Hàng loạt dự án triệu USD dồn dập đầu tư, Bình Thuận quyết giữ danh hiệu "thủ đô resort" trên bản đồ thế giới

Written by  - Thursday, 03 October 2019

Chưa đầy 1 năm, từ cuối năm 2018 đến thời điểm hiện tại, Bình Thuận chứng kiến sự hiện diện liên tiếp và dồn dập của khoảng chục dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Hàng loạt dự án triệu USD dồn dập đầu tư, Bình Thuận quyết giữ danh hiệu "thủ đô resort" trên bản đồ thế giới

Không chỉ biển mới mang lại cho Bình Thuận những tiềm năng lớn, các danh lam thắng cảnh, di tích kiến trúc lịch sử và hệ thống văn hóa lễ hội cả dân gian lẫn hiện đại nơi đây đã đưa Bình Thuận trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với các loại hình phong phú: từ nghỉ dưỡng, tham quan du lịch đến thể thao biển, du lịch tín ngưỡng, hội nghị.

Ngoài Boracay (Philippines), bãi biển Phan Thiết là một trong 2 bãi biển tại Đông Nam Á thực hiện được môn lướt sóng với diều (kite surfing). Với lợi thế vịnh nông, lại hút gió, Phan Thiết có thể cung cấp những dịch vụ thể thao biển mà người phương Tây đặc biệt ưa thích, đồng thời cũng có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch nội địa.

Thời gian gần đây, trước sự bứt phá mạnh mẽ của hạ tầng không chỉ riêng của Bình Thuận mà còn liên kết với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cộng với lợi thế nói trên, mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ồ ạt rót vốn đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô khá lớn.

Đến nay, Bình Thuận có 384 dự án du lịch được chấp thuận với tổng vốn đầu tư hơn 60 nghìn tỷ đồng, gần 200 dự án đã hoạt động kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 560 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 16.508 phòng. Trong đó có 3 dự án đạt tiêu chuẩn 5 sao, 27 dự án đạt tiêu chuẩn 4 sao và khoảng 557 căn hộ, 315 biệt thự nghỉ dưỡng biển.

Trong tháng 9 vừa qua, trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục có 6 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích đất 36ha, có tổng vốn đăng ký 302 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã có 92 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 515ha và tổng vốn đầu tư 10.764 tỷ đồng… 

Trong đó, một số dự án đã đi vào hoạt động như Sea Links Mũi Né - Việt Nam, Ocean Vista, Sentosa Villa, khu biệt thự cao cấp Minh Thành. Các dự án đang được tiến hành đầu tư như khu biệt thự cao cấp Thái Sơn, khu biệt thự nghỉ dưỡng Suối Nhum - Thuận Quý, khu du lịch Hòn Lan, khu biệt thự Casalavada, Aloha Beach Villge, Goldsand Hill Villa,…

Một số dự án quy mô khá lớn đang triển khai như Dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam đăng ký đầu tư tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình có quy mô gồm 3 phân khu chức năng. Tính riêng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho phân khu này là hơn 13.153 tỷ đồng, theo đó suất đầu tư bình quân tại Khu đô thị du lịch ven biển Hòa Thắng lên đến 18,13 tỷ đồng/ha.

Hàng loạt dự án triệu USD dồn dập đầu tư, Bình Thuận quyết giữ danh hiệu thủ đô resort trên bản đồ thế giới - Ảnh 1.

Theo McKinsey & Company - Tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu, cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Thuận phải là đơn vị maketing hàng đầu, phải phản hồi nhanh chóng khi sáng kiến được nhà đầu tư đề nghị. Cơ quan này phải đóng vai trò "một cửa" để giải quyết nhanh, hỗ trợ nhanh nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Theo đó, các điểm đến thành công thường có hệ sinh thái du lịch tự duy trì. Tức là, chính quyền và các doanh nghiệp du lịch sở tại đã tạo ra được các kênh để thu hút khách du lịch, được hỗ trợ bởi hệ thống lưu trú như các khách sạn, nhà hàng và đặc biệt là các cơ sở phục vụ hoạt động giải trí. Các điểm đến này phải có sự kết nối bằng hệ thống hạ tầng giao thông thật thuận lợi cùng với hệ thống cơ sở như nguồn cấp điện, cấp nước và vệ sinh đáng tin cậy.

