Tin tức

Ngô Thị Lam Vân

Ngô Thị Lam Vân

 Theo đại diện Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), cơ sở vật chất của Việt Nam mang đẳng cấp thế giới và tương đương tất cả các quốc gia khác mà ITU từng tổ chức sự kiện Triển lãm Viễn thông Thế giới

Mới đây đã diễn ra buổi làm việc giữa Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT) và đại diện phụ trách về vấn đề an ninh của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Buổi làm việc là một phần trong các sự kiện chuẩn bị cho Hội nghị và Triển lãm Thế giới Số 2020 (ITU Digital World 2020) mà Việt Nam là nước chủ nhà.

Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT) cho biết, để được chọn làm nước chủ nhà của ITU Digital World 2020, Việt Nam đã phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện của Liên minh Viễn thông Quốc tế.

Việt Nam sẵn sàng tổ chức Triển lãm Thế giới số 2020

Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT) chia sẻ về Hội nghị & Triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020). Ảnh: Trọng Đạt

Theo đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, việc tổ chức ITU Digital World là cơ hội để đưa hàng trăm, hàng ngàn cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam đến một môi trường thuận lợi, nơi có thể cập nhật những thông tin về các xu hướng phát triển công nghệ mới. 

Đây cũng là nơi mà các cơ quan chuyên môn có thể cập nhật về vấn đề chính sách quản lý trong lĩnh vực viễn thông, CNTT. Với hàng nghìn đại biểu quốc tế tới Việt Nam, điều này cũng sẽ mang tới nguồn lợi rất lớn về kinh tế. 

Chia sẻ về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam, đại diện ITU - ông Drew Donovan cho biết: “Chúng tôi đã có chuyến thăm khảo sát tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Địa điểm này có cơ sở vật chất mang đẳng cấp thế giới và tương đương tại tất cả các quốc gia khác mà ITU từng tổ chức sự kiện trong vòng 6, 7 năm trở lại đây”.

Việt Nam sẵn sàng tổ chức Triển lãm Thế giới số 2020

Đại diện ITU chia sẻ về công tác chuẩn bị tổ chức ITU Digital World 2020 của nước chủ nhà Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Thời gian, địa điểm tổ chức sự kiện đã được ấn định vào ngày 6-9/9/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Website của Hội nghị và Triển lãm Thế giới Số 2020 cũng đã được cho ra mắt. 

Theo ông Drew Donovan, Liên minh Viễn thông Quốc tế đã gửi thư mời và lời giới thiệu chương trình tới tất cả các quốc gia thành viên (hơn 190 quốc gia) và các diễn giả tham dự sự kiện. ITU cũng đã xây dựng kế hoạch marketing toàn cầu cho sự kiện này. 

“Thỏa thuận ký kết hợp tác giữa ITU và quốc gia chủ nhà Việt Nam đã được soạn thảo và đang được rà soát lại trước khi đưa ra văn bản cuối cùng để hai bên có thể ký kết”, ông Drew Donovan nói. 

Theo ông Triệu Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT), một trong những công việc trọng tâm mà phía Việt Nam dành nhiều ưu tiên là  thúc đẩy sự kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác. 

Việt Nam sẵn sàng tổ chức Triển lãm Thế giới số 2020

Ông Triệu Minh Long - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT). Ảnh: Trọng Đạt

Ông Long cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó để có thể tham gia một sự kiện tầm cỡ như ITU Digital World. Nguyên nhân là do những khó khăn về điều kiện ăn ở, chi phí đi lại cũng như chi phí đăng ký tham dự chương trình. Do vậy, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có điều kiện thuận lợi để trực tiếp tham gia chương trình. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ thiết kế chương trình dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực ICT. Bộ TT&TT dự kiến sẽ mời hàng nghìn các doanh nghiệp ICT của Việt Nam tới chia sẻ thông tin, quảng bá sản phẩm và kết nối thông qua các ứng dụng, website của sự kiện. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong lĩnh vực ICT. 

Theo Vietnamnet

Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam

Nhập khẩu những tháng cuối năm tăng nhưng dự báo cả năm vẫn xuất siêu.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là tăng trưởng 7-8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD), giày dép các loại (16,49 tỷ USD).

Nhiều điểm nhấn đáng chú ý

Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

“Tất cả các nhóm thị trường mà ta có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy ta đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết”- ông Hải nhấn mạnh. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 7,6%; Hàn Quốc tăng 10,1%; ASEAN tăng 2,5%; Nga tăng 9,1%; New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu Việt Nam tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Đơn cử, xuất khẩu sang Canada 11 tháng đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%.

Một điểm nhấn nữa là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,43% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,9% của năm 2018 và 81% của năm 2017.

Các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch khá cao như máy vi tính tăng 19,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,2%; giày dép tăng 12,5%; kim loại thường khác tăng 11,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 9,8%.

Kết quả này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Đã xuất siêu hơn 9,1 tỷ USD

Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 232,308 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, các mặt hàng cần nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất, chiếm tới 87,96% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 7,16% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 11 thâm hụt 100 triệu USD và trong tháng 12/2019 nhiều khả năng sẽ tiếp tục nghiêng về nhập siêu khi các doanh nghiệp sẽ nhập lượng lớn hàng hóa sản xuất và tiêu dùng nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, Samsung sẽ tăng cường nhập khẩu các linh kiện điện tử nhằm phục vụ cho đợt ra mắt sản phẩm mới vào quý 1/2020.

Tuy nhiên, với việc cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng 2019 duy trì thặng dự lên tới 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2018 xuất siêu 7,58 tỷ USD), “dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam” - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra dự báo. Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại được đánh giá đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

 Theo Tạp Chí Tài Chính 

Hai dự án này dự kiến sẽ được triển khai vào cuối tháng 2.
Cảnh kẹt xe ở tuyến đường khu vực cảng Cát Lái là nỗi ám ảnh với nhiều tài xế /// Ảnh: Độc Lập
Cảnh kẹt xe ở tuyến đường khu vực cảng Cát Lái là nỗi ám ảnh với nhiều tài xế
Ảnh: Độc Lập
 
Chiều (20.2), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết cuối tháng 2, đơn vị này sẽ khởi động dự án xây cầu Mỹ Thủy 3 và mở rộng đường Đồng Văn Cống (quận 2) nhằm giảm kẹt xe khu vực cảng Cát Lái.
 
Cầu Mỹ Thủy 3 trên đường Đồng Văn Cống theo thiết kế dài 124 m, rộng 6 làn xe. Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 có tổng bề rộng 60 m cho 10 làn xe ô tô và 2 làn xe máy lưu thông, thay vì mỗi cầu chỉ cho 2 làn xe ô tô và 1 làn xe máy di chuyển như hiện nay. Công trình có vốn đầu tư hoan 1.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
 
Cùng với đó, đường Đồng Văn Cống, đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) dài 2,8 km. sẽ được mở rộng mặt đường thêm 7 m, tăng thêm 2 làn xe lưu thông. Khi hoàn thành đường Đồng Văn Cống sẽ cho 10 làn xe ô tô và 2 làn xe máy lưu thông. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 9 tháng thi công.
Đây là 2 công trình trọng điểm được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giúp xóa giảm "điểm đen" kẹt xe và tai nạn giao thông khu vực Cát Lái.
Ngoài ra, theo kế hoạch của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, ngay trong quý 1.2020, loạt dự án nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường như đường Trần Văn Giàu, tỉnh lộ 8, xây dựng cầu Tạm An Phú Đông... cũng sẽ được dự kiến khởi công.
Theo Thanh Niên 
 
 

Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ chuyển dịch như thế nào, doanh nghiệp cần làm gì để hái “trái ngọt”?

Hàng hóa Việt Nam không còn phải phụ thuộc một thị trường

Hàng hóa Việt Nam không còn phải phụ thuộc một thị trường.

“Lối thoát” cho nông sản Việt

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. EVFTA là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, 85% dòng thuế của Việt Nam giảm xuống còn 0% ngay sau khi có hiệu lực và 7 năm sau tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 99%. EVFTA là cơ hội lớn cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng...

“Trong bối cảnh việc tiếp cận thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do các diễn biến phức tạp của Covid-19, EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với trên 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, giảm thiểu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU và mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức bởi EU là thị trường “khó tính nhất thế giới”. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản đánh bắt bất hợp pháp hay không dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép).

Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, các hiệp hội và doanh nghiệp của ta phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do EVFTA đem lại. Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh chất lượng ngành nông nghiệp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của châu Âu.

Sân chơi lớn cho dệt may

Theo Công ty Chứng khoán SSI, EVFTA dự kiến sẽ mở rộng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, thị trường lớn thứ hai đối với các sản phẩm của Việt Nam. Trong năm 2019, EU nhập khẩu 4,4 tỷ USD giá trị xuất khẩu dệt may từ Việt Nam, tăng 2,2% so với năm ngoái. Hàng may mặc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ Việt Nam.

Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế. Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP.

Điều đó có nghĩa là trong 2 năm đầu tiên triển khai EVFTA, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi vì mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9% như hiện nay. Cụ thể, hầu hết các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ thấy thuế xuất khẩu được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0% trong 3 - 7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Những sản phẩm sẽ được giảm thuế ngay lập tức là những sản phẩm không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.

Theo quy tắc xuất xứ trong EVFTA (ROO), các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Có một số điểm linh hoạt như hàng may mặc được sản xuất tại Việt Nam từ các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc mà EU có FTA cũng sẽ đủ điều kiện để được miễn thuế.

Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, có giá thấp hơn nhiều so với vải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.

Cũng theo SSI, trên thực tế, không có nhiều công ty trong nước có khả năng hưởng lợi đầy đủ từ EVFTA do quy định ROO. Trong số các công ty sợi niêm yết trong nước, hiện tại không có công ty nào có thị phần xuất khẩu sang EU. Trong ngắn hạn, ngành dệt may tiếp tục thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do Covid-19 bùng phát.

Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã gia tăng thời gian đóng cửa kể từ Tết Nguyên đán, khiến việc sản xuất vải bị trì hoãn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang Việt Nam. Do đó, khiến nhiều đơn hàng mà các công ty Việt Nam phải giao cho khách hàng bị chậm trễ, điều này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hầu hết các công ty may mặc.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, cơ hội lớn mở ra, nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Về lý thuyết, ở những lĩnh vực nào có đối đầu trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp EU thì cạnh tranh trong EVFTA sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như: logistics, chăn nuôi…

Mặc dù vậy, ngay cả với những ngành này, chúng ta cũng không phải quá lo lắng, bởi các cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA là có chừng mực, với lộ trình đủ dài, vừa với sức vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. Thực tiễn của những ngành, lĩnh vực có sức cạnh tranh cao của chúng ta hiện nay đều là những ngành, lĩnh vực đã nói không với bảo hộ, cam kết với cạnh tranh, dũng cảm mở cửa và hội nhập.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, việc hiện thực hóa cơ hội từ các FTA vốn luôn là bài toán khó với Việt Nam. Với doanh nghiệp, có 2 việc quan trọng. Đó là doanh nghiệp phải hiểu cặn kẽ các cam kết, từ đó hành động thích hợp tận dụng cơ hội; nâng cao năng lực nền của doanh nghiệp để có đủ lực cạnh tranh. Với cả hai việc này, sự chủ động của doanh nghiệp là tiên quyết.

Theo Tạp Chí Tài Chính

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Kỳ vọng vào Top 10 thế giới công nghiệp chế biến nông sản

Vào ngày 21/2 tới, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. 

Tốc độ tăng trưởng 5-7%/năm

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia. 

Hội nghị sẽ có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đại diện một số viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, HTX tiêu biểu trong lĩnh vực tổ chức sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.   

Trong đó, đối với ngành hàng lúa gạo, hiện cả nước có khoảng 580 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp, với công suất trên 10.000 tấn thóc/năm chiếm khoảng 61,5%. 

Ngành rau quả hiện có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm tập trung ở 28 tỉnh/thành phố; sản lượng sản xuất thực tế đạt trên 600.000 tấn sản phẩm. 

Với ngành cà phê, có 239 doanh nghiệp chế biến quy mô công nghiệp, tập trung ở Tây Nguyên (chiếm 36,4%) và Đông Nam Bộ (43,1%). 

Cả nước hiện có 161 doanh nghiệp sơ chế mủ cao su với tổng công suất thiết kế 1,22 triệu tấn mủ khô/năm, trong đó sản phẩm cao su khối tiêu chuẩn Việt Nam chiếm khoảng 70% tổng sản lượng. 

Hiện tại, Việt Nam có hơn 465 doanh nghiệp chế biến điều với tổng công suất thiết kế trên 1,5 triệu tấn hạt/năm nằm trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố. Đối với ngành gỗ, cả nước đang có khoảng 4.500 cơ sở chế biến gỗ, tập trung 80% ở các tỉnh miền Nam, mỗi năm tiêu thụ và sử dụng trên 40 triệu m3 gỗ nguyên liệu. 

Ở lĩnh vực thủy sản, cả nước có 636 cơ sở chế biến công nghiệp gắn với xuất khẩu và trên 3.000 cơ sở chế biến nhỏ với sản lượng chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm.  

Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến

Trong sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa ngày càng được áp dụng rộng rãi cả trong trồng trọt và chăn nuôi. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí (trong đó, 95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng) và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. 

Đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. 

Trồng lúa đã đạt tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%. 

Nhờ vậy đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; trong đó, nổi bật là hệ thống trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2019 so với năm 2011, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. 

Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. 

Qua đó sẽ đưa tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Đồng thời, xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao. 

“Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp” được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. 

Trong kế hoạch đề ra cho 10 năm tới có nhiệm vụ chú trọng tập trung phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Một là, cụm liên kết vùng trồng lúa gắn với cơ sở xay xát, bảo quản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Hai là, cụm liên kết vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ba là, cụm liên kết vùng trồng rau và cây ăn quả gắn với cơ sở bảo quản, chế biến rau quả xuất khẩu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Bốn là, cụm liên kết vùng trồng cây công nghiệp (cà phê, cao su, mía đường, chè…) gắn với cơ sở chế biến tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc.

Năm là, cụm liên kết chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu rừng trồng tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.

Sáu là, các cụm liên kết vùng sản xuất - chế biến và tiêu thụ trong nội bộ của các tỉnh có các mặt hàng nông sản chủ lực và đặc sản của địa phương. Cùng với đó là đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu. 

Theo Tạp Chí Tài Chính

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, EVFTA là cơ hội để đẩy mạnh thương mại đặc biệt là xuất khẩu đặc biệt là việc thu hút đầu tư nhất là thu hút đầu tư có chất lượng.

Chuyen gia: EVFTA la ''don bay'' thu hut nguon dau tu co chat luong hinh anh 1

Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có cả CPTPP và EVFTA. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 13/2, Nghị viện châu Âu đã thông qua hai hiệp định ký kết với Việt Nam, là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

Theo dự kiến, nếu được Quốc hội Việt Nam thông qua tại Kỳ họp sắp tới diễn ra vào tháng 5/2020 thì các hiệp định trên sẽ chính thức có hiệu lực (sau khi hoàn tất các thủ tục cuối cùng).

Trong rất nhiều lợi ích có được từ các cam kết của hai bên thông qua Hiệp định này phải kể đến lợi ích kinh tế-thương mại và xuất nhập khẩu là rất lớn. Bởi, Liên minh châu Âu (EU) với 27 quốc gia thành viên là một thị trường vô cùng lớn với quy mô lên tới 18.000 tỷ USD, nhưng thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU mới chỉ đạt khoảng 41,5 tỷ USD trong năm 2019.

Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, việc cắt giảm gần như 100% dòng thuế về 0% (theo lộ trình) sẽ tạo ra cơ hội xuất khẩu mạnh hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, cũng như là điều kiện để hàng hóa Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh về mặt giá cả so với các mặt hàng cùng loại mà EU nhập khẩu từ các quốc gia khác - đang có ưu đãi thuế nhiều hơn chúng ta.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị trước khi EVFTA có hiệu lực.

- Hiệp định EVFTA vừa chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua, vậy theo ông hiệp định sẽ đem lại những cơ hội và thách thức nào?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Đây là một hiệp định hai bên cùng được, cùng thắng, song từ phía Việt Nam chúng ta cũng kỳ vọng hiệp định sẽ mở ra rất nhiều cơ hội.

Rõ rệt nhất có thể thấy chính là cơ hội để đẩy mạnh thương mại đặc biệt là xuất khẩu cùng với rất nhiều hoạt động kinh doanh khác của nền kinh tế, tiếp đến là thu hút đầu tư nhất là thu hút đầu tư có chất lượng khi Việt Nam chuyển đổi thu hút đầu tư chiến lược trong việc thu hút nguồn vốn FDI, từ số lượng sang chất lượng.

Một cơ hội nữa đó là EVFTA cùng hiệp định CPTPP và các FTA khác là chất xúc tác để Việt Nam cải cách, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nói rộng hơn là cải cách thể chế.

Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới rất bất định và rất nhiều cú sốc từ bên ngoài như hiện nay, thì EVFTA là một hiệp định giúp Việt Nam đa dạng hóa các đối tác và thị trường.

Chuyen gia: EVFTA la ''don bay'' thu hut nguon dau tu co chat luong hinh anh 2

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Để đạt được các lợi thế như vậy sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt hiệp định sẽ chờ để phía Quốc hội Việt Nam thông qua và dự kiến hiệp định sẽ sớm được thực thi, vậy theo ông các công việc sắp tới sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Ngay từ khi đàm phán kết thúc vào khoảng đầu năm 2016, Việt Nam đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, cùng với tiến trình tiếp tục đàm phán đi đến việc ký kết, phê chuẩn như thời gian gần đây chúng ta chứng kiến.

Công tác chuẩn bị này có nhiều cấp độ, từ Chính phủ, các bộ ngành và báo cáo Quốc hội để phê chuẩn, thông qua để thực thi… nghĩa là cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với đó là việc sửa đổi các văn bản pháp lý cho phù hợp với hiệp định.

Đơn cử như thay đổi luật lao động mới đây nhằm đáp ứng các điểm quan trọng trong công ước về lao động của tổ chức ILO, hay việc thông tin, tuyên truyền về hiệp định để mọi đối tượng có thể cập nhật và nắm bắt.

Mặc dù công đoạn chuẩn bị đã tốt, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều công việc và phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp…, song từ nay đến lúc báo cáo với Quốc hội thì quá trình vẫn phải tiếp tục và việc giải trình trước Quốc hội đòi hỏi phải sát với những yêu cầu thực tiễn đưa ra.

- Vậy theo ông từ phía các cơ quan chức năng sẽ cần chuẩn bị những thủ tục gì để Quốc hội thông qua thời gian tới?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Có nhiều câu việc, song đầu tiên cần phải đánh giá để mọi người hiểu thật rõ những nội dung cơ bản, quan trọng và gắn với đó là những tác động có thể đối với nền kinh tế, xã hội? những cơ hội thuận lợi kể cả khó khăn, thách thức có thể xảy ra để từ đó có những giải pháp khắc phục và sau rất nhiều trường hợp thì có thể đo lượng được dù có thể chưa hoàn hảo

Một điểm nữa rất quan trọng, đó là việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cũng như thể chế kinh tế của Việt Nam. Bởi EVFTA là một chất xúc tác rất quan trọng để thúc đẩy cải cách thể chế, không phải chỉ là quá trình thay đổi khung khổ pháp lý đáp ứng với tiêu chuẩn cam kết hay những tiêu chuẩn mà hiệp định đòi hỏi mà còn là quá trình để Việt Nam xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hiện đại, hội nhập.

Kể cả việc tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân nắm bắt và có ứng xử phù hợp cũng như vận dụng tốt nhất những cơ hội mà EVFTA mang lại...

- Theo ông đâu là những lưu ý đối với doanh nghiệp và người dân khi hiệp định được thực thi?

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác quan trọng, song để Chiến lược hội nhập lan tỏa, hiện thực hóa được vào cuộc sống đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp là cả một quá trình.

Điểm đầu tiên theo tôi chính là nhận thức, việc này liên quan đến công tác truyền thông, thông tin, kinh nghiệm và trải nghiệm của chính chúng ta thậm chí là doanh nghiệp, người dân thời gian qua.

Chuyen gia: EVFTA la ''don bay'' thu hut nguon dau tu co chat luong hinh anh 3

Tham gia EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước thành viên. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Một điểm tích cực phải nhấn mạnh, Việt Nam muốn phát triển, doanh nghiệp Việt muốn lớn lên làm ăn phát triển bền vững thì không còn con đường nào khác chính là hội nhập, mặc dù hội nhập có rất nhiều thách thức và không ít rủi ro cả ở tầm nền kinh tế, ngành hàng, sản phẩm, song đây là điều rất quan trọng mà chúng ta phải nhìn nhận để vượt qua.

Bên cạnh đó, EVFTA là một hiệp định chất lượng rất cao, song để tận dụng các cơ hội cần trải qua nhiều công đoạn, trong các công đoạn ấy thì việc hiểu biết và tuân thủ để vượt qua các chi phí tuân thủ là một điều không đơn giản, từ nguyên tắc xuất xứ, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật hay đáp ứng về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…

Hơn nữa, để đạt được các lợi ích về thuế cũng cần phải biết được thị trường ra sao, hiểu được các kênh phân phối, đây không chỉ là tiêu chuẩn ở hiệp định đặt ra mà chúng ta muốn tham gia vào chuỗi giá trị và các nhà đầu tư có chất lượng thì chúng ta còn phải đáp ứng cả các tiêu chuẩn có những nhà đầu tư đó và đây sẽ là những thách thức nữa… việc thay đổi cần cả từ Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp…

Cuối cùng để hiện thực hóa, bên cạnh hiệu quả kinh tế thì cần lưu ý nhưng yêu cầu mà hiệp đinh này đòi hỏi đó là doanh nghiệp phải có trách nhiệm rất cao về mặt môi trường hay phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội tức là vấn đề đối với con người, lao động…

- Xin cảm ơn ông./.

Theo Vietnamplus

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Chính trị ra Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam

Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26 ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khoá X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.

Tuy vậy, ngành năng lượng trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới cần những cách tư duy, tiếp cận mới.

Nghị quyết mới được ban hành hướng đến mục tiêu tổng quát hướng đến đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả…

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Nghị quyết đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Thứ nhất là phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững.

Thứ hai, phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ ba, cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ tư, phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng.

Thứ năm, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.

Thứ sáu, đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ bảy, phát triển khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng.

Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài

Thứ chín, thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Thứ mười, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong phát triển ngành năng lượng.

Theo CafeF

Quy Nhơn đang nổi lên là một trong số địa phương miền Trung thu hút giới đầu tư động sản thời gian qua.

Thiên nhiên ưu đãi

Quy Nhơn, Bình Định nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn, mang những đặc trưng của thành phố du lịch biển với không khí trong lành, ẩm thực đa dạng, người dân thân thiện. Thành phố được thiên nhiên ban tặng bờ biển dài, quy hoạch bài bản để trở thành không gian biển thu hút. Nhiều điểm đến hút khách du lịch tại đây như Eo Gió, Kỳ Co, Cù Lao Xanh, Chùa Ông Núi, hệ thống các tháp Chăm cổ.

Quy Nhơn cũng là một trong ba thành phố du lịch của Việt Nam nhận giải thưởng "Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020" tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020 tổ chức tại Brunei ngày 16/1. 

Bãi biển Quy Nhơn nhìn từ xa.

Bãi biển Quy Nhơn nhìn từ xa.

Đầu tư hạ tầng

Theo số liệu của tỉnh, năm 2019, ngành du lịch Bình Định ước đón được hơn 4,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt 6 nghìn tỷ đồng. Hạ tầng, quy hoạch phát triển theo hướng hiện đại nhưng có bản sắc riêng, giữ được cảnh quan thiên nhiên.

An ninh đô thị, hạ tầng và các phương tiện công cộng tại đây được chú trọng xây dựng bài bản, đạt chuẩn nhằm phục vụ du khách. Mới đây, sân bay quốc tế Phù Cát đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên vào ngày 4/1, mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch, kỳ vọng thu hút nhà đầu tư quốc tế đến Bình Định trong thời gian tới.

Quy Nhơn được vinh danh là Thành phố du lịch sạch Asean 2020.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành tại TP Quy Nhơn.

Quy Nhơn đáp ứng các tiêu chí liên quan đến hoạt động quản lý môi trường và chất thải. Chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường, thành phố sở hữu nhiều không gian xanh.

Lợi ích cho sức khoẻ 

Không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên tại Quy Nhơn còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Tối đa hoá trải nghiệm giúp du khách lựa chọn Quy Nhơn như là một điểm đến mới lạ và độc đáo

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, môi trường tự nhiên như bãi biển và công viên bờ sông mang lại nhiều lợi ích trong việc phục hồi, tăng cường sức khoẻ so với phòng tập thể dục, các địa điểm giải trí và môi trường đô thị. Bãi biển, cùng với nắng vàng cũng là không gian hoàn hảo để con người tái tạo năng lượng tích cực, bổ sung vitamin D và phòng chống bệnh hen suyễn hiệu quả.

Những điểm đến có bờ biển dài và cảnh quan thiên nhiên còn giữ được vẻ hoang sơ như Quy Nhơn đang trở thành điểm nhấn của thị trường du lịch biển miền Trung. 

Năm 2020, ngành du lịch Quy Nhơn, Bình Định đặt mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng. Mảnh đất được đánh giá nhiều cơ hội nhưng cũng thách thức cho các nhà phát triển bất động sản, vì còn thiếu những đô thị du lịch hiện đại, xứng tầm thành phố du lịch biển, ghi dấu ấn trên thị trường bất động sản khu vực.

Theo VNExpress

Bộ Xây dựng nhận định, năm 2020, thị trường có thể xảy ra tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành đặc khu, khu đô thị mới.

Giá đất tăng nhanh theo thông tin quy hoạch

Cuối năm 2019, chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng thành quận tại 5 huyện, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng. Trước thông tin này, giá đất tại những khu vực trên liên tục tăng mạnh tạo nên những cơn sốt đất cục bộ.

Cụ thể, tại huyện Đan Phượng, vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55-70 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 10-25 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất hiện tại tăng khoảng hơn 30-40%.

Trong khi đó, tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, hiện mức giá đất tại đây dao động từ 20 – 60 triệu đồng/m2, tùy khu vực, gấp 2 lần so với mức 10 – 30 triệu đồng/m2 cách đây 1 năm.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, 3 năm trở lại đây, giá đất tại khu vực Gia Lâm tăng mạnh, song mức giá hiện tại vẫn chấp nhận được, chưa có dấu hiệu sốt ảo hay bong bóng bất động sản. Do đó, vẫn có tiềm năng cho các nhà đầu tư.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc CBRE Việt Nam, cho rằng, thông tin quy hoạch từ huyện lên quận sẽ đi kèm với hạ tầng về xã hội và cơ sở vật chất thì đây là thông tin ảnh hưởng khá lớn tới tình hình đầu tư, do các nhà đầu tư sẽ xem đây là cơ hội để đầu tư, và giá đất chắc chắn sẽ tăng lên.Cùng với đó, nhiều dự án hạ tầng lớn sẽ được triển khai trong năm 2020 tại Gia Lâm sẽ góp phần đẩy giá bất động sản tại khu vực này tăng lên.

Số liệu thống kê của trang thông tin batdongsan.com.vn cho thấy, năm 2019 đất nền vẫn là loại hình được quan tâm nhất trên cả nước khi tỷ lệ quan tâm ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam lần lượt đạt 43%, 46% và 50%. Do đó, khi có thông tin quy hoạch, các nhà đầu tư đã nhanh chóng chớp thời cơ đầu tư để kiếm lời.

Tuy nhiên, theo bà  Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, giá đất tại các huyện này sẽ có biến động rất lớn, do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư của mình.

Bà Hằng cho rằng, nếu nhà đầu tư tham gia thị trường từ trung đến dài hạn sẽ an toàn hơn đầu tư "lướt sóng".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng đại diện cơ quan phía Nam Hội Môi giới bất động sản đánh giá, mặc dù giá đất được dự báo sẽ tăng, nhưng không phải cứ có thông tin quy hoạch là giá đất sẽ tăng ngay mà còn phải dựa vào các yếu tố về hạ tầng và phân bố dân cư, quy hoạch khu vực đó tới đây sẽ như thế nào..

Do vậy, nhà đầu tư theo trào lưu “đi tắt đón đầu” khi thông tin chưa chính thức hoặc chưa rõ ràng thì dễ bị sa lầy, thậm chí mất tiền. Vì rủi ro vì vướng quy hoạch, vướng thế chấp, rủi ro vì dự án chưa đủ điều kiện bán, rủi ro vì bị lừa đảo… Chỉ khi nào có thông tin quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất của từng quận, huyện rõ ràng. Dự án thì có có phép xây dựng và đủ diều kiện mở bán… thì mới nên đầu tư để tránh rủi ro.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019

 [Infographics] Số liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 - Ảnh 1

Theo Tạp Chí Tài Chính

Đối tác chiến lược