Thông cáo báo chí

Đinh Hồng Bảo Phương

Đinh Hồng Bảo Phương

Dịch Covid-19 đang làm tăng khả năng xuất hiện những chiếc điện thoại và laptop  'Made in Vietnam' trong năm nay.

Google và Microsoft đang tăng tốc chuyển sản xuất điện thoại, laptop và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang Đông Nam Á trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ. Nguồn tin của Nikkei Asian Review cho hay điểm đến dự kiến là các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan.

Trong đó, Google chuẩn bị bắt đầu sản xuất mẫu điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất, dự kiến tên là Pixel 4A, với các đối tác ở miền bắc Việt Nam ngay sau tháng 4/2020. Trong khi đó, mẫu flagship đời tiếp theo, dự kiến có tên Pixel 5, cũng sẽ được sản xuất tại Đông Nam Á vào nửa cuối năm nay.

Cả Google và Microsoft đang đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm phần cứng tiêu dùng, nhằm giữ chân người dùng trong hệ sinh thái phần mềm và dịch vụ đám mây sẵn có. Mục tiêu của cả hai là tạo lợi thế trong các công nghệ tương lai như trí thông minh nhân tạo.

Một mẫu laptop Surface của Microsoft và một mẫu điện thoại Pixel của Google. Ảnh: Reuters

Một mẫu laptop Surface của Microsoft và một mẫu điện thoại Pixel của Google. Ảnh: Reuters

Google hiện là nhà sản xuất loa thông minh số 2 thế giới sau Amazon. Điện thoại Pixel của hãng, mặc dù xếp thứ 6 tại thị trường Mỹ năm ngoái, đã tăng trưởng sản lượng lên kệ hơn 50% trên toàn cầu.

Hàng này đã yêu cầu một đối tác sản xuất lâu năm thiết lập dây chuyền sẵn sàng ở Thái Lan cho các sản phẩm liên quan đến "nhà thông minh", bao gồm cả loa thông minh điều khiển bằng giọng nói như Nest Mini. Các sản phẩm đầu tiên dự kiến sẽ xuất xưởng ngay nửa đầu năm nay.

Microsoft thì dự kiến sản xuất dòng Surface, bao gồm cả máy tính xách tay và máy tính để bàn, ở miền bắc Việt Nam trong quý II/2020. "Sản lượng ban đầu tại Việt Nam nhỏ, nhưng sẽ tăng và đây là hướng mà Microsoft muốn", một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei.

Đến bây giờ, hầu hết điện thoại thông minh của Google và máy tính của Microsoft vẫn sản xuất tại Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều ngành công nghiệp - đặc biệt là công nghệ - phải cân nhắc những rủi ro của sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong sản xuất. Dịch Covid-19 chỉ càng nhấn mạnh nỗi lo về việc quá tập trung sản xuất ở một nơi.

"Việc virus corona tấn công bất ngờ chắc chắn sẽ thúc đẩy các công ty tiếp tục tìm kiếm năng lực sản xuất bên ngoài cơ sở Trung Quốc", một giám đốc chuỗi cung ứng cho biết, "Không ai có thể bỏ qua rủi ro sau chuyện này. Vấn đề không chỉ là chi phí, mà còn là sự liên tục của quản lý chuỗi cung ứng".

Theo các nguồn tin, hai hãng vẫn tiếp tục kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một. "Sự bùng phát của virus corona chỉ củng cố quyết tâm của họ", nguồn tin nói.

Google thậm chí còn yêu cầu các nhà cung cấp đánh giá tính khả thi và chi phí để tháo dỡ một số thiết bị sản xuất và chuyển nó từ Trung Quốc sang Việt Nam thông qua vận tải đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không sau khi virus khiến các cơ sở sản xuất không thể hoạt động lại ngay trong tháng 2. Microsoft thì khởi động kế hoạch sản xuất tại Việt Nam sớm hơn dự định, trước khi dịch bệnh lan rộng.

So với các thương hiệu công nghệ tập trung vào phần cứng như Apple, HP và Dell, các công ty internet như Google và Microsoft có thể nhanh nhẹn hơn trong việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc - trung tâm sản xuất điện tử lớn nhất thế giới, ba giám đốc điều hành chuỗi cung ứng nhận định với Nikkei.

Google và Microsoft thuận tiện hơn nhiều so với các đối thủ nặng ký về phần cứng, như Apple, trong chuyện đa dạng hóa sản xuất để giảm rủi ro tập trung quá mức. Apple bán gần 200 triệu điện thoại thông minh mỗi năm. Còn Google chỉ xuất xưởng 7 triệu chiếc vào năm 2019, theo dữ liệu của IDC. Toàn bộ dòng Surface của Microsoft đã xuất xưởng chỉ 6 triệu chiếc trên toàn cầu vào năm ngoái, ít hơn nhiều so với 17 triệu PC của Apple.

Google bắt đầu chuyển một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc vào năm ngoái. Họ đã yêu cầu một trong những đối tác của mình chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh để sản xuất điện thoại Pixel, Nikkei từng đưa tin.