Tập đoàn McKinsey & Company cũng khuyến nghị tỉnh Bình Thuận có thể xem xét phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm và du lịch thể thao, cũng như đầu tư vào các loại hình du lịch đặc thù khác như du lịch chăm sóc và tăng cường sức khỏe, du lịch cho đối tượng kinh doanh và du lịch giải trí.

Trong khi đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né chạy dọc bờ biển từ Mũi Né, Phan Thiết, về hướng Nam đến Kê Gà - Hòn Lan, sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn với những sản phẩm độc đáo, đa dạng, trong đó ưu tiên phát triển du lịch biển và du lịch thể thao biển để tạo lập thương hiệu trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia.

Khu vực này sẽ là mũi nhọn, trọng tâm thu hút khách du lịch và các nguồn lực đầu tư du lịch của tỉnh Bình Thuận, cũng như đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và du lịch Việt Nam. Đồng thời là điểm đến không thể thiếu trên tuyến du lịch quốc gia, có mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Nha Trang, TPHCM, Đà Lạt và Vũng Tàu.

Đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né vươn lên thành một trong những điểm đến tầm cỡ quốc tế, đẳng cấp trong khu vực Đông Nam Á và hướng đến nằm trong top điểm đến của Khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Về các tuyến du lịch, có các tuyến quốc tế theo đường không thì hiện tại, các khách quốc tế đến Mũi Né chủ yếu thông qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TPHCM), sau khi Sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động (dự kiến sau năm 2020), phát triển các tuyến kết nối trực tiếp từ Phan Thiết đến các thị trường chính như Nga; Trung Quốc; Hàn Quốc; các nước Tây Âu; các nước Bắc Âu.

Theo đường biển thì kết nối từ Phan Thiết (sau khi nâng cấp thành cảng du lịch quốc tế) với Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… Các tuyến du lịch liên vùng, theo đường bộ: Kết nối Mũi Né với các trung tâm du lịch trong vùng và Việt Nam qua tuyến quốc lộ 1A hiện tại và các tuyến đường cao tốc như TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết 2 dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam (với tổng mức đầu tư là 39.660 tỷ đồng) đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đã giải phóng mặt bằng được gần 50%. Trong năm nay, tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý 4/2020 sẽ khởi công dự án.

Ngoài thông tin 2 tuyến cao tốc này sẽ được khởi công vào cuối năm 2020, một loạt dự án hạ tầng đã và sắp triển khai cũng khiến cho thị trường bất động sản Bình Thuận phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy mô từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng, biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.

Theo công bố chính thức của UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10.272,9 tỷ đồng và giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng. Với quy mô được nâng lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn. Đối với hạng mục hàng không dân dụng, tỉnh đang triển khai các thủ tục đầu tư theo hình thức BOT theo chủ trương của Chính phủ.

Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Hội, Hải Phòng… vào tới "thủ đô resort" cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.

Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách. Đó là đường ĐT719B Phan Thiết - Kê Gà, thiết kế dài 25,4km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT719 Kê Gà - Tân Thiện, thiết kế dài 32,4km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Đường ĐT711 có điểm đầu giao QL 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang Quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT706B, dài 41km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Long Thành cũng đang được gấp rút chuẩn bị để đảm bảo khởi công dự án vào cuối năm 2020 và đưa vào khai thác từ năm 2025. Với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD trên diện tích đất 5.000ha, công suất 25 triệu hành khách/năm (công suất 100 triệu hành khách/năm sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn hoặc 25 triệu hành khách/năm giai đoạn 1).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cũng cho rằng: "Ở mảnh đất còn hoang sơ trong đầu tư, còn nhiều trở ngại trong đi lại như chưa hình thành sân bay, đường cao tốc nên khao khát muốn lớn lên, bứt phá khai thác đúng tầm tiềm năng có được khiến Bình Thuận nuôi giấc mơ tìm và kêu gọi "sếu đầu đàn" trong phát triển 3 "trụ cột" kinh tế. Và một số nhà đầu tư lớn đã tìm đến".

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Our Strategic Partners