Tin tức

Ngô Thị Lam Vân

Ngô Thị Lam Vân

Bộ Quốc phòng yêu cầu tỉnh Bình Thuận và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ nhằm mục tiêu có thể khởi công xây dựng dự án sân bay Phan Thiết trong năm 2020.

 

Bên trong khu vực xây dựng sân bay Phan Thiết

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Trần Đơn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về công tác triển khai xây dựng dự án sân bay Phan Thiết.

Được biết, Cảng hàng không Phan Thiết là 1 trong 15 cảng hàng không quốc nội trên toàn quốc, có quy mô cấp 4E, với vai trò vừa là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (sân bay quân sự cấp I). Dự án có tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay địa phương đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ mặt bằng sân bay 543ha và đài dẫn đường xa 2,56ha; đồng thời, bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức quản lý 399,96ha và bàn giao 145,6ha diện tích đất khu hàng không dân dụng cho nhà đầu tư BOT. Nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công công trình, phấn đấu hoàn thành dự án đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Thứ trưởng Trần Đơn yêu cầu tỉnh Bình Thuận và cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong đó sớm có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư. Về phía Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với tỉnh Khánh Hòa nhằm đẩy nhanh đấu giá đất tại sân bay Nha Trang tạo nguồn vốn để có thể khởi công dự án sân bay Phan Thiết trong năm 2020.

Cơn sốt đất có lặp lại?

Sân bay Phan Thiết cùng với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là hai dự án hạ tầng giao thông tạo nên động lực thúc đẩy bất động sản tại Phan Thiết – Bình Thuận trong những năm vừa qua. Nếu sân bay Phan Thiết có thể khởi công trong năm 2020 thì đây có thể là “mồi lửa” tiếp tục tạo nên cơn sốt đất tại địa phương này trong thời gian tới.

Hiện tại, Phan Thiết đang là tâm điểm của nhiều đại gia bất động sản đổ về triển khai hàng loạt dự án nghỉ dưỡng đình đám. 

Sân bay Phan Thiết sẽ được khởi công trong năm 2020?

Những thông tin về sân bay Phan Thiết tạo nên cơn sóng đất quanh khu vực

Bên cạnh các dự án đình đám, sức hút của sân bay Phan Thiết cũng tạo ra những cơn sóng đất nền nhỏ lẻ quang khu vực của dự án này. Tại xã Thiện Nghiệp, địa phương được quy hoạch một phần trở thành sân bay từng là điểm nóng của cơn sốt đất. Rất nhiều nhà đầu tư ở nhiều nơi như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã đổ về đây săn tìm mua đất đã khiến cho mặt bằng giá bị đẩy lên cao, tạo ra các cơn sốt giá ảo.

Tình trạng các dự án phân lô bán nền, chuyển nhượng đất nông nghiệp bát nháo cũng gây ra nhiều hệ lụy về quy hoạch buộc tỉnh Bình Thuận phải ra các văn bản khuyến cáo và ngăn chặn. Tuy nhiên, điều này đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân địa phương.


Theo CafeLand

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

 

Trình Bộ Chính trị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Phó Thủ tướng giao Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam khẩn trương thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo đúng quy định pháp luật.

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải cập nhật, hoàn chỉnh dự thảo tờ trình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tổng kết 10 năm thực hiện kết luận số 27-KL/TW  ngày 17/8/2008 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2020.

Theo phương án được Bộ GTVT đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500 km và đi qua 20 tỉnh, thành. Đường sắt điện khí hóa với 2 làn ray 1.435 mm. Tổng mức đầu tư 1,34 triệu tỷ đồng (tương đương 58,71 tỷ USD). Tốc độ thiết kế tàu chạy 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP.HCM là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư 58,7 tỉ USD.

Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến năm 2020-2032 (tổng vốn 24,7 tỷ USD). Giai đoạn 2 dự kiến năm 2032-2050 (tổng vốn 34 tỷ USD). Trong đó, ngân sách bỏ ra 80% tổng vốn đầu tư hạ tầng, kêu gọi tư nhân đầu tư bằng 20% tổng vốn vào đầu máy toa xe và nhà ga để khai thác thu hồi vốn.