Một nhà máy khác ở Vĩnh Phúc cũng đã được công ty Mỹ chấp thuận sản xuất điện thoại thông minh. Công ty này hợp tác với nhiều đối tác khác nhau. Năm ngoái, họ chuyển việc sản xuất máy chủ dữ liệu sang Đài Loan và sản xuất bộ định tuyến Internet Nest Wifi tại Việt Nam.

Dù vậy, các nhà cung cấp thiết bị điện tử ở Trung Quốc cũng đang phải vật lộn để tiếp tục sản xuất trong khi dịch Covid-19 vẫn còn. Điều này có nghĩa các nỗ lực đa dạng hóa của Google và Microsoft vẫn gặp thách thức, vì nhiều bộ phận và vật liệu cần thiết cho lắp ráp hoàn thiện vẫn được sản xuất tại nước này.

"Việc các công ty như Google muốn tăng tốc đa dạng hóa khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh và chiến tranh thương mại là khá hợp lý. Nhưng ngay cả khi quy trình lắp ráp cuối cùng nằm ngoài Trung Quốc, các nhà cung cấp vẫn cần vận chuyển một số linh kiện từ nước này. Đó là vấn đề của hệ sinh thái chuỗi cung ứng, cần có thời gian để xây dựng lại", Joey Yen, nhà phân tích công nghệ tại hãng nghiên cứu IDC, nói với Nikkei.

Samsung Electronics, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã vận hành chuỗi cung ứng điện thoại thông minh ở miền bắc Việt Nam trong nhiều năm, nhưng vẫn phụ thuộc vào một số linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.

Công ty Hàn Quốc này thậm chí đã lên kế hoạch vận chuyển các linh kiện điện tử cho điện thoại thông minh của mình từ Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không, sau khi các cửa khẩu biên giới của hai nước tạm thời bị đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Theo VnExpress

JLL dự đoán tình trạng thiếu nguồn cung căn hộ, sự dẫn dắt của bất động sản công nghiệp là những xu hướng chính của năm 2020.

Thủ tục phê duyệt ảnh hưởng nguồn cung nhà ở

Theo báo cáo mới nhất của Joneslanglasalle (JLL), khoảng 30.000-35.000 căn hộ sẽ mở bán tại TP HCM và 40.000-45.000 căn hộ ở Hà Nội. Nguồn cung này sẽ có nhiều biến động do chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cấp quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng.

Nhu cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tương lai và đẩy giá cao hơn nữa ở tất cả phân khúc. Tuy nhiên, nhu cầu trong phân khúc cao cấp, đặc biệt là từ các nhà đầu tư, có thể sẽ chậm lại trong dài hạn vì mức giá cao và hiệu suất cho thuê thấp làm cho kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn so với những năm trước.

Một tuyến phố tại Hà Nội - nơi có rất nhiều dự án chung cư. Ảnh Giang Huy 

Một tuyến phố tại Hà Nội - nơi có rất nhiều dự án chung cư. Nguồn: Internet

Bất động sản công nghiệp vẫn dẫn dắt thị trường

Theo JLL, công nghiệp vẫn là lĩnh vực nóng nhất trên thị trường bất động sản 2020 với nhu cầu ngày càng tăng mạnh khi các công ty vẫn đang tìm cách di dời khỏi Trung Quốc trong bối cảnh bất ổn chính trị. Ngay trước cuộc chiến thương mại đã xuất hiện sự quan tâm đáng kể từ các quốc gia khác trong vài năm qua dẫn đến giá trị đất và giá thuê tăng.

Sản xuất là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất trong 10 năm qua, và JLL dự đoán phân khúc này sẽ tiếp tục thống trị thị trường công nghiệp. Trong thời gian tới, đơn vị này kỳ vọng sẽ thấy sự tăng trưởng của các nhà đầu tư trung và dài hạn trong các lĩnh vực công nghiệp, được hỗ trợ bởi chính phủ, các hiệp định thương mại tự do và chuyển động từ Trung Quốc.

Logistics công nghiệp được dự báo sẽ là tương lai của ngành này. Nhu cầu tăng liên tục từ cả bán lẻ truyền thống lẫn lĩnh vực thương mại điện tử đã gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng, cơ sở và kho hàng hiện có. Đơn vị nghiên cứu cũng dự đoán sự tăng trưởng của kênh bán lẻ trực tuyến sẽ tác động thúc đẩy các hoạt động đầu tư cho những thiếu hụt hiện tại của ngành. 

Khách thuê ưa chuộng không gian linh hoạt

Theo báo cáo mới nhất của JLL, thị trường văn phòng vẫn nóng khi giá thuê quý gần nhất đạt mức cao nhất thập kỷ. Giá cho thuê tăng hạng A, B được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ và giá thuê cao hơn trong các dự án văn phòng mới. Người thuê gặp khó khăn khi muốn tìm không gian văn phòng lớn, vì hiện tại, chỉ có một tòa nhà hạng A và 10 tòa nhà hạng B có thể cung cấp không gian rộng hơn 1.000 m2.

