Bình Thuận đã xây dựng một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp. Trong đó, tỉnh coi trọng việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Tỉnh cũng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến môi trường đầu tư nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính một cửa liên thông trên nhiều lĩnh vực và tạo sự thông thoáng trong thủ tục kêu gọi các nhà đầu tư.
Là tỉnh nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi. Vài năm trở lại đây, sự đột phá trong hạ tầng kết nối đã khiến vùng đất này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Hiện nay, hai dự án cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được giải phóng mặt bằng gần 50%. Dự án này dự kiến sẽ được khởi công vào quý 3 hoặc quý 4/2020.
Hai tuyến cao tốc nối TP. Phan Thiết - Dầu Dây và TP.Phan Thiết - Cam Ranh (Khánh Hòa) đang mở thầu. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía nam.
Sân bay Phan Thiết cũng đang được các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm được thi công. Đồng thời, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 50.000 DWT, sẽ góp phần nâng cao năng lực giao thông vận tải, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tạo động lực thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm cho tỉnh Bình Thuận.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Đứng trước những cơ hội lớn, Bình Thuận đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 đến nay, tình hình thu hút dự án đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Dự án được cấp chủ trương đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đều tăng.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 264 dự án với tổng số vốn đăng ký 53.031 tỉ đồng. Các nhà đầu tư đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước tỉnh gần 759 tỉ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 2.881 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký khoảng 36.814 tỉ đồng.
Các kết quả đạt được từ sau Hội nghị năm 2017 đã tác động tích cực đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2018 tăng 8,08%, cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 của tỉnh Bình Thuận đã tăng lên 64 điểm, đứng thứ 22 trên 63 tỉnh thành trên cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.251 USD, tăng 13,75% so với năm 2017.
Trong năm 2018, lượng du khách đến Bình Thuận đạt hơn 5,7 triệu lượt người, tăng 12,08% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 12.864 tỉ đồng, tăng 18,98% so với năm 2017.
Thông qua Hội nghị năm 2017, các định hướng về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đối ngoại và đối nội của tỉnh đã được Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm và ghi nhận.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 diễn ra ngày 22/9 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong những năm qua, Bình Thuận luôn tận dụng tối đa các nguồn lực, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư. “Trong thời gian đến, cùng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chúng tôi cam kết xây dựng tỉnh Bình Thuận là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn với các dịch vụ hành chính công tiện ích, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và chất lượng môi trường sống”, ông Hai nói.
Tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào ba lĩnh vực chính gồm: du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn,Bình Thuận hướng đến xây dựng trung tâm thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế gắn với mô hình phức hợp, bất động sản du lịch gắn với các khu thể thao khai thác địa hình, cảnh quan khu vực đa dạng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi – giải trí cao cấp, các dự án thương mại, đô thị, khu dân cư. Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia. Xây dựng gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển, hạ tầng đô thị kết hợp du lịch.
Bình Thuận cũng lên kế hoạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ tham gia, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ ngành du lịch để có cơ sở tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch đến tỉnh.
Theo Cafe Land
Trong ngành bán lẻ thì vật phẩm văn hoá, giáo dục có mức tăng mạnh nhất, còn lương thực phẩm chỉ đứng ở vị trí thứ hai.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng qua vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, đạt 2,76 triệu tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2019 ước tính đạt 420 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung quý 3/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng năm 2019 đã đạt đến 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,2%.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng qua đạt 2,76 triệu tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nếu như mọi khi ngành hàng lương thực, thực phẩm luôn có mức tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu bán lẻ thì trong 9 tháng qua, vật phẩm văn hoá, giáo dục lại là ngành hàng có mức tăng trưởng dẫn đầu, với 17,4%.
Ngành hàng lương thực, thực phẩm tụt xuống vị trí thứ hai với mức tăng 15,4%; còn đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình có mức tăng mạnh thứ ba với 13%.
Ngành hàng may mặc cũng đạt tăng trưởng khá với 12%; phương tiện đi lại tăng 10,2%.
Một số địa phương có mức tăng khá là Quảng Ninh tăng 19,7%; Bình Dương tăng 17,6%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Hải Phòng tăng 14,9%; Đà Nẵng tăng 13,9%; Nghệ An tăng 13,8%; Hà Nội tăng 12,7%;...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 434,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng mức và tăng 9,6%. Trong đó, một số địa phương tăng khá là Bình Định tăng 19,5%; Quảng Bình tăng 16,2%; Hải Phòng tăng 15,9%; Cần Thơ tăng 15,3%; Vĩnh Long tăng 11,9%; Hà Nội tăng 11,3%…
Doanh thu du lịch lữ hành đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 404,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng mức và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo VnEconomy
26 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD.
Cụ thể, mặt hàng điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 38,6 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,4 tỷ USD, tăng 16,9%. Hàng dệt may cũng tăng mạnh, đạt 24,8 tỷ USD, tăng 10,4%.
Riêng mặt hàng giày dép đạt 13,3 tỷ USD, tăng 13,5% và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,9 tỷ USD, tăng 7,5%. Các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tuy gặp nhiều khó khăn do các thị trường áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật mới, nhưng các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực xuất khẩu và đạt 7,5 tỷ USD, tăng 17%. Mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,4 tỷ USD, tăng 8,1%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản 9 tháng năm nay đều giảm mạnh. Trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng cà phê đạt 2,2 tỷ USD, giảm 20,7%, kế đến là gạo đạt 2,2 tỷ USD, giảm 9,7%. Các mặt hàng khác như hạt điều, rau quả, tiêu, chè… cũng có mức giảm từ 4% - 6%.
Theo nhìn nhận chung của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ có sự mất cân xứng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa các ngành là do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Theo đó, mặt hàng nông thủy hải sản giảm mạnh do phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu Trung Quốc. Do vậy, khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt rào cản tiêu chuẩn nhập khẩu thì hàng nông thủy hải sản Việt Nam gặp khó.
Còn thị trường xuất khẩu của các mặt hàng điện, điện tử, dệt may, da giày… chủ yếu là Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… nên doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì lợi thế xuất khẩu.
Hiện Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 31,1 tỷ USD, giảm 0,7%; thị trường ASEAN đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7%; Nhật Bản đạt 15,1 tỷ USD, tăng 10%; Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD, tăng 8,1%.
Tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính chung 9 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,57 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 134,73 tỷ USD, tăng 5%, chiếm 69,3%.
Cùng ngày, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 9-2019 ước đạt 890,8 triệu USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2018, nâng tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2019 ước đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt 6,06 tỷ USD. Gỗ và lâm sản được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là thị trường chủ yếu.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Những tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 14/01/2019 đến 25/6/2019, nếu đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng thuế
theo quy địnhtại Nghị định này và đã nộp thuế theo mức cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa.
Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo quy định tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi để thực hiện Nghị định này.
Theo đó, Biểu thuế xuất khẩu bao gồm: Mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang từng nước, đối với từng mã hàng, theo các năm trong giai đoạn 2019 – 2022.
Các mặt hàng không thuộc Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, được áp dụng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang: Mê hi cô, Úc, Canada, Nhật Bản, Niu Di lân, Singapore.
Điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP là: hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước: Úc, Canada, Nhật Bản, Niu Di lân, Singapore, Mê hi cô; Có chứng từ vận tải (bản chụp) thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước này và Có tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào các nước đó (bản chụp và bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong trường hợp ngôn ngữ sử dụng trên tờ khai không phải là tiếng Anh).
