Phối cảnh 3D cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng với thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ảnh: HP.
Dự kiến ngày 16/5, UBND TP Hải Phòng sẽ khởi công xây dựng cầu Quang Thanh và cầu Dinh kết nối tỉnh Hải Dương và vùng Đồng bằng Bắc Bộ, bảo đảm kết nối giao thông Quốc lộ 5, Quốc lộ 10.
Cầu Dinh sẽ nối phường An Lưu (thị xã Kinh Môn, Hải Dương) với xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) qua sông Kinh Thầy. Cầu Quang Thanh nối xã Thanh Cường (huyện Thanh Hà, Hải Dương) với huyện An Lão (TP Hải Phòng) qua sông Văn Úc.
Theo thoả thuận giữa lãnh đạo 2 địa phương, phía TP Hải Phòng sẽ đầu tư kinh phí xây dựng 2 cây cầu. Hải Dương xây dựng đường dẫn đầu cầu phía Kinh Môn và Thanh Hà. Tổng vốn đầu tư 2 cây cầu là 677 tỷ đồng, bao gồm 278 tỷ đồng cầu Dinh và 399 tỷ đồng cầu Quanh Thanh.
Khi hoàn thành, 2 công trình trên sẽ góp phần kết nối hạ tầng giao thông để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội ở các địa bàn giáp ranh Hải Phòng, Hải Dương. Các cây cầu này sẽ thay thế đò Dinh, phà Quang Thanh. Dự kiến, dự án xây dựng cầu Quang Thanh sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2021.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án các công trình giao thông Hải Phòng, cho đến thời điểm hiện tại, các điều kiện để khởi công 2 dự án cầu Quang Thanh và cầu Dinh cơ bản đã hoàn tất. Đây là các dự án nhằm triển khai chương trình công tác giữa Ban Thường vụ TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đã được ký kết trước đó nhằm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điểm nhấn hạ tầng giao thông chính là lợi thế lớn nhất của thị trường phía Đông Tp.HCM. Theo đó, thị trường BĐS các khu vực này, khách quan mà nói luôn thuộc nhóm sôi động, mức độ tăng trưởng cả về nguồn cung lẫn giao dịch bao giờ cũng “nhỉnh” hơn các khu vực khác.
Khi quỹ đất tại ven khu Đông TP như Q.9, Q.2, Q.Thủ Đức đang dần hạn hẹp, giá tăng cao thì theo nhìn nhận những năm qua, thị trường đang chuyển hướng mạnh về các tỉnh giáp ranh phía Đông Sài Gòn như Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai); Dĩ An (Bình Dương)… đây là những vùng đất có tiềm năng rõ nét về giá bán, dư địa tăng giá còn cao và điều đáng nói là được hưởng lợi từ việc kết nối giao thông thuận lợi với các khu vực của Tp.HCM.
Mỗi khu vực đều có lợi thế riêng để phát triển BĐS. Lý do mà làn sóng đầu tư của cả CĐT lẫn NĐT đổ hướng về các thị trường này những năm qua cũng chính nằm ở câu chuyện hạ tầng giao thông. Không thể phủ nhận, nơi đây đã và đang đầu tư hàng loạt dự án giao thông hứa hẹn tạo đà phát triển cho toàn bộ thị trường khu Đông.
Có thể kể đến như Cầu Cát Lái dự kiến sẽ khởi công vào năm 2020, Sân Bay Long Thành đang hoàn thành các hạng mục cuối cùng để khởi công hay loạt cao tốc sắp hoàn thành…mà theo dự đoán của chuyên gia trong ngành, trong vòng 2-3 năm tới, các công trình này sẽ là đòn bẩy rất lớn cho thị trường BĐS phát triển.
Theo ghi nhận, thời gian gần đây, khi mà gần như thị trường các khu vực đều tỏ ra im ắng do không có nguồn hàng, khách không mặn mà thì một số khu vực vẫn được người mua quan tâm, giao dịch giữ mức ổn định. Trong đó, đất nền có sổ riêng từng nền vẫn được ưa chuộng trên thị trường. Một số khu vực được xem là “điểm sáng” của thị trường phía Đông có một điểm chung nổi bật là đang được đầu tư rất lớn về mặt hạ tầng giao thông kết nối cũng như giá BĐS đang ở ngưỡng vừa phải. Theo đó, NĐT có dòng tiền nhàn rỗi sẽ vào đón đầu để chờ cơ hội khi thị trường tốt lên.
Theo thông tin từ một sàn giao dịch, trong đợt tháng 3/2020 và đầu tháng 4/2020 khi mà thị trường đang ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh nhưng trong một tuần sàn này vẫn bán được 6 sản phẩm cho khách hàng. Trong đó, tìm hiểu được biết, một số khu vực của Phú Mỹ như Hắc Dịch, Phước Hòa… có lợi thế có các khu công nghiệp lớn tập trung ở đây nên kéo được nhu cầu đầu tư nhà ở về đây khá lớn.
Mới đây nhất, Thủ tướng vừa đồng ý điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020. Trong đó, bổ sung 50 ha khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ HD tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ vào quy hoạch. Tỉnh này hiện cũng đã có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 8.800 ha, trong đó phần lớn các khu công nghiệp lớn thuộc Phú Mỹ nằm liền kề với hệ thống sông Thị Vải - Cái Mép. Theo các chuyên gia, đây cũng chính là khu vực có khả năng thu hút cư dân về sinh sống lớn nhất khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, dư địa về thị trường BĐS còn rất lớn.
Khu vực thứ hai cũng được xem là “điểm sáng” của phía Đông Tp.HCM là Nhơn Trạch. Đây là một trong các khu vực đang được hưởng lợi khá lớn từ câu chuyện hạ tầng giao thông với 3 đại công trình lớn là cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch và sân bay Long Thành. Trong thời điểm thị trường ảnh hưởng khá lớn từ dịch bệnh, nơi đây vẫn diễn ra các giao dịch lẻ tẻ cũng ở phân khúc đất nền có sổ.
Thậm chí, trong một tháng, một sàn giao dịch chốt được khoảng 11 nền. Tuy sức mua có chững lại so với thời điểm chưa dịch nhưng theo các môi giới, giao dịch BĐS vẫn ổn định hơn các khu vực khác, ít biến động rõ nét. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực mà hiện giá BĐS đã tăng mạnh trong khoảng thời gian dài nên để tìm kiếm các nền đất có giá dưới 1 tỉ đồng dường như không có. Vì thế, ở giai đoạn này sự lựa chọn sản phẩm phù hợp với tài chính của khách hàng cũng không còn đa dạng như trước.
Bức tranh tiếp theo trong mảng sáng BĐS ở thị trường lân cận Tp.HCM phải kể đến Long Thành. Cùng với Nhơn Trạch, đây là khu vực của Đồng Nai có sức hấp dẫn và đang hưởng lợi khá lớn từ nhiều yếu tố kết hợp. Suốt thời gian qua, khi thông tin sân bay quốc tế Long Thành sắp khởi công, làn sóng đầu tư đã âm thầm đồ về đây. Dự báo trong thời gian tới, khi sân bay hiện hữu BĐS nơi đây sẽ được hưởng lợi khá nhiều.
Tuy nhiên, theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, nếu dân cư sân bay phát triển trước sân bay thì có lý do để đầu tư BĐS. Còn nếu sân bay có trước, cư dân có sau thì khó đầu tư, người dân sẽ ít về gần đó để sinh sống khi đã có sân bay. Theo đó, phương án cư dân giãn ra Nhơn Trạch, hay Phú Mỹ thì sẽ tốt để đầu tư.
Theo vị chuyên gia này, giá đất Long Thành nói riêng, Đồng Nai nói chung hiện cũng đã khá cao, cho nên việc đầu tư cũng cần được cân nhắc để biên độ lợi nhuận có thể đạt như kì vọng.
Theo các chuyên gia trong ngành, rõ ràng lợi thế của các khu vực lân cận khu Đông Sài Gòn đã được nhìn thấy. Làn sóng đầu tư đã rục rịch trở lại và dự báo còn nhiều tiềm năng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, yếu tố dịch vụ trong câu chuyện kinh tế khu vực quyết định khá nhiều đến tương lai của thị trường BĐS khu vực đó.
Chẳng hạn như dịch vụ về cảng biển, du lịch… hiện đang tràn về các khu vực như Đồng Nai, Phú Mỹ, Hồ Tràm, do đó lợi thế này cần được phát huy mạnh hơn nữa thì thị trường BĐS sẽ khởi sắc theo. Người mua vừa nhìn thấy được tiềm năng đầu tư sinh lời, vừa có thể làm căn nhà thứ hai để sinh sống đúng nghĩa.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
"Cú hích" từ hạ tầng
Long An là tỉnh thuộc ĐBSCL nằm giáp ranh với TP.HCM, đây là lợi thế "vàng" giúp tỉnh này thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư. Ngoài ra, Long An còn là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực ĐBSCL, là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nắm bắt được lợi thế về địa lý, những năm qua tỉnh Long An đã và đang tập trung hoàn thiện hạ tầng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực cho sự phát triển. Hiện, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông của tỉnh đang được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ và mang lại hiệu quả cao về kinh tế.
Về cơ sở hạ tầng, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch hạ tầng quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, Long An đã hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A, quốc lộ 50, quốc lộ 62; quốc lộ N2 nối từ Củ Chi đi xuyên suốt vùng Đồng Tháp Mười chuẩn bị đưa vào khai thác; quốc lộ N1 cũng chuẩn bị được đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, Long An còn là tỉnh được thừa hưởng lợi thế lớn từ tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Được đưa vào hoạt động từ năm 2010, tuyến cao tốc này đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Tây Nam Bộ đi Đông Nam Bộ. Bên cạnh tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Long An còn có tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn đang được đầu tư xây dựng. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ tạo ra một trục phát triển mới kết nối Long An với hệ thống cảng quốc tế Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải và sân bay Long Thành…
Cùng với đó, tỉnh này cũng đang xây dựng một số tuyến tránh để giảm nghẽn giao thông, trong đó có 3 công trình giao thông trọng điểm là trục động lực TP.HCM - Tiền Giang - Long An, đường 830 và đường vành đai TP Tân An. Đặc biệt, việc Long An đầu tư xây dựng Cảng Quốc tế tại huyện Cần Giuộc cũng sẽ góp công lớn trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm ách tắc giao thông, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả khu vực ĐBSCL.
Sự đầu tư chỉnh chu về hạ tầng, cùng với các chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư của tỉnh đang là "bệ phóng" giúp nền kinh tế Long An "bứt phá", vươn lên mạnh mẽ. Trong đó, hưởng lợi lớn là ngành công nghiệp.
BĐS công nghiệp lên ngôi
Với ưu thế là địa phương nằm trong vùng tam giác vàng đón xu thế giãn dân của TP.HCM, sở hữu lợi thế về quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất còn khá thấp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đã giúp Long An trở thành điểm thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương trên cả nước đổ về lập nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy các Khu công nghiệp (KCN) và Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh phát triển.
Những năm gần đây, Long An đang là khu vực thu hút mạnh vốn đầu tư vào ngành công nghiệp từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh là 1.009 dự án, với vốn đăng ký là 6,15 tỉ USD. Trong tương lai, những con số này dự kiến tiếp tục tăng, bởi Long An sẽ trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp lớn miền Nam.
Quỹ đất rộng, hạ tầng giao thông đồng bộ, nhân lực dồi dào... đang là những ưu thế khiến
thị trường BĐS công nghiệp Long An ngày càng trở nên sôi động.
Theo ghi nhận, tình hình giao dịch mua bán BĐS công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian qua đang "nóng" hơn bao giờ hết. Trong đó, huyện Đức Hòa được đánh giá là sôi động nhất.
Hiện trên địa bàn huyện Đức Hòa đang có gần 20 KCN, CCN dẫn đầu khu vực về thu hút vốn FDI với hàng trăm nghìn lao động. Trong đó, KCN Đức Hòa III đang là KCN có quy mô lớn của huyện với tổng diện tích khoảng 1.852 ha.
Sở dĩ giao dịch BĐS tại huyện Đức Hòa được đánh giá sôi động nhất là nhờ vào lợi thế về vị trí địa lý sẵn có. Đây là huyện duy nhất của tỉnh Long An có thể kết nối dễ dàng đến các khu vực kinh tế trọng điểm như: Tây Nguyên, ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Campuchia. Ngoài ra, với khoảng cách rất gần TP.HCM, huyện Đức Hòa còn được quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh của TP. Theo đó, huyện này sẽ được định vị trở thành trung tâm phát triển công nghiệp phụ trợ và chế biến.
Sở hữu lợi thế lớn về vị trí địa lý, cùng sự "ăn theo" từ hạ tầng giao thông, huyện Đức Hòa đã nhanh chóng vươn lên trở thành tâm điểm của BĐS công nghiệp Long An. Góp phần làm cho thị trường BĐS công nghiệp khu vực ngày càng sôi động và trở thành "vùng đất hứa" cho BĐS công nghiệp "lên ngôi".
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phú Mỹ là khu vực trọng điểm của Bà Rịa – Vũng Tàu
Phú Mỹ trở thành một trong những khu vực trọng điểm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ khi được đề xuất điều chỉnh từ đô thị loại IV thành loại III trong năm 2020. Theo đó, Phú Mỹ thuận lợi trong việc xây dựng các lộ trình phát triển cũng như cơ chế, chính sách quản lý đô thị, phân bố nguồn lực phát triển đô thị. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Phú Mỹ chắc chắn tăng nhanh, nơi đây cũng sẽ như đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới.
Sự thuận lợi về vị trí và đường đi của Phú Mỹ là một yếu tố giúp tăng giá. Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài gần 47 km, nối từ tuyến đường tránh Biên Hòa đến đường vào khu vực cụm cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép sẽ giúp đường từ Biên Hòa xuống Phú Mỹ được rút ngắn đến một nửa. Điều này sẽ giúp thị xã Phú Mỹ phát huy vai trò trung tâm tổng hợp hành chính, đầu mối giao thông, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực lân cận.
Một công trình giao thông đã hoàn thành phần lớn các hạng mục và đang khai thác là đường liên cảng song song ở phía tây QL51; dự kiến khởi công trong năm 2020 cũng làm cho giao thông qua Phú Mỹ trở nên thuận lợi. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang xem xét đề án xây dựng sân bay Gò Găng (xã Long Sơn). Dự án này nếu được thông qua và triển khai sẽ giúp tăng giá BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và Phú Mỹ nói riêng lên nhiều lần.
Nhu cầu BĐS tại Phú Mỹ tăng cao
Sự hiện diện của các dự án, khu công nghiệp lớn trong khu vực gần sẽ đẩy nhu cầu về nhà ở và nhà cho thuê tại Phú Mỹ lên cao. Chẳng hạn như cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, có thể khai thác được những con tàu trọng tải lớn và vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến các nước Âu - Mỹ mà không phải qua các trạm trung chuyển quốc tế.
Với quy mô 35 bến cảng, nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới, Cái Mép hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm giao thương của cả quốc gia và khu vực. Theo đó sẽ thu hút các khu công nghiệp, cùng đông đảo lực lượng lao động và chuyên gia.
Phân khúc BĐS tiềm năng
Theo các nhà đầu tư phân tích, phân khúc bất động sản tiềm năng tại Phú Mỹ sẽ là nhà ở gần thiên nhiên, nơi được đánh giá là một môi trường sống lý tưởng cho cư dân. Ngoài ra, những khu phức hợp nhà ở - thương mại tại đây cũng rất được quan tâm, do nhu cầu thuê nhà ở của các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài làm việc ở các khu công nghiệp cao sẽ tăng.
Tất nhiên, các dự án của các chủ đầu tư uy tín, được quy hoạch đồng bộ và có vị trí đắc địa sẽ thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là khu vực ngay trung tâm Thị Xã Phú Mỹ, giáp quốc lộ 51, gần khu công nghiệp Phú Mỹ và gần cảng nước sâu Cái Mép, không xa so với khu lọc hoá dầu Long Sơn.
Phú Mỹ hiện nay chủ yếu sở hữu quỹ đất sạch dồi dào, giá đất nền lại tương đối "mềm" so với các dự án bất động sản ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai thì giá đất Phú Mỹ chỉ từ 10 triệu/m2. Trong 2 năm tới, theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, giá đất khu vực này sẽ tăng từ 30-40%. Đây là lý do thuyết phục để các nhà đầu tư từ TP.HCM đổ xô về Phú Mỹ tìm dự án phù hợp trong tuần qua.
