Tin tức

Ngô Thị Lam Vân

Ngô Thị Lam Vân

Sắp tới TP.HCM sẽ triển khai các dự án giải quyết ùn tắc giao thông quanh khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái...

Kết quả hình ảnh cho kẹt xe tân sơn nhất

Kẹt xe trầm trọng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Sáng 14/2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, năm 2020, Ban sẽ triển khai một số dự án công trình giao thông đưa vào phục vụ người dân nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Cụ thể, các công trình dự án gồm 7 nhóm chính: Nhóm các dự án, công trình góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái. Nhóm các dự án, công trình góp phần khép kín Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3 và các đường cao tốc liên vùng (trước mắt là tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài). Nhóm các dự án, công trình nhằm mở rộng các cửa ngõ TP, các trục giao thông nối kết liên vùng. Nhóm các dự án, công trình nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội thị, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thị. Nhóm các công trình nạo vét luồng đường thủy, kè bờ và nạo vét luồng Soài Rạp. Nhóm các công trình chỉnh trang kênh rạch, thu gom, xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Nhóm các dự án, công trình góp phần phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2020.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban kiến nghị UBND TP sớm triển khai quy trình mới về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm sớm đẩy nhanh công tác bồi thường như đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về bồi thường, di dời hạ tầng kỹ thuật. Tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo nguồn vốn thanh toán cho dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, Ban đề nghị mỗi tháng 1 lần, UBND TP chủ trì cuộc họp giao ban kiểm điểm tiến độ đối với các dự án giao thông trọng điểm để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, chỉ đạo, đôn đốc UBND, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các quận - huyện, các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng.

Theo Báo Giao Thông

Năm 2020 dù thị trường bất động sản có những nguy cơ giảm tốc, nhưng nhìn chung với các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô, cơ bản thị trường này vẫn có sự phát triển ổn định.

Thị trường bất động sản 2020: Vào chiều sâu, ít nguy cơ

Sau một năm “biến động” đến từ sự sụt giảm nhất định về nguồn cung dự án, sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch, bước sang năm 2020, giới chuyên gia nhận định với những tín hiệu tích cực từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam, hành lang pháp lý dần được hoàn thiện... thị trường bất động sản sẽ có nhiều triển vọng.

Do vậy, mỗi doanh nghiệp bất động sản cần chủ động xây dựng chiến lược phù hợp để có thể thích ứng, đi vào chiều sâu, tận dụng cơ hội vượt lên thách thức.

Ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong năm 2019 phát triển tương đối ổn định kể cả về nguồn cung, số lượng giao dịch, giá cả, dư nợ tín dụng và vốn đầu tư nước ngoài. Tổng hợp số liệu nguồn cung cho thấy số dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tại 2 đô thị lớn nhất nước là 105 dự án.

Trong đó, tại thành phố Hà Nội có 58 dự án với 31.184 căn chung cư, tăng 20,1% và 1.963 căn thấp tầng, giảm 49,1% so với năm 2018. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với 23.485 căn chung cư, giảm 14,1% và 1.319 căn thấp tầng, tăng 9,9% so với năm 2018.

Về giá bất động sản, năm 2019 có sự thay đổi tại một số khu vực, đặc biệt là thị trường đất nền tại một số địa phương vùng ven đô thị lớn như thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Giá nhà chung cư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có biến động nhưng không lớn.

Thông tin từ Bộ Xây dựng cũng cho biết theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản quý III/2019 là 486.683 tỷ đồng. Theo đánh giá chung, dư nợ tín dụng bất động sản năm 2019 duy trì ổn định so với năm 2018.

Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực bất động sản hiện nay đứng thứ hai sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường, Bộ Xây dựng cho biết năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản.” Tuy nhiên có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng “sốt nóng” cục bộ tại các dự án nhà ở…

Một điều đáng chú ý nữa là đầu năm 2020 dòng vốn từ các tổ chức tín dụng chảy vào bất động sản bị siết chặt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Lộ trình siết tín dụng bất động sản đã chính thức được chốt lại sau 3 năm khởi động.

Theo đó, kể từ ngày 1/1 đến ngày 30/9, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Với diễn biến trên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nhận định năm 2020 sẽ là một năm nhiều thách thức nhất với thị trường bất động sản, do tín dụng siết chặt, nguồn cung mới khan hiếm, các loại hình bất động sản như condotel bị mất niềm tin đối với nhà đầu tư.

Riêng với thị trường condotel, ông Quốc Anh cho rằng tiềm năng của phân khúc condotel trong năm nay sẽ kém hấp dẫn hơn so với những dòng sản phẩm khác như chung cư, biệt thự, nhà phố và đất nền. Do vậy, năm 2020 sẽ là một giai đoạn đầy khó khăn đối với condotel khi nhà đầu tư đang mất niềm tin vào loại sản phẩm này.

Dù vậy, vị chuyên gia này cũng tin tưởng thị trường bất động sản vẫn có thể duy trì các “điểm sáng” từ các dự báo tích cực về nền kinh tế nói chung.

Tận dụng cơ hội để vượt lên thách thức

Trước thực trạng nêu trên, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hiện đã có hướng dẫn, khung giải pháp để xử lý một số vấn đề của thị trường bất động sản như bong bóng, sốt đất cục bộ, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn điều chỉnh sản phẩm căn hộ du lịch.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đã đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, phân loại đánh giá các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh sai quy định. Cùng với đó, báo cáo hướng khắc phục để gửi Thủ tướng ngay trong quý 1/2020.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định năm 2020 dù thị trường bất động sản có những nguy cơ giảm tốc mà nguyên nhân đến từ các yếu tố nguồn cung, pháp lý và tín dụng nhưng nhìn chung với các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô cộng với nhu cầu về nhà ở cao, cơ bản thị trường bất động sản vẫn có sự phát triển ổn định.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường giai đoạn 3 năm qua khi đã có sự đi lên một cách lành mạnh, chuyên nghiệp và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro hơn so với thị trường bất động sản thời kỳ trước.

Trên cơ sở nhận định đó, ông Nam cho rằng với xu hướng “bền vững hóa” của thị trường bất động sản sẽ tạo ra dự địa tốt cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhà ở bình dân và bất động sản công nghiệp trong trung và dài hạn.

Có chung quan điểm, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng trong năm nay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng nên sẽ điều chỉnh danh mục đầu tư, tác động dòng vốn FDI, thị trường chứng khoán, chuỗi cung ứng, thị trường bất động sản và lao động của Việt Nam.

Đáng chú ý, do dịch chuyển đầu tư, nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng nên nhu cầu bất động sản nhà ở (chủ yếu phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang; nhà ở công nhân - thu nhập thấp) sẽ tăng. Nhu cầu bất động sản mặt bằng bán lẻ và văn phòng cũng sẽ tăng nhẹ.

Theo ông Lực, để biến thách thức thành cơ hội từ chiến tranh thương mại, ít nhất 4 việc các doanh nghiệp bất động sản nên làm là tích cực, chủ động theo dõi, phân tích và dự báo; đánh giá, dự báo tác động đối với khách hàng và đối tác; không tiếp tay gian lận thương mại, đội lốt đầu tư; chủ động tăng khả năng thích ứng, chống chịu rủi ro, cú sốc từ bên ngoài…

“Năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn còn đà tăng trưởng tốt nhưng cũng sẽ gặp nhiều rủi ro, bất định; thị trường bất động sản tiếp tục sàng lọc, điều chỉnh. Do vậy, khả năng ‘thích ứng’ là rất quan trọng. Mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng/điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp để có thể thích ứng, tận dụng được cơ hội và vượt lên thách thức,” ông Lực nhấn mạnh.

Theo Tạp chí tài chính 

 