Thủ tục áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP thực hiện như sau:
Tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan thực hiện khai tờ khai xuất khẩu, áp dụng mức thuế suất, tính và nộp thuế theo Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Trong thời hạn một năm kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu, người khai hải quan nộp đầy đủ các chứng từ chứng minh hàng hóa đáp ứng đủ điều kiện được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi (chứng từ vận tải (bản chụp), tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng) và thực hiện khai bổ sung để áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo quy định. Quá một năm, hàng hóa xuất khẩu không được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP.
Cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra mức thuế, nếu hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đủ các điều kiện quy định thì thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho người khai hải quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo quy định của Hiệp định CPTPP, 6 nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định (gồm: Mê hi cô, Canada, Nhật Bản, Niu Di lân, Singapore) có quyền thông báo với các nước phê chuẩn sau về thời điểm bắt đầu lộ trình cắt giảm thuế.
Trên cơ sở quy định đó, 5 nước gồm: Úc, Canada, Nhật Bản, Niu Di lân, Singapore thông báo áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ hai cho Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Đối với 5 nước này, Việt Nam cũng áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ hai từ ngày 14/01/2019.
Mê hi cô thông báo áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ nhất cho Việt Nam từ ngày 14/01/2019, theo đó Việt Nam cũng áp dụng mức cắt giảm thuế lần thứ nhất từ ngày 14/01/2019. Việc áp dụng hai lộ trình riêng cho hai nhóm nước như trên đảm bảo tuân thủ cam kết và đảm bảo lợi ích cho Việt Nam.
Nghị định số 57/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 26/6/2019 và áp dụng đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 14/01/2019. Những tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 14/01/2019 đến 25/6/2019 nếu đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng thuế theo quy định tại Nghị định này và đã nộp thuế theo mức cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa.
Với việc ban hành Nghị định này, đây là Biểu thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi đầu tiên của Việt Nam chỉ áp dụng cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang một số nước nhất định bên cạnh Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Ông John Campbell, Tư vấn cấp cao phòng Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, trong hai quý đầu năm 2019 thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ghi nhận nhiều tăng trưởng tích cực và điều này sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường nhà ở, văn phòng.
Tính đến nay, có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 95.500 ha. Thị trường ghi nhận 251 khu công nghiệp đã hoạt động với 60.900 ha (74% lấp đầy), 75 khu công nghiệp (29.300 ha) đang xây dựng, đền bù và giải phóng mặt bằng; 17 đặc khu kinh tế duyên hải có tổng nguồn cung 845.000 ha với 3,6 triệu lao động.
Chuyên gia này phân tích, khi tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ngày càng cao, lực lượng người lao động, quản lý, chuyên gia làm việc tại đây chắc chắn sẽ cần nhà ở. Mặt khác, các nhà sản xuất (doanh nghiệp, tập đoàn) cũng có nhu cầu đặt văn phòng làm việc, văn phòng đại diện tại vùng sản xuất để thuận tiện cho việc quản lý và kết nối thương mại.
Bên cạnh nhà ở và văn phòng là hai thị trường liên thông có nguồn cầu kết nối mạnh mẽ với thị trường bất động sản công nghiệp, nhiều khả năng bất động sản bán lẻ cũng được hưởng lợi kép từ chuỗi nhu cầu này. Bởi lẽ ở đâu có nhà ở và văn phòng phát triển, nơi đó lập tức xuất hiện các dịch vụ đi kèm để phục vụ cho hệ sinh thái bất động sản này.
Ông John Campbell cho hay, vốn đầu tư (FDI) vào ngành công nghiệp trong nửa đầu năm 2019 ghi nhận có 1.723 dự án mới đăng ký tương đương 7,41 tỷ USD. Phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỷ USD tăng 39,8% theo năm.
Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố thu hút đầu tư nhất, chiếm 26,3% và 16,7% tổng vốn FDI. Theo sau là Bình Dương chiếm 7,4% và Đồng Nai chiếm 6,7%. Nguồn vốn đầu tư từ Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 28,7% với 5,3 tỷ USD, theo sau là Hàn Quốc với 2,73 tỷ USD và Trung Quốc với 2,28 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp và vùng kinh tế thu hút gần 340 dự án FDI với tổng nguồn vốn gần 8,7 tỷ USD.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê (RBF) và nhà xưởng xây theo yêu cầu (BTS).
Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án công nghiệp sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam. Song khi tiếp tục chuyển đổi sang ngành công nghiệp giá trị cao Việt Nam phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng đầu tư.
Theo VnExpress
Khi các lực đẩy truyền thống và có yếu tố Nhà nước chậm lại, kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực chính để tạo bất ngờ.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT.
Như đã đề cập ở các bài viết trước, với kết quả Tổng cục Thống kê vừa công bố, Việt Nam đang đi ngược xu hướng chung trên thế giới với tăng trưởng GDP ở mức cao, đặc biệt trong quý III/2019.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước tăng 6,98%, quý III/2019 ước tăng 7,31% không chỉ tạo bất ngờ sau xu hướng chậm lại nửa đầu năm, hoặc đặt trong bối cảnh chung trên thế giới, mà còn bất ngờ khi nhìn vào những yếu tố nội tại.
Thứ nhất, cũng theo Tổng cục Thống kê, đòn bẩy tín dụng cho nền kinh tế đã hụt đi, với mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Cụ thể, tính đến 20/9/2019, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 8,4%, rất thấp so với mức 9,52% cùng kỳ 2018, đặc biệt cùng kỳ 2017 tăng tới 11,02%, cùng kỳ 2016 cũng ở mức cao hơn nhiều với 10,46%.
Sức hấp thụ vốn và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của nền kinh tế tốt lên hay không là một khía cạnh khác, còn xét về gia tăng lượng thì một lực đẩy truyền thống đã thấp hẳn như trên.
Thứ hai, quý III có tăng trưởng GDP ấn tượng thì đây cũng là quý mà Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải liên tiếp họp, quyết liệt chỉ đạo và ra nhiều văn bản quan trọng trước tình trạng giải ngân đầu tư công vẫn tắc nghẽn kéo dài, hay giải ngân vốn ODA quá hụt so với tiến độ và kế hoạch…
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3%. Đáng lưu ý là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa cải thiện nhiều, tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015-2019.
Như vậy, tiếp theo, một động lực chính yếu và truyền thống là vốn Nhà nước cũng rất hạn chế.
Thứ ba, theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay vốn đầu tư từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,4%, nhưng có một con số khác cũng đáng chú ý: đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút mới từ đầu năm đến 20/9 giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, từ thực tế ba nguồn lực trên, động lực còn lại dồn và thể hiện rõ ở kinh tế tư nhân để có bất ngờ và thành quả ở GDP tăng trưởng cao.
Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư.
Cụ thể, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước trong kỳ vừa báo cáo đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (45,3%) và đạt tốc độ tăng vốn cao nhất 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế các cấu phần và tương quan gia tăng đó “khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”, theo lời viết trong báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Theo Bizlive
Bất chấp những thách thức phía trước, Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường trọng tâm hút các doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng mặt trời trên khắp thế giới.
Triển lãm Năng lượng mặt trời Việt Nam - Vietnam Solar Power Expo 2019 do Tập đoàn Neoventure tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25 - 26/9 đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong ngành năng lượng mặt trời và sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất và nhà thầu tham gia mạnh mẽ vào thị trường.
Việt Nam hiện đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia và điện mặt trời chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, hiện cũng có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2019.
Điển hình, Tập đoàn BIM Group đã khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW sau hơn 9 tháng chính thức thi công.
Đây là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động và dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm.
Tập đoàn Thành Thành Công, một trong những nhà phát triển các dự án điện mặt trời lớn nhất cả cả nước đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35MW) và Krong Pa (49MW).
Ngoài ra, lĩnh vực này còn có sự xuất hiện của nhiều cái tên đáng chú ý khác như Tập đoàn Trung Nam, Công ty Xuân Cầu, TTVN Group hay Bamboo Capital.
Cuộc đua điện mặt trời tại Việt Nam đang giúp các công ty sản xuất pin của Trung Quốc hưởng lợi.
Không chỉ thu hút các nhà thầu trong nước, Việt Nam có hàng loạt dự án điện mặt trời triệu đô từ các nhà đầu tư nước ngoài như: nhà máy Tata Power công suất 300 MW tại Hà Tĩnh, nhà máy Hanwha công suất 100-200 MW tại Thừa Thiên Huế, nhà máy GT & Associates và Mashall & Street Ltd công suất 150 MW tại Quảng Nam.
Đó là kết quả của việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, hướng đến mục tiêu đưa năng lượng mặt trời trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Thậm chí Việt Nam còn trở thành điểm đến đầu tư năng lượng mặt trời “nóng nhất” khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc đua điện mặt trời tại Việt Nam đang giúp các Công ty Trung Quốc hưởng lợi. Với hàng chục nghìn tỷ đồng đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Con số này phần lớn được chi trả cho các nhà thầu cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời, hạng mục thường chiếm khoảng 50% tổng chi phí của mỗi dự án.
Đáng chú ý, những công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đều nằm tại Trung Quốc. Theo một thống kê trong 10 nhà cung cấp tấm pin lớn nhất thế giới có sự góp mặt của 8 công ty đến từ Trung Quốc.
Không ít nhà cung cấp trong top này đã góp mặt trong các dự án điện mặt trời tại Việt Nam như JA Solar (nhà cung cấp lớn nhất thế giới), Trina Solar (xếp thứ 3) hay JinkoSolar (xếp thứ 5).
Đầu năm nay, JA Solar thông báo sẽ cung cấp toàn bộ pin với công nghệ phát quang thụ động cho nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 do Công ty cổ phần Bắc Phương xây dựng tại Ninh Thuận.
Năm ngoái, Trina Solar phát đi thông báo cung cấp pin cho dự án điện mặt trời của Trung Nam Group.
Một nhà cung cấp khác đến từ Trung Quốc là Risen Energy tháng 10 năm ngoái cũng thông báo trúng thầu dự án trạm năng lượng mặt trời có công suất 50MW của Thap Cham Solar- thành viên của Bitexco Group Việt Nam. Tại Ninh Thuận, tổng công suất lắp đặt của Risen Energy tại các dự án lên tới 161 MW, trong đó có dự án 61MW, công ty này kết hợp với Tasco để phát triển.
Theo Báo Đầu Tư
Thiết bị bay không người lái giúp nông dân canh tác nhỏ an toàn và tiết kiệm.
"Các giải pháp kỹ thuật số của Bayer sẽ mang đến những cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy canh tác bền vững trong nông nghiệp. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Bayer để giúp các nông hộ nhỏ sản xuất nhiều hơn với nguồn tài nguyên ít hơn".
Đây là chia sẻ của ông Kohei Sakata, Giám đốc Chiến lược Kỹ thuật số Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhánh Khoa học Cây trồng Tập đoàn Bayer nhân Diễn đàn "Nông nghiệp bền vững Việt Nam – EU, Nông nghiệp 4.0: Chìa khóa tiếp cận thị trường châu Âu".
Diễn đàn với sự tài trợ chính của Bayer được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hà Nội mới đây.
Tính bền vững trong nông nghiệp cần được đặc biệt chú trọng
Hoạt động nông nghiệp ngày càng tăng lên nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm; vì vậy, tính bền vững cần được đặc biệt chú trọng. Vào năm 2050, ở quy mô toàn cầu, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng 50% nhưng trước biến đổi khí hậu không ngừng diễn ra thì sản lượng nông sản có thể giảm tới 30%.
Để ngành nông nghiệp tương lai có nguồn thực phẩm cung cấp đủ cho nhu cầu trên phải tăng cường R&D trong nông nghiệp. Đồng thời, việc khuyến khích hướng nông dân với sản xuất lâu dài, bền vững, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu; giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ tiên tiến, tài chính sẽ góp phần cải thiện được sinh kế cho 500 triệu nông hộ nhỏ trên toàn cầu.
Ông Kohei Sakata - Giám đốc Chiến lược Kỹ thuật số Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhánh Khoa học Cây trồng Tập đoàn Bayer thuyết trình tại hội thảo.
Tại Việt Nam, phần lớn nông dân là các nông hộ sản xuất nhỏ, với diện tích đất canh tác từ 2-3ha, nhưng lại cung cấp đến 70% nguồn lương thực. Trước thực tế này, ông Kohei Sakata cho rằng: "Các giải pháp kỹ thuật số của chúng tôi sẽ mang đến những cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy canh tác bền vững trong nông nghiệp. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng của Bayer để giúp các nông hộ nhỏ sản xuất nhiều hơn với nguồn tài nguyên ít hơn".
Theo đó, mục tiêu của công ty là mang đến những giải pháp kỹ thuật số để nâng cao năng lực canh tác cho nông hộ nhỏ, tối ưu hóa phương pháp canh tác và giúp họ vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu và dịch bệnh để đạt năng suất, chất lượng và lợi nhuận cao hơn. Song song đó, nông hộ nhỏ có thể tăng năng suất nông nghiệp một cách bền vững và cải thiện cuộc sống của gia đình và cộng đồng cũng như giúp sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ mới hiện nay
Trong các giải pháp kỹ thuật số, thiết bị bay không người lái có thể giúp nông dân sản xuất nhỏ canh tác an toàn và tiết kiệm. Thiết bị này giúp phun các sản phẩm bảo vệ cây trồng, qua đó nông dân ít tiếp xúc với hóa chất, phun đúng vị trí và liều lượng giúp tiết kiệm thuốc, tiết kiệm nước và hạn chế lạm dụng các sản phẩm hóa học.
Hơn nữa, thiết bị còn là một giải pháp tuyệt vời giúp ứng phó với tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, nông dân sản xuất hiệu quả cao và ít lao động hơn.
Bayer đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Trung An để ứng dụng hệ thống máy bay không người lái nông nghiệp tại địa phương và cung cấp giải pháp bảo vệ cây trồng phù hợp để giúp cải thiện năng lực canh tác và kiểm soát dư lượng trong sản xuất lúa chất lượng cao, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Một giải pháp khác của Bayer là ứng dụng công nghệ sinh học giúp hạt giống ngô tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, điển hình như chống lại dịch sâu keo mùa thu trên cây ngô. Bệnh dịch này hiện là mối đe dọa trên toàn thế giới bao gồm cả Việt Nam, đã làm giảm đáng kể năng suất ngô.
Bayer cung cấp công nghệ sinh học giúp hạt giống ngô kháng tốt trước các cuộc tấn công của loài côn trùng này, và cùng với các giải pháp hóa học khác của công ty để bảo vệ cây trồng khỏi những dịch bệnh khác. Qua đó, nông dân không chỉ có thể bảo vệ được mùa màng mà còn cải thiện được sinh kế của họ.
"Với các công nghệ phát minh, chúng tôi muốn đưa nền nông nghiệp trở nên chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn, cũng như hấp dẫn hơn trong mắt thế hệ trẻ. Nhờ các giải pháp công nghệ mới, chúng tôi tin rằng Bayer có thể thực sự hỗ trợ những thay đổi mang tính thế hệ trong nông nghiệp, thúc đẩy chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững để nuôi sống dân số thế giới ngày càng tăng," ông Kohei nói thêm.
Theo VnEconomy
Nhiều nhà đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế giờ đây đang nhắm đến đất công nghiệp, bởi những tiềm năng mà loại hình này mang lại.
