Mỹ đổ tiền vào mảng khí đốt ở Việt Nam

Written by  - Friday, 29 November 2019

Tương tự các lần ông Trump đánh tiếng “xử lý” Top 7 quốc gia cung cấp hàng hóa vào Mỹ nhiều nhất, Việt Nam chuyển tập trung vào mảng khí đốt...

Ảnh: gibbsconstruction.com

Đến Việt Nam để thảo luận về hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng vào tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Wilbur Ross, đã chứng kiến AES, một tập đoàn năng lượng có trụ sở tại Virginia, ký với Bộ Công Thương một biên bản ghi nhớ triển khai Nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2. Trong khi Công ty Murphy Oil có trụ sở tại Arkansas ký được hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô 15-2/17 với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và SK Innovation. “Biên bản ghi nhớ này là một cột mốc quan trọng đối với quá trình phát triển Nhà máy Sơn Mỹ 2, dự án mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp chuyển đổi ngành năng lượng tại Việt Nam”, ông Mark Green, Chủ tịch AES khu vực châu Á - châu Âu, cho biết.

ơn Mỹ 2 bổ sung cho kế hoạch đầu tư của AES vào cơ sở hạ tầng khí đốt tại Việt Nam cùng với Kho cảng nhập khí hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư dự kiến 1,4 tỉ USD đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt hồi tháng 8.2019.

“Tôi rất vui được chứng kiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp làm việc để tạo dựng các mối quan hệ lớn hơn”, ông Wilbur Ross nói trong bữa tiệc trưa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tập đoàn BRG đồng tổ chức. Cảm xúc của ông Wilbur Ross là hoàn toàn hiểu được khi cuộc chiến thuế quan ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà xuất khẩu khí đốt của Mỹ.

Nước Mỹ, trên thực tế, đã bị gạt ra xa vai trò một nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới khi bị Trung Quốc quay lưng. Theo RT, xuất khẩu LNG của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 80% trong năm tài chính này, so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đang chuyển dần thành một trong những nhà nhập khẩu khí lớn nhất thế giới. Nước này dự kiến sẽ tăng từ 53 triệu tấn nhập khẩu LNG trong năm 2018 lên khoảng 93 triệu tấn vào năm 2025. Thế nhưng, tác động của cuộc chiến thương mại có thể khiến Trung Quốc quay sang ký thỏa thuận 20 năm nhập khẩu khí của Úc.

Thực ra, ngay cả khi Việt Nam đang phải nhập khẩu LNG để sản xuất điện, nhưng các nhà năng lượng Mỹ đã bắt lấy cơ hội định hình tương lai năng lượng của Việt Nam. Exxon Mobil (Mỹ) đã hợp tác với PVN và PVEP để triển khai dự án thượng nguồn mỏ Cá Voi Xanh, mỏ khí được cho là lớn nhất Việt Nam, nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100km về phía Đông.

Tiến độ cấp khí của Cá Voi Xanh được triển khai đồng bộ với tiến độ xây dựng 2 nhà máy dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và Dung Quất III ở Quảng Ngãi, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, Việt Nam đang phải nhập khẩu khí để sản xuất điện. Ông Lê Minh Nguyên, Giám đốc khu vực của Man Energy Solutions, một tập đoàn năng lượng của Đức, ước tính, tổng nhu cầu khí năm 2020 dự kiến khoảng 11 tỉ m3. Tuy nhiên, sản lượng khí về bờ đang xu hướng giảm, năm 2018 sản lượng khí về bờ là 9,7 tỉ m3, năm 2019 dự kiến chỉ đạt  9,6 tỉ m3 khí, năm 2020 sản lượng có thể nhích lên một chút do được cập nhật một số dự án, như Sao Vàng Đại Nguyệt.

Theo ông Nguyên, trữ lượng các mỏ khí hiện nay của Việt Nam ước đạt 700 tỉ m3, có thể khai thác trong 40-50 năm. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu là một trong những nút thắt chính, làm ảnh hưởng đến cả quá trình thăm dò và khai thác khí. Thực tế, đầu tư ban đầu cho các dự án khí rất lớn, ví dụ mỏ Lô B Ô Môn từ 6-7 tỉ USD, còn Cá Voi Xanh khoảng 10 tỉ USD.

Ông Nguyên hy vọng việc nhập khẩu khí cho các dự án Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 chỉ mang tính ngắn hạn. Nguồn cung khí sẽ được bổ sung thêm vào năm 2023, khi 2 siêu dự án là Cá Voi Xanh và Lô B - Ô Môn được cập nhật.

“Phát triển nhiệt điện khí, một sự chuyển đổi tốt hơn cho môi trường của Việt Nam so với nhiệt điện than”, ông Morten Bæk, Quốc vụ khanh phụ trách lĩnh vực Khí hậu, Năng lượng và Hạ tầng Đan Mạch, nói với NCĐT. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sử dụng khí hóa lỏng để phát triển điện khí, sự phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu sẽ hiện diện trong tương lai. Tình hình sẽ tương tự việc Việt Nam nhập khẩu than để sản xuất điện và dần trở nên phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu. Ngoài ra, sự trồi sụt của giá khí cũng là vấn đề Việt Nam cần tính đến.

“Nhiệt điện khí không phải là lời giải cho tương lai bền vững, Việt Nam chỉ nên phát triển nguồn năng lượng này nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng”, ông Morten Bæk nói. Việt Nam có thể giảm mức phát thải carbon hằng năm tới 39% vào năm 2050 so với hiện tại. Mức giảm này tương đương 370 triệu tấn CO2. Ông cho rằng Việt Nam có thể dựa vào báo cáo này để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và hiệu quả về chi phí, đồng thời giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Our Strategic Partners