Nhu cầu về không gian văn phòng lớn và linh hoạt sẽ tăng tốc trong vài năm tới khi các nhà điều hành co-working phát triển về số lượng trụ sở và các công ty muốn nâng cấp văn phòng để giữ chân nhân tài và mở rộng kinh doanh. Không gian rộng hơn và linh hoạt hơn đem lại cơ hội hợp tác tốt hơn hiệu quả sử dụng năng lượng và không gian.

Bên cạnh đó, theo JLL, các yếu tố kinh tế vĩ mô như đô thị hóa, sự phổ biến của điện thoại thông minh và Internet cũng như lượng dân số già sẽ làm tăng nhu cầu về tài sản thay thế. Ngoài các xu hướng đã nói ở trên, các khoản đầu tư thay thế vào viện dưỡng lão, ký túc xá sinh viên, bếp chung và trung tâm dữ liệu sẽ trở nên phổ biến trên thị trường trong vài năm tới.

Tương lai ngành bán lẻ

Lĩnh vực bán lẻ thay đổi chóng mặt, sự thành công cũng phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng. Hình thức bán lẻ đa kênh đang làm cho dịch vụ hậu cần phức tạp hơn bao giờ hết: hàng hóa không chỉ phải lên đầy kệ hàng siêu thị, mà còn phải có sẵn mọi lúc mọi nơi. 

Bên cạnh đó, trải nghiệm mới lạ và dịch vụ ăn uống giải trí chính là xu hướng mới trong thị trường bán lẻ truyền thống. Các nhà bán lẻ đang tập trung làm mới không gian, nâng cao dịch vụ khách hàng tốt hơn và áp dụng công nghệ, phân tích tâm lý người tiêu dùng để thu hút khách hàng đến mua sắm.

Theo chuyên gia JLL, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến, quyết định mua hàng thường dựa vào việc các nhà bán lẻ có thể giao hàng nhanh và hiệu quả như thế nào. Áp lực cạnh tranh từ các đối thủ thương mại điện tử đang làm tăng sức ép lên mức lợi nhuận của nhà bán lẻ truyền thống. Chuỗi cung ứng và quản lý hậu cần hiệu quả sẽ giúp cân bằng chi phí và là điểm tách biệt quan trọng cho các nhà bán lẻ so với đối thủ. 

Công nghệ giúp nâng cao giá trị bền vững

Phong trào xanh nhận được cú hích ngoạn mục khi từ khóa "bụi mịn" và "virus" trở thành từ cửa miệng ở mọi nơi. Trong lúc nhu cầu mua khẩu trang vẫn lớn, các chủ đầu tư bất động sản văn phòng và khách sạn cũng đã lên kế hoạch nâng cấp tòa nhà. Đầu tư vào chất lượng không khí và an toàn vệ sinh chính là mấu chốt tăng tính cạnh tranh và độ bền vững cho tài sản.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cho rằng, giá trị sự bền vững không chỉ nên là một xu hướng mà phải là tương lai của mọi bất động sản. Theo đó, thế hệ các tòa nhà tiếp theo phải được thiết lập để "xanh" hơn, tích hợp các công nghệ bền vững để tiết kiệm chi phí vận hành và thiết kế đột phá để thu hút khách thuê. 

Theo VnExpress

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được thông qua giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam có thể góp phần đẩy nhanh công tác xúc tiến thương mại giữa Ba Lan và Việt Nam.

Việt Nam là một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho các công ty Ba Lan ở khu vực Đông Nam Á

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy không phải là các đối tác lớn nhất của nhau, thương mại song phương giữa Ba Lan và Việt Nam cũng đã vượt ngưỡng 3 tỷ USD trong năm ngoái. Ở Ba Lan cũng có một cộng đồng lớn người Việt sinh sống, tạo nên một mối liên kết giữa hai đất nước có khoảng cách rất xa về địa lý.

"Việt Nam là một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho các công ty Ba Lan ở khu vực Đông Nam Á", Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Piotr Harasimowicz nhận xét.

Chỉ mới tuần trước, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Về phía Việt Nam, các thỏa thuận dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào giữa năm nay.

EVFTA sẽ loại bỏ gần 99% thuế hải quan giữa EU và Việt Nam, cắt giảm 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam trong khi các khoản thuế còn lại sẽ được giảm dần trong vòng 10 năm. Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng được giảm thiểu 71% thuế, các khoản còn lại sẽ được loại bỏ dần trong vòng 7 năm.

EVFTA cũng bao gồm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, tự do về đầu tư và các hạng mục phát triển bền vững.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, hiệp định mới sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU tới 42,7% vào năm 2025. Ở chiều ngược lại, Ủy ban châu Âu cũng đưa ra ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD vào năm 2035.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong số các thành viên của ASEAN, vượt qua cả Indonesia và Thái Lan. Đến cuối năm 2018, EU đã đầu tư hơn 23,9 tỷ USD vào 2.133 dự án tại Việt Nam, chủ yếu là các dự án sản xuất, điện năng và bất động sản.