Theo CafeF
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo "Công nghệ tài chính và ngân hàng số 2025 tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC)" công bố ngày 11.5.
Thanh toán điện tử tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh. Ảnh: CellphoneS
Báo cáo cũng cho rằng 25% số ngân hàng tại Việt Nam sẽ theo đuổi các nền tảng lõi số hóa hiện đại và 8 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam sẽ ưu tiên cao hiện đại hóa các hệ thống thanh toán và ngân hàng lõi với kỳ vọng tăng trưởng 50% lượng tài khoản mới bằng cách sử dụng tự động hóa thông minh trong khởi tạo tài khoản trong cùng giai đoạn.
Khi nền kinh tế dần phục hồi từ những thách thức của năm 2020, thị trường sẽ chứng kiến các câu chuyện kỹ thuật số từ phân khúc ngân hàng thương mại. Ông Riddhi Dutta, Giám đốc khu vực châu Á của Backbase, dự báo nhóm nhà băng này sẽ đầu tư đáng kể vào công nghệ thông tin. Đặc biệt là các kênh di động, trải nghiệm trên di động, số hóa chi nhánh và tối ưu hóa quy trình để hỗ trợ phân khúc khách hàng chuộng kỹ thuật số đang ngày càng tăng.
Ông Riddhi Dutta nhận định, các ngân hàng Việt Nam đang đầu tư mạnh vào nền tảng số để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ tại Việt Nam sẽ thành công hơn trong lĩnh vực ngân hàng số.
Trọng tâm sẽ là số hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (A.I). Đến năm 2025, 44% trong số 250 ngân hàng hàng đầu trên toàn APAC sẽ hoàn tất chuyển đổi “lõi kết nối” - hoạt động dựa trên nền tảng, hiện đại hóa phần mềm và hỗ trợ API. 48% ngân hàng tại APAC cũng dự kiến sẽ tận dụng công nghệ A.I hoặc máy học (machine learning) khi quyết định dựa trên số liệu. Với sự xuất hiện của những tay chơi mới và sự phát triển kỹ thuật số trong ngành, 38% doanh thu của các ngân hàng truyền thống sẽ đối mặt với rủi ro vào năm 2025.
Một khi ngành ngân hàng trải qua giai đoạn tăng tốc để theo đuổi kỹ thuật số, báo cáo cho thấy, các ngân hàng tại APAC phải giải phóng tiềm năng cá nhân hóa về quy mô, hướng đến khách hàng và đa dạng nền tảng hơn.
Tám ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã xác định ngân hàng lõi (core banking) và hiện đại hóa hệ thống thanh toán là 2 ưu tiên hàng đầu. Họ kỳ vọng tăng trưởng 50% lượng tài khoản mới bằng cách sử dụng tự động hóa thông minh trong khởi tạo tài khoản.
“Trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, đáng chú ý là mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và các loại hình dịch vụ phù hợp với nhóm dân cư chưa hoặc ít tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”, ông Riddhi Dutta, Giám đốc khu vực châu Á của Backbase nhận xét.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sau sự dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam của Hanwha, Yokowo, Shuafu trong quý II/2019, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã chậm lại những tháng cuối năm 2019 do lo ngại ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 - gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc – lại khiến các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới kế hoạch mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất ở Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar. Theo TS. Sử Văn Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, việc chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc như một phương pháp các công ty đa quốc gia bảo hiểm rủi ro.
Chuyên gia này cho biết, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài với lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, chi phí lao động thấp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi - tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho Việt Nam.
Một lợi thế khác của Việt Nam là gần Trung Quốc về mặt địa lý – giúp các nhà đầu tư dễ dàng bổ sung cơ sở sản xuất - nhưng vẫn không cần từ bỏ thị trường 1,4 tỷ dân này.
Ngoài ra, theo ông Khương, doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đầu tư tài chính, du lịch, bất động sản và dịch vụ, trong khi ở Thái Lan, Indonesia hay Hong Kong, cơ hội đầu tư ngày càng hạn chế hơn.
Một báo cáo do Công ty Chứng khoán VNDirect công bố cuối tháng 4 cũng đề cập việc, Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Thái Lan. Hai tập đoàn này dự kiến bán điện thoại Pixel4A, Pixel5 và máy tính Surface, tại Việt Nam trong quý II.
