Theo TTXVN
Theo TTXVN
TP HCM - Grab sẽ trao đổi thông tin, công nghệ với Sở Giao thông Vận tải để dự báo tình trạng ùn tắc và xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM
Hôm nay (31/10), Công ty TNHH Grab Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa ký thỏa thuận hợp tác trong 4 lĩnh vực, trong đó có trao đổi công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống giao thông thông minh; triển khai các hình thức hỗ trợ hệ thống giao thông công cộng.
Grab sẽ chia sẻ thông tin dữ liệu và cùng Sở Giao thông Vận tải phân tích, đưa ra giải pháp phối hợp xử lý trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, các thông tin như phương tiện ứng dụng phần mềm, hành trình cũng được startup này chia sẻ để tạo cơ sở dữ liệu, giúp phân tích, mô phỏng và dự báo tình trạng giao thông trên từng tuyến đường.
"Đây không phải những ý tưởng mới. Grab đã triển khai các mô hình hợp tác công tư tương tự trong khu vực gồm ở Jakarta (Indonesia), Singapore và Chiang Mai (Thái Lan)" Jerry Lim - Tổng giám đốc Grab Việt Nam nói.
Ông lấy ví dụ ở Singapore và Jakarta, Grab đã hợp tác với các cơ quan để phân tích các hình thái giao thông từ dữ liệu GPS thu thập ẩn danh sau các chuyến đi. Từ đó, giúp người dân tiếp cận tới các dịch vụ vận chuyển công cộng và tư nhân tốt hơn. Ở Chiang Mai, Grab đã làm việc với chính quyền thành phố để triển khai dịch vụ xe tuk-tuk điện đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Grab và Sở Giao thông Vận tải TP HCM sẽ nghiên cứu triển khai hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện tại một số khu vực trung tâm ngay trong quý này và có thể mở rộng ra toàn thành phố năm sau. Hai bên cũng nghiên cứu khả năng triển khai mô hình cho thuê xe điện tự lái...
Theo VnExpress
Mang tầm vóc là trung tâm đầu não của kinh tế cảng biển Việt Nam, ngân sách thành phố đang tập trung mạnh mẽ khơi thông đường về đặc khu Hiệp Phước...
Khi Hiệp Phước trở thành đặc khu cảng biển thuộc top lớn nhất Đông Nam Á, Cần Giuộc sẽ là khu vực đầu tiên hưởng lợi nhờ tiếp giáp bằng dấu gạch nối là con sông Soài Rạp.
Hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế, xã hội hướng ra biển Đông của TPHCM, hàng loạt dự án giao thông hạ tầng tại khu Nam từ 2015 - 2030 đều nối thẳng đến Khu Đô Thị - Cảng Hiệp Phước. Điều này đang tạo ra động lực phát triển và hấp lực đầu tư mạnh mẽ cho dọc trụcNguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Tạo từ Quận 7, Nhà Bè đến Cần Giuộc.
Đặc khu kinh tế cảng biển Hiệp Phước
Nếu khu Đông (gồm Q.2, Q.9, Thủ Đức) được định hướng trở thành khu đô thị sáng tạo thì Nam Sài Gòn (gồm Q.7, Nhà Bè và đô thị vệ tinh Cần Giuộc) không kém cạnh khi có đến ba chân kiềng kinh tế vững chắc: KĐT Phú Mỹ Hưng - KCX Tân Thuận - đặc khu kinh tế cảng biển Quốc tế Hiệp Phước.
Theo lộ trình, trong giai đoạn 1993 - 2005 nguồn vốn khu Nam tập trung mạnh cho Phú Mỹ Hưng và KCX Tân Thuận. Đến nay sau hơn 25 năm, khu vực này đã phát triển ổn định, trở thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực.
Trong nỗ lực giãn dân về vùng ven, phát triển hướng ra biển Đông, lấy kinh tế cảng, logistic làm trọng điểm, từ năm 2009, TP.HCM đã xác định, Hiệp Phước sẽ là đặc khu cảng biển lớn nhất cả nước và thuộc cảng lớn nhất Đông Nam Á. Siêu dự án này lên đến 3.900 ha bao gồm hệ thống cảng - khu công nghiệp - khu đô thị. Trong đó, khu đô thị chiếm gần 1/3 diện tích, đáp ứng nhu cầu sinh sống của 250.000 chuyên gia, người lao động.
