Tin tức

Bùi Yến Ngọc

Bùi Yến Ngọc

Hoạt động thương mại Việt Nam trước mắt chưa chịu tác động đáng kể từ những căng thẳng thương mại leo thang mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc, do hàng hoá bị đánh thuế đa phần là hàng công nghệ cao, có tính chất tương đối đặc thù.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường!
 
 

Cuối tuần trước, Mỹ đã công bố danh mục hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc để áp thêm thuế nhập khẩu. Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố sẽ trả đũa. Rạng sáng 19/6 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ xác định thêm danh mục hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ USD để áp mức thuế bổ sung 10%, nếu Trung Quốc có động thái trả đũa.

Cuộc chiến thương mại hai nước liên tục leo thang đặt ra không ít quan ngại trong chính sách và hoạt động thương mại của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.

Căn cứ nào để đánh thuế với 34 tỷ hàng hoá từ Trung Quốc?

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường! - Ảnh 1.
 

Nhiều quan sát cho thấy trong thời gian dài, Mỹ luôn có ý kìm hãm Trung Quốc về thương mại, nhưng thường chỉ dừng ở mức độ "mềm mỏng", tại sao thời điểm này mối quan hệ lại trở nên căng thẳng như vậy?

Sự so kè về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nhưng cọ xát thương mại chỉ thực sự gia tăng trong khoảng từ 4-5 năm trở lại đây. Trong số những mặt hàng chịu ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến nay có thép, máy giặt, pin nhiên liệu mặt trời,... Bên cạnh đó, sau một thời gian tranh cãi giữa hai bên, Mỹ vẫn ra quyết định chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường vào tháng 10/2017.

Từ tháng 4 năm nay, sau một thời gian điều tra, Mỹ đã đưa ra dự thảo danh mục khoảng 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để lấy ý kiến về việc áp thêm thuế 25 điểm phần trăm. Ví dụ, mặt hàng nếu có thuế nhập khẩu 0% sẽ bị áp thuế 25%, hàng có thuế 5% thì sẽ tăng lên thành 30%. Ngày 15/6, Mỹ đã công bố danh mục các hàng hóa chính thức bị áp thêm thuế từ 6/7, với giá trị hàng hoá bị áp thuế ước tính là 34 tỷ USD.

Danh mục hàng hóa bị áp thuế từ 6/7 được Mỹ lựa chọn dựa trên tiêu chí không gây đổ vỡ trong nguồn cung hàng hoá, hoặc việc tăng thuế không bị ràng buộc đáng kể về quy trình.

Trong đợt này, danh sách hàng hoá mà Mỹ công bố, đa phần là hàng hoá thuộc nhóm công nghệ cao. Một nguyên nhân được cho là nhằm phản ứng lại những chính sách về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trong Chiến lược "Made in China 2025".

Cần lưu ý, quyết định trên của Mỹ mới chỉ dựa trên đánh giá đầu tiên về chính sách, hoạt động chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Khả năng bổ sung các mặt hàng khác để áp thêm thuế còn hiện hữu. Hành động, đối sách, của Mỹ cũng tuỳ thuộc rất nhiều vào động thái của Trung Quốc.

Nói như vậy có vẻ như cuộc chiến này sẽ được gói gọn trong trong 2 nước và có thể ảnh hưởng ít đến các nền kinh tế khác? 

Trước mắt, quyết định của Mỹ sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và chính người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng. Nguyên nhân là bởi nhiều mặt hàng bị đánh thuế đợt này còn tương đối đặc thù, chưa có thay thế đáng kể trong thời gian ngắn từ các thị trường khác.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không nhượng bộ, áp dụng các biện pháp trả đũa với Mỹ thì phạm vi hàng hóa bị ảnh hưởng có thể sẽ lớn hơn. Khi ấy, các nước thứ ba cũng gặp khó khăn bởi bất định trong chính sách thương mại ở hai thị trường này.

Liệu chiến tranh thương mại có thực sự diễn ra hay chỉ là "đòn gió"?

Mỹ có thể sẽ dừng và cân nhắc nếu Trung Quốc có động thái tích cực, đặc biệt là trong đàm phán thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa, Mỹ có thể bổ sung nhiều mặt hàng mới.

Cần lưu ý rằng quyết định áp thêm thuế từ 6/7 mới chỉ dựa trên điều tra của Mỹ về vấn đề sở hữu trí tuệ. Không loại trừ các vấn đề khác có thể được Mỹ xem xét thêm như môi trường, tỷ giá...

Theo tôi, nhiều khả năng hai nước sẽ cân nhắc và có được một kết quả đàm phán làm dịu đi những căng thẳng đang diễn ra trong năm 2018. Điều này càng quan trọng hơn với Mỹ trong bối cảnh thời điểm bầu cử giữa kỳ đang đến gần.

Nếu cuộc chiến thực sự nổ ra, chưa tính đến tác động bên ngoài, bản thân hai nền kinh tế lớn này đều chịu thiệt hại. Nhìn từ thâm hụt thương mại song phương, Mỹ có lý do để yêu cầu Trung Quốc xuất khẩu ít hơn hoặc nhập khẩu nhiều hơn hoặc cả đôi. Nhưng ngay tư duy này cũng có phần gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ.

Kết quả đàm phán thương mại giữa hai nước, nếu có, có thể có lợi nhiều hơn cho Mỹ trong ngắn hạn. Dù vậy, con đường đi đến kết quả này còn không ít bất định, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc (hơn 375,5 tỷ USD trong năm 2017 và hơn 119,0 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018).

Tác động đối với Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung 

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường! - Ảnh 2.
 

Như đã phân tích ở trên, dù căng thẳng trước mặt chủ yếu đối với Mỹ - Trung Quốc, nhưng nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hai nước này cũng là đối tác làm ăn lớn của Việt Nam, những rủi ro có thể xảy đến là gì? 

Trong ngắn hạn, tác động trực tiếp với Việt Nam là chưa nhiều, nhưng tác động gián tiếp khá khó lường.

Đơn cử như ảnh hưởng đến dòng vốn của các nhà đầu tư. Thị trường tài chính thế giới sau những tuyên bố của Mỹ - Trung Quốc ít nhiều đã có biến động. Các nhà đầu tư đôi khi phản ứng quá nhanh và quá mức khiến các quyết định đầu tư của họ bị ảnh hưởng. Trong khi ấy, thế giới lại đang chứng kiến xu hướng rút vốn khỏi những thị trường đang phát triển và mới nổi, đặt ra áp lực đối với thị trường các nước, trong đó có Việt Nam. Nhưng ngược lại, một số nhà đầu tư có thể chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nếu ta có thể nắm lấy cơ hội.

Về dài hạn, khác với Trung Quốc, Việt Nam có quy mô kinh tế còn tương đối nhỏ. Việt Nam chưa phải là đối tượng để Mỹ đưa ra những hành động trực tiếp. Tuy nhiên, các cơ chế hiện nay như áp thuế chống bán phá giá và một số biện pháp phòng vệ thương mại khác cũng đủ khiến Việt Nam "đau đầu". Nguyên nhân một phần là do chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.

 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam: Tác động trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp rất khó lường! - Ảnh 3.
 

Những hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thêm thuế từ 6/7 cũng khó có thể đẩy sang Việt Nam để lách thuế hoặc tiêu thụ, do là hàng công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng như thép, dầu thô,... thì Việt Nam có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.

Do khó khăn trong quan hệ thương mại với Mỹ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ chủ động hạn chế nhập khẩu từ các nước thứ ba. Yêu cầu chất lượng cao hơn của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam - trong thời gian gần đây – có một phần từ tư duy ấy.

Việt Nam cũng đang cân nhắc chính sách để tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Bài học từ đợt áp thuế mới đây của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cần được cân nhắc thấu đáo khi thiết kế các chính sách chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ.

Để đối mặt với những biến cố bất định này, những chính sách nào cần được đặt ra? 

Thứ nhất, cần tiếp xây dựng các kịch bản để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của Trung Quốc, Mỹ.

Thứ hai, nên rà soát lại những quy định chính sách của mình, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

Thứ ba, không ngừng tiếp xúc, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Lựa chọn dự án FDI phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam là cần thiết, song cần tránh nhìn nhận một chiều, kỳ thị quá mức đối với FDI.

Các đời Tổng thống Mỹ trước đây mới chỉ dừng lại ở việc tiếp thị hàng hoá, nhưng ông Donald Trump còn gây sức ép để "ép" đối tác mua hàng của mình. Đây cũng là bài học quan trọng mà chúng ta cần xem xét để điều chỉnh chính sách thương mại, nhằm ứng xử có lợi hơn trong bối cảnh hiện nay.

Cảm ơn ông!  

Theo Phương Ánh (Thực hiện) Đồ họa: Hương Xuân

Trí thức trẻ

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, tránh những bất ổn kinh tế vĩ mô có thể xảy ra trong vòng hai năm tới là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Việt Nam phải tránh những bất ổn kinh tế vĩ mô
 
 

Tác động đến Việt Nam trong ngắn, trung và dài hạn

TS Võ Trí Thành nhận định, căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang bị đẩy lên cao. Tình trạng này có thể xảy ra theo hai góc độ. Thứ nhất, leo thang đối đầu thương mại sẽ tăng đến lúc nào đó rất khó kiểm soát, có thể nổ ra chiến tranh thương mại.

Thứ hai, khi vượt qua mức dền dứ như hiện nay, vì quan hệ thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, áp lực của dư luận quốc tế, kinh tế thế giới hoặc bản thân không muốn đi quá xa thì đến lúc hai bên cần ngồi lại thảo luận “mềm” với nhau.

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, thực tế cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang xảy ra rồi, vấn đề chỉ là quy mô, mức độ sẽ như thế nào. Trong mấy chục năm qua, kiến trúc sư trưởng hay đạo diễn đứng đằng sau các thiết chế trên toàn cầu là Mỹ. Mỹ luôn có tư tưởng ngoại lệ, luôn coi mình là số 1, là lãnh đạo thế giới nên họ muốn làm theo ý họ. Nhưng điều đó bây giờ không còn đúng nữa. Do vậy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc xảy ra sẽ khiến cả đôi bên, thậm chí là kinh tế thế giới đều chịu thiệt hại.

Theo TS Võ Trí Thành, với mức độ căng thẳng như hiện nay, việc tăng thuế lên vài trăm tỷ USD giữa hai nước lớn sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp, ngắn và trung hạn tới Việt Nam. Thế mạnh của Mỹ là hàng công nghệ, Trung Quốc là nông sản. Do đó, đều ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Cụ thể lúc này là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, trong đó có yếu tố thuận và nghịch. Nhà đầu tư của Mỹ và Trung Quốc có thể tìm kiếm thị trường mới như Việt Nam vốn ổn định, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu cuộc đối đầu leo thang sẽ tạo ra vòng xoáy, các nước tăng cường bảo hộ thương mại, ảnh hưởng nặng đến Việt Nam, nhất là khi kinh tế Việt Nam có độ mở cùng tỷ trọng xuất khẩu cao, đặc biệt là phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI.

Tránh lạc quan thái quá

“Doanh nghiệp (DN) Việt cần làm gì?”, ông Võ Trí Thành cho biết, doanh nghiệp cần quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường. Đây cũng là giai đoạn vừa tăng sức đề kháng, vừa cải cách, học hỏi chuẩn bị, xắn tay vào bắt nhịp xu hướng mới.

Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần tăng sức chống chọi các cú sốc bên ngoài, ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, tái cấu trúc tài chính ngân hàng theo hướng minh bạch hơn. Quan trọng hơn nữa chính là cải cách thể chế, con người gắn với hội nhập. Dù kịch bản nào thì cải cách, bắt nhịp phải đi cùng xu hướng, phải phòng thủ và học hỏi.

TS Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, Chính phủ cần phải chú ý đến và tiếp tục việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) và môi trường kinh doanh (MTKD), đặc biệt cần lưu ý chu kỳ khủng hoảng 10 năm. Bởi theo ông, nếu bây giờ để bất ổn vĩ mô như lạm phát bùng lên hay là đổ vỡ ở thị trường này, thị trường kia thì công sức ổn định KTVM trong mấy năm qua coi như đổ xuống sông, xuống biển.

“Tôi tin nếu đà này giữ được thì những kết quả khả quan sẽ chờ đón ở phía trước. Tuy nhiên, thực tế hơn bốn thập kỷ qua, cái “dớp” khủng hoảng và chu kỳ trục trặc 10 năm đã luôn xảy ra (khi nhìn lại những năm có đuôi số 9: 1979; 1989; 1999; 2009). Bởi vậy cần hết sức thận trọng để tránh sự lạc quan thái quá dẫn đến trục trặc tránh những bất ổn vĩ mô có thể xảy ra. Trong vòng hai năm tới nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”, ông Du nói.

Theo Tuấn Nguyễn (Tiền phong)

“Kỳ vọng hay lạc quan quá mức” là cụm từ được TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright lặp lại nhiều lần khi trao đổi với Trí Thức Trẻ về nguy cơ khủng hoảng chu kỳ 10 năm với điểm rơi là năm 2018.

 
 
 
Việt Nam sẽ thoát lời nguyền chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này? - Ảnh 1.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, tính chu kỳ 10 năm của khủng hoảng tại Việt Nam đã được chứng minh qua 4 lần bất ổn kinh tế trong 40 năm trở lại đây với điểm rơi vào các năm 1979 – 1989 – 1999 và 2009.

Lần khủng hoảng thứ nhất vào năm 1979 xảy ra do những hồ hởi và lạc quan sau chiến tranh khiến mục tiêu tiến nhanh được đặt ra trong khi mô hình phát triển không phù hợp. Do vậy, sản xuất đình đốn và khó khăn tích dồn đến mức không chịu nổi vào thời điểm này.

Tại Hội nghị Trung ương 6, Khoá IV năm này, thay vì bàn về đề án phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương như ý định ban đầu, Hội nghị phải chuyển sang tháo gỡ khó khăn cho sản xuất bằng những cơ chế và nguyên tắc thị trường hay thực tế của cuộc sống.

Dù hoạt động "xé rào" đã xảy ra phổ biến nhưng tình hình cũng chỉ giảm nhẹ chứ không cải thiện. Cùng với khó khăn bên ngoài cũng như sự thất bại của cải cách giá tiền lương năm 1985, Việt Nam buộc phải Đổi mới vào năm 1986.

Việt Nam sẽ thoát lời nguyền chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này? - Ảnh 2.

Mười năm sau đó, năm 1989, Việt Nam chứng kiến lần khủng hoảng thứ hai với sự sụp đổ của các hợp tác xã tín dụng và khủng hoảng tài chính. Sự vấp váp, thiếu kinh nghiệm đã tạo hiện tượng huy động vốn ở gần như hầu hết người dân mà không có bất kỳ ràng buộc nào về đảm bảo an toàn khi sử dụng vốn, tạo ra mô hình tháp Ponzi mà ở đó lãi suất cao được trả từ tiền huy động của người sau đó. Khi tiền không còn đủ nữa, hệ thống sụp đổ khiến hậu quả để lại rất lớn.

Về sau, nhiều chính sách mới phù hợp được triển khai, khắc phục dần hậu quả, nhất là trong cải cách nông nghiệp, ngoại thương và thu hút vốn FDI tạo xung lực cho tăng trưởng. Nhờ đó, năm 1995 được xem là đỉnh điểm thời hoàng kim của giai đoạn này. Bên cạnh đó, Việt Nam tái gia nhập ASEAN và bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Tăng trưởng kinh tế lên đến 9,5%. Nhưng nhiều bất ổn vẫn tiềm tàng, là khởi nguồn cho một chu kỳ trục trặc mới.

Việt Nam sẽ thoát lời nguyền chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này? - Ảnh 3.

Năm 1998 – 1999 được xem là lần khủng hoảng thứ ba của Việt Nam với sự sụp đổ của ngân hàng. Thời kỳ này, chính sách cởi mở về đất đai đã khiến cho thị trường BĐS sôi động, tạo những con sốt. Nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào BĐS, đặc biệt là những doanh nghiệp có thể tạo tín dụng hoặc sở hữu ngân hàng.

Nhưng thị trường ngay sau đó gần như bị đóng băng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 – 1998. Nhiều ngân hàng TMCP có liên quan đến doanh nghiệp đã bị vỡ nợ. Vấn đề phát sinh từ những đổ vỡ này kéo dài trong vài năm khiến cho đà tăng trưởng của giai đoạn trước bị chặn lại.

Tuy nhiên, những chính sách hợp lý sau đó được đưa ra như Luật Doanh nghiệp năm 1999, Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ,... hay môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới. Đỉnh điểm của chu kỳ này là năm 2007. GDP Việt Nam đã tăng 8,5%, Việt Nam cũng trở thành thành viên 150 của WTO.

Sự lạc quan trở lại và tăng cao độ, theo đó, chỉ số chứng khoán cũng đã đạt đỉnh vào tháng 3/2007 và thị trường BĐS cũng nóng trở lại. Một lần nữa, điều này là khởi đầu cho chu kỳ khủng hoảng mới, giai đoạn 2009 – 2011 khi ngân hàng vỡ nợ, tập đoàn kinh tế nhà nước điêu đứng.  

Việt Nam sẽ thoát lời nguyền chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này? - Ảnh 4.

Dòng vốn khổng lồ đã ồ ạt chảy vào trong nước sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Thông qua đó, thị trường tài sản (cổ phiếu, BĐS) được kích hoạt. Tiền được kiếm dễ dàng hơn đã khiến kỳ vọng và phương thức sản xuất kinh doanh của không ít người thay đổi. Thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dòng tiền đã được đổ nhiều hơn vào nhà đất, chứng khoán.

Ngân hàng được mở rộng và sử dụng vốn vô tội vạ dẫn đến thất thoát và nợ xấu. Sau một thời gian ngắn, nhiều ngân hàng mất tính thanh khoản, vỡ nợ và bị mua lại giá 0 đồng.

Bên cạnh đó, các tập đoàn Nhà nước, vốn kỳ vọng là quả đấm thép cho nền kinh tế cũng gặp trục trặc. Có thể kể đến như Vinashin và Vinalines đã sụp đổ hay Tập đoàn dầu khí PVN, Tcty Cao su... gặp khó khăn gây nên những hậu quả nặng nề. Kinh tế vĩ mô trong tình trạng báo động. Bộ Chính trị đầu năm 2011 đã phải ra Nghị quyết tập trung ổn định kinh tế vĩ mô thay vì tăng trưởng cao.

Việt Nam sẽ thoát lời nguyền chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này? - Ảnh 5.

Kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục được nhìn nhận hồi phục, đạt kết quả tốt. Thậm chí, quý I/2018 GDP đạt mức 7,83%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Các tổ chức nước ngoài cũng liên tục đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế lạc quan của Việt Nam. Tuy nhiên, bóng ma "khủng hoảng" đang được e ngại quay trở lại, đặc biệt khi năm 2018 là điểm rơi của chu kỳ 10 năm.

"Chúng tôi đang lo ngại chu kỳ khủng hoảng 10 năm", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ trong một hội thảo với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học. Vì lẽ đó, ông Huệ đưa ra rất nhiều đặt hàng cho các chuyên gia kinh tế cũng như các cơ quan chức năng liên quan.

Những e ngại này, theo TS. Huỳnh Thế Du được hình thành dựa trên tính chất chu kỳ 10 năm, như đã chứng kiến trong suốt 40 năm qua cũng như bối cảnh kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại, là đang rất tốt.

Việt Nam sẽ thoát lời nguyền chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này? - Ảnh 6.

Sự thái quá trong kỳ vọng, lạc quan của người dân, doanh nghiệp là yếu tố xuyên suốt được ông Du chỉ ra trong các giai đoạn trục trặc kinh tế trước đây.

Tâm lý này nảy sinh khi nền kinh tế tăng trưởng tốt khiến thị trường tài sản tự động nóng lên, khi người dân, doanh nghiệp chuyển kỳ vọng sang đầu cơ đất, chứng khoán khiến nhu cầu tín dụng, tiền tệ tăng cao.

Do đó, nếu chính sách điều tiết vĩ mô không khéo léo sẽ khiến vòng xoáy bùng nổ: người đổ xô đi mua – giá tăng cao – giá tăng cao nên người đổ đi mua. Lúc này, chỉ một tác động nhỏ cũng khiến cho bong bóng bị vỡ, và kinh tế lâm vào khủng hoảng, như những gì từng diễn ra.

"Việc cần làm là phải tránh bằng được những kỳ vọng đó", ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh. Ông cho rằng dưới góc độ kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần phải chú ý đến việc kiểm soát cung tiền và tín dụng, không để dòng tiền đổ ồ ạt vào BĐS – vốn là hoạt động không tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

Việt Nam sẽ thoát lời nguyền chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này? - Ảnh 7.

Thị trường chứng khoán kể từ đầu năm đến nay có những lúc đã vượt đỉnh 1.000 điểm, nhưng cũng liên tục cho thấy sự bất định khi lao dốc. Thậm chí, trong một phiên điều hành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bình luận thị trường này không ổn định, mật độ tăng giảm "dầy". Điều này khiến không ít nhà đầu tư phải lao đao. Tuy nhiên, ở một góc độ khác về vĩ mô, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng đó lại là tín hiệu tích cực, giúp điều chỉnh tâm lý nhà đầu tư.

Bởi vì nếu thị trường liên tục tăng nóng sẽ khiến kỳ vọng của nhà đầu tư theo đó cũng tăng theo. Vòng xoáy này có thể khiến bong bóng chứng khoán nở căng ra và có thể bị nổ, gây trục trặc cho nền kinh tế. Do đó, những bất định khi diễn ra, có thể khiến nhà đầu tư cẩn trọng hơn trong các quyết định của mình, giảm đi nhưng kỳ vọng không hợp lý của một số người, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư Việt tính chuyên nghiệp chưa cao, chủ yếu xuống tiền theo tâm lý đám đông.

Việt Nam sẽ thoát lời nguyền chu kỳ khủng hoảng 10 năm nhờ hai nhân tố này? - Ảnh 8.

Bên cạnh đó, việc 3 đặc khu Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua cũng là một tin rất tốt cho thị trường BĐS, giúp giảm hưng phấn của những nhà đầu tư. Bởi lẽ, nếu Luật Đặc khu được tán thành, không chỉ đất tại 3 vùng này nóng lên mà cơn sốt đất cũng sẽ lan toả sang các nơi khác do hiệu ứng dây chuyền.

Như vậy, có vẻ như trục trặc trong việc thông qua luật hay biến động lên xuống lớn của thị trường chứng khoán, phần nào đã như một cây kim châm, giúp hạ nhiệt cho những nhà đầu tư đang quá hồ hởi khi nhìn vào nền kinh tế.

Theo Phương Ánh Trình bày: Tuấn Dũng

Trí Thức Trẻ

Động thái của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tác động trực tiếp đến diễn biến thị trường mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nội.

Nửa đầu 2018, chứng khoán Việt Nam chịu tác động bởi động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Khi thị trường tăng điểm, việc khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, tạo những hiệu ứng tích cực cho thị trường. Nhưng khi "giá xuống", áp lực bán của khối ngoại cũng làm trầm trọng thêm xu hướng xấu của thị trường.

Hiệu ứng "nước lên, thuyền lên"

Trong tháng 3 tháng đầu năm, VN-Index tăng 20% từ mức 995,77 điểm lên mức đỉnh 1.204 điểm (phiên ngày 9/4). Khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng cao trên 100.000 tỷ đồng mỗi tháng. Riêng tháng 1, giá trị giao dịch đạt 164.543 tỷ đồng, tăng 46% so với tháng 12. Thị trường cũng xuất hiện những phiên giao dịch trên 10.000 tỷ đồng như phiên 25/1 (thanh khoản hơn 14.000 tỷ đồng), phiên 10/1 (gần 11.000 tỷ đồng)…

Khi chứng khoán đi lên, NĐT nước ngoài cũng liên tục rót tiền vào thị trường. 2 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng gần 9.700 tỷ đồng, đây cũng là nguồn cầu thúc đẩy đà tăng cho các cổ phiếu.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2018

 Chứng khoán Việt ‘chao đảo’ với dòng vốn ngoại - Ảnh 1.
 

Tuy nhiên, khi VN-Index giảm mạnh từ đỉnh xuống mức 969,4 điểm (mất 24%) trong hơn 2 tháng qua, khối ngoại cũng chính là tác nhân đẩy thị trường đi xuống.

Tháng 5, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của VHM, khối ngoại bán ròng hơn 5.600 tỷ đồng, sau khi chỉ mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng trong tháng 4. Sang tháng 6, diễn biến trên vẫn tiếp tục xảy ra khi khối ngoại đã bán ròng hơn 1.761 tỷ đồng sau 15 phiên giao dịch. Các mã bị bán ròng chủ yếu là các bluechips như VIC, HPG, MSN, VRE...

Giá trị giao dịch từ đầu năm trên HOSE (Đvt: triệu đồng)

 Chứng khoán Việt ‘chao đảo’ với dòng vốn ngoại - Ảnh 2.
 

Thống kê từ đầu năm, giao dịch mua, bán của NĐT nước ngoài chiếm 15-21% giá trị toàn thị trường, đây là con số đủ để tạo nên những hiệu ứng cho nhà đầu tư nội.

Theo báo cáo của SSI Research, một phần nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng trên sàn, là các quỹ đầu tư và tổ chức cân đối lại danh mục bằng cách bán ra lượng cổ phiếu đang nắm giữ để mua vào các cổ phiếu mới. Hoạt động này đã gây áp lực lớn lên các cổ phiếu trên sàn và chỉ số chung một cách có hệ thống.

Hiệu ứng tâm lý

Theo số liệu của Bloomberg, hơn 19 tỷ USD vốn ngoại đã bị hút khỏi các thị trường chứng khoán mới nối tại châu Á kể từ đầu năm, dù kinh tế của các quốc gia Châu Á vẫn khả quan.

Sau khi, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, Bloomberg cho rằng tiêu chuẩn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường rủi ro như chứng khoán sẽ được nâng lên. Mặt khác, tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tiềm ẩn rủi ro cho các khối ngoại.

Những diễn biến của dòng vốn nước ngoài đang phủ lên tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư của các thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam. Điều này được phản ánh qua diễn biến ảm đạm của chứng khoán thời gian qua.

5 tháng đầu năm, giá trị giao dịch khớp lệch giảm liên tục, bình quân 15%/tháng (loại trừ tính bất thường của tháng 2, nghỉ Tết âm lịch).

 Chứng khoán Việt ‘chao đảo’ với dòng vốn ngoại - Ảnh 3.
 

Nguồn: HOSE

Tháng 6, thị trường tiếp tục giao dịch trầm lắng, thanh khoản bình quân mỗi phiên quanh mức 3.000-4.000 tỷ đồng. Cá biệt, phiên 21/6, giá trị khớp lệch đạt gần 2.400 tỷ đồng, thấp nhất từ tháng 10/2017. Trong 4 phiên giao dịch gần đây, dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường.

Dòng tiền của khối ngoại gần đây đang dẫn dắt biến động cổ phiếu. NĐT nước ngoài mua ròng cổ phiếu, mã đó sẽ tăng giá và ngược lại. Đơn cử trong phiên 22/6, HPG được khối ngoại mua ròng 46 tỷ đồng, đẩy thị giá tăng 4,3%, trong khi phiên trước đó mã này bị bán ròng. Cổ phiếu VNM cũng tăng 4,7% trong phiên khối ngoại mua ròng 70 tỷ đồng. Tương tự với các mã GAS, VCB. Ngược lại, những mã bị bán ròng như VIC, MSN... đều giảm điểm.

Động thái của khối ngoại đang được nhà đầu tư trong nước quan tâm và xem như một trong những “kim chỉ nam” để nhận biết thị trường.

Trong một buổi phỏng vấn cuối tháng 5, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) từng chia sẻ, khối ngoại đúng là xương sống của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, Chủ tịch của công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nội không nên quá chú ý vào động thái của khối ngoại, gây nên những phản ứng thái quá với thị trường.

Ở thời điểm những tác động từ FED và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đang ảnh hưởng đến TTCK của toàn thế giới, nhà đầu tư nội đang cần tín hiệu rõ ràng để gia nhập thị trường.

Mới đây, Chủ tịch UBCK NN Trần Văn Dũng chia sẻ, dòng vốn ngoại vẫn vào – ra hàng ngày theo các kênh khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp), nhưng tựu chung lại vẫn đang “vào nhiều hơn ra”. Theo ông Dũng, số dư tiền mặt của các quỹ vẫn đang tương đối cao, điều này cho thấy tiền đang ở lại thị trường và chờ thời cơ thích hợp để giải ngân.

Theo Lệ Hải (NDH)

Ít ai biết được gắn liền với công nghệ VAR của World Cup lần này lại có nhiều điều thú vị và bất ngờ đến như vậy.

Chưa trôi qua được 1 tuần đầu của World Cup 2018 mà trọng tài video ( VAR ) đã cho thấy đây là một nhân tố quan trọng top đầu góp mặt trong mỗi trận đấu rồi. Kẻ khóc người cười cũng vì công nghệ VAR, nhưng dù thế nào đi nữa thì đó vẫn là những quyết định hết sức công bằng, chính xác hết chỗ chê, không có góc khuất hay mặt tối nào.

Nhưng bạn có chắc là đã thông hiểu tường tận mọi bí mật thú vị về công nghệ VAR này tại World Cup? Cùng khám phá top 5 sự thật ngã ngửa này nhé:

1. Trọng tài VAR ngồi phòng riêng cũng phải mặc đồng phục chỉnh tề

Dù không cần nháo nhác chạy đi chạy lại như các trọng tài truyền thống trên sân, tổ trọng tài trợ lý video làm việc trong phòng điều hành VAR vẫn phải mặc quần áo sân tập tử tế như mọi người khác trên sân.

5 sự thật giật mình về công nghệ VAR tại World Cup 2018 - Ảnh 1.

Vẫn là bộ đồng phục áo vàng quen thuộc.

Lý giải cho điều này, ông Pierluigi Collina - chủ tịch hội đồng trọng tài FIFA - cho biết: "Đó là vì dù ở trong phòng riêng, họ vẫn sẽ đổ mồ hôi như khi chạy trên sân mà thôi. Đây không phải là công việc nhẹ nhàng như kiểu ngồi chơi xem lại vài tình tiết trận đấu có sẵn, uống cafe rồi ăn bánh. Nó thực sự rất căng thẳng và đòi hỏi tập trung cao độ, cho nên nếu đổ mồ hôi thì họ không thể ăn mặc cứng nhắc như những nhân viên văn phòng được."

Rõ ràng là vậy rồi, việc quy định mặc quần áo sân tập như vậy còn có ích cho tổ trọng tài VAR nữa chứ. Rất dễ hiểu, chất liệu quần áo sân tập luôn đảm bảo quy chuẩn thông thoáng và bay hơi tối ưu khi gặp mồ hôi, chứ không bị bít kín phần nào như những bộ quần áo sang trọng, lịch sự của dân văn phòng được.