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đặt ra trong chương trình công tác năm 2020. 
  /// Đồ họa: Hồng Sơn - Ảnh: Ngọc Dương
Đồ họa: Hồng Sơn - Ảnh: Ngọc Dương
Tại buổi họp phê duyệt kế hoạch nhiệm vụ 2020 của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban QLDA) sáng nay (13.2), ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban QLDA cho biết đơn vị này xác định năm 2020 sẽ là một năm đột phá, có nhiều thay đổi về bộ mặt đô thị, hạ tầng giao thông của TP. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là triển khai thành công, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đưa vào phục vụ người dân thành phố.
Trong đó, các công trình trọng điểm được chia thành 7 nhóm chính gồm: Nhóm các dự án, công trình giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái; Nhóm các dự án, công trình góp phần khép kín đường Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3 và các đường cao tốc liên vùng (trước mắt là tuyền cao tốc TP.HCM - Mộc Bài); Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án, công trình nhằm mở rộng các cửa ngõ thành phố, các trục giao thông kết nối liên vùng và thực hiện nhóm các dự án phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, các công trình hoàn thiện mạng lưới giao thông nội thị...
Đặc biệt, ông Lương Minh Phúc kiến nghị UBND TP cho phép lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án đường Vành đai 2 nhằm kịp thời, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn của dự án trong việc rà soát, điều chỉnh ranh dự án, và công tác đền bù giải phóng mặt bằng. "Đường vành đai 2 là dự án hết sức quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại TP.HCM, góp phần giảm ùn tắc, phát triển kinh tế của thành phố nhưng đã chậm trễ nhiều năm chưa hoàn thành. Ban QLDA mong có những chỉ đạo chặt chẽ từ phía UBND xuống các quận, huyện, các Sở, Ban ngành liên quan để cùng nhau phối hợp, quyết tâm khép kín đường Vành đai 2 trong 5 năm tới, giai đoạn 2020 - 2025" - ông Phúc nhấn mạnh.
Dự án đường Vành đai 2 TP.HCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64km. Hiện đường vành đai 2 vẫn còn 14 km chưa được khép kín, được chia thành 3 đoạn tương ứng với 3 dự án, gồm: đoạn từ ngã ba An Lạc (Q.Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Nhà Bè) dài khoảng 5,3 km, đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức). Với 3 dự án này, BND TP HCM đã có chủ trương đầu tư công dự án, hồ sơ dự án đã được các sở, ngành, đơn vị góp ý (lần 2). Hiện, Ban QLDA đang bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công dự án trong quý I.2020. Việc thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống đường vành đai được đánh giá là 1 trong những nguyên nhân chính khiến TP.HCM ùn trong tắc ngoài, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. 
Cũng theo Ban QLDA, trong năm 2020 có tổng cộng 31 dự án dự kiến khởi công, 54 dự án triển khai thi công tiếp, dự kiến hoàn thành 32 dự án, gói thầu.
Theo Thanh Niên 

Theo nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản cố đô. Việc xây dựng đề án này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, nâng cao bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị, đưa Thừa Thiên Huế về với vị thế vốn có của tỉnh.

Diện mạo BĐS Thừa Thiên Huế sau chủ trương tiến lên thành phố trực thuộc Trung ương

Thừa Thiên Huế - Thành phố của di sản

Thừa Thiên Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai Nghị quyết 54. Cụ thể, theo nghị quyết số 54-NQ/TW (NQ 54) về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế (TTH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế được định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 và phát triển trên nền tảng là một cố đô di sản.

Dựa trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và chủ trương của tỉnh, kiến trúc đô thị tại Thừa Thiên Huế sẽ thay đổi diện mạo theo hướng mang đậm dấu ấn địa phương.

Đồng thời, trên tinh thần của nghị quyết, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu. Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival; trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch, y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Để làm được điều đó, đòi hỏi lãnh đạo tỉnh, người dân địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn cần có sự tập trung cao độ, phát triển đúng định hướng và đúng lộ trình. Như chia sẻ của ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển theo chủ đề “Phát huy giá trị di sản trên nền tảng văn hóa, xanh và thông minh”, tiếp tục đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù địa phương, ưu tiên phát triển các ngành du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững”.

Nhìn từ thực tiễn, nghị quyết sẽ tác động ít nhiều đến quá trình phát triển kinh tế xã hội tại Thừa Thiên Huế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong thời gian tới. Việc đưa ra các chính sách cởi mở, đồng hành gỡ rối cùng doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh sẽ là điều kiện thúc đẩy nguồn vốn đầu tư. Góp phần dựng xây các công trình tương lai, tạo nên một diện mạo mới cho Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, mọi đổi mới đều phải tập trung phát triển trên tinh thần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản cố đô.

 Bất động sản Thừa Thiên Huế - Hài hòa giữa lòng di sản

Giá trị khác biệt của BĐS Thừa Thiên Huế so với các tỉnh lân cận

Dựa theo định hướng chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại Thừa Thiên Huế luôn đặt mục tiêu phát triển trên tinh thần kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa vốn có.  Bên cạnh đó, những công trình được xây dựng ‘cần’ mang đậm màu sắc và văn hóa con người xứ Huế.

Mặc dù, tiềm năng được nhận định không kém Đà Nẵng - Quảng Nam bởi những ưu đãi về tự nhiên, giao thông vận tải, du lịch... nhưng lĩnh vực bất động sản tại Thừa Thiên Huế lại không phát triển ồ ạt như các tỉnh thành lân cận. Thị trường ở đây vẫn phát triển ổn định, bền vững và an toàn hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế sẽ không phát triển với những đô thị lớn, những khu công nghiệp lớn mà phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại. Thừa Thiên Huế sẽ hướng tới một đô thị sinh thái, di sản, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.

Các doanh nghiệp bất động sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế luôn dựa trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng. Nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người xứ Huế.

Mỗi một dự án bất động sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế luôn phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển di sản và phát triển đô thị, trong đó phát triển đô thị phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển di sản; giữa hỗ trợ của BLĐ tỉnh và nỗ lực của doanh nghiệp.

Đây được xem là yếu tố tiên quyết giúp lĩnh vực bất động sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển ổn định, không có hiện tượng “bong bóng bất động sản”. Đồng thời, trở thành tâm điểm thu hút đầu tư của các ‘ông lớn’ trong lĩnh vực này.

Trong năm 2020, Thừa Thiên Huế hứa hẹn sẽ là thị trường đầy tiềm năng, tạo “cú hích” cho bất động sản khu vực miền Trung.

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam 

.

 

Tỉnh triển khai dự án nâng cấp sân bay quốc tế Phù Cát, quốc lộ 19B, cầu vượt biển... nhằm hoàn thiện hạ tầng, đón nguồn vốn đầu tư vào du lịch và bất động sản.

 

Hàng loạt dự án hạ tầng được đầu tư

Theo ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2020 là thời gian nước rút thi công với dự án đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài, đường Vành đai 2, cầu Nhơn Hội nối với khu du lịch Hải Giang và tuyến cáp treo dài gần 3km nối Quy Nhơn với khu Hải Giang. Tỉnh Bình Định cũng gấp rút thi công hoàn thành tuyến đường nối từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội, rút ngắn khoảng cách di chuyển. 

Biển Nhơn Lý - Quy Nhơn.

Biển Nhơn Lý - Quy Nhơn.

Trong năm 2019, Bình Định triển khai hàng loạt các dự án như: đường phía Tây tỉnh (từ Canh Vinh đến Quy Nhơn); đường ven biển (từ Cát Tiến đến Đề Gi); trung tâm hội nghị của tỉnh; đập ngăn mặn sông Lại Giang; đài quan sát thiên văn phổ thông; khu lấn biển Mũi Tấn; chỉnh trang đô thị thành phố Quy Nhơn. Toàn bộ các khu khách sạn dọc bờ biển Quy Nhơn cũng được Bình Định đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để trả lại bờ biển sạch, từng bước hình thành một thành phố du lịch biển hiện đại, thân thiện. 

Hiện UBND thành phố Quy Nhơn đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị trên tuyến đường Xuân Diệu (từ Quảng trường đến Mũi Tấn), đồng thời di dời cụm tượng đài Chiến Thắng ở khu vực này. Tuyến đường Xuân Diệu được mở về hướng Tây rộng lên 4 làn xe; tuyến đường cũ được quy hoạch trở thành phố đi bộ kết hợp xây dựng công viên biển phục vụ người dân và du khách. 

Sắp tới, để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng, thuận lợi các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tại mảnh đất giàu tiềm năng này.

Hạ tầng đồng bộ là cơ sở giúp Bình Định hút nhiều dự án bất động sản.

Hạ tầng đồng bộ là cơ sở giúp Bình Định hút nhiều dự án bất động sản.

Động lực Khu kinh tế Nhơn Hội

Theo định hướng phát triển chung của tỉnh Bình Định, khu kinh tế Nhơn Hội sẽ trở thành động lực phát triển của Quy Nhơn, Bình Định, là đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về phía Nam. Nhơn Hội được điều chỉnh quy hoạch tổng thể từ 12.000ha lên thành 14.308ha, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối tới trung tâm thành phố Quy Nhơn. 

Những tuyến giao thông trọng điểm nâng cao năng lực kết nối của khu kinh tế Nhơn Hội có thể kể đến như cây cầu Thị Nại - một trong những cây cầu vượt biển dài nhất khu vực. Tuyến quốc lộ 19B kết nối khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát đang được gấp rút hoàn thiện, thu hút các nhà đầu tư. 

Tuyến quốc lộ 19B có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi kết nối trực tiếp từ trung tâm thành phố Quy Nhơn – khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát. Nền đường rộng từ 30-42 m với từ 4-6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc 80km một giờ.

Tuyến cao tốc 19B nâng cao năng lực kết nối của khu kinh tế Nhơn Hội tới trung tâm thành phố Quy Nhơn và sân bay Phù Cát.

Tuyến cao tốc 19B nâng cao năng lực kết nối của khu kinh tế Nhơn Hội tới trung tâm thành phố Quy Nhơn và sân bay Phù Cát.

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Giao thông Vận tải lập dự án đầu tư cầu Thị Nại thứ 2, song song với cầu Thị Nại 1, trên cơ sở đó thu hút đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch, công nghiệp, đô thị, tạo động lực cho phát triển cho toàn vùng.

Với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, khu kinh tế Nhơn Hội dần đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội Bình Định. Khu kinh tế Nhơn Hội có 84 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 73.201 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Nhơn Hội đã cấp mới 10 dự án, với vốn đăng ký 30.142 tỷ đồng.

Trong tương lai, Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ là nơi tập trung đông đảo của đội ngũ chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao, mở ra cơ hội phát triển cho các ngành du lịch, dịch vụ. 

Theo VnExpress

Có đến gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu vào EU sau khi EVFTA có hiệu lực

Sản phẩm dệt may xuất khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế quan sau 7 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/2 đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa châu Âu (EU) với Việt Nam. Hiệp định sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.  

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Đối với các nhóm hàng quan trọng như dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ  “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam.

Để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA, hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà cả ta và EU có FTA (như Nhật Bản và một số nước ASEAN).

Đối với mặt hàng giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.  

Mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) sẽ được EU xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn. 

EU cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) nhưg sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm giúp Việt Nam có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn tấm vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.

EU còn dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%. Các sản phẩm khác như củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, mật ong, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Đối với các sản phẩm thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 25.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn); 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm); 400 tấn tỏi và 350 tấn nấm. Thuế suất trong hạn ngạch của tất cả các mặt hàng thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan của EU là 0%.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, các nhà xuất khẩu phải bảo đảm hàng hóa phải đáp ứng đủ và đúng yêu cầu của Hiệp định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa.

Theo quy định, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai, sau ngày các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực. Đối với Việt Nam, Hiệp định sẽ cần Quốc hội Việt Nam thông qua (dự kiến vào kỳ họp tháng 5/2020) để chính thức có hiệu lực. Chính vì thế, các Bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để Hiệp định có hiệu lực.

 Theo Tạp chí tài chính

 

Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Phú Yên được định hướng trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia và khu vực.

Hãng hàng không rộng sải bay nâng tầm du lịch Phú Yên đầu năm 2020

Thắng cảnh Ghềnh Đá Đĩa tại Phú Yên

“Công chúa” chờ được đánh thức

Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ sẽ là vùng du lịch trọng điểm với đặc trưng về du lịch biển, đảo gắn với không gian văn hóa và sinh thái. Trong đó, tỉnh Phú Yên sẽ là cửa ngõ mới cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, định hướng trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia và khu vực.

Trong tương quan chung của khu vực, Phú Yên được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Trong đó, “xứ hoa vàng trên cỏ xanh” nổi bật với bờ biển dài gần 200km, núi biển liền kề tạo nên nhiều đầm, vịnh, ghềnh mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ rất kỳ thú; có các nguồn nước khoáng nóng, sở hữu hơn 20 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia như Vịnh Vũng Rô, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan…

Nhận xét về tiềm năng du lịch Phú Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh này đẹp hoang sơ như một nàng công chúa đang ngủ say, chờ hoàng tử đến đánh thức!”.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, kết thúc năm 2019, ngành du lịch Phú Yên đón trên 1,8 triệu lượt khách, trong đó gần 50 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 12,5% so với năm 2018.

Đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, những năm gần đây, tỉnh Phú Yên bắt đầu đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch. Được biết, Tỉnh đã và đang triển khai xúc tiến du lịch với sự hỗ trợ của hãng hàng không, các nhà đầu tư..., đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở lưu trú; phát huy sản phẩm địa phương để thu hút du khách. 

Không những vậy, hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải tại tỉnh Phú Yên đang được đầu tư, phát triển hơn nữa, từng bước đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Với nhận thức Cảng hàng không Tuy Hòa là công cụ kết nối vùng miền hiệu quả, trong thời gian vừa qua, Phú Yên đang đẩy mạnh hoạt động nâng cấp Cảng, tiếp tục đầu tư hệ thống trang thiết bị đảm bảo an toàn bay. Được biết, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã và đang đề nghị Bộ GTVT sớm chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga Cảng hàng không Tuy Hòa.

Bamboo Airways đã triển khai đường bay kết nối Phú Yên với Hà Nội từ ngày 17/1/2020 

Cảng hàng không Tuy Hòa có vị trí thuận lợi, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 5 km. Cảng đã được đầu tư xây dựng khu vực hàng không dân dụng vào cuối năm 2013. Nhà ga hành khách được xây dựng theo tiêu chuẩn mức C - phân mức tiêu chuẩn phục vụ hành khách của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA). Công suất đón trả khách 550.000 khách/năm.

Triển khai mở mới đường bay

Ngoài ủng hộ kế hoạch nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa, để đạt được mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Phú Yên đã chủ động phối hợp với các hãng hàng không, đẩy mạnh triển khai mở các đường bay mới, trong đó mới nhất là sự góp mặt của Hãng hàng không Bamboo Airways. Bamboo Airways đã triển khai đường bay kết nối Phú Yên với Hà Nội từ ngày 17/1/2020. 

Việc mở tuyến bay do Bamboo Airways thực hiện tạo thêm điều kiện để người dân trong tỉnh và khu vực có cơ hội tiếp cận với loại hình dịch vụ bay định hướng 5 sao. Từ đó, Hãng kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Canh Tý 2020, đóng góp vào công cuộc khai thác tối đa tiềm năng du lịch Phú Yên đẩy gia tăng liên kết vùng.

 

 Theo Báo Pháp Luật

 

UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiến nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho phép thành phố nghiên cứu lập, phê duyệt quy hoạch ở nhiều quận, huyện.

Ảnh: vietnambiz.vn

Mới đây, UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiến nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố nghiên cứu lập và phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 trên địa bàn huyện Cần Giờ; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp mới (380ha) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; Quy hoạch khu đất 384,2ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và Quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố (các quận 2, 9, Thủ Đức) song song với quá trình nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố.

Theo UBND TP.HCM, công tác quy hoạch đô thị là nhiệm vụ quan trọng, nhằm định hướng phát triển đô thị, giúp tạo diện mạo mới cho thành phố, tạo ra giá trị về tài nguyên đất đai để thu hút đầu tư, quy hoạch phải có tính khả thi để triển khai thực hiện ngay. Do đó, UBND thành phố yêu cầu các sở-ngành rà soát các nội dung liên quan để cung cấp thông tin, đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc về định hướng quy hoạch đô thị có liên quan đến ngành trước ngày 30/5/2020.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần hướng dẫn UBND quận, huyện, Ban Quản lý các khu chức năng đô thị triển khai rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch không khả thi.

Theo Nhịp cầu đầu tư

Vào chiều ngày 12/02, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Sau khi EVFTA được thông qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

“Thủ tướng đặt ra mục tiêu 300 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra này”, Bộ trưởng cho biết.

Thêm vào đó, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

EVFTA có gì?

EVFTA sẽ loại bỏ 99% dòng thuế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU, như hàng may mặc, hải sản, nông sản hoặc sản phẩm gỗ. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tăng trưởng 20% trong vòng 2 năm tới.

Trước đó, theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (EVIPA) được dự báo sẽ thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 4,6% và kim ngạch xuất khẩu tới EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ở chiều ngược lại, Ủy ban châu Âu (EC) ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tới Việt Nam tăng thêm 29% vào năm 2035.

Bên cạnh đó, EVFTA cũng có những cam kết sâu rộng về dịch vụ, thu mua của Chính phủ, lao động và sở hữu trí tuệ.

Theo Nhịp cầu đầu tư

 

Đối tác chiến lược