Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa phát thông báo từ ngày 10/4 - 13/5/2020 sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới thuộc Dự án số 4, Khu đô thị mới Trung tâm TP. Thanh Hóa.
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng chi phí thực hiện dự kiến 1.158 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện tại phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa với tổng diện tích 156.687,75 m2, trong đó diện tích đất ở là 72.222 m2, diện tích đất công cộng dịch vụ là 17.795 m2, diện tích đất cây xanh mặt nước là 8.641 m2, diện tích đất giao thông là 37.028 m2, phần còn lại là diện tích đất đường gom.
Cùng với dự án này, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thanh Hóa (Bên mời thầu) cũng cho biết cho biết, từ ngày 9/4 - 9/5/2020 sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa.
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 200.455 m2, tổng chi phí thực hiện dự kiến 890 tỷ đồng. Đây là lần thứ 3 Bên mời thầu tiến hành sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án. Ở lần sơ tuyển thứ 2, kết quả sơ tuyển nhà đầu tư đã bị hủy do có sự thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư Dự án.
Theo CafeF
Tính đến 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 50,294 tỷ USD.
Tính đến giữa tháng 3, cả nước có 8 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 1 nhóm đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Trong đó, đóng góp quan trọng vào kết quả này là 8 nhóm hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là: thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Với tổng kim ngạch gần 35,54 tỷ USD, riêng 8 nhóm hàng trên đóng góp tới 70,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong thời điểm này.
Đáng chú ý, đến ngày 15/3, Việt Nam đã có nhóm hàng xuất khẩu đầu tiên đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, trong khi cùng kỳ năm ngoái chưa có nhóm hàng nào đạt được kết quả như vậy.
Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng đầu tiên chạm mốc chục tỷ USD với kim ngạch hơn 10,2 tỷ USD, tăng gần 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương khoảng 800 triệu USD).
Hết tháng 2, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đóng góp hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này vẫn là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố danh mục dự án có sử dụng đất đối với dự án Khu nhà ở và thương mại, dịch vụ cao cấp tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu, thuộc Khu A – Đô thị mới An Vân Dương.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư 4.750 tỉ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Dự án nằm trên các lô đất có ký hiệu OTM4, OTM6, TM-DV4, CX2, LK16, CC12, CTR20, CTR21 thuộc Khu A – Đô thị mới An Vân Dương, thuộc địa bàn phường An Đông và phường Xuân Phú, thành phố Huế.
Tổng diện tích khu đất nghiên cứu theo Quy hoạch phân khu khoảng 26,83ha. Trong đó, diện tích đất dự kiến giao nhà đầu tư thực hiện dự án khoảng 22,92ha (không bao gồm các khu đất chỉnh trang).
Hiện trạng đất chưa giải phóng mặt bằng; chủ yếu là đất trồng lúa, đường giao thông và mương nội chiếm khoảng 88% và một phần đất ở hiện trạng thuộc phường An Đông và Xuân Phú.
Dự kiến cho khoảng 21 hộ chính và 29 hộ phụ thuộc diện di dời và tái định cư thuộc địa bàn TP. Huế.
Thời gian thực hiện dự án không quá 60 tháng.
Thời gian lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức sơ tuyển quốc tế trong quý 2-2020.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa công bố danh mục dự án có sử dụng đất đối với dự án Khu đô thị phía Nam sông Như Ý thuộc Khu E – Đô thị mới An Vân Dương.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng, nằm trên các lô đất có kí hiệu OTT18~25, OTT32~34, XH3, TH1, CX6, CX11, CX12, CX-P1, CC1~2, TDTT1, DV3 thuộc Khu E – Đô thị mới An Vân Dương, thuộc địa bàn phường An Đông, thành phố Huế và xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.
Được biết, dự án có tổng diện tích khu đất nghiên cứu theo Quy hoạch phân khu khoảng 51,6721 ha, trong đó, diện tích đất dự kiến giao nhà đầu tư thực hiện dự án khoảng 48,82ha.
Theo CafeLand
Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, cho biết để phát triển, châu Á đã đầu tư 2,1% tổng GDP vào công tác nghiên cứu và phát triển nhưng có sự khác biệt lớn ở mỗi quốc gia.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Tăng cường đổi mới, sáng tạo hơn nữa sẽ giúp tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhanh hơn và toàn diện hơn.
Đây là chủ đề của báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3/4.
Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, cho biết để phát triển, châu Á đã đầu tư 2,1% tổng GDP vào công tác nghiên cứu và phát triển nhưng có sự khác biệt lớn ở mỗi quốc gia.
Theo ông Sawada, có 5 xu hướng đổi mới chính là hệ thống giáo dục đầy đủ, tinh thần khởi nghiệp đổi mới, cơ chế thuận lợi, thị trường vốn sâu rộng hơn và các thành phố năng động có sự kết hợp giữa các trường đại học nghiên cứu và các doanh nghiệp tiên tiến.
Trong 5 thập kỷ qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm tri thức và đổi mới toàn cầu với tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tăng từ 22% năm 1966 lên 40% trong năm 2017.
Theo báo cáo, khu vực này cũng là nơi có nhiều nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Tuy nhiên, sự đổi mới ở phần còn lại của khu vực vẫn còn chậm chạp hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến.
Báo cáo cho thấy các quốc gia có xu hướng đổi mới, sáng tạo hơn thì nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Các nền kinh tế có thu nhập trung bình ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng lên mức có thu nhập cao như Hàn Quốc, đã chi mạnh cho công tác đổi mới vốn được coi là yếu tố quan trọng nhằm tăng năng suất. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở các quốc gia này cao gấp 3 lần các nước cùng nhóm.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh đổi mới góp phần tăng trưởng toàn diện hơn và bền vững hơn đối với môi trường trong khu vực.
Theo báo cáo, đổi mới bền vững đòi hỏi một lực lượng lao động có học thức và có chuyên môn.
Cụ thể, hệ thống giáo dục cơ bản cần kết hợp kỹ năng mềm và cứng như giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với việc học để thúc đẩy tư duy, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Báo cáo nhấn mạnh việc đào tạo tại chỗ cũng rất quan trọng, các công ty tổ chức đào tạo nhân viên có nhiều khả năng đổi mới hơn các doanh nghiệp không làm điều này, tỷ lệ là cao hơn 12 điểm phần trăm.
Tiếp cận thị trường vốn và đặc biệt là thị trường chứng khoán, được coi là chìa khóa của đổi mới tài chính.
Các chính phủ có thể đóng vai trò lớn trong việc nghiên cứu và phát triển tài chính.
Báo cáo kết luận rằng không có “đường tắt” để đạt được các xã hội đổi mới trong khu vực mà phải xây dựng nó bằng nhiều công sức trong thời gian dài./.
Theo Vietnam+
UBND TP.HCM vừa giao UBND các quận, huyện phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông rà soát quỹ đất dọc hành lang tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Cụ thể, UBND TP đã giao UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông rà soát quỹ đất dọc hành lang tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương. Các đơn vị sẽ rà soát để bố trí bãi đỗ xe phục vụ giao thông công cộng trong tương lai và bãi đỗ xe công cộng hiện hữu xung quanh vị trí các nhà ga với khoảng cách từ dưới 1.000 m.
Phối cảnh nhà ga Tân Bình, tuyến metro số 2.
Trong khi đó, Sở GTVT được giao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát pháp lý các quỹ đất cũng như rà soát các dự án thương mại triển khai dọc hành lang tuyến tàu điện ngầm số 2 trong thời gian tới. Từ đó, các đơn vị này khuyến nghị các chủ dự án tự bố trí thêm phần diện tích đỗ xe phục vụ giao thông công cộng, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; đặc biệt là khuyến khích bố trí thêm diện tích không gian ngầm để tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga.
Theo Pháp Luật Online
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cho biết, để xây dựng sân bay Long Thành, Nhà nước sẽ thu hồi khoảng 5.000ha đất; trong đó có khoảng 1.800ha là đất của 17 cơ quan, tổ chức.
Khu đất tại xã Long Đức, huyện Long Thành. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, đơn vị đang phối hợp cùng ngành chức năng trong tỉnh đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức trong vùng dự án sân bay Long Thành.
Dự kiến cuối tháng 4/2020, toàn bộ các cơ quan, tổ chức sẽ bàn giao mặt bằng phục vụ dự án và đến tháng 10/2020 bàn giao mặt bằng sạch (giai đoạn 1) cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cho biết, để xây dựng sân bay Long Thành, Nhà nước sẽ thu hồi khoảng 5.000ha đất; trong đó có khoảng 1.800ha là đất của 17 cơ quan, tổ chức.
Trong số này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tổng Công ty cao su Đồng Nai (Công ty cao su Đồng Nai) là đơn vị có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất với hơn 1.700 ha.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho Công ty cao su Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng đã thực hiện thanh lý cây cao su, bàn giao mặt bằng cho địa phương.
Đối với các cơ quan, tổ chức còn lại, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc kiểm kê, xác định nguồn gốc đất; đồng thời, ban hành quyết định thu hồi đất đối với 10 khu đất của các cơ quan, tổ chức như Trường tiểu học Suối Trầu, Trạm Y tế xã Suối Trầu, Trường Trung học cơ sở Suối Trầu...
Theo ông Nguyễn Đồng Thanh, công tác giải phóng mặt bằng tại các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ dự án sân bay Long Thành cơ bản thuận lợi bởi đa phần các khu đất do cơ quan Nhà nước sử dụng.
Tuy nhiên, việc kiểm kê, xác định nguồn gốc đất của một số tổ chức (doanh nghiệp) gặp nhiều khó khăn do quy hoạch dự án sân bay đã có từ lâu.
Những năm qua, các doanh nghiệp đã dừng hoạt động trong vùng dự án, đất thuộc quản lý của doanh nghiệp để trống khiến cơ quan chức năng phải rà soát, kiểm kê chặt chẽ nhằm đảm bảo tính chính xác.
Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến năm 2021 sẽ khởi công giai đoạn 1. Sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng tại các cơ quan, tổ chức, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành thu hồi những diện tích đất do cá nhân, hộ gia đình quản lý, sử dụng./.
Theo Vietnam+
Theo dự báo của ADB, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020 và sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ngày 3/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á-ADO 2020" cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự tính giảm mạnh trong năm 2020 xuống mức 4,8%.
Con số này là do chịu tác động cú sốc ban đầu về nguồn cung, do ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) bùng phát và tiếp theo là các tác động giảm mạnh về cầu hiện vẫn đang diễn ra tại các quốc gia là đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam vẫn khẳng định: “Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực châu Á.”
Theo phân tích của các chuyên gia ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức 3,8% trong quý 1 so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn lây lan virus dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được sản xuất cho dù có những khó khăn trong thời gian đầu, chủ yếu dựa vào nguyên vật tồn kho, tuy nhiên nguồn nay cũng đang giảm dần.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, do cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm ngập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ, khu vực bị tác động nhiều nhất của đại dịch, giảm xuống chỉ còn 3,2% trong quý 1 so với mức 6,5% cùng kỳ năm trước.
Lạm phát trong tháng Ba giảm 0,7% so với tháng Hai, song lạm phát bình quân trong quý 1 đã tăng lên 5,6%, mức cao nhất của cùng kỳ trong suốt giai đoạn 2016-2020, chủ yếu là do giá dịch vụ y tế và giá thịt lợn đều tăng; trong đó giá thịt lợn tăng kéo theo việc tăng giá của các loại thịt thay thế. Trong cả năm 2020, lạm phát bình quân dự kiến sẽ ở mức 3,3% và tiếp tục tăng lên 3,5% vào năm 2021.