Theo đề xuất của Sở Giao thông Vân tải TP.HCM, đến hết năm 2020, thành phố sẽ rà soát các cảng đang hoạt động trong nội thành để dời ra vùng ven. Trong đó xác định Hiệp Phước là khu vực trọng tâm cho công tác di dời. Trước đó, Quý 3/2018, cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đã hoàn tất công tác chuyển xuống Hiệp Phước. Sắp tới, cảng Tân Thuận (Quận 7) sẽ tiếp tục nằm trong danh mục di dời xuống khu vực này.
Thênh thang đường về khu Nam
Mang tầm vóc là trung tâm đầu não của kinh tế cảng biển Việt Nam, ngân sách thành phố đang tập trung mạnh mẽ khơi thông đường về đặc khu Hiệp Phước. Hiện những dự án giao thông trọng điểm như tuyến Metro số 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành Đai 4, đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo sẽ được mở rộng lên 6 làn xesẽ tạo trục liên kết xuyên suốt và nhanh chóng từ khu Nam đến trung tâm.
Với vị trí tiếp giáp đặc khu cảng Hiệp Phước, chỉ cách con sông Soài Rạp, Cần Giuộc là khu vực đầu tiên hưởng lợi từ hạ tầng liên kết thông suốt này. Đặc biệt, khi được mở rộng đường Lê Văn Lương lên 40m, xây mới 4 cây cầu trên đường Lê Văn Lương gồm Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi, thời gian di chuyển từ Cần Giuộc về Bến Thành được rút ngắn chỉ còn 20 - 25 phút.
Giao thông Cần Giuộc càng thênh thang hơn với dự án đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 50, bắt đầu từ cầu Nhị Thiên Đường quận 8, nối thẳng tới trung tâm Cần Giuộc, qua huyện Cần Đước và kết thúc tại Tiền Giang. Quộc lộ 50 còn cắt ngang qua 2 tuyến quan trọng nhất của toàn khu vực là cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường Vành đai 4.
Trong khi đó, với hấp lực mạnh mẽ từ đặc khu Hiệp Phước, tại Long An, hơn 60% nguồn lực hạ tầng của tỉnh này cũng đi qua khu vực Cần Giuộc với nhiều tuyến đường trọng điểm được nâng cấp và mở rộng như: 835B, 826C, 830... giúp kết nối giao thương thuận lợi đến trung tâm hành chính huyện và khu vực lân cận. Một số công trình trọng điểm như đường Tân Tập - Long Hậu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Đức Hòa - Tân Tập được triển khai thực hiện, kết nối các khu, cụm công nghiệp trong huyện với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.
Cần Giuộc thay da đổi thịt
Siêu dự án cảng Quốc tế Hiệp Phước không chỉ giúp Cần Giuộc rút ngắn thời gian di chuyển đến trung tâm mà còn đẩy nhanh tiến trình phát triển đô thị vệ tinh Cần Giuộc với sự tham gia của hàng loạt chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Một loạt dự án công nghiệp đã và đang hình thành trên địa bàn Cần Giuộc, thu hút hơn 400,000 lao động làm việc. Trong đó phải kể đến KCN Đông Nam Á Long An, KCN Tân Kim, KCN Long Hậu...và nhiều khu nhà xưởng lớn nhỏ khác. Đầu 2019, công ty Tân Thuận IPC vừa phát triển khu công nghiệp Long Hậu 3 có quy mô lên tới 800 ha, được chia thành 3 giai đoạn, vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng theo mô hình hệ sinh thái khu đô thị công nghiệp.
Đại diện công ty IPC đánh giá, lợi thế nổi bật của ngành công nghiệp Cần Giuộc là liền kề cảng Hiệp Phước, dễ dàng vận chuyển hàng hoá, giúp tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Cần Giuộc cũng là khu vực thu hút nhiều dự án bất động sản quy mô lớn tại Long An tính đến thời điểm hiện tại. Đến nay, Cần Giuộc đã có 26 dự án quy mô từ 10 - 420 ha được triển khai.
Thị trường BĐS Cần Giuộc được đánh giá sôi động và ổn định khi biên độ tăng giá trung bình từ 30 - 35%/năm. Giá đất nền năm 2016 xoay quanh mốc 8 - 9 triệu đồng/m2 thì cuối năm nay đã vọt lên 18 - 25 triệu đồng/m2 tuỳ khu vực, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 năm. Biên độ gia tăng cao nhất thuộc về Long Hậu, Phước Vĩnh Đông nhờ địa thế liền kề cảng Hiệp Phước và Nhà Bè.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Trong 29,11 tỷ USD thu hút FDI từ đầu năm, vốn đổ vào BĐS đạt 2,9 tỷ USD. Đây là lĩnh vực xếp thứ hai trong 19 ngành mà nhà đầu tư ngoại rót vốn, sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết 10 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến ngày 20/10, có 3.094 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,9% số dự án.
Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 12,83 tỷ USD, chỉ bằng 85,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ do quy mô dự án giảm, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là 420 triệu USD.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Về vốn điều chỉnh, có 1.145 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20%. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh là 5,47 tỷ USD, bằng 83,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Trong 19 lĩnh vực thu hút FDI, công nghiệp chế biến, chế tạo đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài rót mạnh vào Việt Nam với 18,83 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số tiền đổ vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy xếp thứ ba với 1,97 tỷ USD.
Xét theo đối tác, đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,45 tỷ USD. Hàn Quốc xếp thứ hai khi đầu tư 5,52 tỷ USD, đứng thứ ba là Singapore với 4,21 tỷ USD.
Hà Nội tiếp tục là địa bàn thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 6,61 tỷ USD, chiếm 22,7%. TP.HCM đứng thứ hai với 4,96 tỷ USD. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh,…
Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Zing News
Doanh thu của Zara năm 2018 đạt gần 1.700 tỷ đồng, gấp gần 6 lần năm 2016 nhờ tâm lý chuộng hàng hiệu bình dân của người tiêu dùng Việt.
Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo ở Việt Nam đặt tại trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Diễm Trang
Sau thời gian nhiều người Việt phải ra nước ngoài mua hàng hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới, hàng hiệu tự tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều. Sau Zara, H&M, đến lượt hãng thời trang Uniqlo đã đặt chân đến Việt Nam.
Các hãng thời trang ngoại vào thị trường Việt Nam không phải là điều lạ
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp dệt may lớn ở Việt Nam, người Việt đã khá nổi tiếng tại một số nước Đông Nam Á với khả năng mua sắm hàng hiệu, nhất là tại Singapore. Vì vậy, không có lý gì những "ông lớn" đứng ngoài cuộc.
Xuất hiện trên thị trường chỉ hơn ba năm, những thương hiệu ngoại có mức giá bình dân như Zara và H&M nhanh chóng chứng minh sức hấp dẫn với người tiêu dùng Việt khi doanh thu từ hai thương hiệu này bỏ xa những chuỗi thời trang nội như Blue Exchange, Ivy Moda hay Kowil.
Theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, chỉ với hai cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỷ đồng, cao hơn cả những chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp như Tam Sơn Fashion hay Mai Sơn International Retail.
Trong khi đó, với việc mở mới 4 cửa hàng, H&M nâng doanh thu lên hơn 653 tỷ đồng trong năm tài chính 2018, gấp 4,3 lần năm 2017.
Sở hữu 7 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội, H&M Việt Nam được cho là có tốc độ mở điểm bán thuộc hàng nhanh nhất của H&M toàn cầu. Ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á từng chia sẻ với truyền thông, "là một thị trường trẻ trung và phát triển không ngừng, Việt Nam đã mang đến những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của H&M tại khu vực Đông Nam Á".
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang là “miếng bánh ngon” của nhiều thương hiệu thời trang nhanh quốc tế. Dù đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, Topshop và Gap vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tại, Topshop, Topman được vận hành bởi Công ty CP Maison Retail Management International, ngôi nhà chung của hơn 20 thương hiệu đình đám khác trên thế giới như Charles & Keith, Coach, Karen Millen, Puma…
“Miếng bánh” ngon có còn nhiều cho Uniqlo?
Như vậy, với việc đặt chân đến Việt Nam, Uniqlo sẽ phải đối mặt với 10 thương hiệu thời trang nhanh quốc tế uy tín và hàng chục tên tuổi nội địa có mức giá bình dân hơn. Trước đó, kết thúc năm tài chính 2019 vào ngày 31/8 vừa qua, Fast Retailing công bố doanh thu 21,2 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Với kết quả kinh doanh này, Fast Retailing có 3 năm liên tiếp đạt kỷ lục doanh thu và là ông lớn thời trang thứ 2 toàn cầu, sau Inditex (đơn vị sở hữu thương hiệu Zara).
Trong đó, hoạt động kinh doanh của Uniqlo trên toàn cầu là động lực tăng trưởng chính của Fast Retailing. Lần đầu tiên doanh thu từ Uniqlo chạm mốc 9,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2018. Thị trường lớn nhất của Uniqlo trong nhiều năm qua là Trung Quốc, nơi thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên năm 2002. Lợi nhuận của Uniqlo tại đây tăng 21% lên 819 triệu USD. Hãng kỳ vọng đạt doanh thu 9,2 tỷ USD tại thị trường này vào năm 2022 từ 4,6 tỷ USD năm nay.
Chia sẻ với truyền thông, ông Trịnh Đình Long, chuyên gia về phát triển thương hiệu hàng tiêu dùng, cho biết trong bối cảnh các hãng thời trang như Zara, H&M, Mango, Topshop... đang liên tục nhảy vào Việt Nam thì việc Uniqlo tuyên bố mở chuỗi là để nhanh chóng nắm lấy miếng bánh thị phần.
Đặc biệt khi Uniqlo có lợi thế cạnh tranh rất lớn về chi phí bởi đã chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam, việc mở cửa hàng là để sớm hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín.
Theo thông báo mới nhất từ Uniqlo, cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam đặt tại trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1, TP.HCM). Chiếm tổng diện tích 3.000 m2 khắp 3 tầng, Uniqlo Đồng Khởi được quảng cáo là một trong những cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á của hãng này.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
CafeLand - Kể từ khi Luật Nhà ở được nới lỏng, cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đã trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc đang đặt bất động sản Việt Nam vào “tầm ngắm” trong bối cảnh thị trường nhà đất tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển nóng.
Theo thống kê về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vừa được Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong chín tháng năm 2019, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 4,62 tỉ USD.
Nếu tính riêng theo lượt góp vốn, mua cổ phần thì Hàn Quốc là một trong hai quốc gia có số lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam nhiều nhất trong chín tháng qua, với 1.267 lượt góp vốn, mua cổ phần. Các nhà đầu tư đến từ quốc gia này cũng có tổng số dự án cấp mới và số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam cao, với 819 dự án đạt 2 tỉ USD.
Báo cáo của Công ty CBRE Việt Nam cũng tiết lộ, trong quý 3-2019, nguồn cầu về căn hộ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng tại Việt Nam. Đặc biệt, lượng khách Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan chiếm khoảng 85% lượng khách nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Còn theo Savills Việt Nam, thời gian qua, khách hàng Hàn Quốc đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với các căn hộ cao cấp tại TP.HCM, trung tâm tài chính của Việt Nam.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở Savills TP.HCM, cho rằng sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam được giải thích bởi một số yếu tố như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng cao do sự tham gia của các nhà phát triển có uy tín và Luật Nhà ở năm 2015 được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ngoài ra, giá căn hộ tại TP. HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như, mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh hơn nhiều. Giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM hiện tại trung bình khoảng từ 5.500 đến 6.500 USD/m2, thấp hơn nhiều so với giá nhà tại Hong Kong. Trong khi đó, lợi nhuận cho thuê hơn 5% cho thấy, đây là một khoản đầu tư hấp dẫn so với những thị trường khác trong khu vực.
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, phân tích trong 14 năm vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Những tư duy về ý tưởng kiến trúc so với thời điểm 10 năm trước đây đã tốt hơn nhiều.
“Nếu như những dự án trước đây thiếu nhiều về tiện ích, không gian sống, chất lượng sống chưa cao, thì nay đã được cải thiện và nâng cao. Mặt khác, chất lượng công trình, điều kiện bàn giao, hạ tầng kỹ thuật cũng được đảm bảo so với trước đây”, ông Hiển đánh giá.
Theo ông Hiển, sau khi Việt Nam gia nhập APEC, thị trường đã ghi nhận một làn sóng lớn đầu tư từ nước ngoài, trong đó có các tập khách hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam. Riêng các nhà đầu tư nhỏ lẻ từ những quốc gia này đã bắt đầu “nhắm” đến lĩnh vực bất động sản.
Nói về sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại, ông Hiển cho biết: “Nhiều tập khách hàng đã chia sẻ với Savills rằng, cùng một số tiền, thay vì đầu tư một căn hộ tại đất nước của họ, họ có thể mua được ba căn hộ tại Việt Nam. Như vậy, họ có thể đa dạng hoá được danh mục đầu tư. Chưa kể, lợi nhuận cho thuê tại Việt Nam khá tốt”.
“Với các nhà đầu tư nước ngoài, phần cho thuê hàng năm tính theo tỷ lệ nếu đạt được ngưỡng 4-5% là thành công. Đặc biệt là với những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng ổn định”, ông Hiển nói.
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội, cho biết xu hướng người nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc mua nhà tại Việt Nam đã xuất hiện trong khoảng 4 – 5 năm qua và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2019 ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, một số quốc gia khác cũng gia tăng sự quan tâm mua nhà tại Hà Nội như Đài Loan, Hong Kong và Singapore.
Theo bà An, xu hướng tăng mua nhà của khách nước ngoài tại Việt Nam phản ánh tiềm năng của thị trường bất động sản trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, so sánh với giá nhà tại các nước lân cận, đơn cử như Hàn Quốc, giá nhà ở tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ở mức hấp dẫn.
Ví dụ, đơn giá nhà trung bình (cận cao cấp) ở Việt Nam chỉ khoảng 2.000 - 4.000 USD/m2. Trong khi đó, mức giá này tại Hàn Quốc có thể lên đến 15.000 - 20.000 USD/m2. Đây cũng là cơ sở để kỳ vọng trong những năm tới, giá bất động sản của Việt Nam có thể tăng lên.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc phát triển mảng bất động sản cho người nước ngoài cũng bao gồm những yếu tố khó khăn và thuận lợi.
Thuận lợi dễ thấy nhất là hiện đang có nhiều người nước ngoài bị thu hút bởi tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam.
Về khó khăn, theo bà An, để phục vụ và đáp ứng được yêu cầu của người nước ngoài đòi hỏi phải giải quyết nhiều yếu tố như khả năng ngoại ngữ của người bán hàng, khả năng phân tích sản phẩm nào phù hợp với thị hiếu của người nước ngoài cũng như công tác quản lý nhà cho người nước ngoài khi họ không ở Việt Nam.
Theo CafeLand
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu trong 10 tháng qua ước đạt 427,05 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 217,05 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 210 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,05 tỷ USD.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cụ thể, tính chung 10 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,63 tỷ USD, khu vực FDI đạt 150,42 tỷ USD.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng,…
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU 34,2 tỷ USD; Trung Quốc 32,5 tỷ USD; thị trường ASEAN 21,3 tỷ USD,…
Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa ước tính đạt 210 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 87,9 tỷ USD; khu vực FDI đạt 122,1 tỷ USD.
Trong 10 tháng có một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lướn như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; sắt thép các loại,…
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 39,4 tỷ USD, thị trường ASEAN đạt 26,4 tỷ USD; Nhật Bản đạt 16 tỷ USD,…
Theo CafeLand
Chủ đầu tư phát triển dự án tích hợp cần xem xét các yếu tố về quy hoạch chỗ đỗ xe, không gian tiện ích nội khu cẩn trọng.
Đơn vị nghiên cứu tư vấn bất động sản JLL cho biết khái niệm "đô thị trong đô thị" là một xu hướng trong tương lai của thị trường. Hình thái đô thị này đã trở nên phổ biến khi các nhà phát triển bắt đầu tìm cách thu hút người mua bằng cách kiến tạo các khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái gây ra bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.
Dưới đây là những điểm quan trọng dẫn đến thành công bền vững của những dự án "bất động sản tích hợp" mà các nhà phát triển nên xem xét, theo JLL.
Một siêu dự án đang được phát triển ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Sơn
Chú trọng quy hoạch giao thông
Quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông là rất quan trọng khi phát triển dự án quy mô lớn. Với xu hướng sở hữu xe hơi ngày càng tăng ở Việt Nam, tình trạng đường sá tắc nghẽn cộng với thiếu hụt chỗ đậu xe sẽ thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp giao thông hiệu quả. Bãi đậu xe đầy đủ, kết nối tiện lợi với đường chính và hệ thống giao thông công cộng sẽ trở thành điểm cộng quan trọng giúp nâng cao giá trị dự án.
Chia tách giai đoạn phát triển dự án theo không gian và thời gian
Khi quy mô của dự án tăng lên, việc lập kế hoạch phát triển hợp lý cho các không gian chức năng khác nhau đã trở thành một thách thức với các nhà phát triển. Để đạt được không gian công cộng chất lượng, tiện lợi và đa dạng, việc xem xét cẩn thận các khía cạnh quy hoạch đô thị là bắt buộc. Các khu phố thương mại nhộn nhịp cùng với quảng trường, vỉa hè và bố trí quy mô các tòa nhà hài hòa sẽ giúp phát triển một khu đô thị có sức sống và hấp dẫn. Do đó, giúp giữ vững giá trị lâu dài cho dự án.
Việc chia giai đoạn cho dự án nên được xem xét cẩn thận để đảm bảo tiến độ thi công cho từng phần của mỗi khu phố và không ảnh hưởng đến những khu đã hoàn thành. Ở một số dự án, chủ đầu tư dựng các bức tường bằng cây xanh để ngăn cáh các tòa nhà đã hoàn thành với những công trình đang xây dựng.
Xây dựng và duy trì các tiện ích công cộng
Một điểm thu hút chính của các dự án tích hợp chính là các tiện ích công cộng quy mô lớn nằm trong khuôn viên dự án. Các tiện ích như công viên công cộng hay sân vận động thể thao giúp thu hút người mua nhưng có thể tốn kém nhiều chi phí duy trì. Do đó, các nhà phát triển dự án nên nhận thức sớm về chi phí bảo trì trong tương lai của những loại công trình này và việc chia sẻ các chi phí đó với người mua (nếu có) để bảo vệ giá trị tài sản chung.
Tiện ích nội khu hài hòa
Theo JLL, đối với các dự án được hưởng lợi từ các tiện ích công cộng hiện có, không có nghĩa là các nhà phát triển bỏ qua tiện ích nội khu của từng dự án thành phần. Việc chú trọng tiện ích nội khu nhằm tạo sự đa dạng giữa các tòa nhà cũng như xây dựng cảm giác riêng tư cho cư dân tương lai. Ngoài ra, nhà phát triển cần phải chú trọng đến tỷ lệ hài hòa giữa số lượng người sử dụng và các tiện ích chung như hồ bơi, phòng tập thể dục, sân chơi trẻ em... để đảm bảo giá trị lâu dài cho các tiện ích này.
Thành phần cư dân đa dạng và dung hợp
Điểm cộng của bất kỳ dự án quy mô lớn nào là khả năng cung cấp một loạt các loại nhà ở cho nhiều nhóm người mua tiềm năng khác nhau, từ đó tạo ra sự đa dạng trong thành phần dân cư. Mặc dù vậy, mỗi tòa nhà nên được thiết kế tùy chỉnh cho mỗi nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể trên cơ sở hài hòa chung với môi trường sống tổng thể.
Ví dụ, tại một số khu đô chị, các nhà phát triển xây dựng các căn hộ dịch vụ diện tích nhỏ nhắm vào nhóm khách hàng độc thân nằm ở trung tâm dự án. Trong khi đó, những người mua theo định hướng ở cả gia đình được sắp xếp tại các căn hộ có diện tích lớn trong các tòa nhà tọa lạc ở khu vực yên tĩnh hơn.
Theo VnExpress