Luật PPP phải củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài

Written by  - Thursday, 09 August 2018

 


photo1533714209371 153371420937111216239

Với hệ thống pháp luật, phải cải thiện quy trình, thủ tục riêng để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài...

 

Ngày 7/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ biên tập Luật PPP lần thứ nhất.

Tại buổi họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các thành viên ban soạn thảo đã thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật; Quy trình thực hiện dự án; Nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án; Các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư; Việc thanh tra, hậu kiểm chế tài xử phạt…

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết, đầu tư theo hình thức PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Cần phân biệt giữa phạm vi đầu tư theo hình thức PPP và đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, vấn đề bất cập hiện nay là trình tự, thủ tục chung về đầu tư PPP. Nhiều bước trong quá trình xây dựng phụ thuộc vào quy định của các luật nhưng chưa phù hợp với dự án PPP.

Để giải quyết vấn đề này, cần thiết kế quy định về trình tự, thủ tục tại Luật PPP và Nghị định hướng dẫn. Đồng thời quy định nguyên tắc trường hợp có quy định khác giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục thì áp dụng Luật PPP.

Luật cần quy định cụ thể về nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án, bổ sung quy định cụ thể hơn về cách thức lập, giải ngân, tổ chức thực hiện xuyên suốt.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP, mục tiêu chính của nhóm chính sách là xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của tất cả các bên trong quá trình thực hiện dự án, bao gồm cả các cơ quan hậu kiểm. Đồng thời, có chế tài xử lý tương ứng khi các cơ quan này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Kinh nghiệm thực hiện chương trình PPP thành công của các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Phillipines cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện PPP, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể về các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các dự án PPP bên cạnh các hình thức ưu đãi đầu tư thông thường như ưu đãi về thuế, đất đai.

Các quốc gia nêu trên đã thiết lập các cơ chế như: Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính (Quỹ VGF), quỹ dự phòng dành cho bảo lãnh chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu…

Do đó, Luật PPP cần có các ưu đãi, chính sách hỗ trợ phù hợp trên cơ sở một số nguyên tắc nhất định, đồng thời lưu ý các chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án như: Giải phóng mặt bằng, cơ chế huy động vốn cho dự án, đầu tư nhà nước thamgia thực hiện dự án, chia sẻ rủi ro.

 

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây là một dự án Luật mới, khó, liên quan đến nhiều vấn đề về quan điểm, luật pháp hiện hành và khó trong thực tiễn. Trong nước, các dự án đã thực hiện nhiều năm và đạt được môt số thành tựu nhất định, nhất là trong lĩnh vực giao thông, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng trong 3 năm trở lại đây, kết quả đạt được còn khiêm tốn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thiết phải huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP để huy động nguồn lực xã hội. Với hệ thống pháp luật, phải cải thiện quy trình, thủ tục riêng để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. 5 nhóm chính sách đưa ra trong nội dung dự thảo Luật đã bao phủ tương đối các vấn đề nội hàm và được thống nhất trong cuộc họp.

Về tiến độ xây dựng Luật PPP theo yêu cầu tại Nghị quyết số 54/NQ-CP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, chưa có các yếu tố để trì hoãn, xin lùi dự án Luật. Vì vậy, phải quyết tâm, đồng tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, các bộ, ngành phải tham gia ngay từ đầu và phối hợp chặt chẽ.

Theo Kiều Linh (Vneconomy)

Our Strategic Partners