Nguyễn Ngọc Thảo

Nguyễn Ngọc Thảo

Với việc dừng chào thầu tín phiếu và tăng quy mô chào thầu, trong một phiên giao dịch, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 11.682 tỷ đồng thông qua thị trường mở...

Chênh lệch lãi suất giữa VND với USD đã nới rộng lên gần gấp đôi.

Phiên thứ hai liên tiếp, kênh cầm cố phát sinh hoạt động đáng chú ý. Lượng vốn hỗ trợ thị trường được bơm qua kênh này đã tăng mạnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Như VnEconomy đã đưa tin, trong phiên giao dịch đầu tuần (26/8), tại kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì quy mô chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Các tổ chức tín dụng khớp được 750 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang ngày 27/8, nhà điều hành tăng quy mô chào thầu lên 6.000 tỷ đồng, vẫn với kỳ hạn và lãi suất như trên. Giá trị được khớp lệnh cũng tăng lên 3.682 tỷ đồng. Qua đó, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 4.432 tỷ đồng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm ròng VND thông qua việc mua USD để ổn định tỷ giá cũng như gia tăng dự trữ ngoại hối. Và với lượng tiền được bơm, thanh khoản hệ thống thường xuyên dồi dào.

Nếu trừ đi những đợt cao điểm về thanh toán, chi trả thì nhu cầu mượn vốn qua OMO gần như không có. Vì vậy, diễn biến tại hai phiên giao dịch trên là khá khác lạ và đáng chú ý.

Ngoài ra, tại ngày 27/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu. Trong ngày có 8.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống chỉ còn 5.000 tỷ đồng.

Bằng loạt động thái trên, chỉ trong một phiên giao dịch, phía nhà điều hành đã bơm ròng 11.682 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thi trường mở.

Ở khía cạnh khác, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND qua đêm đã vượt mốc 4%/năm, tăng rất nhanh so với mức 2,9%/năm ở vài tuần trước. Chênh lệch lãi suất giữa VND với USD đã nới rộng lên gần gấp đôi.

Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,59 - 1,01 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần; giao dịch tại qua đêm 4,58%; 1 tuần 4,59%; 2 tuần 4,61% và 1 tháng 4,42%.

Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại qua đêm 2,29%; 1 tuần 2,38%; 2 tuần 2,48%, 1 tháng 2,59%.

Theo VnEconomy

Việt Nam có thể trở thành địa chỉ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cổ phần, cổ phiếu - một sếp của General Atlantic nhận định...

Công nhân làm việc trong một nhà máy may mặc ở Bắc Ninh - Ảnh: Bloomberg/CNBC

Thương chiến Mỹ-Trung kéo dài đang làm thay đổi trật tự chuỗi cung ứng toàn cầu và trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể trở thành một địa chỉ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cổ phần, cổ phiếu - một nhà điều hành cấp cao của công ty đầu tư Mỹ General Atlantic nhận định.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Sandeep Naik, phụ trách thị trường Đông Nam Á thuộc General Atlantic, nói rằng với các công ty Mỹ đang lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, các nước ở Đông Nam Á sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

General Atlantic hiện quản lý khoảng 35 tỷ USD tài sản. Công ty này rót vốn chủ yếu vào các công ty khởi nghiệp (startup) có tiềm năng tăng trưởng lớn trong 4 lĩnh vực chính: tiêu dùng, dịch vụ tài chính, y tế và công nghệ.

"Chúng tôi xem Việt Nam là một điểm đến rất thú vị vào thời điểm này", ông Naik nói. "Với hoạt động sản xuất chuyển đến Việt Nam, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra, người dân có thu nhập khả dụng cao hơn. Điều đó sẽ khởi đầu cho một câu chuyện mới về tiêu dùng".

Ông Naik cũng nhìn thấy những cơ hội mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Ông giải thích rằng các công ty chuyển sản xuất đến Việt Nam cần vốn tín dụng. "Bởi vậy, tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất tầm trung sẽ tạo ra một cú huých cho ngành dịch vụ tài chính", ông nói.