Giai đoạn 1 (2020 - 2032) nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM; giai đoạn 2 (2032 - 2050) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2050.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đánh giá có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng GPMB lớn và đi qua nhiều địa phương nên phải được trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng, Chính phủ thông qua để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Trong năm 2019, Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo tiền khả thi của dự án và trình lên Chính phủ, trong đó đề xuất phương án có tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD . Sau đó, Bộ KH&ĐT đã có ý kiến phản biện, cho rằng chỉ nên thực hiện công trình với suất đầu tư 26 tỷ USD .

Ngày 11.7 vừa qua, Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch Hội đồng. Uỷ viên hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương... Ngoài ra, còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo 20 tỉnh, thành nơi tuyến đường sắt đi qua.

Theo CafeF

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, diện tích đất cần phải thu hồi để triển khai các dự án trong năm nay lên đến 18.666 ha, tập trung ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. Với diện tích đất thu hồi lớn, giá đất ở nhiều địa phương đang ở mức cao, công tác bồi thường sẽ gặp không ít khó khăn.

 

Năm 2020, Đồng Nai chuẩn bị quỹ đất sạch hàng trăm dự án, khởi công xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm

 

 

Hơn 60% các dự án tại Đồng Nai phải thu hồi đất trong năm 2020 thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Trong đó chủ yếu là làm mới, nâng cấp, mở rộng các đường giao thông. TP.Biên Hòa là địa phương dẫn đầu tỉnh về số lượng dự án phải thu hồi đất trong năm 2020 với 215 dự án, diện tích cần thu hồi 677 ha. Khả năng có nhiều dự án không thể khởi công đúng tiến độ vì thiếu tái định cư và chưa thu hồi được đất.

Trong năm 2020, TP.Biên Hòa sẽ tiến hành khởi công 2 dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai là hương lộ 2 và đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu.

Hiện dự án hương lộ 2 đã gần hoàn tất thủ tục, có nơi bố trí tái định cư cho những hộ bị thu hồi đất để thực hiện công trình. Với dự án đường ven sông Đồng Nai, diện tích cần phải thu hồi gần 2 ha của 70 hộ dân thuộc phường Bửu Long (TP.Biên Hòa). 

Dự án này hiện đang trong quá trình thỏa thuận với Cục Quản lý đường sông để được triển khai. Tổng vốn đầu tư dự án đường ven sông Đồng Nai là 1.340 tỷ đồng. Dự tính của tỉnh sẽ đầu tư các dự án trên bằng nguồn vốn từ đấu giá đất công.

Để phục vụ xây dựng Sân bay Long Thành, Đồng Nai sẽ thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với diện tích khoảng 5.000ha. Trong đó, có khoảng 1.800ha thuộc khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng để xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1.

UBND tỉnh đã đặt mục tiêu sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng đối với khu vực 1,8 ngàn ha trong quý II/2020. Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã hoàn tất các thủ tục và đang tiến hành chi trả tiền bồi thường đối với diện tích hơn 1,1 ngàn ha đất của các cơ quan, tổ chức trong khu vực này.

Đối với phần diện tích khoảng 630 ha đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng, đến thời điểm này đã hoàn tất đo đạc, kiểm đếm được khoảng 602 ha, đạt hơn 95% diện tích.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, công tác xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường đối với toàn bộ diện tích 5 ngàn ha bị thu hồi để xây dựng Sân bay Long Thành sẽ được triển khai thực hiện trong quý I/2020.

Công tác xác định giá đất cụ thể thuộc phạm vi 5 ngàn ha xây dựng Sân bay Long Thành được phân làm 2 gói thầu gồm: gói thầu thẩm định giá số 1 thực hiện thẩm định giá đất trên địa bàn các khu vực nằm trong diện thu hồi đất tại các xã Long An, Bình Sơn và Long Phước cũ và hiện nay là địa bàn thuộc xã Bình Sơn. 

Tổng diện tích đất thuộc gói thầu này là hơn 1,3 ngàn ha; gói thầu thẩm định giá số 2 có diện tích đất hơn 1,7 ngàn ha thuộc địa bàn các xã Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn cũ và hiện nay thuộc địa bàn xã Bình Sơn.