Ông Harasimowicz cũng cho rằng hiệp định sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới cho các doanh nhân châu Âu tại các hạng mục cơ sở hạ tầng tại hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Thỏa thuận cũng kêu gọi Việt Nam cần có những bước tiến mới trong vấn đề bảo vệ môi trường, duy trì tiến bộ xã hội, bảo vệ quyền lợi người lao động và tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Đây đều là các vấn đề phức tạp tại Việt Nam. Đã có nhiều tổ chức phi chính phủ lên tiếng không đồng tình với việc phê chuẩn thỏa thuận mới. Nhưng ông Phil Hogan, Ủy viên Thương mại châu Âu, đã bảo vệ thỏa thuận đến cùng.

Ông nhận xét: "Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện các quyền lợi của người lao động, nhờ những cuộc đàm phán với chúng tôi. Khi có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ tăng cường hơn nữa khả năng cải thiện các vấn đề về xã hội cũng như môi trường tại Việt Nam".

Hiệp định EVFTA cũng có thể góp phần đẩy nhanh công tác xúc tiến thương mại giữa Ba Lan và Việt Nam.

Ở Ba Lan, người Việt Nam đang là cộng đồng thiểu số lớn nhất sau Ukraine, Đức và Belarus, với gần 12.000 người có giấy phép cư trú không thời hạn. Đại sứ quán Việt Nam tại Warsaw ước tính có khoảng 20.000 đến 30.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ba Lan. Thủ đô của Ba Lan cũng là nơi có đông người Việt tập trung nhất, với hơn 500 nhà hàng thuộc sở hữu bởi họ.

Theo International Business Times

Tháng 01/2020, Singapore rót lượng vốn khổng lồ vào Việt Nam

Ảnh:awebstar.

Theo số liệu thống kê của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), tính đến hết ngày 20 /01/2020, tổng nguồn vốn FDI đăng ký vào Việt Nam được ghi nhận ở mức 5,33 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng ngạc nhiên 179,5% so với cùng kỳ 2019. Trong khi vốn FDI giải ngân đạt mức 1,60 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, hơn 75% tổng vốn FDI đăng ký, tương đương 4 tỷ USD, được ghi nhận từ dự án điện khí LNG của công ty Singapore’s Delta Offshore Energy Pte.Ltd.

h

Nguồn vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng mạnh trong tháng 01/2020.

Theo cơ cấu ngành đầu tư, dòng vốn ngoại được rót vào 17 ngành, tập trung chủ yếu vào ngành Điện với FDI đăng ký đạt 4,04 tỷ USD, chiếm 75,80% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực sản xuất và chế biến đứng ở vị trí thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 0,86 tỷ USD. Lĩnh vực Khoa học công nghệ và Bán buôn, bán lẻ lần lượt chiếm vị trí thứ 3 và thứ 4 khi nhận được vốn đăng ký đạt 0,12 tỷ USD ở mỗi lĩnh vực.

Ngành điện

Phân theo quốc gia, Singapore là nước đang rót vốn nhiều nhất vào Việt Nam. 

Phân loại theo nhà đầu tư, trong tháng 1 ghi nhận tổng cộng 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore là quốc gia đầu tư mạnh mẽ nhất với dòng vốn khổng lồ 4,16 tỷ USD, chiếm 78,09% tổng vốn FDI đăng ký. Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 2 với 0,27 tỷ USD. Ở vị trí thứ 3 là Hồng Kông với tổng vốn đăng ký 0,21 tỷ USD. Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt xếp ở vị trí 4 và 5 khi FDI đăng ký lần lượt ghi nhận 0,16 tỷ USD và 0,13 tỷ USD.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2019 của Savills Việt Nam chỉ ra nhiều tín hiệu tốt về nguồn cung, mặt bằng giá và triển vọng thị trường bất động sản trong năm 2020.

 Giá bất động sản hạ nhiệt, thị trường đón nhiều điểm sáng trong năm 2020

Báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2019 của Savills Việt Nam chỉ ra nhiều tín hiệu tốt. Nguồn: internet

Tỷ lệ hấp thụ tốt dù cung khan hiếm

Savills vừa tung ra báo cáo thị trường quý IV/2019 với nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nguồn cung vẫn còn hạn chế nhưng mức giao dịch đã có chút cải thiện so với quý 3. Xét về tổng quan của nền kinh tế, bất động sản vẫn được hỗ trợ nhiều mặt để phát triển trong thời gian tới.

Theo nhận định từ bộ phận nghiên cứu này, năm 2019, Việt Nam đạt được các chỉ số kinh tế vĩ mô ấn tượng hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển tốt. Tăng trưởng GDP đạt 7,02%, cao hơn mục tiêu năm 2019 của chính phủ ở mức 6,6% đến 6,8% và tương đương với số liệu 2018 (7,08%). Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt ở mức 2,79%, dưới mục tiêu năm 2019 và thấp nhất trong ba năm qua. Doanh số bán lẻ đạt khoảng 163 tỷ USD, tăng 13% theo năm - cao nhất trong năm năm qua.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký là 38 tỷ USD, tăng 7% theo năm; trong đó, vốn FDI mới đăng ký là vốn 16,7 tỷ USD từ 3.883 dự án. Hàn Quốc dẫn đầu vốn FDI đăng ký mới (22%), tiếp theo là Hồng Kông (17%), Trung Quốc (14%). Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài là hơn 20 tỷ USD, tăng 7% theo năm. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 16% lên 18 triệu theo năm.

