Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại cuộc họp báo về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, việc thông qua hai hiệp định này đồng nghĩa mối quan hệ thương mại Việt Nam – EU có những nền tảng mới và hết sức ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Châu Âu là thị trường tiềm năng rất lớn với quy mô tới 18.000 tỷ USD cho các ngành hàng của Việt Nam.
Hiện mới có hơn 40% sản phẩm ngành hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan GSP. Vì vậy, Hiệp định EVFTA sẽ là nền tảng giúp các DN Việt Nam có thêm giá trị gia tăng khi xuất khẩu vào thị trường này.
Về mặt thuận lợi, theo các cam kết, trong 7 năm đầu tiên của hiệp định có tới 99% các dòng thuế được cắt giảm về 0%. Cùng đó, các DN Việt sẽ được tiếp cận công nghệ nguồn, công nghệ phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng để đưa vào EU. Nhưng cùng với việc phải vượt qua hàng rào tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, các DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng cao hơn nữa.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc Bộ Công Thương sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tham gia EVFTA trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đây là thị trường tiêu chuẩn xuất khẩu cao hơn rất nhiều Trung Quốc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, dịch nCov-19 xuất hiện, đã cho thấy những điểm yếu trong nhiều mặt hàng của Việt Nam khi phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông, thủy sản.
Theo ông Trần Tuấn Anh, hiệp định EVFTA được dự báo sẽ là một cú huých lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng với quy mô GDP lên tới 18.000 tỷ USD.
Theo ông Trần Tuấn Anh, các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định này đều là những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày, dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản. Tuy nhiên, dù là các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa nhưng cũng không hẳn là không phải đối mặt với thách thức. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép).
Ngoài ra, các quy định về quy tắc xuất xứ cũng sẽ là thách thức đối với ngành dệt may và một số ngành chế tạo nếu muốn tận dụng được các ưu đãi về thuế quan do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường khu vực như Trung Quốc hoặc ASEAN...
Gần 100% kim ngạch xuất khẩu sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu
Theo Bộ Công Thương, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Đối với hàng dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà cả ta và EU có FTA (như Nhật Bản và một số nước ASEAN).
Với giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của ta ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 03 năm và 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.
Với Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Với gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn tấm vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.
Với mặt hàng đường, EU dành cho ta hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.
Với mật ong, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh…về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2.
Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai II của thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố Hà Nội.
Cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Về quy mô đầu tư, hoàn thiện toàn bộ mặt cắt (với một cây cầu nữa) với quy mô và hình dáng giống như cây cầu giai đoạn 1 (tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m.
Cầu Vĩnh Tuy nằm trên đường vành đai 2, nối trung tâm thủ đô với quận Long Biên, huyện Gia Lâm và quốc lộ 5.
Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông,... và hệ thống đường gom đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.Cụ thể, cầu được thiết kế vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; điểm đầu dự án giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai quận Hai Bà Trưng, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn thuộc quận Long Biên; tổng chiều dài cầu và đường dẫn L = khoảng 3.504 m; chiều cao thông thuyền H = 10m; bề rộng thông thuyền B = 80m; mặt cắt ngang cầu B = 19,25 m (bao gồm: 4 làn xe; trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổnDự án thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.540 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khởi công nút giao Cổ Linh với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Ngay đầu năm 2020, nút giao kết nối trực tiếp đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã chính thức được thành phố Hà Nội khởi công xây dựng với chiều dài gần 1,5km. Đồng thời, thành phố sẽ mở rộng đường lên xuống cao tốc tại nút giao này, giúp rút ngắn hành trình, đồng bộ và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của mạng lưới đường giao thông trong khu vực.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nút giao được đầu tư hơn 400 tỷ đồng này sẽ tạo điều kiện để các phương tiện giao thông kết nối thuận lợi, an toàn theo tất cả các hướng: vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh.
Sắp khởi công cầu Vĩnh Tuy 2
Đầu tháng 2, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2, thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2022. Đây được xem là dự án cấp thiết, kết nối trung tâm cũ và mới, đồng thời, giảm tải lưu lượng tham gia giao thông ngày càng tăng cho cầu Chương Dương và cầu Thanh Trì.
Cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ được đầu tư công với tổng vốn 2.561 tỷ đồng trong thời gian từ 2020 - 2022, đặt kế bên cầu Vĩnh Tuy cũ, tăng tổng chiều rộng mặt cầu từ 19m lên 38m. Cây cầu này sau khi lưu thông cũng sẽ hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 và tăng cường kết nối 2 bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Hà Nội.
Về phương án tổ chức giao thông, cầu Vĩnh Tuy mới sẽ đảm nhiệm chiều từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên với 4 làn xe, gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn hỗn hợp và dải đi bộ. Cầu Vĩnh Tuy cũ sẽ chuyển thành đường 1 chiều từ Long Biên vào trung tâm thành phố. Đây là giải pháp giúp dân cư hai Quận tiết kiệm thời gian di chuyển.