Tuy nhiên, ông Naik không đề cập đến công ty cụ thể nào ở Việt Nam mà General Atlantic đang xem xét đầu tư.

Trao đổi với CNBC gần đây, một số chuyên gia khác cũng bày tỏ quan điểm lạc quan về cơ hội đầu tư ở Việt Nam, nhưng cũng cảnh báo về những thách thức.

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Alexander Feldman cho rằng thị trường lao động Việt Nam đang thắt chặt, khiến nhiều doanh nghiệp thay vì chọn Việt Nam đang tính chuyển sản xuất tới các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan.

Nguồn VnEconomy

Xuất khẩu xăng dầu của doanh nghiệp Việt Nam trong 7 tháng qua tăng 8,8% về lượng và tăng 5,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái...

Xăng dầu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được 1,91 triệu tấn xăng dầu, thu về 1,17 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2019.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu xăng dầu trong tháng 7/2019 đã tăng 29,6% về lượng so với tháng trước đó, đạt 253.432 tấn và tăng 32% về kim ngạch, đạt 154,87 triệu USD.

Như vậy, sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 6/2019 thì sang tháng 7/2019 xuất khẩu xăng dầu đã tăng trở lại.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu 1,91 triệu tấn xăng dầu, thu về trên 1,17 tỷ USD, tăng 8,8% về lượng và tăng 5,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu, xăng dầu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cụ thể, xuất khẩu xăng dầu sang thị trường Đông Nam Á chiếm tới 47,7% tổng lượng xăng dầu xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch, đạt 911.880 tấn, tương đương 503,58 triệu USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 25% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Trong các Đông Nam Á, Việt Nam xuất khẩu xăng dầu nhiều nhất sang Campuchia với 444.995 tấn, tương đương 268,38 triệu USD, tăng 3% về lượng nhưng giảm 6,6% về kim ngạch.

Tiếp đó là xuất khẩu sang Thái Lan với mức tăng rất mạnh 406,9% về lượng và tăng 430,4% về kim ngạch, đạt 131.280 tấn, tương đương 71,51 triệu USD.

Xuất khẩu sang Singapore cũng tăng mạnh 338% về lượng và tăng 346,9% về kim ngạch, đạt 140.221 tấn, tương đương 64,38 triệu USD.

Xuất khẩu xăng dầu sang Malaysia đạt 120.199 tấn, tương đương 51,85 triệu USD, tăng 69% về lượng, tăng 80,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài các nước Đông Nam Á, Việt Nam còn xuất khẩu xăng dầu sang Trung Quốc, chiếm 15,5% tổng lượng xăng dầu xuất khẩu và chiếm 17,8% tổng kim ngạch, đạt 295.346 tấn, tương đương 209,48 triệu USD, tăng 6,4% về lượng, tăng 10,5% về kim ngạch và tăng 3,8% về giá so với cùng kỳ năm 2018.

Riêng xuất khẩu xăng dầu sang thị trường Hàn Quốc giảm cả về lượng và kim ngạch, chỉ đạt 59.638 tấn, tương đương 36,69 triệu USD.

Nguồn VnEconomy

Trước đề xuất xây trung tâm thương mại của Central Group Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Xây dựng giới thiệu địa điểm để tập đoàn này khảo sát, nghiên cứu triển khai.

Image result for tỉnh bắc ninh

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có buổi làm việc với ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group Việt Nam.

Ông Philippe Broianigo cho biết doanh nghiệp này mong muốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại tỉnh Bắc Ninh. Theo đại diện doanh nghiệp, Central Group định hướng đầu tư dài hạn, mong muốn kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm trên địa bàn để đưa các sản phẩm, hàng hóa mang tính đặc thù của tỉnh vào kinh doanh trong hệ thống của tập đoàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Xây dựng phối hợp, giới thiệu địa điểm để Tập đoàn Central Group Việt Nam khảo sát, nghiên cứu triển khai xây dựng trung tâm thương mại như đề xuất trước đó.

Image result for big c

Tập đoàn Central Group Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Central Group - một trong những Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, sở hữu nhiều trung tâm mua sắm, trong đó có chuỗi siêu thị Big C Việt Nam.

Nguồn CafeF

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

 Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư

Theo đó, tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị yêu cầu sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm quyền, nghĩa vụ, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư và chủ thể có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.

Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về lao động, việc làm và tiền lương, bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều chỉnh hợp lý khoảng cách lương tối thiểu giữa các vùng để hạn chế tập trung lao động tại các đô thị lớn, giảm áp lực về cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trường mẫu giáo, cơ sở y tế, văn hoá, thể thao,... phục vụ người lao động. Quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Về mục tiêu tổng quát cho việc định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Chính trị  đặt mục tiêu, sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030...

Theo Tạp Chí Tài Chính

Bất ổn thương mại Mỹ-Trung gia tăng khiến chứng khoán toàn cầu đi lùi và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo Bloomberg, giới đầu tư chứng khoán thế giới đánh giá cơ hội tại Việt Nam vẫn lớn hơn rủi ro.

Đầu tư chứng khoán ở Việt Nam: Cơ hội lớn hơn rủi ro

Bức tranh vĩ mô của Việt Nam vẫn tươi sáng

Theo tính toán của Bloomberg, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 843 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam (hiện có quy mô 193 tỷ USD) trong 12 tháng qua tính đến ngày 14/8, ngay cả khi VN-Index đã giảm khoảng 0,9% giai đoạn này. VN-Index đã tăng 9,7% từ đầu năm 2019 đến nay khi kết thúc phiên giao dịch ngày 15/8, cao nhất trong số các thị trường Đông Nam Á và vượt xa mức tăng 0,8% trong chỉ số MSCI AC ASEAN.

Các nhà đầu tư bao gồm Federico Parenti tại Sempione Sim SpA ở Milan cho biết tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và việc Chính phủ Việt Nam có kế hoạch thoái vốn tại các công ty do nhà nước kiểm soát sẽ bù đắp đà sụt giảm giá cổ phiếu xuất phát từ xung đột thương mại.

“Tôi đã thay đổi quan điểm của mình”, Parenti, người giúp quản lý khoảng 3 tỷ USD bao gồm cả cổ phiếu Việt Nam tại Sempione Sim nói. “Khi bạn đầu tư vào một quốc gia, bạn sẽ phải làm điều đó trong thời gian dài”. Trong danh mục của quỹ này có cổ phiếu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) và CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB).

Việc Chính phủ bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã giúp thu về khoảng 5,16 nghìn tỷ đồng (tương đương 222 triệu USD) trong nửa đầu năm nay, thêm vào kỷ lục 5,09 tỷ USD từ đợt chào bán công khai lần đầu vào năm 2018.

Mark Mobius, nhà đầu tư nổi tiếng và là người điều hành Mobius Capital Partners, cho biết việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với việc tăng trưởng kinh tế luôn ở mức trên 6% đã hỗ trợ tốt cho thị trường vốn.

Với Bharat Joshi, người giúp quản lý 650 tỷ USD với tư cách là nhà quản lý quỹ tại Aberdeen Standard Investments, nhu cầu nội địa của Việt Nam vượt xa rủi ro phát sinh từ căng thẳng thương mại. Công ty này coi mua việc mua cổ phiếu VNM là một khoản đầu tư mỏ neo giữa những bất ổn.

“Việt Nam hiện đang có sự tăng trưởng theo cấu trúc, thu nhập trung lưu tăng, nhu cầu tín dụng bắt đầu mở rộng và Chính phủ đang làm tất cả những gì có thể đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa”, Joshi nói.

Cùng với đó, PYN Elite Fund cho rằng bức tranh vĩ mô của Việt Nam vẫn tươi sáng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, nếu tính trung bình trong 7 tháng đầu năm 2019 là 2,61%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Chỉ số PMI của Việt Nam phục hồi lên mức 52,6 điểm trong tháng 7/2019, trong khi PMI của các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) vẫn duy trì ở các mức điểm số thể hiện sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất (dưới 50 điểm).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có thặng dư thương mại 200 triệu USD trong tháng 7/2019 và tính từ đầu năm 2019 là 1,8 tỷ USD. Thêm nữa, lượng vốn FDI giải ngân tăng 7,1%, nhờ đó góp phần nâng tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức kỷ lục 68 tỷ USD.

Theo PYN Elite Fund, điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ đồng tiền Việt Nam ổn định trong thời gian tới, nhất là khi tỷ giá USD/Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào ngày 7/8/2019.

Image result for chứng khoán

Sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo tính toán của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dựa trên dữ liệu từ Bloomberg, trong khi khối ngoại rút ròng khỏi thị trường chứng khoán của các nước thuộc nhóm thị trường mới nổi trong tháng 5/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục được bơm ròng. “Điều này cho thấy sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, BVSC nhận định.

Theo BVSC, một điểm đáng chú ý khác là trong 7.600 tỷ đồng mà khối ngoại mua ròng từ thị trường chứng khoán Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019, có tới 5.600 tỷ đồng (tương đương với 76,6% giá trị giao dịch) đến từ hoạt động bơm ròng của các quỹ ETF.

Ngoại trừ Quỹ iShares Frontier Markets 100 ETFs bán ròng - do tỷ trọng của Việt Nam trong bộ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index giảm từ 17% xuống còn 15% sau khi Argentina rời khỏi rổ cổ phiếu này, các quỹ ETFs khác như VanEck Vectors Vietnam ETF, DB Xtracker FTSE Vietnam ETF và VFMVN30 ETF đều cho thấy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng.

“Điều này cho thấy dòng điền đến từ các quỹ ETFs đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng như 1 kênh hấp dẫn dòng tiền đầu tư từ nước ngoài”, BVSC cho biết.

Đối với việc xếp hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam của tổ chức FTSE, tính đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE.

BVSC tính toán nếu thị trường Việt Nam được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút khoảng từ 571,41 triệu USD đến 966,31 triệu USD, dòng vốn đầu tư từ các quỹ ETFs tracking theo chỉ số MSCI Emerging Markets và chỉ số mẹ. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hấp dẫn khoảng từ 420,03 triệu USD đến 710,30 triệu USD từ các quỹ đầu tư chủ động khác.

Theo Báo Chính Phủ

Đáng ngại hơn cả, theo nhiều chuyên gia là tình trạng các DN FDI làm ăn thua lỗ, nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm, nợ thuế rồi bỏ trốn như nhiều trường hợp từng xảy ra.

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc bất ngờ tăng đột biến trong năm 2019, mang lại nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi đa phần là các dự án nhỏ, công nghệ thấp và có cả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Cẩn trọng với dòng FDI đột biến từ Trung Quốc

Công nhân Công ty TNHH KaiYang (Hải Phòng) vạ vật chờ đòi lương, trong khi chủ doanh nghiệp bỏ về nước

Dự án nhỏ, rủi ro lớn

“Nguyên nhân dòng vốn FDI từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu tại VN do làn sóng dịch chuyển của các DN để tránh thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Vấn đề của VN là cần phải sàng lọc kỹ, tránh công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường.    

PGS-TS Trần Đình Thiên”

Sau một thời gian dài tăng trưởng khá ấn tượng, từ tháng 1 - 7 thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN bắt đầu giảm. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7 cả nước thu hút 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,3 tỉ USD. Đáng chú ý, số dự án tăng 24,6%, nhưng vốn đăng ký lại giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt khoảng 3,42 tỉ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt gần 11,7 tỉ USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại VN trong 7 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,78 tỉ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc 1,47 tỉ USD, chiếm 17,8%; Nhật Bản 1,12 tỉ USD, chiếm 13,6%; Hồng Kông (Trung Quốc) 991,6 triệu USD, chiếm 12%...

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, nhận định dòng vốn FDI đăng ký giảm, nhưng số dự án lại tăng lên, đặc biệt từ Trung Quốc là vấn đề hết sức đáng chú ý và cần theo dõi kỹ. “Số dự án tăng lên, nhưng số vốn giảm hàm chứa nhiều vấn đề rủi ro hơn vì thu hút FDI thường những dự án quy mô lớn mới mang lại nhiều giá trị. Còn các dự án nhỏ, vụn vặt sẽ rất khó thay đổi công nghệ, tăng năng suất, thậm chí gây ô nhiễm môi trường”, ông Thiên phân tích.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), cũng thừa nhận VN đang đối mặt với một số thách thức lớn trong việc thu hút dòng vốn từ hai nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông. Trong đó, dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến VN trở thành “cứ điểm” hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào VN, rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này có thể vô tình làm VN vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng sẽ tạo nên áp lực đối với các DN trong nước.

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Đáng ngại hơn cả, theo nhiều chuyên gia là tình trạng các DN FDI làm ăn thua lỗ, nợ lương công nhânnợ tiền bảo hiểm, nợ thuế rồi bỏ trốn như nhiều trường hợp từng xảy ra.

Mới đây, ngày 12.8, toàn bộ công nhân của Công ty TNHH KaiYang (Q.Kiến An, TP.Hải Phòng) khi đến để làm việc thì bất ngờ phát hiện công ty đã bị niêm phong tài sản, lãnh đạo công ty đã rời khỏi địa phương nhưng chưa thanh toán tiền lương tháng 7. Công ty này là DN 100% vốn đầu tư của Đài Loan, do ông Huang Shang Che làm tổng giám đốc, chuyên sản xuất các loại giày da xuất khẩu, có khoảng 2.200 công nhân cùng gần 200 nhân viên văn phòng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, công ty này đang nợ tiền bảo hiểm, tiền lương tháng 7.2019, của toàn bộ công nhân và nhân viên văn phòng, ngoài ra còn nợ tiền công đoàn và một số ngân hàng, đối tác làm ăn.

Trước đó, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH TBO Vina (100% vốn Đài Loan; Khu công nghiệp Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tập trung để đòi lương do ông chủ công ty bỏ về nước, công ty ngừng hoạt động.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia về tài chính, nhận xét trước kia chủ DN mất tích, bỏ trốn tập trung ở các DN 100% vốn của Hàn Quốc, đặc biệt ở lĩnh vực dệt may, da giày. Nhưng gần đây đã xuất hiện nhiều dự án của các “ông chủ” Trung Quốc thành lập vốn thông qua Đài Loan, Hồng Kông rót vào VN. Đa phần là các dự án nhỏ tập trung lĩnh vực khai khoáng, dệt may, hóa chất… những lĩnh vực ít mang lại giá trị gia tăng cao, lại dễ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu.

“Cần có sự chọn lựa dòng vốn FDI từ Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý, các chế tài để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng chủ DN bỏ trốn. Phải hoãn, cấm xuất cảnh đối với chủ DN có dấu hiệu bỏ trốn, chủ DN nợ thuế, các phúc lợi xã hội với người lao động”, ông Long đề xuất.

Theo Báo Thanh Niên Online

 

Việt Nam nhiều tiềm năng sẽ trở thành công xưởng sản xuất smartphone của thế giới.

Theo báo cáo mới nhất của Nikkei, Google đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất smartphone Pixel của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, đồng thời tìm kiếm và xây dựng chuỗi cung ứng giá rẻ tại Đông Nam Á. Đây được cho là bàn đạp để Google thực hiện tham vọng phát triển mảng kinh doanh thiết bị phần cứng.

Nikkei cho biết, Google đã làm việc với một đối tác để chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh, để bắt đầu sản xuất những chiếc smartphone Pixel. Đây cũng là tỉnh phía Bắc mà Samsung đã phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất smartphone của mình.

