Ông Đặng Thành Tâm: "Cần giảm nhập siêu để phát triển bền vững"

Viết bởi  - Thứ tư, 25 Tháng 4 2012
Nhân Đại hội Đảng lần thứ XI, doanh nhân Đặng Thành Tâm, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, Hội đồng tư vấn cao cấp chương trình hành động hậu WTO của Chính phủ, Chủ tịch CLB Sao Vàng Đất Việt, thành viên tư vấn đối tác chiến lược trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Nhật, đại biểu hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về một số nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020.

Là người tham gia vào nhiều vị trí tư vấn cao cấp, nhân Đại hội Đảng lần thứ XI, anh có khuyến nghị gì để góp ý cho sự phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay?

Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với những tiềm lực và tư duy mới trong tổ chức điều hành, chắc chắn sẽ là động lực rất lớn để tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo tôi, chúng ta nên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay với ba “trục” chính: một là dựa vào xuất khẩu, hai là dựa vào đầu tư nước ngoài, ba là tập trung vào khối nông nghiệp để đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội cho 70% dân số. Với từng lĩnh vực phải có những chính sách đột phá. Đến nay xuất khẩu chúng ta vẫn kém nhập khẩu, nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu 20%, thâm hụt thương mại lớn 20%. Một quốc gia ít nhất thì xuất khẩu phải bằng nhập khẩu, tiến phải xuất siêu thì đồng tiền Việt Nam mới mạnh lên…Hiện nay ta chủ yếu ta xuất khẩu thô từ nông sản hải sản thô cho đến tài nguyên khoán sản thô, vì vậy giá trị xuất khẩu của chúng ta không cao nên vẫn bị nhập siêu. Nếu chúng ta xây dựng công nghiệp chế biến để biến các sản phẩm tạo giá trị gia tăng nhiều lần thì chỉ cần 5 năm nữa thôi chúng ta sẽ thành quốc gia xuất siêu. Điều này hoàn toàn có thể làm được. Với dự án sản xuất titan thành phẩm mà chúng tôi đang thực hiện, đã được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, kiểm tra, có thể nâng mức giá lên 400 lần so với xuất khẩu titan thô, mà lại không huỷ hoại môi trường. Một tấn đất hiếm trước đây bán được 3.000 USD bao gồm 17 kim loại hiếm. Với hai loại trên, Nhật Bản hiện nay mua tới cả trăm ngàn đô một tấn. Nhật Bản chỉ nhập tài nguyên về và chế biến thế mà họ trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới về GDP. Còn về hướng đi nói chung thì phải gia nhập vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu và tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong mỗi dự án, để từ đó tạo ra giá trị gia tăng.

Ở đây, tôi xin nhấn mạnh quyết tâm của Đảng, Nhà nước cần phải làm sao giảm nhập siêu, cân đối xuất nhập khẩu để đất nước phát triển hơn, đúng như dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 xác định: “Mở rộng thị trường nội địa, phát triển mạnh thương mại trong nước; đa dạng hoá thị trường ngoài nước, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do, thị trường tiềm năng, tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập siêu, phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu. Chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu, phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng để đạt đẳng cấp quốc tế”.

Đến nay, tập đoàn của anh đã có trên 40 công ty thành viên hoạt động trên các lĩnh vực từ bất động sản, xây dựng đến tài chính, ngân hàng, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, khoáng sản... Tại sao gần đây, anh có vẻ rất quan tâm tới công nghệ cao?

Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Tôi đang viết đề án để thực hiện xây dựng thêm một công viên công nghệ phần mềm ở phía Nam. Hướng đầu tư của tôi sẽ là chọn những địa điểm không phải là bờ xôi ruộng mật, cũng không cần phải ở trung tâm mà chọn những vùng đất khó khăn để làm “hồi sinh” nó. Những vùng đất này ở Việt Nam hiện rất nhiều. Chúng ta sẽ đầu tư biến nó thành những vùng sinh thái nhưng lấy 15% mà xây dựng. Hiện nay, nếu nhìn trên bản đồ google có nhiều vùng ảnh hưởng chất độc da cam cây cối không mọc được. Tôi chỉ cần lấy 15% diện tích của 70.000 héc-ta cũng được mười mấy héc ta, đủ để xây dựng thành một đặc khu kinh tế. Tại sao ta không thể thực hiện được điều mà ở Trung Quốc họ đã làm. Một đặc khu, một khu vực công nghệ cao không cần diện tích nhiều, không “mất” nhiều về nguyên liệu nhưng có thể tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm, bằng xuất khẩu gạo của cả một nước. Tại sao ta không làm được như ở đặc khu Thẩm Quyến của Trung Quốc, mỗi năm tạo ra hơn 500 tỷ USD, gấp 5 lần GDP Việt Nam, Trung Quốc 4 đặc khu kinh tế đóng góp trên 50% GDP của quốc gia. Đã đến lúc chúng ta nên nghĩ khác để đất nước làm giàu bằng những đột phá chứ không phải chỉ nhờ vào lợi thế “nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ”. Nghị quyết Đại hội Đảng đã nhiều lần đề cập là chúng ta phải đi tắt đón đầu ở lĩnh vực công nghệ cao. Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc đều đã thành công. Trung Quốc mất 20 năm mới sản xuất được máy vi tính, điện thoại di động và sản phẩm công nghệ cao sau nhiều năm chỉ làm vỏ máy tính, vỏ điện thoại di động. Bây giờ, nếu chúng ta đi sau mà mất 20 năm thì lâu quá. Tôi tin nếu làm tốt, chỉ dăm bảy năm nữa, chúng ta cũng làm được các sản phẩm công nghệ cao. Cho nên, đầu tư vào công nghệ cao là hướng đi đúng.