Tất cả những điểm nhấn trên đã góp phần hỗ trợ bất động sản có những điều chỉnh nhất định trong những tháng cuối năm 2019.

Về thị trường nhà phố và nhà liền kề, nguồn cung sơ cấp 2019 giảm -31% theo năm nhưng tỷ lệ hấp thụ vẫn cao 82%. Nguồn cung của quý IV giới hạn với 830 căn, giảm -2% theo quý và -34% theo năm với tỷ lệ hấp thụ thấp 45% trong quý.

Nguồn cung đất nền 2019 thấp hơn năm 2018 là -30% mặc dù tỷ lệ hấp thụ cao 84%. Nguồn cung đất quý 4 trên 1.390 nền, tăng 24% theo quý nhưng giảm -30% theo năm với tỷ lệ hấp thụ 43%. Savills dự báo đến năm 2022 sẽ có khoảng 15.200 căn/nền tung ra thị trường. Quận 9 và quận 2 dự kiến sẽ chiếm 51% nguồn cung.

Nhiều triển vọng thị trường trong năm 2020

Năm 2019, thị trường sơ cấp có 35.000 căn hộ mới mở bán, giảm 10% theo năm. Cụ thể, quý 4/2019 chiếm 21% với hơn 7.300 căn mở bán từ 12 dự án mới và 8 giai đoạn tiếp theo của dự án hiện tại. Nguồn cung mới hạn chế khiến nguồn cung sơ cấp năm 2019 giảm 25% theo năm xuống 42.000 căn.

Tổng giao dịch năm 2019 đạt 37.000 căn, giảm 25% theo năm; quý IV chiếm 17% với hơn 6.100 căn. Tuy nhiên, thị trường cho thấy nhu cầu tốt với tỷ lệ hấp thụ năm 2019 cao nhất trong 5 năm qua đạt 88%, tăng 1 điểm phần trăm theo năm. Hạng C tiếp tục đứng đầu, chiếm 68% tổng giao dịch và đạt tỷ lệ hấp thụ 90% trong cả năm 2019. Đến năm 2022, hơn 154.000 căn hộ từ 108 dự án sẽ mở bán; trong đó hơn 57.000 căn sẽ gia nhập trong năm 2020.

Về căn hộ dịch vụ tình hình có chút cải thiện. Nguồn cung đạt hơn 6.300 căn, tăng 9% theo quý và 10% theo năm. Trong quý IV/2019, nguồn cung mới bao gồm 600 căn từ các dự án hạng B và C. Mặc dù nguồn cung tăng liên tục, công suất trung bình trong năm 2019 vẫn tăng 1 điểm phần trăm theo năm, đạt 84%, trong khi giá thuê tăng 1% theo năm do tình hình hoạt động tốt từ các dự án hạng B. Trong tương lai, gần 1.700 căn sẽ đi vào hoạt động, trong đó, 62% thuộc khu vực ngoài trung tâm. Quận 2 chiếm lĩnh nguồn cung tương lai với 53%.

Phân khúc văn phòng ghi nhận mức kỷ lục mới về nguồn cung. Trong quý 4/2019, nguồn cung mới từ các dự án hạng B và C đạt hơn 101.000m2. Tính đến cuối năm 2019, tổng nguồn cung toàn thành phố đạt gần 2,1 triệu m2, tăng 8% theo quý và 13% theo năm.

Tình hình hoạt động toàn thị trường tiếp tục cải thiện với giá thuê tăng 5% theo năm và công suất cao ở mức 97%. Do nguồn cung khan hiếm, Hạng A có tình hình hoạt động tốt nhất thị trường với giá thuê tăng 9% và công suất tăng 3 điểm phần trăm theo năm. Đến 2022, ước tính 357.000m2 diện tích văn phòng mới sẽ gia nhập thị trường, trong đó, riêng nguồn cung mới trong năm 2020 chiếm khoảng 76%.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Theo UBND tỉnh Bình Dương, bảng giá các loại đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2024 điều chỉnh giá đất tăng tương ứng với giá đất theo hệ số điều chỉnh giá đất K, tăng bình quân 18% so với bảng giá đất hiện hành.

 Giá đất mới ở Bình Dương tăng bình quân 18%

Bảng giá các loại đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2024 điều chỉnh giá đất tăng tương ứng với giá đất theo hệ số điều chỉnh giá đất K, tăng bình quân 18%. Nguồn: internet

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quyết định về quy định bảng giá các loại đất giai đoạn 2020-2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo đó, một số tuyến đường thuộc phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một có giá đất cao nhất 37,8 triệu đồng/m2.

Đối với đất nông nghiệp, giá đất bằng khung giá tối đa do Chính phủ quy định tại Nghị định số 104/2014/NĐ-CP nhưng đảm bảo sự hài hòa giữa các huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh. Bổ sung bảng giá đất rừng đặc dụng: áp dụng bằng giá đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ (mức tối đa 450.000 đồng/m2).

Đối với đất phi nông nghiệp, tỉnh Bình Dương thực hiện điều chỉnh bằng với giá đất tính theo hệ số điều chỉnh giá đất (K) năm 2019 đang áp dụng (có điều chỉnh cho phù hợp giữa các huyện, thị xã, thành phố), tương ứng mức tăng bình quân khoảng 18% so với bảng giá đất hiện hành.

Trong đó, tại TP. Thủ Dầu Một, giá đất tăng bình quân 10%; thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 5-30%; thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên tăng bình quân 5-20%; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 10%.

Tỉnh bổ sung bảng giá đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: Áp dụng bằng áp dụng bằng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Bổ sung bảng giá đất quốc phòng, an ninh: áp dụng bằng 65% giá đất ở.

Đối với đất ở đô thị, các tuyến đường loại I ở vị trí 1 của thành phố Thủ Dầu Một gồm: Yersin, Bạch Đằng, Cách mạng tháng Tám, Đại lộ Bình Dương, Điểu Ong, Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 37,8 triệu đồng/m2.

Các tuyến đường loại II ở vị trí 1 của TP. Thủ Dầu Một có giá đất từ 20-25 triệu đồng/m2.

Quyết định điều chỉnh thêm 27 đoạn, tuyến; nâng hệ số điều chỉnh (Đ) 45 tuyến; giảm hệ số 2 tuyến; nâng loại đường 5 tuyến; đính chính, đổi tên đường 21 tuyến; điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối 5 tuyến.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, bảng giá các loại đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2024 điều chỉnh giá đất tăng tương ứng với giá đất theo hệ số điều chỉnh giá đất K, tăng bình quân 18% so với bảng giá đất hiện hành.

Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách ổn định và phát triển của thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách tăng cường thu hút và hợp tác đầu tư; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, mang tính cạnh tranh cao; góp phần giữ vững lợi thế trong việc thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh ở địa phương.

Đồng thời, việc điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình biến động của thị trường bất động sản trong thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới; giúp tăng thu ngân sách, giảm thất thoát tài sản nhà nước ở các địa phương có biến động lớn về đất đai như thị xã Thuận An và Dĩ An; từng bước xây dựng bảng giá các loại đất tiệm cận hơn với giá đất phổ biến trên thị trường.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, trong quá trình áp dụng bảng giá đất, nếu Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong thời gian 180 ngày trở lên thì giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương lập dự toán và phương án điều chỉnh giá đất, xây dựng bảng giá đất điều chỉnh trình UBND tỉnh để trình Thường trực HĐND cho ý kiến.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Dù tiếp tục được nhận định là phân khúc "hái ra tiền" trong năm 2020, song cụ thể thì tại khu vực nào, đất nền sẽ tạo ra biên độ lợi nhuận cao vẫn là bài toán không hề đơn giản.

 Đất nền khu vực nào sẽ “hút” tiền năm 2020?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo về triển vọng thị trường bất động sản năm 2020 của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín và giá cả phù hợp.

Báo cáo cuối năm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, đầu tư đất nền vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư tại thị trường các địa phương mới phát triển.

“Địa phương nào sớm hoàn thành công cuộc rà soát, thanh kiểm tra việc phát triển các dự án bất động sản chắc chắn sẽ tận dụng tốt cơ hội để thu hút mạnh các nhà đầu tư trên cả nước về với địa phương mình và ngược lại” – báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định.

Trước đó, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: "Đất nền vẫn là dòng sản phẩm chủ đạo được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong năm 2020".

Tuy nhiên, đâu sẽ là khu vực hút dòng tiền vào phân khúc đất nền trong năm 2020? Dưới đây là một số khu vực được dự báo xuất hiện cơn sốt đất nền trong năm 2020.

1. Vùng ven TP. Hồ Chí Minh

Theo chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, việc thị trường nội đô TP. Hồ Chí Minh vẫn còn đang đối mặt với tình trạng vướng mắc từ cuộc điều tra, rà soát của chính quyền, lượng cung nhà ở trở nên khan hiếm dẫn tới xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra vùng ven TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng mạnh. Cũng theo vị chuyên gia này, giá đất nền tại khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh như Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… đã, đang và sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. 

Ngoài ra, khi quỹ đất ven đô trở nên chật chội, các doanh nghiệp địa ốc lớn sẽ nhắm tới những khu vực cách trung tâm 30 phút – 1 tiếng di chuyển. Điều này đồng nghĩa với sự thay đổi của cơ sở hạ tầng tại khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh khi xuất hiện những khu đô thị, dự án mới. Tất yếu giá đất nền cũng gia tăng, "ăn theo" dự án mới.