Đề xuất xây 2 cầu vượt qua đường Đông Dư - Dương Xá, xây dựng 2 đường nhánh lên xuống cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Cùng với các dự án này, trong lộ trình chuẩn bị để nâng cấp Gia Lâm thành quận, thời gian qua, Hà Nội đã phê duyệt và khởi công xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch. Cụ thể, thành phố đã triển khai 414 dự án trên địa bàn Gia Lâm với số vốn hơn 1.690 tỷ đồng.
Các chuyên gia đánh giá, Gia Lâm hiện đang là khu vực có hạ tầng giao thông, đô thị phát triển nhanh. Những nỗ lực của cả chính quyền và doanh nghiệp đã tạo nên mảnh ghép quan trọng trong bức tranh phát triển tổng thể, đưa Gia Lâm trở thành một trung tâm mới hiện đại và sầm uất của phía Đông Thủ đô.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong khi các thị trường như Ấn Độ hay Mỹ Latinh đã thu hút được ít nhiều sự chú ý, Canada lại đang cân nhắc hướng tới mở rộng quan hệ thương mại hơn nữa với thị trường Đông Nam Á. Nhiều chuyên gia kỳ vọng sự chuyển hướng này có thể là lời giải cho những vấn đề phức tạp mà Canada đang gặp phải.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần có sự chuyển đổi từ Trung Quốc sang các quốc gia ASEAN. Quốc gia tỷ dân đang dần đánh mất lợi thế lao động giá rẻ. Cùng với ảnh hưởng từ cuộc thương chiến với Mỹ, nhiều nhà sản xuất đang nhận thấy cơ hội rộng mở hơn với các thị trường như Việt Nam, Philippines, Thái Lan hay Indonesia.
Tổng giá trị trao đổi hàng hóa thương mại giữa Canada với ASEAN đã lên tới 25,1 tỷ USD vào năm 2018, với tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực thời gian tới được dự báo ở mức 5%. Phó phòng nghiên cứu thị trường châu Á – Thái Bình Dương của Canada, ông Jeff Reeves, cho biết dựa vào các mẫu số liệu gần đây thì tốc độ tăng trưởng của ASEAN sắp tới thậm chí có thể còn lớn hơn so với ước tính sơ bộ trước đó.
Trong đó hai thị trường được tạp chí Business in Vancouver đánh giá là triển vọng nhất là Việt Nam và Malaysia. "Khi Canada đang phải chứng kiến sự giảm sút trong quan hệ thương mại với các đối tác truyền thống, việc tăng cường liên kết với các thị trường tiềm năng khác có thể đem lại cơ hội mở rộng thị trường tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương", ông nhận định.
Cơ hội đó có thể được tận dụng hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) sắp tới. Canada đã hoàn thành cuộc đàm phán sơ bộ về một thỏa thuận FTA với ASEAN vào tháng 9 năm ngoái. Lãnh đạo hai bên dự định sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối năm nay để thảo luận về các động thái tiếp theo.
Tuyên bố chung từ hai phía trong năm ngoái có đoạn: "Qua các cuộc trao đổi, hai bên đã tìm được tiếng nói chung về cách tiếp cận với một thỏa thuận FTA mới, từ đó cùng hướng tới lợi ích mà nó có thể đem lại."
Đại sứ của Indonesia tại Canada, ông Jailani, nhận định: "Vancouver – một thành phố lớn tại Canada – sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ bền chặt với ASEAN thông qua các chương trình trao đổi du học sinh cũng như giao lưu văn hóa."
Trên góc độ kinh tế, lợi nhuận từ việc trao đổi, buôn bán hàng hóa Canada tại thị trường ASEAN sẽ phụ thuộc cụ thể vào việc hàng hóa nào sẽ bị siết chặt tại Mỹ hay Trung Quốc. Bởi điều này có thể ảnh hưởng tới chiến lược phát triển sản phẩm tại các thị trường mới như ASEAN.
Thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Washington và Bắc Kinh có thể đem lại một số dự đoán về hướng đi tiếp theo trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng nếu Trung Quốc hứa hẹn sẽ mua thêm các sản phẩm từ Mỹ thay vì Canada, sức hấp dẫn của ASEAN với Canada sẽ tăng lên đáng kể khi đây cũng là một lựa chọn không tồi.
Giám đốc Trung tâm thương mại và đầu tư Canada West Foundation, ông Carlo Dade, nhận xét: "Canada đã phần nào đó thành công trong việc tiếp cận với ASEAN, bởi Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei đều tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hơn nữa ASEAN đang ngày một hội nhập với thị trường thế giới".
"Hơn nữa, một thỏa thuận FTA với ASEAN sẽ không chỉ đóng vai trò mở rộng cánh cửa tiếp cận thị trường này, mà còn là cách để Canada tiến gần hơn với việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)".
"RCEP sẽ bao gồm các quốc gia mà chúng tôi chỉ có quyền tiếp cận hạn chế thông qua WTO. Một số quốc gia trong khối RCEP cũng được đánh giá là khó có khả năng thực hiện một thỏa thuận thương mại song phương với Canada. Vì vậy, mặc dù việc tham gia RCEP có thể là một tham vọng không lớn, nhưng nó vẫn tốt hơn là không tham gia một thỏa thuận nào".
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sáng 5/2, Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. HCM (MAUR) cùng các nhà thầu đã phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên.
Tuyến metro số 1 đã trải qua thời gian dài và đến cuối 2019 đã được tháo gỡ một số nút thắt nhằm sớm đưa công trình vào hoạt động.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, mục tiêu cuối năm 2020 dự án đạt 85% khối lượng công việc. Để đạt kết quả này cần có sự phối hợp giữa Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Tp.HCM, JICA và UBND Thành phố để tháo gỡ một số khó khăn.
Các nhà thầu, tư vấn thiết kế xây dựng kế hoạch khoa học, nghiêm ngặt; công nhân, người lao động phát huy tinh thần lao động sáng tạo để hoàn thành mục tiêu đề ra… Tp.HCM sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để công trình được đưa vào vận hành.
Theo đó, năm 2020 xác định là năm tăng tốc để hoàn thành dự án cuối năm 2021, thậm chí sớm hơn kế hoạch. Để đạt mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2021, Ban Quản lý cùng các nhà thầu sẽ tập trung xử lý giải quyết các vướng mắc về hợp đồng, giải ngân, phối hợp giữa các nhà thầu, cải tiến quy trình và thực sự khẩn trương hơn trong năm 2020.
Theo kế hoạch trước đây, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, do những vấn đề về thủ tục pháp lý điều chỉnh tổng vốn đầu tư, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật nên bị chậm tiến độ.
Cuối năm 2019, UBND Tp.HCM ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tổng mức đầu tư là 43.700 tỷ đồng, thời gian hoàn thành cuối năm 2021.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là tuyến metro đầu tiên trong mạng lưới 8 tuyến metro của Tp. HCM đã được quy hoạch. Đây là tuyến metro mang tính hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, là công trình đầu tiên của thế kỷ 21 đánh dấu sự chuyển mình của thành phố trong hiện tại và tương lai.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để biến TP. Hồ Chí Minh trở thành một smart city, chính quyền địa phương này cho biết sẽ nỗ lực để thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển.
Thành phố này trong nhiều năm được xem là đầu tàu cả nước, tạo ra 24% GDP cả nước, góp 18% trong sản xuất công nghiệp và 16% xuất khẩu. Và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong làn sóng cách mạng 4.0 với big data, AI, Iot… đang mang đến những cơ hội mới cho TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP gần đây đã tuyên bố việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng tập trung vào đổi mới sáng tại, công nghệ, là điều bắt buộc đảm bảo cho sự phát triển của thành phố và duy trì vai trò kinh tế đầu tàu.
Đây cũng là cơ sở để triển khai 7 chương trình đột phá nhằm giải quyết cơ bản các thách thức nội tại của địa phương này và định hướng phát triển đến tương lai.
Tháng 9 năm ngoái, TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với World Bank nhằm tổ chức một hội nghị tham vấn kinh nghiệm trong nước, quốc tế trong việc ứng dụng AI và xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái AI, áp dụng từ năm 2019 đến 2025.
Chủ tịch TP cũng nói rằng để công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi, chính quyền địa phương cần đề nghị Chính phủ tạo ra một hệ thống pháp lý tương thích với các doanh nghiệp, mô hình kinh doanh hiện đại.
Các chuyên gia trong ngành cũng đề nghị thành phố nên xây dựng các chính sách phù hợp để phát triển các công ty công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ ứng dụng CNTT cho khu vực công và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới.
Theo CafeF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điểm sáng khu vực
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để đạt được những thành tựu quan trọng, trước hết là sự thay đổi trong tư duy, từ bị động, thụ động, từ việc nhìn nhận hạn hẹp chúng ta đã có một cái nhìn tổng thể về hội nhập và phát triển kinh tế một cách cởi mở hơn, năng động hơn. Đặc biệt là nhận thức về mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa toàn diện hơn.
Với mục tiêu định hướng Xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn thống nhất quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, các vấn đề về an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi cho mọi người đều phát triển khá đồng bộ và ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, Việt Nam có môi trường thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới.
Khi tham dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chia sẻ đầy lạc quan về nền kinh tế, về một Việt Nam không ngừng mơ ước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo từ mức rất cao, trên 53% năm 1992 (mức 1,9 USD/ngày tính theo sức mua tương đương năm 2011), giảm 10 lần, chỉ còn 5,23% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời, tầng lớp trung lưu tăng lên, chiếm hơn 15% dân số và đang tăng rất nhanh. Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước.
Triển vọng mới
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những đánh giá hết sức tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam thời gian tới. Trái ngược với xu hướng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, ADB đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.
Sau 13 năm gia nhập WTO (kể từ năm 2006), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó, 12 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước được cải cách theo hướng ngày càng phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA và ngày càng minh bạch hơn, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thông thoáng hơn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế cao của khu vực và thế giới...
Sau 13 năm gia nhập WTO, có thể thấy Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có tên trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát triển theo đúng kỳ vọng.
Để tiếp tục phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần những cải cách đột phá, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước; tái cơ cấu các doanh nghiệp, các dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế và phát triển logistics xanh. Đặc biệt, nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để Việt Nam sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao mang lại giá trị cao trong xuất khẩu.
Theo CafeF