2. Công nghệ VAR quyền lực nhưng vẫn thua trọng tài chính trên sân

Khi VAR dần phổ biến và xuất hiện chính thức ở World Cup, nhiều người tưởng rằng tổ trọng tài VAR có quyền quyết định cao hơn cả trọng tài truyền thống như trước. Nhưng thực ra những vị trọng tài chính chạy nháo nhào khắp mặt trận vẫn là ông vua sân cỏ.

5 sự thật giật mình về công nghệ VAR tại World Cup 2018 - Ảnh 2.
 

Theo quy định chính thức của FIFA, tổ trọng tài VAR có quyền can thiệp đến những tình huống nhạy cảm nhất như thẻ phạt, penalty, bàn thắng nhưng đó là chỉ khi trọng tài chính ra hiệu cần dùng đến VAR để xem xét. Hơn nữa, kể cả khi đã có hình ảnh từ VAR, nếu cảm thấy không đủ tác động, trọng tài chính vẫn có thể giữ nguyên quyết định cũ của mình mà không cần thay đổi theo đó.

3. Phòng điều hành VAR nằm một nơi tách biệt trong thành phố Moscow

Ngoài những đối tác đã ký hợp đồng chính thức, phòng điều hành VAR là nơi tổng hợp những thông tin hình ảnh độc quyền từ chính FIFA để phục vụ mỗi khi cần thiết. Hơn nữa, quy trình làm việc của VAR còn bao gồm công khai hình ảnh của chính không gian phòng, kèm với băng hình video tình huống để đảm bảo sự chính xác, minh bạch, không có tác động từ "thế lực" nào bên ngoài.

5 sự thật giật mình về công nghệ VAR tại World Cup 2018 - Ảnh 3.
 

Có lẽ vì thế nên nó phải được lưu hành cẩn mật nội bộ, tránh dư luận, cánh báo chí hay những cặp mắt bên ngoài biết đến mà làm ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình xử lý.

4. Hệ thống camera cho công nghệ VAR gồm tận 3 loại cao cấp riêng biệt

Có tổng cộng 33 chiếc camera lắp đặt trên mỗi sân vận động diễn ra trận đấu, nhưng không phải chiếc nào cũng giống chiếc nào. Đáng chú ý nhất, 8 trong số đó là loại camera quay siêu chậm, và 4 chiếc khác nữa trong số đó lại thuộc hạng quay "siêu siêu" chậm.

5 sự thật giật mình về công nghệ VAR tại World Cup 2018 - Ảnh 4.
 

Tiếp tục, 2 chiếc camera khác thì được dành riêng cho khu vực theo dõi việt vị, không chung đụng nhiệm vụ nào còn lại cả. Chắc hẳn đó là những tình huống đặc biệt nhạy cảm nên cần tới camera túc trực liên tục để bắt từng khung hình kịp thời, rõ nét nhất.

5. VAR bị ghét ở nhiều nơi và nhiều người

Đúng vậy, không phải ai cũng cảm thấy vừa lòng về VAR. Họ không phàn nàn về chất lượng xử lý hay quy trình làm việc, mà là tính chất của nó. Với VAR, trọng tài truyền thống trên sân không còn mang quyền lực tối thượng như trước mà phải tham khảo ý kiến của nhiều phía trước khi một quyết định lớn được đưa ra.

5 sự thật giật mình về công nghệ VAR tại World Cup 2018 - Ảnh 5.
 

Dù cho điều đó giúp cho bóng đá công bằng và chính xác hơn, nhưng khá nhiều fan hâm mộ cảm thấy tính chủ quan ngày trước bị mất đi, cùng với việc mỗi lần xử lý tình huống mất quá nhiều thời gian hơn, khiến họ cảm thấy tụt hứng mỗi khi xem một trận đấu vì bị gián đoạn.

NPQM (Trí Thức Trẻ)

Với mức điểm 962,16 khi kết thúc phiên 19/6, chỉ số VnIndex đã giảm 2,24% so với đầu năm. Trước đó trong quý 1, VnIndex đã bứt phá gần 22% và là chỉ số chứng khoán tăng trưởng ngoạn mục nhất Thế giới.

 
Chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần 9 tỷ USD chỉ sau hai phiên giảm sốc
 
 

Sau nhịp hồi phục kéo dài từ cuối tháng 5, TTCK Việt Nam đang đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh, đặc biệt trong 2 phiên giao dịch 18 – 19/6.

Chỉ trong 2 phiên giao dịch này, chỉ số VnIndex đã mất đi 54,35 điểm, tương ứng 5,35% so với tuần trước đó. Tương tự, các chỉ số Hnx-Index, Upcom-Index cũng mất đi lần lượt 4,6% và 2,6%.

Với mức giảm kể trên, vốn hóa TTCK Việt Nam chỉ còn 3,88 triệu tỷ đồng (168 tỷ USD), giảm 198 nghìn tỷ đồng (8,6 tỷ USD) chỉ sau 2 phiên giao dịch.

Việc TTCK Việt Nam giảm mạnh những phiên gần đây đến từ lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục lan rộng. Hai cường quốc này đã áp thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa của nhau và mới đây nhất Mỹ tiếp tục dọa áp thuế hàng hóa Trung Quốc lên 200 tỷ đô. Việc căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thương mại toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, những lo ngại FED tăng lãi suất, tỷ giá hối đoái tăng mạnh hay tăng trưởng kinh tế trong nước nhiều khả năng sẽ không đạt được con số ấn tượng như quý 1 đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường.

Ngoài ra, áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại, cũng như quỹ ETF nội VFMVN30 cũng góp phần khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Với mức điểm 962,16 khi kết thúc phiên 19/6, chỉ số VnIndex đã giảm 2,24% so với đầu năm. Trước đó trong quý 1, VnIndex đã bứt phá gần 22% và là chỉ số chứng khoán tăng trưởng ngoạn mục nhất Thế giới.

Theo Minh Anh (Trí Thức Trẻ)

“Đời sao ảo vậy”. Hầu hết các hành vi cấm đoán ngoài đời thực cũng sẽ bị cấm trong Luật An ninh mạng.

Từ các quy định nằm ở nhiều điều khác nhau của Luật An ninh mạng 2018 , có thể gom lại là có 20 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng . Trong số này, có nhiều hành vi đã bị cấm trên mạng từ trước hoặc chỉ mới cấm ngoài đời và giờ cấm cả trên mạng .

20 nhóm hành vi bị cấm đoán

1. Đăng tải, phát tán thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

2. Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

3. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

4. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

5. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

6. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

7. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng.

8. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống.

9. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

10. Thực hiện hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân.

11. Có hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng: Cấm gì, xử lý sao? - Ảnh 1.

Tới đây sẽ có 25 nghị định, thông tư hướng dẫn Luật An ninh mạng. Ảnh: HTD

12. Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép.

13. Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.

14. Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

15. Có hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

16. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

17. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

18. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

 

19. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

20. Có hành vi khác vi phạm quy định của Luật An ninh mạng.

Sẽ có 25 nghị định, thông tư hướng dẫn

Đáng lưu ý là người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong các biện pháp xử lý có thể có việc người dùng bị thu thập thông tin để lực lượng chức năng điều tra, xử lý hành vi sai phạm; đồng thời có việc nhà mạng trong và ngoài nước ngăn chặn việc chia sẻ, xóa bỏ thông tin vi phạm hoặc ngừng, không cung cấp dịch vụ trên mạng.

Theo thông tin từ Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, tới đây sẽ có 25 nghị định, thông tư hướng dẫn Luật An ninh mạng. Một con số không nhỏ để mong là khi các cơ quan chức năng luôn tuân thủ đúng căn cứ, thủ tục, trình tự xử lý thì những người hiểu đúng, làm đúng luật này sẽ không phải quá lo ngại về những rắc rối, oan sai.

Ông cũng cho hay: “Chưa bao giờ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân lại được bảo vệ trên mạng nhiều như vậy, đặc biệt là tôn giáo, dân tộc, giới,… Chúng ta được nói, được phản biện các vấn đề, miễn sao không vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm”.

Theo Nguyên Thy (Pháp luật Tp Hồ Chí Minh)

Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh đã ghi nhận một tuần giao dịch sôi động hơn tuần liền kề trước đó.

 
 

1. TTCK Việt Nam "hụt hơi" về thanh khoản

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giảm điểm, chỉ số VN-Index đã có những sự điều chỉnh nhất định đi kèm sự sụt giảm về thanh khoản khiến xu thế chung của thị trường quay lại trạng thái giằng co. Chính sự gia tăng của áp lực bán ròng từ khối ngoại đã khiến VN-Index chấm dứt chuỗi 2 tuần lễ phục hồi liên tiếp.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.016,51 điểm (-2,16%) và HNX-Index chốt phiên ở 115,9 điểm (-3,2%) so với tuần liền trước. Điểm nhấn lớn nhất trong tuần qua là nhóm cổ phiếu Large Cap đã giúp thị trường tiếp tục có những phiên giữ nhịp thị trường.  Trong đó VNM, VCB , VIC, MWG, BVH… thay phiên nhau nâng đỡ VN-Index giữ vững ngưỡng 1.000 điểm tuần qua.

[Điểm nóng TTCK tuần 11/06 - 17/06]: Chứng khoán Việt “hụt hơi” về thanh khoản, TTCK thế giới bình ổn trừ Trung Quốc - Ảnh 1.

Biến động VN-Index trong 3 tháng

Khởi đầu tuần mới, mặc dù trong phiên thị trường có lúc tăng khá mạnh nhưng các chỉ số đều bị đuối dần về cuối phiên khi GAS và nhiều cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh. Sự phân hóa tiếp tục diễn ra khi có nhiều cổ phiếu nhỏ và vừa tăng như DGW, TTB, DGW... 

Bên cạnh đó thông tin Quốc Hội đồng ý lùi Luật Đặc Khu đã tác động mạnh mẽ đến một số cổ phiếu Bất động sản có dự án ở Phú Quốc. Tại phiên đầu tuần, khối ngoại giao dịch khá tiêu cực khi mở đầu tuần mới bằng việc bán ròng 192 tỷ trên HOSE và 6 tỷ trên HNX. Có vẻ dường như sau giai đoạn phục hồi mạnh, các chỉ số đang có sự chững lại. Đây có thể coi là nhịp điều chỉnh, tích lũy trong giai đoạn hiện tại.

Đến gần cuối tuần, điểm đáng quan tâm đó là sự kiện FED tăng lãi suất 0,25% và hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index trải qua sự biến động lớn. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, phần lớn thời gian thanh khoản rất thấp, giao dịch không sôi động. Chỉ đến cuối phiên, việc ETF cơ cấu danh mục cải thiện thêm thanh khoản.

Theo các chuyên gia VDSC nhận định, thị trường vẫn đang trong giai đoạn chưa rõ rệt xu hướng. Trong ngắn hạn, xu hướng vẫn là giảm. Nhóm vốn hóa lớn vẫn đang chịu áp lực bán. Một số cơ hội đầu tư xuất hiện ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. Chính vì vậy nhà đầu tư nên duy trì danh mục cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu và chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn xuất hiện.

Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh đã ghi nhận một tuần giao dịch sôi động hơn tuần liền kề trước đó. Tuy vậy đa số các vị thế long - short trong tuần qua đều mang tâm lý khá thận trọng, "hoài nghi" khi liên tục co giật ở những cột mốc kĩ thuật quan trọng.

Trong khi đó rủi ro vẫn được đánh giá ở mức cao đối với các vị thế giữ lệnh qua đêm do diễn biến phức tạp giằng co chưa rõ xu hướng trên thị trường cơ sở. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự cải thiện. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 78.856 hợp đồng (tăng hơn 3% so với tuần liền trước).

2. TTCK thế giới bình ổn trừ Trung Quốc

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm vào đầu tuần nhưng lại quay đầu giảm điểm vào thứ Sáu. chính kết thúc hỗn hợp. Các chỉ số đã có phản ứng tích cực sau cuộc họp chính sách của FED hôm thứ Tư. Các quan chức FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% như dự kiến, kèm theo kế hoạch có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm 2018. Tuy nhiên căng thẳng thương mại với Trung Quốc lại leo thang vào thứ Sau đã khiến các chỉ số quay đầu giảm điểm. Chỉ số S&P500 đóng cửa ở 2.779 điểm (-0,03%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.090 điểm (-0,97%), và chỉ số NASDAQ Composite đóng cửa ở 7.746 điểm (+0,27%). Các cổ phiếu ngành hàng hóa tiêu dùng tăng mạnh nhất trong các nhóm ngành, trong khi đó nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính, và công nghiệp lại lao dốc.

Đối với châu Âu, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trong tuần, mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, khai thác mỏ và năng lượng. Nhưng khối lượng giao dịch ở mức khá thấp vào đầu tuần do các nhà đầu tư chờ đợi tin tức từ cuộc họp của ECB.

Cuối cùng, ECB đã ra một quyết định làm bất ngờ giới đầu tư khi tuyên bố sẽ giảm dần chương trình QE và chấm dứt vào tháng 12 năm nay, và có thể chờ đợi ít nhất tới giữa năm 2019 để bắt đầu tăng lãi suất. Tuyên bố của ECB đã làm đồng euro giảm mạnh so với đô la Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu, chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.010 điểm (+1,51%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.633 điểm (-0,62%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.501 điểm (+0,77%).

Thị trường chứng khoán Nhật Bản có sự phân hóa khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm, nhưng nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 22.851 điểm (+0,7%), và chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.789 điểm (+ 0,44%).

Đồng Yên tiếp tục suy yếu, đóng cửa phiên giao dịch vào thứ Sáu ở mức 110,6 yên/ đô la Mỹ. Các chính sách tiền tệ của Nhật Bản vẫn không có gì thay đổi khi Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ ở mức hiện tại. BOJ sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản với tỷ lệ 80 nghìn tỷ yên mỗi năm, duy trì mục tiêu giữ lãi suất trái phiếu 10 năm ở mức 0 và giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% đối với một số khoản tiền gửi tại ngân hàng trung ương.

Cuối cùng, các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã kết thúc ở mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2016 vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bùng nổ sẽ kéo giảm tốc độ sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.021 điểm (-1,18%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.309 điểm (-2,28%). Theo giới phân tích, đây là kết quả của việc chính quyền của tổng thống Trump phê chuẩn mức thuế suất mới đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ cũng đã gần hoàn thành một bản danh sách thứ hai để tiếp tục áp thêm thuế trên 100 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.

5 tháng đầu năm, bất động sản TP HCM đã có nhiều biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo tình hình thị trường bất động sản 5 tháng đầu năm với hàng loạt dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017.

Tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn, gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng, giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017.

Phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 25,9% so với 5.164 căn cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ cao cấp lại chiếm đến 41,8% thị trường, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 31,3%.

Phân khúc căn hộ trung cấp có 3.465 căn, giảm 32,6% so với 5.136 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ trung cấp chiếm 37,7% thị trường, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 31,1%.

Phân khúc căn hộ bình dân có 1.881 căn, giảm mạnh đến 69,7% so với 6.206 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ chiếm 20,5%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 37,6%.

Sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza, quận 8, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các sở, ngành đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, nhà cao tầng. Cộng đồng dân cư cũng đã đặc biệt quan tâm hơn đến công tác đảm bảo an toàn chung cư. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn 7 chung cư chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy (trong số 12 chung cư đã kiểm tra năm 2016).

Ngay sau vụ cháy này, các chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư đã rất quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cháy nổ đồng thời một số ít đơn vị đã chủ động điều chỉnh giá bán căn hộ (không quá 5%) để thu hút sự chú ý của khách hàng và thuyết phục nguời mua.

Báo cáo của HoREA cũng hé lộ sự sụt giảm lượng hồ sơ dự án mới. Trong 5 tháng qua, Sở Xây dựng TP HCM đã giải quyết 43 hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư; 103 hồ sơ thẩm định, phê duyệt dự án; 376 hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng, thiết kế cơ sở của các dự án. Tính chung toàn thành phố đã cấp 19.712 giấy phép xây dựng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2017.

Vũ Lê (Vnexpress)

Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá lạc quan nhờ các điều kiện thuận lợi cả trong nước và quốc tế.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Điểm lại, nhận định triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tiếp tục cải thiện. GDP dự kiến tăng 6,8% năm nay, được điều chỉnh tăng so với 6,5% trước đó và cao hơn mục tiêu của Chính phủ (6,7%). Dù vậy, hai năm tới, tốc độ này sẽ chậm lại, còn 6,6% và 6,5%, do sức cầu toàn cầu chững lại.

Lạm phát dự báo 4% vẫn quanh mục tiêu của Chính phủ. Tài khoản vãng lai dự kiến vẫn đạt thặng dư, nhưng có thể sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới. Bội chi ngân sách và nợ công sẽ vẫn trong vòng kiểm soát. Nợ công đã có dấu hiệu ổn định lại từ năm 2017. Tỷ lệ nợ công trên GDP năm nay dự báo là 61,2% - giảm so với 61,4% năm ngoái.

Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo vượt mục tiêu của Chính phủ năm nay. Ảnh: Reuters

Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo vượt mục tiêu của Chính phủ năm nay. Ảnh: Reuters

Tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2017 và quý I/2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên," ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, “Kinh tế đang trong giai đoạn vững chắc là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, nhằm giải quyết những thách thức để duy trì đà tăng trưởng”.

WB cho rằng tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào nhu cầu toàn cầu đang ở chu kỳ tăng, đầu tư ở khu vực FDI và tư nhân đang hồi phục. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến có năng suất cao hơn cũng góp phần vào đà tăng này.

Dù vậy, WB cho rằng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, cả trong và nước ngoài. Việc chậm tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và ngành ngân hàng có thể gây bất lợi cho tài chính vĩ mô, làm giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ nợ lớn cho khu vực Nhà nước. Còn trên thế giới, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ diễn ra sớm hơn dự kiến có thể gây xáo trộn thị trường tài chính.

Nhận định về ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, WB, ông Sebastian Eckardt  - kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng các thị trường chỉ phản ứng không đáng kể, vì đã dự đoán được từ lâu. Với Việt Nam, đây thậm chí là tin tốt, do việc này cho thấy kinh tế Mỹ đang tốt lên, nhu cầu hàng xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ tăng theo. Việt Nam cũng sẽ không bị ảnh hưởng lớn từ việc dòng vốn rút khỏi các thị trường ngoài Mỹ.

Báo cáo lần này của WB cũng đi kèm chuyên đề đặc biệt về những ưu tiên cải cách nhằm giảm chi phí thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện một chương trình tổng thể với 4 trụ cột, gồm giảm chi phí thương mại, cải thiện chất lượng kết nối và hạ tầng liên quan đến thương mại, hình thành ngành dịch vụ logistics cạnh tranh và tăng cường phối hợp liên ngành cũng như phối hợp với khu vực tư nhân. 

Hà Thu (Vnexpress)

Đối tác chiến lược