Google chuyển dây chuyền sản xuất smartphone Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam - Ảnh 1.

Google sẽ chuyển dây chuyền sản xuất smartphone Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam,

nhằm tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại và hàng rào thuế quan.

Việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cho thấy Google cũng lo ngại vấn đề chiến tranh thương mại và hàng rào thuế quan giữa Mỹ - Trung Quốc. Theo báo cáo, Google có kế hoạch sẽ chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất phần cứng dành cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc, bao gồm cả smartphone Pixel và loa thông minh Google Home.

Google thực sự có tham vọng phát triển mảng phần cứng, khi đặt mục tiêu xuất xưởng 8 - 10 triệu chiếc smartphone trong năm nay, gấp đôi so với năm ngoái. Mặc dù trên bản đồ smartphone thế giới, Google hiện chỉ chiếm một phần nhỏ, thậm chí không được xếp hạng trong top 10, nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh chóng.

Sau khi ra mắt những chiếc smartphone Pixel giá rẻ hồi tháng 4, Google đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 tại Mỹ trong Q2/2019, giành lấy được thị phần trong khi toàn bộ ngành công nghiệp này đang suy thoái. Trong năm 2018, số lượng smartphone Pixel bán ra tại Mỹ chiếm tới 70% tổng doanh số smartphone Pixel trên toàn cầu của Google.

Do đó có thể thấy tầm quan trọng của thị trường Mỹ, và việc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh sự ảnh hưởng của hàng rào thuế quan giữa hai nước. Theo kế hoạch hiện tại, Google sẽ chuyển dây chuyền sản xuất smartphone Pixel 3A sang Việt Nam trước cuối năm nay.

Các nhà phân tích cho biết mảng kinh doanh smartphone của Google vẫn còn khá nhỏ, do đó việc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc là không quá khó khăn. Google vẫn chưa có phản hồi chính thức sau báo cáo của Nikkei. 

Theo GenK

(TBTCO) - Doanh nghiệp (DN) cần nhìn rõ 3 yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam hiện nay, gồm: chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, CPTPP và các FTA, kỹ thuật số và thương mại điện tử, đồng thời nên thận trọng trước các rủi ro trong giao dịch có yếu tố “số hóa”.

thị trường xuất khẩu

Chia sẻ thông tin về các thị trường xuất khẩu tiềm năng, nhóm sản phẩm chủ lực

và những điều cần lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh Đ.Doãn

Ngày 27/8, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn xuất khẩu 2019 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số”. Tham dự có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong nước và ngoài nước cùng hơn 500 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã xác định nhiều thị trường tiềm năng cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trong những năm tới. Đó là 2 thị trường quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc và thị trường Hoa Kỳ.

Kế đến là thị trường các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu, FTA Việt Nam – EU; các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng định hướng xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đang đàm phán FTA như Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Nauy, Iceland, Liechtenstein; Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Israel.

Về xuất khẩu hàng hóa, có 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực cần xúc tiến mạnh gồm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; thực phẩm chế biến; đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; trang phục may sẵn; 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng là thuốc, hóa dược, dược liệu và 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm: trồng trọt rau và hoa cây kiểng, chăn nuôi bò sữa và heo, thủy sản gồm tôm nước lợ và cá cảnh.

“Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng tập trung vào mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, bởi đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh” – ông Phạm Thiết Hòa nói.

Ông Phạm Thiết Hòa cũng lưu ý 5 vấn đề quan trọng mà DN cần nắm vững trong các FTA để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu. Đó là lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và mua sắm công.

Còn theo ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, DN cần nhìn rõ ba động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; CPTPP và các FTA; kỹ thuật số và thương mại điện tử.

Từ 3 động lực này, DN cũng nên nắm được các xu hướng tiêu dùng chính ở mỗi thị trường khu vực. Tại châu Á, có 5 xu hướng tiêu dùng chính là an toàn và tốt cho sức khỏe; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh.