Đến thời điểm này, UBND huyện Long Thành đã tổ chức đấu thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 2 gói thầu này. Theo đó, Công ty cổ phần thẩm định giá Đồng Nai là đơn vị trúng thầu gói thầu số 1 và Trung tâm kỹ thuật tài nguyên - môi trường Đồng Nai là đơn vị trúng thầu gói thầu số 2. Ban Quản lý dự án huyện Long Thành đã ký hợp đồng với 2 đơn vị trúng thầu để triển khai công tác khảo sát định giá đất.

Theo CafeF

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải về việc triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Chính phủ đồng ý triển khai cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Chính phủ  đồng ý cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư như đề nghị của Bộ Giao thông - vận tải.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến 77,8km. Bộ Giao thông - vận tải chia dự án làm 2 thành phần. Thành phần 1 từ TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến TX.Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có tổng chiều dài tuyến 46,8km, điểm đầu giao với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km về phía Bắc; điểm cuối kết nối nhánh đường vào Cảng Cái Mép - Thị Vải; chiều dài đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2km và 12,6km chạy qua Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án thành phần 2 dài 31km từ TX.Phú Mỹ đến TP.Vũng Tàu.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được triển khai sẽ tạo ra một tuyến kết nối giao thông quan trọng giữa hai vùng kinh tế nổi bật phía Nam, tạo động lực cho sự phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Theo CafeF

Chính thức sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm mới và mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách…, Hạ Long đang tiếp tục tạo dựng niềm tin mạnh mẽ trong mắt nhà đầu tư bất động sản (BĐS) về sự tăng trưởng đột phá năm 2020.

Những cơ hội “vàng” của bất động sản Hạ Long năm 2020

Mở rộng địa giới Hạ Long

Bước sang năm 2020, thành phố di sản khởi động thập kỷ mới bằng sự kiện trọng đại khi công bố Nghị quyết sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Hạ Long. Với diện tích được mở rộng khoảng 5 lần so với trước, Hạ Long trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính.

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức về quỹ đất chật chội, sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật, việc sáp nhập này tạo cho TP một không gian phát triển xứng tầm. Trong đó, quan trọng nhất là Hạ Long sẽ có đủ không gian để xây dựng các dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, hướng tới mục tiêu trở thành một mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh và khu vực phía Bắc.

Theo các chuyên gia, đây là điều kiện thuận lợi để Hạ Long thu hút thêm những nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ… tạo đà vững chắc cho thị trường BĐS của thành phố "rồng" cất cánh.

Triển khai các dự án giao thông động lực

Tiếp đà 2019, hạ tầng giao thông được xác định là một trong những đột phá chiến lược của Quảng Ninh trong năm 2020, với kế hoạch hoàn thiện hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm như: dự án mở rộng đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái…

Những cơ hội “vàng” của bất động sản Hạ Long năm 2020 - Ảnh 1.

Diện tích được mở rộng gấp 5 lần mang đến nhiều cơ hội mới cho Hạ Long

 

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng hứa hẹn tạo thêm những điểm nhấn mới khi tiến hành triển khai nhiều hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các khu vực sau khi Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long.

Sau khi hoàn thiện, các công trình mới này sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm tuyến đường vượt sông Trới, sông Diễn Vọng ngang qua Vịnh Cửa Lục, đồng thời, mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Bắc Hạ Long, đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn. Các dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể trong việc xây dựng thương hiệu điểm đến Hạ Long, Quảng Ninh trong tương lai.

Mục tiêu 15,5 triệu lượt khách

Những năm gần đây, Quảng Ninh vươn lên trở thành địa phương phát triển du lịch thuộc top đầu cả nước khi lượng khách và doanh thu du lịch liên tục lập kỷ lục mới. Năm 2019, du lịch Quảng Ninh đón trên 14 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm, riêng khách quốc tế đạt 5,75 triệu lượt, tăng 10%.

Đây là tiền đề để tỉnh tự tin hoàn thành mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách, với 6,5 triệu khách quốc tế vào năm 2020. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng Hạ Long trở thành điểm du lịch mang đẳng cấp quốc tế, cùng định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ và có sức hấp dẫn.

Những bước tiến không ngừng của hạ tầng cùng tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng chính là "chìa khóa" đưa BĐS Quảng Ninh, với tâm điểm Hạ Long phát triển thăng hoa trong suốt năm 2018 - 2019 và có nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong năm 2020.

Sự đổ bộ của các dự án phức hợp quy mô

Đón đầu quy hoạch và tiềm năng phát triển mới của Hạ Long, ngay từ những tháng cuối năm 2019, các thương hiệu BĐS uy tín hàng đầu tiếp tục đổ về Hạ Long cùng những dự án được đầu tư đồng bộ, hứa hẹn một năm mới với nhiều diễn biến sôi động.

Những cơ hội “vàng” của bất động sản Hạ Long năm 2020 - Ảnh 2.

Dự án FLC Tropical City Ha Long gây nhiều chú ý khi sở hữu vị trí đắc địa gần vịnh Cửa Lục

 

Nếu như Bãi Cháy được xem là tâm điểm của các dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp thì phía bên kia cầu - Hòn Gai cũng đang gây sức hút mạnh mẽ.

Trong đó, giới đầu tư đang dồn chú ý vào các dự án xung quanh vịnh Cửa Lục - khu vực được quy hoạch là trung tâm mới của Hạ Long sau mở rộng khiến giá đất khu vực này gia tăng mạnh kể từ cuối 2019 đến nay, đơn cử như các lô đất có vị trí view vịnh Cửa Lục giá đã tăng gấp 5 lần kể từ khi có thông tin mở rộng địa giới.

Với sự góp mặt của các dự án lớn, cùng với bệ đỡ vĩ mô từ quy hoạch, hạ tầng và du lịch, thị trường địa ốc Hạ Long được dự đoán sẽ trở thành tâm điểm "nóng" trong năm 2020, tiếp tục mang đến những cơ hội "vàng" cho nhà đầu tư.

Theo CafeF

Thị trường bất động sản năm 2020 được các thành viên thị trường kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn khi các điểm nghẽn được khơi thông nhờ hàng loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực.

 Thị trường bất động sản: Nhiều chính sách hỗ trợ

Thị trường bất động sản năm 2020 được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, bền vững hơn.

Thông tư 22 hướng vốn tín dụng vào bất động sản theo chiều sâu

Nhắc tới đầu tiên phải kể đến là Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (triển khai từ tháng 1/2020) xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản.

Mặc dù khiến nhịp đập thị trường có phần chững lại, nhưng không thể phủ nhận sự hiệu quả trong việc kiểm soát thị trường, bởi các cơn nóng sốt bất thường đã giảm đáng kể từ sau khi chính sách kiểm soát tín dụng được ban hành.

Phát biểu hồi đầu năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản năm 2019 đã chậm lại và xu hướng này tiếp tục duy trì trong năm 2020.

Tuy nhiên, việc chậm lại không đồng nghĩa với tín dụng bị ngắt hoàn toàn, mà đi theo chiều sâu và được kiểm soát chặt chẽ hơn theo hướng chỉ những dự án có sự chuẩn bị kỹ càng, những chủ đầu tư thực sự uy tín và người mua có nhu cầu ở thực sự mới được ngân hàng cho vay, từ đó tránh được việc đầu cơ, đẩy giá bất động sản, gây bất ổn thị trường.

Với lộ trình gồm 3 giai đoạn đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn sẽ giảm từ 40% hiện nay xuống 37% vào tháng 10/2020 và 30% vào năm 2022.

Đây cũng là lộ trình đã được điều chỉnh lại, đảm bảo phù hợp hơn với khả năng thích nghi của toàn thành viên thị trường.

Thực tế, trong năm 2018 và 2019, trước “phép thử” siết tín dụng ban đầu, nhiều doanh nghiệp đã cơ cấu lại hoạt động tài chính, đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu.

Nghị định 91, công cụ xử lý vi phạm hành chính về đất đai

Một trong những quy định đáng chú ý khác là Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020.

Theo nhận định của các chuyên gia, Nghị định 91 đã đưa ra điều khoản nghiêm ngặt hơn so với quy định cũ, trong đó quy định cụ thể các mức phạt đối với hầu hết hành vi vi phạm khu vực nông thôn, đô thị và tăng mạnh mức phạt tiền với mọi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận xét, trước kia, sai phạm về sử dụng đất đai chưa có chế tài để xử lý.

Nay Nghị định 91 ra đời, những hành vi sai phạm đã có công cụ, có cơ sở để xử lý. Điều này kỳ vọng sẽ làm giảm các sai phạm trong sử dụng đất đai.

Các chủ đầu tư, chủ sử dụng cũng phải trách nhiệm hơn trong hoạt động sử dụng đất đai.

Các chuyên gia đã chỉ ra 7 thay đổi lớn của Nghị định 91 cần được lưu ý. Trong đó, các chế tài đã chặt chẽ và triệt để hơn trong xử lý việc chuyển đất trồng lúa sang đất ở.

Việc bỏ hoang đất cũng bị phạt tiền và đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý nhất của Nghị định 91.

Thêm một nội dung được dư luận quan tâm là việc mua bán đất không có sổ đỏ sẽ bị phạt nặng. Thậm chí kể cả trong trường hợp có sổ đỏ, nhưng nếu giao dịch mà không sang tên sổ đỏ cũng sẽ bị phạt.

Một điểm mới đáng ghi nhận nữa tại Nghị định 91 là việc bổ sung thêm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Khác với Nghị định 102/2014, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định mới buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nuớc giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất. Với trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi.

Bảng giá đất mới, những điểm cần lưu ý

Cùng với tác động của chính sách xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, việc điều chỉnh bảng giá đất của 63 tỉnh, thành phố giai đoạn 2020-2024 cũng sẽ có những tác động nhất định đến thị trường bất động sản.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố sẽ xây dựng bảng giá đất mới áp dụng trong 5 năm giai đoạn 2020-2024.

Bảng giá đất này được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; tính thuế sử dụng đất…

PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, giá đất là một trong những yếu tố cấu thành nên giá nhà.

Khi giá đất tăng, tất yếu sẽ đẩy giá nhà tăng. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, việc tăng giá nhà sẽ không đánh đồng, mà phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, trong đó các yếu tố như thương hiệu của chủ đầu tư, hạ tầng, kỹ thuật, công trình công ích, quy hoạch, cam kết giá bán, hậu mãi của chủ đầu tư… đóng vai trò quan trọng.

Xét trên yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, khung giá đất mới không được áp dụng tính tiền bồi thường trong các dự án Nhà nước thu hồi.

Cụ thể, khung giá đất và bảng giá đất do Nhà nước ban hành không ảnh hưởng đến việc xác định giá đất cụ thể, nên không gây thất thoát trong tính tiền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, tính giá trị sử dụng đất trong sắp xếp, xử lý tài sản công.

“Về nguyên tắc, khung giá đất và bảng giá đất sẽ không ảnh hưởng tới thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Việc tăng nghĩa vụ tài chính sẽ làm giảm đầu cơ đất đai. Mức tăng 20% áp dụng cho cả chu kỳ 5 năm, chứ không chỉ 1 năm, nên tác động không đáng kể tới thị trường”, ông Thọ nói.

Một chính sách đáng chú ý khác cũng phải nhắc tới khi Bộ Xây dựng cho biết sẽ chính thức ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam cho phép xây dựng căn hộ nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2/căn, mở ra triển vọng giải quyết nhu cầu nhà ở của số đông.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), đây là một trong những chính sách được mong chờ nhất hiện nay.

Nhà diện tích 25 m2 là ý tưởng đã có từ lâu và khá phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển.

Đây là giải pháp cho bài toán di chuyển hàng trăm kilomet từ vùng ngoại ô vào trung tâm thành phố.

Việc di chuyển quá lâu, quá nhiều khiến không ít người mệt mỏi. Vì thế, thay vì sở hữu một căn nhà rộng hàng trăm mét ở xa, ở một căn hộ có diện tích vừa phải ở trung tâm nội đô không phải là giải pháp tồi.

Với cách sắp xếp hợp lý cùng các kỹ thuật thiết kế nội thất tích hợp, căn hộ vẫn đảm bảo các chức năng cho một gia đình.

Tuy rằng vẫn cần lưu ý rằng bước tiếp theo sẽ phải xây dựng quy trình quản lý các chung cư 25 m2 này sao cho phù hợp, song đây cũng là giải pháp tốt bởi phân khúc nhà giá rẻ luôn thu hút một lượng lớn nguồn cầu trên thị trường.

Nhóm khách hàng tiềm năng này là những người có thu nhập thấp, các cặp vợ chồng mới cưới có nhu cầu sống riêng, sinh viên mới ra trường, hoặc người mới đi làm.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Đối tác chiến lược