Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2020 giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBD) hàng năm; tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến đạt 75% số người sử dụng Internet.
Phân loại hoàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh phát triển công nghệ để góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát triển thương mại điện tử được chú trọng ưu tiên để giảm thời gian, công sức và tạo sự tiện lợi cho nhân dân.
Trong thời gian tới, thành phố đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt); từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.
Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh từ thương mại điện tử.
Thành phố cũng sẽ nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong kiểm tra, đảm bảo việc kinh doanh trên các trang thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics phục vụ cho phát triển thương mại điện tử.
Để thực hiện những kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2020 giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBD) hàng năm; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 75% số người sử dụng Internet trên địa bàn thành phố (tăng 7% so với năm 2019).
Có 90% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông (tăng 5% so với năm 2019) và 25% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Có 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc (tăng 20% SO với năm 2019); 10.000 lượt đăng ký thành viên tham gia Chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi thành phố Hà Nội.
Thành phố Hà Nội đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện; trong đó chú trọng tuyên truyền các chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển thương mại điện tử.
Tổ chức khảo sát, thống kê về tình hình hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố để kịp thời nắm bắt thực tiễn phát sinh, xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp.
Hà Nội tiếp tục cập nhật và hoàn thiện về cả tính năng, nội dung và hình thức của Chợ Thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn và ứng dụng trên nền tảng di động (app moblie) của chợ.
Hà Nội triển khai các hoạt động xây dựng, tạo lập các kênh truyền thông quảng bá cho Chợ nhà mình và các hoạt động của chợ thông qua mạng xã hội Facebook, Youtube để quảng bá đông đảo đến người tiêu dùng; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng bao bì gắn với tem truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu nông sản được bảo hộ.
Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các dịch vụ trực tuyến trong các lĩnh vực như du lịch (dịch vụ đặt phòng khách sạn, tour trực tuyến); thực hiện số hóa một số điểm đến du lịch của các quận, huyện, thị xã trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360, 3D, FLYCAM, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch; giao thông vận tải (dịch vụ đặt chỗ, mua vé tàu bay, tàu hỏa, gọi xe taxi, xe môtô 2 bánh); giáo dục (đào tạo trực tuyến), y tế (tư vấn khám bệnh trực tuyến), truyền thông (truyền hình trực tuyến)...
Ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thành phố tiếp tục vận hành website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội tại địa chỉ mạng http://bandomuasamhanoi.gov.vn để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, máy bán hàng tự động trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, thành phố tăng cường xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử; đấu tranh, phòng ngừa, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Cục Thuế thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố thu thập dữ liệu về các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có phát sinh giao dịch với các tổ chức nước ngoài như Google, Apple, Agoda, Booking... để hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định.
Tới đây, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với người bán trên các sàn thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee, Sendo,...), ứng dụng di động, nhất là các mạng xã hội như Facebook, Zalo đã lợi dụng dịch COVID-19 để tăng giá bán, đầu cơ các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch như khẩu trang y tế, nước rửa tay khô sát trùng gây mất ổn định thị trường.
Thành phố phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Công Thương và các lực lượng chức năng: Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an, Công an Thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả mạo nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm... trên các website/ứng dụng thương mại điện tử, thiết lập website thương mại điện tử không thực hiện thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc lợi dụng thương mại điện tử để lừa dối khách hàng./.
Theo Vietnam+