Năm khó khăn của thị trường bất động sản?

Written by  - Saturday, 19 January 2019

 

05

Nhiều dự án tại Thủ Thiêm bị đóng băng vì thủ tục pháp lý

Nguồn thu từ đất giảm sút

Năm 2017, TPHCM thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 17.905 tỷ đồng, chiếm gần 66% tổng nguồn thu về đất. Năm 2018, tổng thu ngân sách nội địa TPHCM là 268.780 tỷ đồng, trong đó ước thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng và số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm hơn 61% tổng nguồn thu về đất.

Như vậy, so với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%; số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng, giảm đến 22,5%. Điều đáng quan tâm là số tiền thu ngân sách từ đất mà các doanh nghiệp và cá nhân còn nợ đến ngày 30-11-2018 đã lên đến 3.013 tỷ đồng; tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã sụt giảm 2,43% (từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018). Như vậy, tại TPHCM, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS đã có dấu hiệu chững lại và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.

Quy mô thị trường BĐS cũng bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Cụ thể, năm 2017 có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 42.991 căn (gồm 37.502 căn hộ chung cư và 5.489 căn nhà thấp tầng).

Cụ thể các phân khúc: cao cấp chiếm 25,5%, trung cấp 45,5% và bình dân 29%. Năm 2018, có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017. Trong đó, phân khúc cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 chiếm 30% - tăng 4,5% so với năm 2017; phân khúc trung cấp chiếm 45,3% - tương đương năm 2017; phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7% - giảm 4,3%. Số liệu trên đây cho thấy thị trường BĐS thành phố phát triển chưa bền vững. Bởi lẽ, thị trường BĐS chỉ phát triển bền vững khi đạt được cơ cấu sản phẩm hợp lý: Phân khúc nhà ở bình dân chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là phân khúc trung cấp và nhỏ nhất là phân khúc cao cấp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho rằng đây là những dấu hiệu rất đáng lo ngại. Bởi cho đến hết năm 2018 và bước qua năm 2019, tình hình đầu tư - kinh doanh BĐS trong cả nước, đặc biệt là TPHCM, vẫn rất khó khăn, dự án mới hạn chế, nhiều dự án trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giờ cũng phải “rà” lại, khiến doanh nghiệp lẫn khách hàng rất hoang mang. 

Điểm nghẽn thủ tục

Theo nhận định của các chuyên gia, một số nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở trong thời gian qua và cả trong năm 2019 là: Thể chế hành chính và hệ thống quy phạm pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ; tinh thần làm việc của một số cán bộ, công chức có liên quan đến dự án BĐS bị sụt giảm; thủ tục hành chính có liên quan đến dự án BĐS bị trì trệ, mà trước hết là điểm nghẽn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư dự án… Điều này có thể dẫn tới việc làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2019, bởi lẽ không chỉ các doanh nghiệp BĐS bị giảm doanh thu, lợi nhuận, giảm nguồn thu thuế, mà có khoảng 95 ngành nghề khác có liên quan thị trường BĐS cũng bị ảnh hưởng theo. 

6

Nhiều dự án tại Thủ Thiêm bị đóng băng vì thủ tục pháp lý

Nhiều quy định liên quan đến đầu tư dự án nhà ở vẫn còn bất cập, gây khó cho doanh nghiệp. Hiện nay đang trong quá trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Mới đây, HoREA đề xuất kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Nhà ở, Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về việc “Quyết định chủ trương đầu tư; Lựa chọn nhà đầu tư; Chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở” để giải quyết điểm nghẽn về chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đồng thời, đề xuất UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo các sở ngành tháo gỡ khó khăn đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, bao gồm đất ở và các loại đất khác cần phải chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND TP ban hành quyết định chủ trương đầu tư, HoREA đề nghị UBND TP giao nhiệm vụ cho các sở ngành thực hiện các bước thủ tục hành chính tiếp theo.

Cụ thể, bước 1, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận và thụ lý hồ sơ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc bản vẽ tổng mặt bằng dự án của nhà đầu tư trình UBND TP phê duyệt. Bước 2, Sở Xây dựng chủ trì tổ chuyên gia xem xét trình UBND TP “Quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại” đối với các dự án nhà ở xen cài đất ở với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp. B

ước 3, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục trình UBND TP ra quyết định giao đất dự án cho chủ đầu tư; chủ trì công tác xác định giá đất cụ thể của dự án nhà ở thương mại; phối hợp với Sở Tài chính trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố, UBND TP quyết định tiền sử dụng đất của dự án. Như vậy vừa rút ngắn được thời gian, vừa giảm thiểu đầu mối cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư dự án.

Ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham Việt Nam, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các quy định, cả thuế suất lẫn chính sách và kiến nghị: “Các thủ tục hành chính ràng buộc không hiệu quả phải được kiểm soát, khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được”. 

ĐỖ TRÀ GIANG

Our Strategic Partners