kinh tế trong khu vực đang đối mặt thêm thách thức trong ngắn hạn, cho dù giới phân tích cho rằng chiến tranh thương mại sẽ mang lại lợi ích cho một số nước Đông Nam Á nhờ sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng dưới sức ép của thuế quan.

Thống kê công bố vào tuần tuần đã cho thấy xuất khẩu tháng 12 của Trung Quốc giảm mạnh do áp lực từ thuế quan Mỹ và nhu cầu chững lại trên thị trường toàn cầu.

"Thương mại khu vực đã bước suy giảm, hiệu ứng tăng xuất khẩu nhờ giao hàng sớm có vẻ như đã kết thuc đối với hầu hết các quốc gia", một báo cáo từ ngân hàng Maybank Kim Eng nhận định. Các chuyên gia của ngân hàng này dự báo thương mại của hầu hết các nước châu Á sẽ suy giảm trong quý 1.

Singapore là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới, nên dữ liệu xấu từ nước này là một lý do để giới quan sát lo ngại, bên cạnh những dấu hiệu khác của sự yếu đi của thương mại toàn cầu.

Nhu cầu của các nhà máy tại châu Á đã yếu đi từ cuối năm 2018, nhưng mức giảm xuất khẩu của Singapore vẫn gây bất ngờ lớn, bởi các nhà phân tích trước đó dự báo xuất khẩu của nước này tăng 2% trong tháng 12.

Sự suy giảm của ngành công nghệ được cảm nhận rõ ở Philippines, nơi xuất khẩu hàng điện tử sụt giảm trong tháng 11 và tổng xuất khẩu cũng bất ngờ đi xuống so với mức cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch kinh tế Philippines, ông Ernesto Pernia, nói rằng xuất khẩu của nước này khó khởi sắc trong ngắn hạn.

Tại Indonesia, xuất khẩu giảm trong tháng 12, với mức giảm so với cùng kỳ năm trước mạnh nhất từ giữa 2017.

Thái Lan sẽ công bố số liệu thương mại vào thứ Hai tuần tới. Tháng 11, xuất khẩu của nước này chứng kiến lần suy giảm thứ hai kể từ tháng 2/2017.

BÌNH MINH

Đối tác chiến lược