Theo Savills Việt Nam, bất động sản (BĐS) công nghiệp có tiềm năng lớn gây ảnh hưởng đến việc thay đổi mục đích sử dụng đất và tạo ra giá trị. Tuy vậy, BĐS công nghiệp cũng chịu rất nhiều tác động của hạ tầng, phụ thuộc chủ yếu vào khoảng cách đến thị trường nguồn và thị trường đích. Do đất công nghiệp khá tương đồng nên những biến số về vận hành này sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến khách thuê.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết, tại các quốc gia công nghiệp hóa cao, việc phát triển tập trung theo ngành công nghiệp riêng biệt trở nên quan trọng bởi hoạt động này giúp đem đến hiệu quả vận hành. Điều này có nghĩa là việc tập trung cụm công nghiệp tự động ở một khu vực sẽ hiệu quả hơn nhiều bởi các bước trong quy trình sản xuất sẽ nằm gần nhau và được đồng bộ hóa.
Giá trị của việc tập trung phát triển theo cụm đã được ghi nhận cho các lĩnh vực công nghiệp riêng biệt. Việc này cũng cho phép các tỉnh thành hoặc khu vực có năng lực cạnh tranh thấp phát triển và cạnh tranh hiệu quả hơn.
“Ở cấp độ chính sách, việc tập trung các khu vực lại theo ngành công nghiệp cũng có lợi cho các khách thuê, thay cho bối cảnh các ngành công nghiệp tách biệt và rải rác trên khắp cả nước”, ông Troy Griffiths cho biết.
Theo đánh giá, nhiều nhà đầu tư BĐS trong nước và quốc tế giờ đây đang nhắm đến đất công nghiệp bởi những tiềm năng mà loại hình này mang lại. Các yếu tố như thương mại toàn cầu, địa chính trị và sự phát triển cơ sở hạ tầng góp phần làm thay đổi bản chất của BĐS công nghiệp tại Việt Nam. Thêm vào đó, đặc tính gây gián đoạn của ngành kho vận và bán lẻ hiện đại, từ đó tạo ra một bối cảnh phát triển rất thú vị cho BĐS công nghiệp.
Điển hình như, Hải Phòng là một địa phương đã phát triển mạnh về ngành thiết bị điện tử nhưng giờ đây đang phát triển mảng công nghiệp tự động. Với cơ sở hạ tầng thuận lợi đang dần được hoàn thiện và khoảng cách gần với các thị trường lớn, đây sẽ là một địa phương công nghiệp nổi bật.
Long An hiện đang có giá thuê thấp và sẽ được hưởng lợi từ việc kết nối vành đai 3 Bến Lức.
Bình Dương hiện đang hưởng lợi từ khoảng cách gần với TP.HCM và đã ghi nhận mức tăng giá đất rất nhanh, từ đó cũng làm giá trị đất ở những khu vực lân cận tăng.
Theo ông Troy, hiện nay các đơn vị quốc tế mới gia nhập thị trường đã quen thuộc với việc phát triển tập trung theo cụm, bởi đây là hiện tượng phổ biến tại thị trường công nghiệp cũ của họ.
Các cụm công nghiệp theo ngành nghề sẽ được định hướng phát triển thông qua chính sách của chính phủ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và hoạch định chiến lược. Từ đó, tác động kinh tế của công nghiệp hóa sẽ được dàn trải ra trên khắp cả nước thay vì tập trung vào một khu vực nhất định.
“Tương lai của thị trường BĐS công nghiệp nằm ở việc dịch chuyển lên trên chuỗi giá trị, hướng đến những ngành công nghiệp giá trị cao hoặc ngành công nghiệp trong khu vực 3 của nền kinh tế - các ngành công nghiệp dịch vụ. Với xu hướng đó, hãy chú ý đến Đà Nẵng: thị trường này dường như đang ngủ quên nhưng hiện đã có tất cả những yếu tố tiên quyết để phát triển BĐS công nghiệp giá trị cao”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết.
Theo Bizlive