Ngô Thị Lam Vân

Ngô Thị Lam Vân

Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay có khoảng 20 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án khu du lịch sinh thái theo hình thức thuê môi trường rừng tại Vườn quốc gia Côn Đảo.

Trong có một số dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; một số dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, lập dự án đầu tư.

Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư, triển khai các dự án này đang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân như:

Việc lập phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí mất nhiều thời gian;

Các dự án phải điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai; điều kiện tự nhiên đi lại khó khăn (Côn Đảo xa đất liền), chi phí đầu tư xây dựng cao;

Các điểm cho thuê môi trường rừng tại Vườn quốc gia Côn Đảo chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng; đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch sinh thái thu hồi vốn chậm…

Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Long đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại những khó khăn và khả năng thực hiện dự án từ đó kiến nghị chọn 1 hoặc 2 nhà đầu tư có năng lực để thí điểm 1 hoặc 2 dự án, sau đó mới nhân rộng trên địa bàn huyện Côn Đảo. 

Trong năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chấp thuận cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Duy Thân thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đá Trắng thuộc khu vực Đá trắng, tại tiểu khu 58 Vườn Quốc gia Côn Đảo, huyện Côn Đảo. Dự án có quy mô 10,2ha bao gồm: Khu dịch vụ bãi biển, khu nhà hàng công cộng, khu khách sạn nghỉ dưỡng cao 03 tầng, khu bungalow nghỉ dưỡng gồm 29 căn cao từ 01- 02 tầng và khu phụ trợ.

Chấp thuận phương án đầu tư để Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Kinh doanh Địa ốc Sài Gòn - Côn Sơn thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Hòn Bà tại bãi Cát Lớn, Hòn Bà, huyện Côn Đảo với diện tích 19 ha và có tổng vốn đầu tư là 86,8 tỷ đồng. Quy mô của dự án, bao gồm: Khu biệt thự - villas cao 01 tầng gồm 22 căn; bungalow cao 1 tầng gồm 64 căn; Khu dịch vụ vui chơi giải trí; Đất rừng tự nhiên và cây xanh,...

Theo CafeLand

Trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ quan trọng nhất là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU thì Mỹ đang thị là trường xuất khẩu khổng lồ của ngành gỗ Việt Nam.

Xuất khẩu gỗ vẫn tăng mạnh trong dịch Covid-19. Ảnh HP

Đó là thông tin được các chuyên gia, doanh nghiệp ngành gỗ chia sẻ tại hội thảo về xuất khẩu gỗ và đồ gỗ, do Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 28.2.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, dịch Covid-19 đang khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến sản xuất. Nhưng lâm sản vẫn tăng trưởng cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 1,53 tỉ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 5 thị trường xuất khẩu gỗ quan trọng nhất của Việt Nam hiện tại là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU đã chiếm 9,3 tỉ USD so với trên 10,3 tỉ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2019.
Đặc biệt, Mỹ đang là thị trường khổng lồ của ngành gỗ Việt Nam. Thống kê trong năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ chiếm tới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ trong năm nay. Ông Trần Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết nhiều công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc đang phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ vào Trung Quốc đạt trên 972 triệu USD, nhưng dịch Covid-19 sẽ khiến hoạt động này bị chậm trễ.
Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, nếu dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài thì các doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn cung nguyên liệu cho ngành gỗ từ các nước ngoài Trung Quốc, tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Cũng theo các chuyên gia, một tín hiệu tốt là số lượng doanh nghiệp tham gia ngành gỗ, xuất khẩu gỗ đang có xu hướng gia tăng. Năm 2019, ngành gỗ cả nước có gần 4.500 doanh nghiệp xuất khẩu (tăng 40% so với năm 2018), bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp địa phương.
Theo Thanh Niên
Thứ bảy, 29 Tháng 2 2020

Giấc mơ' metro không còn xa

Còn khoảng 4 tháng nữa, đầu máy, toa xe của tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) sẽ chính thức về tới TP.HCM.
 