 

Doanh nhân Đặng Thành Tâm và các đại biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN năm 2010

Anh dường như rất quan tâm tới các sự kiện chính trị lớn. Tại sao có điều này?

Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Tôi chưa phải là đảng viên nhưng nghị quyết Đảng tôi thường xuyên nắm chắc. Ví dụ nghị quyết về chủ trương phát triển thị trường bất động sản, mình phải nắm chắc để đề ra các dự án đúng định hướng. Nếu định hướng một đằng, mình đổ tiền xây dựng một kiểu thì dù có đẹp mấy, tốt mấy cũng hỏng. Cho nên, tôi thường khuyên các doanh nhân phải học thuộc các Nghị quyết Trung ương của Đảng. Doanh nhân cần đồng hành cùng các chủ trương. Sự lãnh đạo của Đảng xét cho cùng cũng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà trong tình hình hiện nay thì phát triển kinh tế là nhiệm vụ số một. Đó là con đường chung của chúng ta, không thể có con đường nào khác biệt, riêng rẽ…

Đưa nghị quyết vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào nghị quyết là hai vấn đề không thể thiếu trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn 15 năm làm doanh nhân đầy sôi động của anh hẳn cũng có những câu chuyện, những công việc “từ cuộc sống vào nghị quyết”.

Doanh nhân Đặng Thành Tâm: Đảng, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nhân vì sự phát triển chung. Hồi năm 1996, khi chúng tôi xin thành lập Khu công nghiệp Tân Tạo ở TP Hồ Chí Minh, việc đầu tư xây dựng và kinh doanh các khu công nghiệp trong cả nước đều do các doanh nghiệp Nhà nước hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư. Nếu không có niềm tin của Đảng, Nhà nước không dễ gì chúng tôi được cấp phép đầu tư. Rồi những sáng kiến của chúng tôi như trở chủ đầu tư xây dựng khu công nghiệp đầu tiên trong cả nước đã tiến hành tư vấn miễn phí cho các nhà đầu tư về các thủ tục từ cấp giấy phép thành lập công ty, đăng ký kinh doanh, xin ưu đãi đầu tư, đến các dịch vụ về tài chánh, ngân hàng. Chủ đầu tư đầu tiên sáng tạo chương trình xây dựng nhà xưởng để cho nhà đầu tư thuê hoặc mua trả góp, giúp nhà đầu tư vay vốn ngân hàng để xây dựng nhà xưởng.Sự đột phá ấy đã tạo nên thành công to lớn, chỉ sau 3 năm, khu công nghiệp Tân Tạo đã gần như được lấp kín, trở thành điển hình là khu công nghiệp thu hút đầu tư tốt nhất của cả nước. Hay như việc chúng tôi thành lập Trung tâm khám chữa bệnh đa khoa cho công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và cả những đơn vị làm dịch vụ bữa ăn công nghiệp hay dịch vụ vệ sinh, cung cấp, chăm sóc cây xanh cho các doanh nghiệp, xây dựng trường trung học dạy nghề ngay trong trong khu công nghiệp đào tạo và cung cấp hàng nghìn lao động mỗi năm, xây dựng một khu nhà ở cao tầng, có thang máy, có trung tâm thương mại phục vụ người lao động.…đều là những mô hình mới mà người lao động và doanh nghiệp đều rất cần. Lãnh đạo nhiều bộ, ngành, tỉnh thành đã đến tham quan, tìm hiểu và ghi nhận. Tổng bí thư Đảng Đỗ Mười khi đó về thăm đã biểu dương những mô hình mới, cách làm mới của chúng tôi và thậm chí còn cho rằng, những mô hình chăm sóc người lao động chu đáo như thế cũng chính là một trong những mục tiêu mà quá trình xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng CNXH phải hướng tới. Thành công đó cũng là động lực thôi thúc chúng tôi hiện nay quan tâm hơn trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế -xã hội mà Đại hội XI đề ra: “Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp.Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp cả về ngành kinh tế kỹ thuật, vùng và giá trị mới..”. Trong đó, cần chú trọng nhiều hơn phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Hiện nay, sau 15 năm nhập cuộc thương trường, thành tích của chúng tôi đạt được không đơn giản chỉ là số tài sản rất lớn của một tỷ phú, cũng không phải là số lượng cổ phiếu hay số lượng 40 công ty mà quan trọng nhất với tôi là đã tạo ra được hàng triệu việc làm cho người lao động, hàng trăm dự án, hàng chục ngành nghề…góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Xin cảm ơn anh!

Theo Báo Điện tử Đảng CSVN

Đối tác chiến lược