Theo đơn vị này, bên cạnh lợi thế nhân công, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam theo quy định đang ở mức 20% - thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Ngoài ra, các công ty hoạt động trong các khu công nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thị thực, miễn thuế 2-4 năm, giảm thuế 3-15 năm và miễn thuế nhập khẩu.
Dự báo triển vọng thị trường bất động sản công nghiệp ở phía Bắc, VNDirect cho biết, các khu công nghiệp tại Hải Dương, Bắc Giang sẽ phát triển nhờ vào đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đến biên giới khu vực Lạng Sơn giảm 1 giờ so với trước. Ở miền Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành điểm sáng khi hệ thống đường cao tốc kết nối cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương được quan tâm phát triển.
Theo đơn vị này, nhóm doanh nghiệp gồm: Sonadezi Châu Đức, Tổng Công ty Viglacera, Cao su Phước Hòa với diện tích đất sẵn sàng cho thuê trên dưới 1.000 ha sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khi nguồn cung đất giai đoạn 2020-2021 vẫn hạn chế, số lượng yêu cầu thuê đất tăng nhất. Trong đó, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc sở hữu khu công nghiệp Quang Châu nằm trong vùng công nghệ cao có thể hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch nhà máy của các công ty công nghệ cao như Foxconn và LG.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng từ năm 2021 với động lực các hiệp định thương mại tự do (FTA). Những cam kết về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư châu Âu.
Tiếp đó, Covid-19 có thể khiến các doanh nghiệp thúc đẩy kế hoạch rời Trung Quốc sớm hơn dự kiến nhằm ổn định hoạt động và bảo vệ nhân viên của mình.
Chưa kể, các dự án đầu tư công trong nước đang được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng dần cải thiện sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, giúp các khu công nghiệp được hưởng lợi trong dài hạn.
TS. Sử Ngọc Khương nhận định, quá trình dịch chuyển các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ diễn ra sớm nhất từ năm 2021. Theo ông, đây là lúc doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hệ thống kho bãi, phục vụ hoạt động lưu trữ, giao – nhận hàng hoá trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nếu muốn thu hút đầu tư. Ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho rằng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Indodesia, Malaysia và Thái Lan về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và chất lượng thể chế.
"Điều này không dễ dàng, bởi việc thu hút được các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn mang tính dài hạn mà Việt Nam chưa xử lý được", ông Thành nhận xét.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn thiếu đồng bộ, đặc biệt ở phía Nam – nơi nguồn cung bất động sản công nghiệp tăng chậm - do nhà đầu tư bất động sản không muốn mở rộng quỹ đất quá nhanh - khiến giá bất động sản công nghiệp tăng cao.
Tiếp đó, Việt Nam hiện thiếu lao động lành nghề, có kỹ năng chuyên sâu. Nhưng kinh tế kĩ thuật số - dựa trên sự thay đổi công nghệ nhanh chóng ở các nước phát triển và các nước khác trong khu vực - sẽ làm giảm sự hấp dẫn của một quốc gia vốn dựa vào lao động giá rẻ, tài nguyên nhiều, ưu đãi giá điện, nước để thu hút nguồn vốn nước ngoài.
Trước đó, báo cáo thị trường bất động sản quý I của JLL Việt Nam cho thấy, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong những tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn ở mức cao, dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng của dịch.
Giá đất trung bình tại khu vực phía Bắc tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 99 USD một m2 cho mỗi chu kỳ thuê. Còn tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tính đến hết tháng 3 đạt mức 72%. Tại khu vực phía Nam, giá đất trung bình thậm chí đã tăng tới 12,2%, đạt 101 USD một m2 cho mỗi chu kỳ thuê khi số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao.
Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I với mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Sonadezi Châu Đức ghi nhận doanh thu 121 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu từ hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp tăng trưởng gấp 3,5 lần, đạt 103 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Long Hậu cũng kết thúc quý I với doanh thu thuần đạt 206 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu đạt gần 159 tỷ đồng - tăng 21% so với cùng kỳ - đóng góp 77% tổng doanh thu. Còn doanh thu từ mảng cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú cũng tăng trưởng hơn 22%.
Tương tự, doanh thu thuần của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đạt gần 556 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó, 84% là doanh thu từ hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư