Sau đây là nội dung buổi phỏng vấn:
Thưa ông, Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức nào từ nay đến cuối năm 2009 và năm 2010. Đâu là những giải pháp mà Việt Nam tham khảo tại ABAC 3 để đối phó với những thách thức này?
Chính phủ đã chọn giải pháp kích cầu bù lãi suất ngắn, trung và dài hạn. Vốn kích cầu đã vào toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Chính sách đã kích thích được luồng vốn lên đến gần 400.000 tỷ đồng (tương đương hơn 20 tỷ USD), bằng gần 25% GDP và đã phát huy tác dụng hỗ trợ 90% DN nhỏ và vừa tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Kết quả là, GDP của Việt Nam tăng trưởng khá tốt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tung ra lượng tiền lớn, có thể phải đối mặt với nguy cơ tái lạm phát. Trên thế giới, cũng có nhận định rằng, lạm phát toàn cầu năm 2010 sẽ gia tăng, nên đề xuất rút ngắn thời gian kích cầu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cần duy trì chính sách nhất quán và kiên quyết tiếp tục tính đến các giải pháp kinh tế tốt hơn, để giúp DN tăng trưởng bền vững. Ước tính, lạm phát năm 2009 sẽ được kiềm chế ở mức dưới 10% và theo các chuyên gia, mức lạm phát thực năm 2009 sẽ thấp hơn đáng kể so với con số này. Như vậy, cũng chưa cần quá lo lắng về lạm phát quay trở lại, mà nên tập trung hơn nữa để duy trì tăng trưởng bền vững, qua đó giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội.
Thách thức đối với DN là vấn đề chính sách và các giải pháp kinh tế tiếp theo như thế nào, đặc biệt là khi gói kích cầu bù lãi suất vốn lưu động ngắn hạn 8 tháng triển khai từ tháng 2/2009 và bắt đầu có khoản vay phải trả vào tháng 10/2009. Liệu các DN có khả năng trả được khoản vay nợ này không, bao nhiêu phần trăm sẽ trả được và bao nhiêu phần trăm cần hỗ trợ để đảo nợ, để chuyển một phần đã đầu tư qua vốn đầu tư dài hạn.
Thách thức tiếp theo là ảnh hưởng của kinh tế thới giới. Liệu nền kinh tế đã thực sự đến đáy và các gói kích cầu tài chính đã phát huy mạnh? Thời gian qua, kinh tế hồi phục chủ yếu là do một lượng tiền quá lớn của các quốc gia đổ ra để cứu nền kinh tế. Vây liệu họ có còn đủ sức và đủ tiền để tiếp tục đẩy nền kinh tế thoát hoàn toàn khỏi suy thoái hay không? ABAC chuyển tải thông điệp rằng, DN cần luôn luôn mạnh dạn đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh, tuyệt đối không vì lo sợ mà ngưng sản xuất, kinh doanh.
Kinh tế khó khăn dẫn tới bảo hộ mậu dịch và làm gia tăng rào cản thương mại. Các DN Việt Nam nên nhìn nhận và có động thái như thế nào để chủ động trong sản xuất, kinh doanh?
ABAC kiến nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC kéo dài thời gian không áp dụng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đến cuối năm 2010. Đây là việc làm cần thiết để kinh tế thế giới hồi phục nhanh hơn. Vì vậy, các DN không nên quá lo lắng về bảo hộ mậu dịch của các nền kinh tế, mà cần suy nghĩ đến rào cản thương mại khác như rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan (kiện chống phá giá).
Để kích thích tăng trưởng kinh tế, giải pháp tài chính – tiền tệ vẫn là chủ đạo. Ngoài ra, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh, cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư.
Ông nhận xét thế nào về xu hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam?
Năm 2007, khi Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã vào Việt Nam, gấp 20 lần so với năm 2003; năm 2008, đầu tư nước ngoài đạt gần 70 tỷ USD. Tuy vậy, các nhà kinh tế hay các nhà phát triển khu công nghiệp như chúng tôi thường quan tâm nhiều hơn đến vốn giải ngân, tức là quan tâm đến các dự án triển khai. Năm 2007, vốn giải ngân đặt khoảng 5,6 tỷ USD; năm 2008, vốn giải ngân đạt gần 12 tỷ USD; từ đầu năm 2009 đến nay, Việt Nam đã giải ngân được khoảng 5 tỷ USD. Dự kiến, đến cuối năm, nếu kinh tế diễn biến tích cực, khả năng có thể đạt 10 tỷ USD. Tuy vốn đăng ký trong năm 2009 giảm so với năm 2008, nhưng dự báo, trong những tháng cuối năm, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc, kinh tế thế giới ngày càng có nhiều tín hiệu về sự hồi phục, các nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào Việt Nam và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều khả năng sẽ khởi sắc vào quý IV/2009.
Về vốn đầu tư gián tiếp, do khủng hoảng trên thị trường chứng khoán toàn cầu, đến nay, nguồn vốn này vào Việt Nam còn thấp. Dự báo, cuối năm 2009 và năm 2010, sẽ có những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.
Phong Lan
(Nguồn: Báo Đầu tư số 108 (1999) ra ngày thứ tư 09/9/2009)