Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù giá hàng hóa trong tháng có biến động tăng nhưng tình hình thị trường giữ ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm nên hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng so với tháng trước.
Thị trường bán lẻ duy trì sự tăng trưởng khả quan
Tính chung 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%), nhờ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng của người dân.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại thị trường châu Á, ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao bởi thu nhập bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô phát triển và hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hứa hẹn sẽ mang lại điểm sáng nhất định.
Hơn nữa, hệ thống bán lẻ trong nước đã hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm, hàng hóa nhờ tác động từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính vì vậy, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức cao. Đơn cử, Coopmart từ 90 - 93%; Satra 90 - 95%; Vinmart 96%; Big C 90%... Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Thị trường đang là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống. Cùng với đó, sự rời đi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã nhường miếng bánh thị phần cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Saigon Co.op mua lại chuỗi bán lẻ Auchan, VinCommerce (chủ đầu tư chuỗi Vinmart) mua lại hệ thống Shop & Go…cho thấy sức cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, giai đoạn từ nay đến năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm).
Tuy nhiên, với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa trong việc giành lại thị phần.
Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất.
Đáng lưu ý, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.
Đặc biệt, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Việt Nam là nước có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo.
Chiều 4/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam và Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch tổ chức công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 (EOR 2019).
Tại buổi công bố báo cáo, ông Jakob Stenby Lundsager, cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch cho rằng, Việt Nam nhập khẩu thuần than kể từ 2015 và xu hướng này càng ngày càng tăng.
Từ 2020-2030 nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với hiện nay. Điều này cho thấy, có 3/4 tiêu thụ năng lượng của Việt Nam là từ năng lượng nhập khẩu.
Do đó, ông Jakob Stenby Lundsager đề xuất, Việt Nam sớm nghiên cứu việc giảm nhu cầu sử dụng than trong tương lai và có hành động sớm trong tiêu thụ điện than. Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, phát triển nhiệt điện khí có thể góp phần đảo ngược xu hướng tiêu thụ than hiện nay.
Ông Morten Baek, Quốc vụ khanh, Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch bày tỏ, theo Báo cáo triển vọng năng lượng, Việt Nam vẫn đang sử dụng điện năng hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tự nhiên không tái tạo, dễ gây ô nhiễm môi trường, phụ thuộc nguồn cung đó là than và thủy điện.
Vì vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo là một cơ hội lớn, phù hợp xu thế giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Đây chính là “cánh cửa lớn” mở ra triển vọng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam khi nguồn năng lượng mặt trời, điện gió, sinh khối ở Việt Nam vô cùng phong phú và đầy tiềm năng.
Theo báo cáo EOR 2019, có 3 kịch bản với 3 hướng bổ sung cho nhau nhằm đạt được mục tiêu giảm sản lượng tiêu thụ than, giảm phụ thuộc thủy điện, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
Để thực hiện được mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, phía Đan Mạch cũng có những khuyến nghị về chính sách đối với Việt Nam. Đó là, đảo ngược xu thế tiêu thụ than ở mức cao; tăng cường các phương tiện sử dụng năng lượng hiệu quả; hỗ trợ các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng quy mô lớn...
Các chuyên gia Đan Mạch cũng khuyến nghị, tiết kiệm năng lượng cần được ưu tiên hàng đầu trong Quy hoạch điện VIII; khung pháp lý ổn định, đơn giản, minh bạch và tăng cường tính cạnh tranh đối với các dự án năng lượng tái tạo có thể đạt được tỷ lệ 40% năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 là một trong những kết quả hợp tác nổi bật giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Môi trường Đan Mạch trong khuôn khổ của Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam-Đan Mạch giai đoạn 2 từ 2017-2020.
Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ phát triển khá nhanh và tăng trưởng ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Song song với tăng trưởng kinh tế, năng lượng đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế tăng theo tương ứng. Nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 11% trong giai đoạn 2011-2018.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá, báo cáo trình bày các kết quả nghiên cứu về các kịch bản phát triển điện, năng lượng và các khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng Việt Nam trong dài hạn.
Đồng thời, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch điện VIII cũng như Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung.
Bên cạnh đó, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn; phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.
Từ năm 2013, Chính phủ Đan Mạch và Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các dự án, chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.
Năm 2017, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cục Năng lượng - Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và chỉ đạo của Bộ Công Thương, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã xây dựng và công bố Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2017.
Đây là báo cáo đầu tiên được xây dựng và công bố tại Việt Nam. Báo cáo này đã cho thấy hệ thống điện của Việt Nam có thể vận hành với tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo ở mức cao.
Cùng đó, đề xuất các kịch bản tham khảo khác nhau cho phát triển ngành năng lượng của Việt Nam cũng như xác định các cơ hội phát triển ngành điện...
Theo TTXVN
Theo TTXVN
Bắc Ninh – Vùng địa linh nhân kiệt
Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Bắc Ninh có vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ và đường không với các tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ 1A, 1B, 18, 38, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Quảng Ninh nối liền Bắc Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của khu vực phía Bắc, cảng hàng không quốc tế Nội Bài và liên thông với hệ thống các trục đường quốc lộ đến với mọi miền trong cả nước.
Bắc Ninh được mệnh danh là vùng đất “mỹ tục khả phong”.
Xét về mặt tài nguyên thiên nhiên, Bắc Ninh được đánh giá là không giàu có khi trữ lượng khoáng sản và tài nguyên rừng rất ít. Tuy nhiên, đây lại là mảnh đất giàu tính nhân văn. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất “mỹ tục khả phong”, “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng. Đặc biệt, làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh không những đã trở thành di sản văn hóa của cả nước mà còn vượt qua mọi không gian, thời gian đến với bạn bè quốc tế và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng là vựa lúa của Đồng bằng Bắc Bộ và là địa phương có nhiều làng nghề. Ít nơi nào có nhiều làng nghề nổi tiếng như tỉnh Bắc Ninh: Làng mộc Đồng Kỵ, gốm sứ Phù Lãng, gò đúc đồng Đại Bái, chạm khắc Phù Khê, Kim Thiều, sơn mài Đình Bảng, cày bừa Đông Xuất, giấy dó Đống Cao, dệt lụa Tam Sơn...
Sự chuyển mình ấn tượng
Năm 1997, khi mới tái lập, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh còn hạn chế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và một số làng nghề. Đến nay, kinh tế Bắc Ninh phát triển với tốc độ nhanh chóng và ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp là đầu tàu tăng trưởng.
Trong những năm gần đây, Bắc Ninh đang chuyển mình mạnh mẽ.
Bắc Ninh có tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95% và là địa phương có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội nằm trong nhóm đầu cả nước. Một số dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mình của Bắc Ninh có thể kể đến như:
Tháng 1/2006, thị xã Bắc Ninh có quyết định công nhận là thành phố Bắc Ninh (loại III) trực thuộc tỉnh. Đến tháng 6/2014, Thành phố Bắc Ninh được công nhận đô thị loại II, trực thuộc tỉnh. Đến tháng 12/2017, Thành phố Bắc Ninh được công nhận đô thị loại I, trực thuộc tỉnh.
Con đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng hiện đại, văn minh, Bắc Ninh có đầy đủ cơ sở để hoàn thành mục tiêu quan trọng đó. Báo cáo của Cục thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đầy ấn tượng với chỉ số: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm (giá so sánh 2010) ước đạt 74.968 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh được ví là đầu tàu về FDI của cả nước khi thu hút tới 17,4 tỷ USD từ 30 quốc gia với 1.300 dự án
Song song với việc phát triển kinh tế, Bắc Ninh cũng là “điểm vàng” bất động sản miền Bắc nói chung và ven Thủ đô Hà Nội nói riêng. Là địa phương thu hút lượng lớn các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản về làm việc tại các khu công nghiệp, chính vì vậy nhu cầu về các dịch vụ chuẩn quốc tế với tiện ích cao cấp, nhất là dịch vụ lưu trú tại Bắc Ninh luôn ở tình trạng khan hiếm. Điều này gián tiếp khiến thị trường bất động sản tại đây sôi động trở nên sôi động hơn.
Phát huy những ưu thế về vị trí địa lý và sự đầu tư dồi dào từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bắc Ninh đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực đồng bằng Sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung, sẵn sàng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, những tháng cuối năm, căn hộ vẫn là phân khúc có nhiều điểm sáng và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ảnh: Vietnamfinance.vn
Đánh giá về tình hình bất động sản (BĐS) TP.HCM trong 10 tháng qua, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong vấn đề pháp lý. Điều này dẫn tới sự biến động nguồn cung, nhất là thiếu loại căn hộ, nhà ở. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể, tình hình BĐS không đến nỗi bi quan. Tại một số vùng, giá bán vẫn ổn định với tỷ lệ hấp thụ cao.
Lượng tiêu thụ nguồn cung mới lên tới 96%, tăng 6,5 lần so với quý 2 và 2,1 lần so với cùng kì năm trước. Tỉ lệ hấp thụ rất cao cho thấy người mua nhà vẫn dành một sự quan tâm rất lớn đến phân khúc nhà ở một khi có cơ hội rót tiền.
Theo ông Hiển, xét về các phân khúc BĐS thì điều bất ngờ nằm ở phân khúc căn hộ, ông Hiển dẫn chứng: Nếu như trong những năm 2017, 2018, các nhà đầu tư đều cho rằng căn hộ không phải phân khúc hấp dẫn do khả năng kiếm lời thấp, thì sang năm 2019, tình hình đã thay đổi. Khảo sát ở một số khu vực như quận 2, quận 7… giá căn hộ vẫn trụ vững, một số khác tăng mạnh từ 10 – 20%. Như vậy có thể nói phân khúc căn hộ ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều tăng tốt hơn so với các phân khúc khác.
Dự báo về phân khúc BĐS có thể phát triển trong những tháng cuối năm 2019, ông Hiển nhận định: “Trong những tháng cuối năm, căn hộ vẫn là phân khúc hấp dẫn với các nhà đầu tư. Dự kiến, phân khúc này sẽ tăng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trong thời gian này các nhà đầu tư cũng sẽ tập trung mạnh về các tỉnh ven biển để đầu tư vào phân khúc nghỉ dưỡng, khu đô thị mới xen kẽ nghỉ dưỡng”.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Dưỡng, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, thị trường sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực trong quý IV. “Mặc dù khó có thể tăng trưởng đột biến, song trong quý IV, thị trường BĐS sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn so với quý III, đây là thời điểm người dân đã “gom” được tài chính và tâm lý mua nhà để đón Tết Nguyên đán”, ông Dưỡng nêu nhận định.
Theo CBRE, trong quý cuối năm 2019 và năm 2020, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm khoảng 42.000 căn hộ với các dự án mới chủ yếu từ các quận ven thành phố.
Với lượng nguồn cung mới, giá sơ cấp dự kiến sẽ tăng nhẹ so với quý III/2019. Phân khúc hạng sang sẽ duy trì tốc độ tăng giá 10% theo năm do khan hiếm nguồn cung. Phân khúc cao cấp và trung cấp sẽ tăng chậm hơn do có thêm nguồn cung mới và năm 2019 đã thiết lập mặt bằng giá mới. Mức tăng giá tại hai phân khúc này lần lượt là 6% và 5% theo năm. Phân khúc bình dân duy trì mức tăng giá 3% theo năm.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Du lịch tâm linh có tiềm năng trở thành con gà đẻ trứng vàng cho các nhà đầu tư.
Ảnh: TTXVN
Bên cạnh 2 phân khúc du lịch chủ chốt là nghỉ dưỡng và trải nghiệm sinh thái, các hoạt động kinh doanh du lịch tâm linh đang thu hút ngày càng nhiều đại gia quan tâm.
Một doanh nghiệp hoạt động trong ngành viễn thông là Saigontel gây bất ngờ khi cho biết đang có kế hoạch đầu tư một dự án bất động sản tâm linh trong thời gian tới.
Du lịch tâm linh có tiềm năng trở thành con gà đẻ trứng vàng cho các đại gia nhờ nhu cầu tham quan du lịch của người dân đang gia tăng mạnh mẽ. Xu thế đó phần nào phản ánh thông qua kết quả hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch
Nhìn ra thế giới, du lịch tâm linh đang mang lại nguồn thu không nhỏ cho một số quốc gia, ví dụ như Ấn Độ. Nghiên cứu của hãng du lịch Ixigo cho thấy phân khúc du lịch có liên quan đến tôn giáo - tâm linh đang trở thành một trong những mảng tăng trưởng chính của thị trường lữ hành Ấn Độ khi chiếm hơn 60% tổng doanh thu du lịch nội địa.
Lý do là ngày càng nhiều du khách chọn tới các thành phố tôn giáo nổi tiếng, điển hình như Varanasi hay Puri, thay vì các điểm nghỉ dưỡng đơn thuần. Quy mô thị trường du lịch tâm linh của Ấn Độ ước tính lên tới 40 tỉ USD và đang trở thành điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư.
Hãy quay trở lại thị trường Việt Nam. Có thể thấy sự gia tăng dòng vốn từ khối tư nhân vào địa danh tâm linh thời gian qua phần nào mang đến những tác động tích cực. Với quy mô lớn, chiến lược đầu tư bài bản, các nhà đầu tư lớn có thể tạo ra những thay đổi đáng kể, góp phần khai phá tiềm năng và nâng tầm chất lượng thị trường du lịch cho địa phương.
Làn sóng đó cũng giải cơn khát trải nghiệm các hoạt động du lịch gắn liền với tôn giáo của người dân, vốn gia tăng nhu cầu hành hương lễ Phật. Trong khi những địa danh như Côn Đảo, Bái Đính hay Sapa ngày càng xuất hiện nhiều trên bản đồ du lịch thế giới.
Dù vậy, khác với các phân khúc nghỉ dưỡng - giải trí khác, thị trường du lịch tâm linh đòi hỏi sự tiếp cận thận trọng hơn trong công tác quy hoạch nhằm có thể vừa khai khác, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa vốn rất nhạy cảm với hàng triệu tín đồ tôn giáo. Do đó, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư chiến lược rót vốn, Chính phủ sẽ cần thêm công cụ hạn chế các hành vi trục lợi tài chính kém minh bạch.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Một bài báo trên Nikkei Asian Review (Nhật) ngày 31.10 đưa ra nhận định: 'Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm nông nghiệp châu Á'.
Điểm yếu của nông sản Việt ra thị trường toàn cầu bị cho là không có vùng tập trung. Ảnh: Chí Nhân
Theo Báo Thanh Niên
Sau 1 năm triển khai, dịch vụ giải trí không dây (Wireless Streaming) trên máy bay Airbus A321neo ngày càng hoàn thiện với số tàu bay tăng lên, cũng như bổ sung thêm nhiều chương trình mới mẻ, hấp dẫn cho mọi đối tượng hàng khách.
Trước xu hướng công nghệ số đang bùng nổ trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ vào giải trí trên máy bay trở thành một trong những tiêu chí đánh giá hàng đầu về chất lượng dịch vụ hàng không. Mong muốn cá nhân hóa trải nghiệm hành khách, nhiều hãng hàng không lại đang gặp khó khi bố trí các phương tiện giải trí đến từng ghế ngồi trên dòng máy bay thân hẹp một lối đi, vốn có nhược điểm là hạn chế về không gian. Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên hóa giải mâu thuẫn này khi triển khai ứng dụng công nghệ giải trí không dây Wireless Streaming với dòng máy bay hiện đại A321neo, chính thức định nghĩa lại công nghệ giải trí trên dòng máy bay thân hẹp.
Cụ thể, tháng 11/2018, những chiếc máy bay Airbus A321neo thế hệ mới đã bắt đầu phục vụ dịch vụ giải trí trên một số đường bay nội địa và quốc tế ngắn có hành trình dưới 3 giờ. Không còn những giờ bay nhàm chán, hành khách chỉ cần mang theo tai nghe và thiết bị điện tử cá nhân là có thể tận hưởng những phút giây hoàn toàn thư giãn trên không. Dịch vụ giải trí không dây (Wireless Streaming) được cài đặt kích hoạt tự động khi máy bay đạt độ cao khoảng 700m, không giới hạn số lượng truy cập và không bị gián đoạn trong suốt hành trình bay. Người dùng truy cập bằng trình duyệt là có thể kết nối thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại thông minh, ipad, máy tính xách tay… đến kho giải trí của máy bay để xem phim ảnh, ca nhạc.
Ngoài ra, hành khách sử dụng dịch vụ giải trí không dây vẫn hoàn toàn tiếp nhận được các chỉ dẫn từ phi công và tiếp viên mà không cần lo lắng vì bỏ lỡ những thông báo quan trọng của phi hành đoàn.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, năm nay, Vietnam Airlines tiếp tục nâng cấp công nghệ giải trí số trên máy bay Airbus A321neo. Từ tháng 9 vừa qua, dịch vụ Wireless Streaming đã tăng lên với 24 phim điện ảnh, 26 phim truyền hình và 43 chương trình audio để hành khách thoải mái lựa chọn theo sở thích của mình. Nâng cao về chất lẫn lượng của các chương trình, dịch vụ giải trí trên không của A321neo đang tiến tới tiêu chuẩn của các dòng máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350.
Không chỉ trang bị công nghệ giải trí không dây hiện đại, các tàu bay Airbus A321neo còn có không gian rộng rãi, đem lại giây phút thư giãn thực sự cho hành khách
Cùng với việc đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật để gia tăng chất lượng cho dịch vụ giải trí trên không, Vietnam Airlines còn khiến khách hàng hài lòng ở mọi điểm chạm trên hành trình trải nghiệm. Mới đây, hành khách của hãng có thể mua vé máy bay bằng tiền và dặm, giúp tối đa hóa lợi ích của số dặm đã tích lũy. Bên cạnh đó, khách hàng cũng dễ dàng thanh toán dịch vụ hàng không trên nền tảng công nghệ mới như: QR code thông qua cổng thanh toán nội địa Napas (ứng dụng Momo, Moca) và cổng thanh toán nội địa VNPay, dịch vụ thanh toán trực tuyến SOFORT Banking tại các thị trường Đức, Thụy Sỹ và Áo...
Đồng thời, việc tiến hành thủ tục trực tuyến cũng ngày càng dễ dàng với các thao tác đơn giản qua website, ứng dụng di động, bên cạnh sự xuất hiện của các quầy tự làm thủ tục kiosk check-in tại nhiều sân bay trong và ngoài nước. Đặc biệt, hãng đã cho ra mắt phiên bản ứng dụng di động mới có nhiều tính năng hiện đại, dễ sử dụng,…
Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, Vietnam Airlines đang có bước tiến vững chắc trên lộ trình trở thành hãng hàng không kỹ thuật số và được yêu thích tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngày càng đem đến những dịch vụ xứng đáng cho khách hàng.
Theo Cafef
Thị trường BĐS phía nam Đà Nẵng đang có những dấu hiệu tích cực.
Chủ trương ổn định thị trường
Năm 2018, sau giai đoạn phát triển bùng nổ với dòng tiền từ giới đầu tư ồ ạt đổ vào các dự án nghỉ dưỡng, đất nền tại TP. Đà Nẵng, thì đến giữa quý I/2018 thị trường bất động sản (BĐS) ở địa phương đã chững lại và bắt đầu hạ nhiệt từ quý II/2018. Việc các “cò đất” bắt tay đẩy giá lên cao và tăng ảo đến mức không còn phù hợp với cung cầu đã khiến cho thị trường bung giá. Những người có nhu cầu ở thực không thể mua, giới đầu tư không dám xuống tiền. Sau khi thu được khoản lời lớn, “cò đất” tháo chạy, nhiều người phải bán tháo chịu lỗ để trả nợ ngân hàng.
Đến tháng 3/2019, giữa lúc thị trường BĐS đầy ảm đạm và các nguy cơ bất ổn, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị các ban ngành điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin, có dấu hiệu lừa đảo, mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chính quyền địa phương có các biện pháp nhằm ổn định thị trường và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau những vụ mua bán không minh bạch trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, vấn đề cốt lõi của thị trường BĐS Đà Nẵng lại là việc quản lý. Từ góc độ thị trường, chúng ta cần tôn trọng quy luật cung - cầu. Chính quyền có thể đưa ra những chính sách thuế hoặc chính sách hỗ trợ khác để kích thích thị trường và để thị trường phát triển theo quy luật tự nhiên thay vì “dìm” giá BĐS.
Các chuyên gia cho rằng, diễn biến thực tế hiện nay cho thấy, thị trường BĐS Đà Nẵng dù đang chững lại nhưng cũng khó có thể “vỡ bong bóng” hay đóng băng lâu dài. Bởi, thành phố đầy tiềm năng này luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư và cư dân. Do đó, có thể nói rằng, đây chính là điểm dừng cần thiết để Đà Nẵng điều chỉnh lại thị trường với các chính sách mới, sẵn sàng cho quá trình phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đầu năm 2019, Nghị quyết số 43 về Xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành, đã xác định mục tiêu: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á; và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”.
Đây được coi là một “cú hích” chính sách để BĐS Đà Nẵng tiếp tục hút vốn đầu tư. Theo đó, BĐS ở TP. Đà Nẵng tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút mạnh nhà đầu tư. Trên thực tế, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này từ Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào Đà Nẵng.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có 16 dự án trọng điểm đã khởi công và sẽ có 8 dự án hoàn thành vào cuối năm 2019. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Đà Nẵng trong năm 2019 gần 7.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA là 1.200 tỷ đồng... Bởi vậy, thị trường BĐS ở địa phương sẽ có những kỳ vọng, cơ sở để khởi sắc.
Tín hiệu tích cực từ phía nam
Trên thực tế, từ quý II/2019, thị trường BĐS trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã có những dấu hiệu tích cực và được dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại vào thời điểm cuối năm 2019, khi thông tin pháp lý của các dự án được ổn định và rõ ràng hơn. Trong đó, thị trường phía nam Đà Nẵng cùng khu vực giáp ranh – Bắc Quảng Nam - được xem là một “miền đất hứa”, đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và người mua nhà ở.
Sự kỳ vọng này được tổng hợp từ nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Tháng 5/2017, các cơ quan chức năng đã thông qua dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng và Quảng Nam bằng đường sông. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất thông luồng toàn tuyến sông Cổ Cò trước tháng 9/2020. Khi sông Cổ Cò được “hồi sinh”, khu vực phía Đông Nam thành phố sẽ trở thành trung tâm phát triển mới với tiềm năng du lịch rộng mở.
Trong định hướng phát triển du lịch, đô thị phía nam giữa Đà Nẵng – Hội An, sông Cổ Cò đóng một vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan kiến trúc mà còn đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tạo ra những khu đô thị sinh thái thiên nhiên ven sông.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng công bố đơn vị trúng thầu xây dựng đường và cầu mới qua sông Cổ Cò, thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông TP. Đà Nẵng với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 180 tỷ đồng. Dự án này được triển khai tại vị trí điểm cuối đường Võ Chí Công và điểm đầu đường Võ Quý Huân, vượt qua sông Cổ Cò thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Cầu Cổ Cò mới được kỳ vọng sẽ trở thành điểm kết nối quan trọng trên “con đường tơ lụa” giữa Đà Nẵng và Hội An, góp phần mang lại diện mạo mới cho khu đô thị phía Nam. Trong khi đó, ở địa phương lân cận, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX kỳ họp thứ 11 cũng đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án BĐS đều nằm tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, khu vực giáp ranh với phía nam Đà Nẵng.
Ngoài ra, theo dòng xu hướng cùng các dự án nghỉ dưỡng sắp hoàn thiện, thị trường BĐS phía nam Đà Nẵng được dự đoán sẽ đón nhận thêm hàng loạt sản phẩm biệt thự ven sông. Theo số liệu thống kê tính đến giữa năm 2019, tổng nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng của Đà Nẵng đến từ 17 dự án, trong đó, quận Ngũ Hành Sơn chiếm đến 92% thị phần (14 dự án).
Tuy nhiên, do quỹ đất ven biển hạn chế và định hướng điều chỉnh quy hoạch chung với một trong hai hướng mũi nhọn là Đông Nam - khu vực bãi tắm Sơn Thủy, khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn - và sông Cổ Cò. Bởi vậy, trong tương lai, biệt thự ven sông có thể sẽ “lên ngôi” trong phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thực tế, tuyến đường này đã tạo ra trục kinh tế trọng điểm của TPHCM hiện tại. Nó giúp kết nối những công trình trọng điểm như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước và Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Con đường thành hình, việc trung chuyển hàng hóa từ Khu chế xuất Tân Thuận, cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận các tổng kho, tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại đã được giải quyết.
Vai trò chiến lược của con đường càng được xác định rõ nét và trở thành tuyến vành đai chủ lực tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ Nam Sài Gòn đến các quận, các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ khi cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn được xây dựng, nối liền trục giao thông vành đai phía Đông Thành phố, nối từ quận 7, sang quận 2 và quận 9.
TS. Nguyễn Văn Tùng, giảng viên Khoa Quy hoạch vùng và đô thị, Đại học Kiến trúc TPHCM cho rằng, điều dễ thấy nhất tại khu Nam, đó là kinh tế khu vực này phát triển mạnh nhất TPHCM trước đây và hiện nay. Sau khi tuyến đường Nguyễn Văn Linh được hình thành, hàng loạt các doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ về đây đặt văn phòng tại các tòa nhà dọc tuyến đại lộ này.
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng, cho biết: "Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ các hướng phát triển của thành phố trước khi quyết định chọn Nam Sài Gòn. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển khu công nghiệp và khu đô thị lớn. Theo đó, hướng Bắc có điều kiện đất đai và hạ tầng rất tốt, tuy nhiên, nếu phát triển khu đô thị với quy mô lớn ở đây thì về lâu dài có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước của TPHCM".
Mặt khác, phát triển về hướng Tây ở thời điểm đó hạ tầng chưa hoàn thiện, vị trí nằm xa quận 1 và quận 5 – hai quận trung tâm sầm uất của thành phố. Quận 2 thì gần quận trung tâm, nhưng điểm hạn chế bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn.
Vì vậy, Nam Sài Gòn đã được chọn vì những lý do sau: Dải đô thị nằm dọc cùng trục và gần hai quận trung tâm là quận 1, quận 5, hệ thống giao thông sẵn có nên dễ dàng kết nối. Đồng thời, phát triển theo hướng Nam cũng phù hợp với xu thế phát triển của những đô thị lớn trên thế giới, đó là phát triển tiến dần ra biển. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên khu Nam Sài Gòn khá tốt, có hệ thống kênh rạch dày đặc, nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ - lá phổi xanh của TPHCM - nên đây là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển đô thị sinh thái.
Không dừng lại ở đó, cũng với chiến lược quy hoạch vùng đô thị mở rộng về các tỉnh phía Nam (Long An, Tiền Giang, Tây Ninh...), TPHCM cũng đang dành một nguồn ngân sách khá lớn và kêu gọi nhiều tập đoàn đa quốc gia cùng tham gia phát triển hàng loạt dự án đầu tư mở rộng - nâng cấp cầu đường hiện hữu để tạo nên một đối trọng không kém cạnh với các vùng còn lại của thành phố.
Đặc biệt, UBND TPHCM đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 5.000 tỷ đồng.
Song song đó, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên cũng sẽ được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.
Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt thành phố cũng lên phương án mở rộng lộ giới đường Lê Văn Lương lên hơn 40m - tuyến đường huyết mạch bắt đầu đại lộ Nguyễn Văn Linh kết nối khu Nam TPHCM đi qua khu đô thị cảng Hiệp Phước và kết nối trực tiếp với huyện Đức Hoà, Cần Giuộc của tỉnh Long An.
Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Nắm bắt thời cơ này, việc doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển ra các khu vực lân cận phát triển dự án, nhằm thoát khỏi trung tâm đã quá chật chội để tìm thị trường mới là lẽ đương nhiên. Các đô thị vệ tinh lân cận TPHCM sẽ là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng với nhu cầu nhà ở người dân tăng cao, mức thu nhập cũng cải thiện hơn rất nhiều. Đây cũng là giải pháp hợp lý khi kết nối hạ tầng giao thông TPHCM với các tỉnh, thành lân cận đang được hoàn thiện rõ rệt.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá cho thấy hiện trạng khan hiếm đã khiến thị trường phía Nam xuất hiện làn sóng đầu tư ngược tập trung những khu vực liền kề Nam Sài Gòn như Cần Giuộc, Đức Hòa. Hiện nay, nếu khoảng cách từ các quận ngoại thành (Củ Chi, Cần Giờ…) lên đến Bến Thành vào khoảng 18 - 35km, thì Cần Giuộc chỉ khoảng 15km, Đức Hòa khoảng 30km.
Qua tìm hiểu được biết, tại nhiều xã của huyện Cần Đước và Cần Giuộc cũng đang xảy ra “sốt” đất. Cụ thể, giá đất ở xã Tân Bửu và Mỹ Yên, huyện Bến Lức và một số xã của huyện Cần Giuộc: Phước Vĩnh Đông, Phước Lý, Phước Hậu, Tân Kim, Long Thượng đều đang được đẩy lên cao ngất ngưởng, không thua kém là bao so với Đức Hòa.
Đơn cử, tại Cần Giuộc, giá đất hiện tại đang dao động ở mức 18 - 25 triệu đồng/m2, đã tăng gấp đôi với năm 2016. Theo nhận định của các chuyên gia, trong tương lai với sự hoàn thiện đến từ hạ tầng, giá bất động sản khu vực này sẽ còn tăng gấp nhiều lần hơn nữa.
Theo tìm hiểu và xác nhận của chính quyền, khách hàng mua đất ở các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (ven TPHCM) chủ yếu đến từ TPHCM. Nói về nguyên nhân tạo nên cơn "sốt" đất ở một số địa bàn của Long An giáp TPHCM tăng cao đột biến như thời gian gần đây, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉng Long An) - ông Phan Văn Cường cho rằng qua nắm thông tin thì do TPHCM đang giải phóng mặt bằng một số vùng ở cặp kênh, rạch, nên nhiều người tìm về các vùng giáp ranh của Long An để mua đất, bởi so với đất ở thành phố thì còn rẻ hơn nhiều, khoảng cách địa lý đi - về thành phố cũng không xa.
Ngoài ra, cũng có nguyên nhân khác như xuất phát từ những thông tin về công trình, dự án sắp tới đầu tư kết nối vùng giữa TPHCM và Long An nên có những người mua với mục đích "đón gió". Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp nhận thấy nhu cầu mua đất ở tăng cao nên đầu cơ mua rồi bán lại để kiếm lời và đẩy giá lên cao...
Theo CAFEF