2. 4 huyện lên quận tại Hà Nội

Tiếp nối cơn sốt đất nền từ năm 2018 - 2019, 4 huyện của Hà Nội dự kiến lên quận gồm Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được kỳ vọng sẽ có biên độ co dãn lợi nhuận tốt. Thực tế, quỹ đất tại những khu vực này đã được các nhà đầu tư săn đón từ trước đó, song với lượng quỹ đất dồi dào, nhất là sự "thay da đổi thịt" của các huyện nhờ chủ trương phát triển của chính quyền, hấp lực từ các huyện lên quận vẫn lớn. Dù được đánh giá là mức tăng lợi nhuận sẽ không quá lớn nhưng các nhà đầu tư cho rằng, nơi đây vẫn đảm bảo tính thanh khoản tốt và giảm rủi ro trong quá trình rót vốn. 

3. Các thị trường nghỉ dưỡng mới

Theo quy luật đầu tư, nơi nào có quy hoạch dự án, nơi đó giá đất tăng cao. Với các khu vực nghỉ dưỡng mới nổi trong năm 2019 như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên,… phân khúc đất nền được dự báo sẽ tạo ra sức hút nóng với nhà đầu tư.  Lý giải từ các chuyên gia, sự xuất hiện ồ ạt của các dự án du lịch sẽ tạo ra sự đổi thay của hạ tầng cơ sở tại khu vực đó... Trào lưu "ăn theo" dự án sẽ tiếp tục khiến các nhà đầu tư không thể bỏ qua cơ hội tăng giá đất nền tại các khu vực nghỉ dưỡng mới. 

Ngoài ra, bên cạnh các thị trường vốn đã được săn đón từ nhiều năm trước trong phân khúc đất nền thì một số khu vực “mới tinh” như Bến Tre, Hậu Giang,... cũng sẽ được các nhà đầu tư lưu tâm trong thời gian tới.

Theo Realtimes.vn

Việc đầu tư kết nối các tuyến cao tốc tới TP. Phan Thiết tỉnh Bình Thuận sẽ ngày một thuận lợi hơn theo định hướng phát triển du lịch quốc gia. Nắm bắt những lợi thế nói trên, hiện nay nhiều tập đoàn lớn đã bắt đầu đổ vốn về khu vực TP.Phan Thiết, Bình Thuận với những dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Kết quả hình ảnh cho bđs phan thiết

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giao thông thuận tiện là cơ hội cho Bình Thuật phát triển du lịch

Vừa qua, sở GTVT Bình Thuận cho biết, tỉnh Bình Thuận đang có kế hoạch đầu tư các tuyến đường nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xuống đường ĐT.719B ven biển.

Theo đó, tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sau khi dẫn xuống QL1 sẽ nối với đường Hàm Kiệm -Tiến Thành và dẫn xuống ven biển. Con đường này dài khoảng 10,2 km, nền đường rộng 37 m kết nối với đường ĐT.719B tại Tiến Thành (Phan Thiết) thì chấm dứt. Riêng đường ĐT719B dài hơn 25 km chạy song hành với đường ĐT719 hiện hữu ven biển.

Hai con đường này sẽ giao nhau ở khu vực Hòn Lan (Tân Thành, Hàm Thuận Nam) gần mũi Kê Gà. Lúc này hai con lộ sẽ tiếp tục song hành và đường mới ĐT. 719B sẽ chạy vòng xuống ven biển rồi cả hai con đường cùng nối với thị xã La Gi và QL55 đi Vũng Tàu.

Tổng vốn đầu tư của cả các tuyến là hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó đường Hàm Kiệm -Tiến Thành là hơn 460 tỉ đồng; làm mới đường ĐT.719B gần 1.000 tỉ đồng; nâng cấp, mở rộng 32 km đường ĐT719 hiện hữu khoảng 600 tỉ đồng. 

Đối với Dự án cao tốc Bắc Nam, theo thông tin từ Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, đến nay tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận đã cơ bản hoàn thành. Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, Dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận có 3 phân đoạn cao tốc phía Đông gồm: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài hơn 160km nên khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn.

Cụ thể, đến đầu tháng 1/2020, tỉnh đã bàn giao cho các Ban QLDA của Bộ GTVT với diện tích 980ha/1.213ha (đạt 81%), UBND các huyện đã bàn giao hồ sơ bồi thường GPMB với diện tích 859,64ha (đạt 71%). Tổng khối lượng vốn giải ngân đạt 1.376 tỷ đồng (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo 25,7 tỷ đồng, Vĩnh Hảo - Phan Thiết 871 tỷ đồng, Phan Thiết - Dầu Giây 479 tỷ đồng). Trong đó giải ngân vốn chi trả tiền bồi thường cho người dân 1.229/1.376 tỷ đồng (đạt 89%), giải ngân cho các hạng mục khác như: đất lúa, đất rừng, di dời hạ tầng… chi phí tư vấn là 147 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại các huyện có tuyến cao tốc đi qua đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền và chỉ đạo cho UBND các xã tuyên truyền và quản lý mặt bằng tuyến. Thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở và công khai minh bạch đến tầng lớp cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện các chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án.

Theo Tạp Chí Tài Chính

 

Bước sang năm 2020, dù nền kinh tế toàn cầu được dự báo có thể tăng trưởng chậm lại trước những rủi ro địa - chính trị, căng thẳng thương mại hay các dịch bệnh gần đây, song vẫn sẽ có những ngành tiếp tục khởi sắc.

Những ngành sẽ khởi sắc trong năm 2020

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đầu tiên, phải kể đến ngành y tế và dược phẩm, vốn thường tăng trưởng mạnh trong những giai đoạn toàn cầu đối mặt với dịch bệnh. Với một thế giới luôn phát sinh những loại bệnh mới, các công ty dược phẩm, y tế sẽ ngày càng ăn nên làm ra, nhất là khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu mở rộng sẽ tăng các khoản chi tiêu dành cho y tế. Đây cũng là ngành có tính chất phòng thủ thường được giới đầu tư lựa chọn khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán đối mặt với những rủi ro mới.

Nhóm ngành công nghệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi những phát minh mới có tính đột phá không ngừng xuất hiện, mang lại những tiện ích, dịch vụ thiết thực hơn và thuận lợi hơn cho người dùng. Với xu hướng Internet Vạn Vật, dữ liệu lớn, học máy... trong cách mạng 4.0, người dùng sẽ ngày càng ưa chuộng và thậm chí phụ thuộc vào chúng, nhờ đó các công ty công nghệ sẽ tiếp tục ăn nên làm ra và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như những năm qua. Việc những tên tuổi có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay là các công ty công nghệ là một trong những chỉ dấu thể hiện sức mạnh của nhóm này.

Ngành tài chính - ngân hàng cũng sẽ khởi sắc trong năm 2020, khi môi trường lãi suất thấp và tiền rẻ sẽ thúc đẩy việc vay vốn nhiều hơn, cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ đi xuống mang lại cơ hội đầu tư kiếm lợi nhuận cho các ông chủ nhà băng.

Đặc biệt, nhóm công ty công nghệ tài chính (Fintech) sẽ tiếp tục phát triển mạnh và cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống, khi số lượng người dùng điện thoại thông minh và kết nối Internet tiếp tục gia tăng, cùng với các xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến, tiền số và ngân hàng số phát triển.

Ngành bán lẻ sẽ tiếp tục chứng kiến sự vươn lên và giành lấy thị phần của thương mại trực tuyến, mà Amazon hay Alibaba là những tên tuổi nổi bật nhất hiện nay chắc chắn sẽ tìm kiếm cơ hội khai phá ở những thị trường mới, lĩnh vực tiêu dùng mới và các phương thức giao hàng mới. Rõ ràng, trong bối cảnh e ngại dịch bệnh lây lan, những trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm đông người có thể không còn là lựa chọn hấp dẫn; thay vào đó, việc đặt mua trực tuyến và giao hàng tận nơi sẽ hợp lý và tiết kiệm thời gian hơn.

Các ngành dịch vụ đi theo mô hình của nền kinh tế chia sẻ có thể tiếp tục phát triển, từ vận tải, lưu trú vốn đã tăng trưởng rầm rộ thời gian qua, cho đến những mô hình mới ở giáo dục, đầu tư sẽ tiếp tục được rót vốn cũng như sớm xác lập được vị thế cạnh tranh.

Bất chấp những tai tiếng của một số công ty khởi nghiệp gần đây như We Work, dòng tiền rẻ với các chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư mạo hiểm tiếp tục lựa chọn rót tiền vào các công ty khởi nghiệp đi theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Đối với những nền kinh tế đang phát triển, các ngành cung cấp dịch vụ tiện ích như điện, nước, xây dựng sẽ khởi sắc hơn khi nhu cầu nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng là cấp thiết. Ngành cung cấp điện, nước cũng được xem là những ngành phòng thủ như y tế, do đó cũng thường được giới đầu tư lựa chọn khi triển vọng của thị trường chứng khoán không còn quá lạc quan.

Ngược lại, với triển vọng tăng trưởng suy giảm, dịch bệnh gia tăng, các xung đột thương mại vẫn chực chờ, những ngành như dầu khí, hàng không, du lịch, bảo hiểm, vận tải, cảng biển được dự báo sẽ kém tích cực hơn.

Những ngành chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chậm thay đổi với sự chuyển đổi của công nghệ hoặc có thể bị thay thế bởi những dịch vụ mới mà công nghệ mang lại cũng đối mặt với nhiều thách thức hơn. 

Trong bối cảnh trên, năm 2020 được dự báo sẽ có thêm nhiều thương vụ thâu tóm và sáp nhập để gia tăng năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí và định vị lại ngành nghề. Xu hướng bảo hộ lan rộng, dòng vốn đầu tư dịch chuyển khó lường, việc tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới là một ưu tiên và cần phải có đối sách phù hợp. 

Theo Tạp Chí Tài Chính 

 

Đối tác chiến lược