Tuyến metro số 1 đang chạy nước rút để về đích cuối năm 2021.Ảnh: Hà Mai
Sau 14 năm chờ đợi, người dân thành phố sẽ được thấy đoàn tàu metro lăn bánh chạy thử cơ học trong năm nay.
Dự kiến việc vận hành chạy thử sẽ diễn ra trên đoạn Bình Thái - depot Long Bình vào tháng 8.2020. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đang cân nhắc để lựa chọn phương án chạy thử trên toàn tuyến hay dưới depot, làm sao để đảm bảo an toàn tuyệt đối và đánh giá được kết quả tốt nhất. Có thể sẽ chia thành từng giai đoạn, thử hệ thống thông tin tín hiệu trước, sau đó tới hệ thống điện…

Không để người dân chờ lâu hơn nữa

Năm 2006, tuyến metro số 1 chính thức được khởi động, do Cục Đường sắt VN - Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía nam (Tedi South) là đơn vị được giao lập dự án. Nhìn lại lịch sử 14 năm từ ngày bắt đầu lập dự án, có lẽ ít dự án nào của VN lại gặp trắc trở nhiều như tuyến metro số 1.
Không chỉ nhiều lần vấp phải nguy cơ bị dừng do số tiền nợ nhà thầu đã lên tới hơn 100 triệu USD, cách đây hơn 5 năm, tuyến metro số 1 cũng khiến TP vất vả khi đứng trước nguy cơ bị đền mỗi tháng 2,5 tỉ đồng. Chưa kể trong nhiều năm chật vật giải quyết thủ tục thông qua việc thay đổi tổng mức đầu tư, TP.HCM liên tục phải “giật gấu vá vai”, ứng tiền để cầm cự, giúp dự án tiếp tục được triển khai.
Trong tình trạng như vậy, metro liên tục lùi đích, từ hoàn thành năm 2018, xin lùi tới 2020 rồi gia hạn tới cuối năm 2021 mới đưa vào vận hành. Không ít lần người dân TP phải thở dài, mất niềm tin vào dự án giao thông quan trọng, hiện đại nhất TP. Đó là lý do ngay khi nút thắt lớn nhất - việc phê duyệt tổng mức đầu tư dự án - được thông qua năm 2019, từ lãnh đạo TP tới MAUR cùng các nhà thầu đã đặt quyết tâm năm 2020 chính là năm “tăng tốc”, bằng mọi giá đẩy tiến độ dự án chạy đúng kế hoạch.
Tại buổi lễ phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình tuyến đường sắt đô thị số 1 - xuân Canh Tý 2020, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Vấn đề cốt lõi đã được tháo gỡ nhưng khó khăn đang ở phía trước... nguồn vốn, công tác phối hợp của rất nhiều đơn vị thi công... tất cả đều cần sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết. Chúng ta đã chậm rồi nên năm 2020 phải được coi là năm tăng tốc, hoàn thành khối lượng thi công đề ra, thậm chí là hoàn thành sớm hơn để dự án về đích sớm hơn kế hoạch, không để người dân TP chờ đợi lâu hơn nữa”.
Mới đây nhất, trong buổi khảo sát của Ban Đô thị - HĐND TP.HCM về tiến độ dự án, Phó giám đốc MAUR Huỳnh Hồng Thanh cho biết tổng tiến độ thi công toàn dự án đến nay đã đạt 71%. Trong năm 2020, MAUR cùng các nhà thầu quyết tâm đưa dựa án hoàn thành 85% để kịp “về đích” vào cuối năm 2021 theo đúng cam kết.

Có thể giảm 10% lượng phương tiện cá nhân

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, nhận định tất cả người dân đang sinh sống, di chuyển hằng ngày tại TP.HCM đều mong đến ngày metro hoạt động. Việc đưa đầu máy, toa xe về chạy thử cơ học được xem là điểm nhấn, giúp người dân cảm nhận rõ bước tiến nhất định trong quá trình thi công, hoàn thành dự án. Đồng thời, tạo tiền đề, điều kiện cho đơn vị quản lý, vận hành có cơ hội tiếp xúc, đào tạo trước khi đoàn tàu chạy thử kỹ thuật và vận hành chính thức.
Theo ông Tuấn, dự báo trong những năm đầu tiên, nếu dịch vụ hấp dẫn, số người sử dụng metro để đi lại dọc tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ lên tới 150.000 - 160.000 hành khách/ngày. Tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP và khu vực phía đông bắc sẽ giúp một số người đang sử dụng phương tiện cá nhân đi làm, đi học, mua sắm chuyển qua sử dụng giao thông công cộng hằng ngày, đặc biệt là các hộ gia đình nằm dọc tuyến hành lang, trong vùng hấp dẫn từ các nhà ga tỏa ra bán kính 300 - 500 m. Điều này sẽ làm giảm lượng phương tiện cá nhân trên các tuyến song song, cụ thể là xa lộ Hà Nội.
“Trục đông bắc là một trong những trục quan trọng để thúc đẩy kinh tế, giao thương đi các tỉnh của TP.HCM. Mỗi ngày toàn TP có khoảng 25 - 30 triệu lượt di chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới cá nhân thì hành lang này chiếm ít nhất 5%, tương đương khoảng 1,5 triệu chuyến đi. Nếu tuyến metro số 1 đưa vào hoạt động và khai thác tốt, có thể giúp giảm khoảng 10% lượng phương tiện cá nhân. Đồng thời giúp việc kết nối tuyến xe buýt chạy cắt ngang qua xa lộ Hà Nội dễ dàng hơn, tạo thành một hệ thống có tính kết nối, phần nào giúp giảm ùn tắc các cửa ngõ phía đông bắc”, ông Tuấn nói.
Nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy khi thực hiện dự án tuyến metro số 1, dự báo đến năm 2040 sẽ có hơn 1 triệu lượt hành khách/ngày đêm. Đường sắt sẽ trở thành xương sống vận chuyển hành khách công cộng, còn xe buýt thành mạng lưới thu gom. Số xe buýt chạy trên hành lang xa lộ Hà Nội sẽ giảm khoảng 50 - 70%, không còn tình trạng ùn tắc giao thông.

“Chìa khóa” là sự kết nối

Mạng lưới đường sắt đô thị được coi là xương sống, nắm vai trò chiến lược trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông, định hình sự phát triển đô thị của các TP lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, thế giới đã có rất nhiều bài học về những tuyến metro không thành công trong giai đoạn đầu, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tại Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia)…
TS Vũ Anh Tuấn cho biết việc hệ thống metro khai thác không hiệu quả giai đoạn đầu là vấn đề chung của các TP trên thế giới, đặc biệt là những nơi chỉ nghĩ đến dự án đầu tư, không quan tâm các giải pháp tổng thể tăng khả năng tiếp cận. Để tránh đi theo vết xe đổ này, ngay từ bây giờ, TP.HCM phải lên phương án từ tổng thể đến chi tiết tăng cường sự kết nối, khả năng tiếp cận của người dân tới các nhà ga dọc tuyến metro số 1.
Cụ thể, phải cải thiện điều kiện đi bộ trên tất cả các tuyến đường khu vực xung quanh nhà ga, đặc biệt là vỉa hè, ưu tiên tín hiệu giao thông cho người đi bộ tại các nút giao thông có đèn tín hiệu. Bố trí xe buýt gom khách từ các khu vực không đi bộ được tới nhà ga. Ngay khi tuyến metro đi vào hoạt động là lập tức phải có xe buýt gom vận hành, không để khoảng lơi làm giảm sức hút của tuyến. Hệ thống xe buýt này phải được kết nối, liên thông thời gian biểu với tàu điện để giảm thời gian chờ đợi của hành khách. Cần có chương trình thông tin cụ thể để người dân hiểu cách sử dụng tàu điện và dễ dàng sắp xếp lịch trình phù hợp. Đồng thời, có sự đồng bộ, liên thông về hình thức thanh toán giá vé và đặc biệt là giảm giá (có thể giảm 50% giá vé) cho hành khách sử dụng xe buýt gom tới đi metro.
“Các nhà ga tàu điện phải là trung tâm của sự phát triển. Khu vực xung quanh nhà ga phải sử dụng đất hỗn hợp, đa chức năng, làm sao để người dân ra khỏi tàu chỉ cần đi bộ tối đa 10 phút là có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ cơ bản. Làm được tất cả những điều trên thì mới có thể khai thác hiệu quả tối đa tuyến metro. TP lên kế hoạch, thực hiện càng sớm thì càng đem lại hiệu quả cao”, TS Vũ Anh Tuấn đề xuất.
Theo Thanh Niên
 
 

Sau gần 10 năm đán phán, ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội phát triển thương mại mới giữa Việt Nam – EU, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường toàn cầu.

​ Cơ hội mới cho Việt Nam trên thị trường EU

EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm,

90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm

EVFTA là một Hiệp định thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực sau 1 tháng kể từ khi hai bên thông báo cho nhau là đã hoàn tất các thủ tục pháp lý sau khi Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn thủ tục cuối là Hội đồng châu Âu tán thành. Khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định (vào tháng 5/2020) , tiếp đó Chủ tịch nước ký ban hành, được coi hoàn tất các thủ tục pháp lý và sau một tháng, sẽ được áp dụng trên thực tế. 

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); Quy tắc xuất xứ;  hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch (SPS);  Các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT); Phòng vệ thương mại (TR); Thương mại dịch vụ;  đầu tư; cạnh tranh; Doanh nghiệp nhà nước; Mua sắm của Chính phủ; Sở hữu trí tuệ; thương mại và Phát triển bền vững; Hợp tác và xây dựng năng lực và các vấn đề pháp lý - thể chế.

Hiệp định EVFTA quy định, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Các cam kết cụ thể đối với một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vào EU như sau:

- Dệt may:  Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

- Giày dép: EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 03 năm và 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.

Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

- Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.

- Đường: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.

- Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan...

Ngoài ra,  các sản phẩm khác như củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Đối với các sản phẩm thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 25.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn); 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm); 400 tấn tỏi và 350 tấn nấm. Thuế suất trong hạn ngạch của tất cả các mặt hàng thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan của EU là 0%.

Các cam kết trong Hiệp định EVFTA được đánh giá là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Điều này đặc biệt có ý nghĩa vì EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt nam phải bảo đảm hàng hóa của mình phải đáp ứng đủ và đúng yêu cầu của Hiệp định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa của mình.Bên cạnh đó, yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ cũng rất chặt chẽ, các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định.

Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Để có thể cạnh tranh và tận dụng được các cơ hội mà hiệp định mang lại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia EU.

Hiệp định thực thi, không chỉ giúp Việt Nam chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường mà còn là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại các mặt hàng xuất khẩu.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Đây là đánh giá của quỹ Vinacapital sau hơn một tháng trôi qua kể từ khi dịch virus corona chủng mới lần đầu tiên khởi phát ở Trung Quốc.

Trước tác động nặng nề của virus corona, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng có khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,96% trong năm 2020, giảm 0,8 điểm phần trăm so với ước tính trước đó. Standard Chartered cũng hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam bớt 0,4 điểm phần trăm trong tuần trước.

Tuy nhiên, quỹ Vinacapital lại đánh giá: “Ước tính trên vẫn còn quá lạc quan. Tác động của virus corona đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ còn tệ hơn nhiều, vì những tác động đến ngành du lịch (chiếm 12% GDP) và lĩnh vực sản xuất (20% GDP)”.

Thay vào đó, Vinacapital dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm 1,5 điểm phần trăm trong trường hợp Chính phủ không hành động đủ mạnh để bù đắp một phần tác động từ virus corona.

Vinacapital đề cập đến trường hợp của Thái Lan. Quốc gia này tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch tương tự với Việt Nam, tỷ trọng đóng góp sản xuất cao hơn không nhiều. Nhưng Thái Lan lại giảm đến 1,2 điểm phần trăm. Đây là nguyên nhân vì sao Vinacapital cho rằng dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn quá lạc quan.

Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, ngành du lịch chiếm 7% GDP, nhưng nếu tính cả những khoản đóng góp gián tiếp của ngành du lịch, con số thực tế lên đến 14%.

Hiện số lượng du khách đến Việt Nam đã giảm 50-60% vì virus corona, tỷ lệ lấp phòng tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng theo định hướng du lịch chỉ quanh quẩn 20%, thấp hơn quá nhiều so với mức thông thường 80% tại thời điểm này trong năm.

Vinacapital ước tính số lượng du khách đến Việt Nam sẽ giảm 5-10% trong năm nay sau khi tăng trưởng 23% trong năm 2019. Sụt giảm 5-10% về lượng khách du lịch sẽ khiến tăng trưởng GDP Việt Nam giảm 1 điểm phần trăm trong năm nay.

Về ngành sản xuất, Vinacapital ước tính sản xuất đóng góp 20% vào GDP Việt Nam, dù con số chính thức chỉ là 16%.

Những dự báo tăng trưởng từ Bộ KH&ĐT và Standard Chartered đều dựa trên giả định tăng trưởng ngành sản xuất giảm 2,3-3,3%. Theo Vinacapital, đánh giá này là hợp lý trong điều kiện hiện tại, nhưng sự suy giảm sản xuất như thế này sẽ khiến tăng trưởng GDP Việt Nam giảm 0,5 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 sẽ bị kìm chế nhờ các đợt bơm thanh khoản của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Vinacapital tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể dễ dàng bù đắp một phần tác động của virus corona bằng cách đẩy mạnh chi tiêu cơ sở hạ tầng.

Nhìn xa hơn, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là thiệt hại từ virus corona

“Trong cái rủi có cái may”

Trong năm 2019, nhiều công ty quốc tế đã tính tới chuyện chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc đến Việt Nam vì chiến tranh thương mại.

Còn đột ngột và bất ngờ hơn cả chiến tranh thương mại, sự bùng phát virus cororna chủng mới đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo dành cho các công ty quốc tế về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Vinacapital tin rằng khi nỗi lo ngại lắng xuống, dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò là chất xúc tác còn lớn hơn cả thương chiến trong việc thôi thúc các công ty chuyển dây chuyền sản xuất tới Việt Nam vì tác động tâm lý của dịch bệnh tới các chủ doanh nghiệp.

Thực ra, nhiều công ty đang đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất tới Việt Nam.

“Tác động khó lường từ virus corona chắc chắn sẽ đẩy các nhà sản xuất thiết bị điện tử tìm tới các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc”, một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei Asian Review. “Chẳng ai có thể ngó lo rủi ro sau tất cả chuyện này… Tổn thất không chỉ là chi phí đâu mà là sự liên tục của chuỗi cung ứng”.

Mới đây, Nikkei Asian Review đưa tin Google và Microsoft đang nỗ lực chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Google dự kiến bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất – dự kiến có tên là Pixel 4A – với các đối tác ở phía Bắc Việt Nam ngay trong tháng 4/2020. Ngoài ra, Google cũng lên kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh thế hệ kế tiếp – Pixel 5 – trong nửa sau năm 2020 ở Việt Nam,.

Google và Microsoft đẩy nhanh quá trình rời Trung Quốc về Việt Nam và Đông Nam Á

Ngoài ra, Microsoft dự kiến bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm Surface – bao gồm máy tính xách tay và máy tính bàn - ở phía Bắc Việt Nam sớm nhất là trong quý 2/2020, dựa trên nguồn tin thân cận. 

Lợi ích của việc sản xuất tại Việt Nam còn được thấy rõ qua trường hợp của Samsung. Trong khi những đối thủ đang chật vật do hoạt động sản xuất đình trệ tại Trung Quốc thì Samsung nhờ đầu tư sản xuất tại Việt Nam vẫn hoạt động sản xuất bình thường.

Reuters: Nhờ sản xuất tại Việt Nam, Samsung tránh được rủi ro Trung Quốc trong khi Apple và các đối thủ gặp hạn

Đây chỉ mới là hai trường hợp nhận thấy rõ và còn có thêm nhiều công ty khác đang xem xét chuyển sản xuất tới Việt Nam.

Vì thế, Vinacapital tin rằng trong dài hạn, Việt Nam sẽ hưởng lợi khi các công ty đẩy mạnh đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Thái Lan.

Trình Thủ tướng phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy

Sáng 27/2, tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy.

Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, có tổng mức đầu tư là 14.234 tỷ đồng; trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng, vốn huy động từ nguồn khác là 12.091 tỷ đồng.

Dự án do Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư, có quy mô 685ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn.

Dự án xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy được đầu tư theo ba giai đoạn gồm giai đoạn một từ năm 2018-2025 đầu tư bốn bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn hai từ năm 2026-2031 đầu tư ba bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn ba từ năm 2032-2036 đầu tư ba bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng.

Dự án có thời gian thực hiện 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư. Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và hàng hóa quá cảnh từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy tin tưởng, cảng Mỹ Thủy sẽ trở thành cảng biển quốc tế lớn.

Với năng lực có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn, cảng Mỹ Thủy góp phần quan trọng vào việc trung chuyển hàng hóa; đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị. Trong khi đó, tỉnh Quản Trị cam kết, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư và các đối tác tiến hành dự án./.

Theo Vietnam+

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho một số thành viên Tổ tư vấn kinh tế sớm chuẩn bị các giải pháp khơi thông điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Trong kết luận, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho một số thành viên.

Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng và các ông Bùi Quang Vinh, Trần Du Lịch và Trần Hoàng Ngân sớm chuẩn bị và có báo cáo về các giải pháp khơi thông các điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.

Thủ tướng đề nghị cần có báo cáo về chủ trương, đường lối phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của khu vực. Các báo cáo này phải trình Thủ tướng trước ngày 30/4.

Thu tuong giao nghien cuu khoi thong diem nghen kinh te tai TP.HCM hinh anh 1 23_zing_2.jpg

Năm 2019 tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đạt 8,32%, tăng nhẹ so với năm 2018 (8,3%). Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu tổ tư vấn chủ động nghiên cứu và phát huy vai trò đầu mối huy động các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ thu xếp dành thời gian ít nhất hai lần trong một năm để làm việc với tổ tư vấn kinh tế.

Năm 2019 tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đạt 8,32%, tăng nhẹ so với năm 2018 (8,3%). Quy mô kinh tế TP.HCM ước đạt 5,55 triệu tỷ đồng, chiếm gần 1/4 cả nước.

Đáng chú ý, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng tại TP.HCM năm 2019 chỉ tăng 6,78%, thấp hơn cùng kỳ 2018 là 8,12%.

Theo Zing News

Ngày 26/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp để xem xét, quyết định có cho triển khai tiếp hay không đối với ba dự án lớn của tỉnh là: Chỉnh trang kiến trúc cầu Cỏ May, Cảng tàu khách Côn Đảo và Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu. Đây là ba dự án đã phải tạm dừng trước đó do có nhiều ý kiến không đồng tình.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thống nhất phương án triển khai đầu tư 3 dự án lớn

Về dự án chỉnh trang kiến trúc cầu Cỏ May, tháng 10/2019, Thường trực Tỉnh ủy đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh tạm dừng dự án do có nguy cơ đội vốn lớn. Cụ thể tại thời điểm này, chủ đầu tư là BQL Dự án chuyên ngành Dân dụng và Công nghiệp tỉnh có tờ trình đề xuất nâng giá trị công trình lên 152 tỷ đồng, trong khi vào tháng 10/2017, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương dự án Chỉnh trang kiến trúc cầu Cỏ May và UBND tỉnh có quyết định đầu tư dự án trên với số tiền 98,3 tỷ đồng.

Trước đó, BQL Dự án chuyên ngành Dân dụng và Công nghiệp tỉnh báo cáo cho biết, việc đội vốn dự án chủ yếu là do phần kết cấu khung thép mới, có cấu tạo đặc thù, chưa được Bộ Xây dựng ban hành định mức nên khi lập dự toán không sát với thực tế, đơn giá dự thầu đều vượt so với dự toán. Ngoài ra, còn có những bổ sung, điều chỉnh các hạng mục khác so với lúc phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, BQL Dự án chuyên ngành Dân dụng và Công nghiệp tỉnh trình 2 phương án: tiếp tục dự án với mức đội vốn 17% - tức 115 tỷ đồng hoặc là dừng dự án. Tuy nhiên, trước khi tạm dừng, dự án đã giải ngân gần 21 tỷ đồng, trong đó có tạm ứng cho gói thầu xây lắp là 15 tỷ đồng. Nếu dừng dự án thì sẽ thiệt hại phần khối lượng công việc đã thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành liên quan và ý kiến thống nhất của các Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý cho tiếp tục thực hiện dự án "Chỉnh trang kiến trúc cầu Cỏ May" với số tiền 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, liên quan đến dự án này, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo, xem xét làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị liên quan trong việc tư vấn, tham mưu, thẩm định mức đầu tư dự án.

Về dự án Cảng tàu khách Côn Đảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng quyết định cho tiếp tục triển khai dự án sau khi điều chỉnh thiết kế tổng mặt bằng và kiến trúc công trình nhưng vẫn phải giữ nguyên tổng mức đầu tư là hơn 158 tỷ đồng.

Dự án "Cảng tàu khách Côn Đảo" được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 6/2007 với tổng mức ban đầu là gần 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 3 lần điều chỉnh vào các năm 2009, 2011, 2013, tổng mức đầu tư đã tăng lên hơn 158 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thi công xây dựng, công trình đã bộc lộ nhiều vấn đề về công năng, tính chất chưa hợp lý; phần quy hoạch, kiến trúc các cơ sở dịch vụ trên bờ được thiết kế chưa phù hợp. Cụ thể, các hạng mục công trình bố trí chưa phù hợp, che chắn tầm nhìn, ảnh hưởng mỹ quan.

Tại cuộc họp, chủ đầu tư và đơn vị chức năng đã báo cáo tiếp các phần việc, các thủ tục đã triển khai với tổng mức đầu tư không thay đổi. Về tiến độ, sau khi Sở KH-ĐT thẩm định phê duyệt dự án trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án, chủ đầu tư sẽ tiến hành triển khai thiết kế, phê duyệt bản vẽ thi công và tiến hành thi công trong khoảng tháng 5 hoặc tháng 6/2020 và dự kiến tháng 12/2020 hoàn thành.

Đối với dự án "Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu", Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tiếp tục đầu tư theo hình thức đầu tư công và sau khi hoàn thành sẽ chuyển giao cho Bệnh viện Lê Lợi tiếp quản với chủ trương nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu lên thành Bệnh viện loại I.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý đề xuất bổ sung cho Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu thêm 150 giường bệnh nữa để mở rộng các khoa phòng, nhà ở thân nhân và bếp ăn tình thương. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ giao UBND tỉnh chuẩn bị ngay các thủ tục để thúc đẩy đưa khu đất Bệnh viện Lê Lợi (sau khi chuyển về cơ sở mới là Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu) thành một bệnh viện hiện đại theo hình thức xã hội hóa.

Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu với quy mô 350 giường bệnh, được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng với mục đích thay thế Bệnh viện Lê Lợi đã xuống cấp và không đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Tuy nhiên, tháng 6/2019, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu có công văn đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất chuyển dự án "Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu" sang mô hình hợp tác - công tư (đầu tư công-vận hành tư và do Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vận hành) với mong muốn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân với chi phí thấp.

Do đó, dự án đã phải tạm dừng để nghiên cứu làm theo phương án hợp tác công - tư ( Lúc này, Bệnh viện đã hoàn thiện phần xây thô và đang triển khai gói mua sắm thiết bị). Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu mô hình "đầu tư công-vận hành tư" nhưng không tìm được cơ chế cho phép, áp dụng, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã chấp thuận quay về phương án ban đầu.

Theo Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi Tỉnh ủy thống nhất quay lại phương án ban đầu, dự kiến, tháng 2/2021, Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu mới hoàn thiện và đi vào hoạt động.

Theo CafeF

Một số chuyên gia đưa ra nhận định tại buổi tọa đàm: "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel", nếu không có khung pháp lý rõ ràng thì thời gian tới thị trường condotel sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tiềm năng dài hạn của mô hình BĐS này là rất tốt nhờ vào du lịch.

Tương lai nào cho thị trường condotel?

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường Condotel”, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm nghẽn của thị trường này cần được tháo gỡ ngay.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta hô hào phấn đấu đạt tăng trưởng du lịch cao, nhưng chúng ta lại chưa có số liệu về phát triển Condotel nói riêng.

Trong khi đó, doanh nghiệp cần dữ liệu để quyết định đầu tư, trong khi địa phương cần dữ liệu để quyết định cấp phép cho các dự án Condotel. “Chúng tôi đang tiếp nhận 20 vụ việc liên quan dự án Condotel. Với những mập mờ về pháp lý, mập mờ về quản lý khai thác hiện nay, tôi rút ra 3 điều, một là nhà đầu tư thứ cấp thua thiệt, hai là Nhà nước thua thiệt, ba là chỉ có chủ đầu tư hưởng lợi. Như vậy, phát triển loại hình này không thể bền vững”, vị Luật sự này nhấn mạnh.

Luật sự Danh cho rằng, dự án Condotel có cam kết cao nhưng có nhiều nhà đầu tư không có năng lực thực thi các dự án này. Nếu không có hành lang pháp lý, thì tôi dự báo trong 5 năm tới thị trường Condotel sẽ rất khó khăn, thậm chí bị “vỡ trận”.

Bên cạnh pháp lý, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hạ tầng là thách thức lớn của BĐS nghỉ dưỡng. Theo vị chuyên gia này, tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam là rất lớn nhưng nếu chúng ta làm tốt hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đồng bộ và tư duy chính sách thì hàm lượng khách sẽ còn tăng hơn nữa.

Chẳng hạn có một số nơi, dư địa phát triển du lịch rất tốt nhưng cơ sở hạ tầng phát triển chưa tương xứng. Ví như Nghệ Tĩnh, Quy Nhơn, hay Quảng Ngãi chẳng hạn. Đây là những nơi được thiên nhiên ưu đãi địa hình rất đẹp nhưng hạ tầng còn chưa đồng bộ, không có quá nhiều nhà đầu tư đầu tư vào đây.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, với tiềm năng phát triển du lịch sẵn có của Việt Nam, tiềm năng phát triển condotel trong 10-20 năm tới là rất tốt, quan trọng là chúng ta rút kinh nghiệm được từ những thành công của mô hình tương tự đi trước của thế giới.

Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng condotel mới là bước đầu, vấn đề quan trọng là chúng ta quản trị, khai thác nó sao cho hiệu quả. “Sau khoảng 5 năm xuất hiện, với những quy định của pháp luật đang dần hoàn thiện và nhu cầu hiện có của thị trường chúng tôi tin tưởng thành công của mô hình condotel tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo CafeF

Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố sẽ khởi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,6 km vào ngày 27/2, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Cụ thể, sáng mai (27/2), tại tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng tỉnh Tiền Giang và các đơn vị thi công tổ chức lễ triển khai thi công Gói thầu xây lắp 01 (XL.01)-  Thi công đường dẫn phía Tiền Giang từ Km101+126 (điểm đầu dự án) đến Km104+190 thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài tuyến 6,61km, điểm đầu tại Km101+126, khớp nối với Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. 

Điểm cuối tại Km107+740, khớp nối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Hướng tuyến:Từ điểm đầu dự án, tuyến đi song song Quốc lộ 1 và vượt qua sông Tiền bằng cầu Mỹ Thuận 2 cách 350m về phía thượng lưu so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 80.

Tổng mức đầu tư dự án là 5.003 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 3.389,6 tỷ đồng; dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Phần cầu chính (cầu Mỹ Thuận 2) dài khoảng 1.906km, đầu tư hoàn chỉnh với 06 làn xe, vận tốc thiết kế Vtk=80km/h, có bề rộng mặt cầu phần xe chạy B=25m; nhịp chính kết cấu dây văng dài 650m; nhịp dẫn kết cầu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276m.

Dự án nhằm mục đích kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ theo quy hoạch.

Đây là một dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số2199/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2018. 

Như vậy, tính đến ngày 27/02/2020, cả 03 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đều đã  khởi công xây dựng.

Theo CafeLand

Đối tác chiến lược