Còn ở Hoa Kỳ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, họ có thói quen và hành vi khác với nhóm người trẻ ở châu Á. Có 5 xu hướng tiêu dùng chính ở các thị trường này gồm: an toàn và tốt cho sức khỏe, sự phân cực về hàng hóa (hàng nhãn riêng và giá rẻ với sản phẩm cao cấp), sự tiện lợi hơn, sự nâng cao trải nghiệm mua sắm và sự bền vững của xã hội.

Với lượng người tiêu dùng có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng thay đổi ít đường và nhiều đạm, Hoa Kỳ và châu Âu là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic), trong đó Hoa Kỳ chiếm gần 50% thị phần. Người tiêu dùng ở các thị trường này cũng có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, nhưng họ cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng./.

Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam

(TBTCO) - Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đi vào chiều sâu, thực chất hơn, đồng thời tăng cường hợp tác, chia sẻ về các xu hướng trong chính sách giám sát tài chính ở hai nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp Thống đốc FSS

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bên phải và Thống đốc FSS Yoon Suk Heun. Ảnh: Đức Minh
 

Ngày 28/8/2019, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã tiếp đoàn Cơ quan Giám sát dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSS) do ông Yoon Suk Heun - Thống đốc FSS làm trưởng đoàn.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chào mừng ông Yoon Suk Heun và các thành viên đoàn đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính.

Bộ trưởng cho biết, sau hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (kim ngạch song phương năm 2018 đạt 66,2 tỷ USD) và đang hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD vào năm 2020.

Đến nay, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đạt hơn 63,7 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư).

Cùng với chính sách “hướng Nam” mới của Hàn Quốc, thời điểm hiện nay đang là giai đoạn khởi đầu cho xu hướng đầu tư vào Việt Nam với chiến lược đầu tư công nghệ và kỹ thuật. Cùng với đó là mối quan hệ giao lưu trên các lĩnh vực giáo dục, hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch đã giúp thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc phát triển thực chất và hiệu quả.

bộ trưởng đinh tiến dũng

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao vai trò của FSS trong phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam. Ảnh: Đức Minh

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đi vào chiều sâu, thực chất hơn.

Bộ trưởng cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và FSS rất hiệu quả, thiết thực trên nhiều lĩnh vực như: thuế, hải quan, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán.

Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục hợp tác và nhận được sự hỗ trợ của các đối tác Hàn Quốc, đặc biệt là của FSS trong các hoạt động: Tư vấn pháp lý nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý điều chỉnh thị trường chứng khoán; tư vấn và hỗ trợ việc nâng cấp hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin cho thị trường chứng khoán; tăng cường trao đổi nhiều hơn nữa để tìm hiểu, tiếp cận nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Đề cập tới phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng cho rằng, việc áp dụng công nghệ mới trong các dịch vụ tài chính là một xu hướng phát triển tất yếu trong kỷ nguyên số khi nền kinh tế số trở nên ngày càng rõ nét như hiện nay. Việc này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư quốc tế cũng như trong nước.

Theo Bộ trưởng, nhằm xây dựng khung khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất để thu hút tối đa nguồn vốn cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước, Bộ Tài chính mong muốn được sự trợ giúp, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, trong đó có FSS, cơ quan chính phủ các nước cũng như cộng đồng các nhà đầu tư.

thị trường tài chính

Ông Yoon Suk Heun (bên phải) cam kết, FSS sẽ thắt chặt hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam. Ảnh: Đức Minh

Phát biểu tại buổi tiếp, ông  Yoon Suk Heun khẳng định, Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập được mối quan hệ ngoại giao lâu dài và bền vững. Ông  Yoon Suk Heun tin tưởng, hai nước sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Đề cập tới mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giám sát tài chính, ông Yoon Suk Heun cam kết, FSS sẽ nỗ lực hết sức mình thắt chặt hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam, nhằm góp phần hơn nữa vào sự phát triển thị trường tài chính của Việt Nam, bao gồm cả thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm./.

Theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đối tác chiến lược