“Nếu đại dịch trở nên tồi tệ hơn dự báo hiện nay và đặc biệt là nếu giá thịt lợn vẫn tiếp tục cao thì áp lực lạm phát có thể gia tăng,” chuyên gia ADB dự báo.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ đã làm nhu cầu tín dụng suy yếu đáng kể. Vào cuối tháng Hai, tăng trưởng tín dụng ước tăng 0,1% so với cuối năm 2019, mức thấp nhất trong cùng kỳ của 6 năm qua. Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngày 4/3 Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ trị giá khoảng 10,8 tỷ USD để cơ cấu lại thời hạn trả nợ miễn, giảm lãi suất và phí.
Chính phủ cũng đưa ra hai gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD bao gồm giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đồng thời cũng giãn thời hạn nộp thu và dự tính các hỗ trợ về mặt ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên. Ngân hàng Nhà nước cũng cắt giảm các lãi suất chính sách từ 0,5%-1%, hạ trần lãi suất tiền gửi bằng VND với các kỳ hạn dưới 6 tháng và hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với những lĩnh vực ưu tiên.
Cũng theo các chuyên gia ADB, mục tiêu bội chi ngân sách 3,4% GDP cho năm 2020 có thể khó đạt được, khi doanh thu thuế từ các khoản thu nhập và thu từ xuất khẩu đều giảm, chi tiêu cho y tế và các quỹ hỗ trợ người lao động đều tăng, cùng với gói hỗ trợ tài khóa mới công bố gần đây. Vì vậy, thâm hụt ngân sách dự báo sẽ tăng lên tương đương 4,2% GDP vào năm 2020 trước khi có sự cải thiện ở mức 3,5% GDP vào năm 2021.
Tuy nhiên, các chuyên gia ADB cũng cho rằng nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021- theo như dự báo của ADB trước khi xảy ra COVID-19 - và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
Cũng theo báo cáo này, các động lực của tăng trưởng kinh tế-tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện. Chi tiêu công ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2020, có khả năng tiếp tục gia tăng. Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn tăng khả năng tiếp cận thị trường sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc khống chế được dịch COVID-19 và việc phục hồi tăng trưởng trở lại của Trung Quốc sẽ góp phần khôi phục lại chuỗi giá trị toàn cầu./.
Theo Vietnam+
Nếu đề xuất được chấp thuận, sẽ có mô hình "thành phố trong thành phố".
Ảnh: TL
UBND TP.HCM đã có văn bản số 1157/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập TP trực thuộc TP.HCM. Nếu đề xuất được chấp thuận, sẽ có mô hình "thành phố trong thành phố".
Đề án thành lập TP phía Đông trực thuộc TP Hồ Chí Minh đang được xây dựng trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức để hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Sau khi được thành lập, TP phía Đông sẽ có quy mô hơn 1,1 triệu dân, diện tích tự nhiên hơn 211km2.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP Hồ Chí Minh bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức, được định hướng xây dựng, phát triển gồm trung tâm gồm khu đa chức năng, khu công nghệ - khoa học, dịch vụ cảng, các khu đô thị, khu du lịch sinh thái, khu công viên chuyên đề - thể dục thể thao và khu giáo dục đại học.
Bản đồ về 6 trọng điểm sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP Hồ Chí Minh
Do chưa có hướng dẫn thực hiện nên UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Xây dựng sớm phúc đáp về việc thực hiện hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị với trường hợp TP Hồ Chí Minh sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố trực thuộc TP.Khu đô thị sáng tạo phía Đông có 3 điểm nhấn là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và Khu Công nghệ cao (quận 9). Hiện tại, trong khu vực dự kiến xây dựng đô thị sáng tại tương tác cao, mật độ các trường đại học vào loại cao nhất cả nước với 100.000 sinh viên.
Việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP trực thuộc TP là chưa có tiền lệ. Nếu thực hiện được TP sáng tạo tương tác cao phía Đông, TP Hồ Chí Minh sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình “TP thuộc TP trực thuộc Trung ương".
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư