Thị trường nhà đất vùng ven TPHCM liệu có tiếp tục nóng sốt trong năm 2020?

Written by  - Friday, 15 November 2019

Theo dự báo của một số đơn vị nghiên cứu thị trường, trong năm 2020, sẽ có 4 xu hướng dẫn dắt thị trường, trong đó yếu tố chính sẽ dẫn dắt thị trường là các đô thị ở các vùng ngoại vi thành phố sẽ là nơi tạo nguồn cung chính.

Thị trường nhà đất vùng ven TPHCM liệu có tiếp tục nóng sốt trong năm 2020?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các chuyên gia dự báo khả năng hấp thụ thị trường vẫn tốt hơn trong bối cảnh giá bán ổn định. Các nhà phát triển bất động sản sẽ chú trọng đa dạng sản phẩm mới nhưng tập trung vào sự tiện lợi của cư dân và tối đa hóa diện tích sử dụng. Một yếu tố quan trọng nữa sẽ thúc đẩy giá căn hộ, đất nền và nhà phố tiếp tục tăng trong tương lai đến từ việc kết nối hạ tầng liên tỉnh, bao gồm các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

"Thị trường nhà đất tại các vùng giáp ranh với TPHCM nói trên sẽ tiếp tục diễn biến khá sôi động, nhất là khi chiến lược thu hút đầu tư và phát triển hàng loạt khu đô thị vệ tinh của thành phố được triển khai trong thời gian tới", bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, nhận định.

Cũng theo bà Dung, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp lớn tại TPHCM tìm kiếm cơ hội ở thị trường này là ách tắc thủ tục hành chính khiến cho nhiều dự án ở TPHCM không thể triển khai suốt hơn 2 năm qua.

Bên cạnh đó, cơ hội từ các thị trường tiềm năng ở một số địa phương giáp ranh, nói cách khác là "một vùng biển còn xanh" khi có ít đối thủ cạnh tranh, cũng hấp dẫn không kém. Đặc biệt, các địa phương này đang xây dựng nhiều chính sách thu hút đầu tư, phối hợp cùng TPHCM đầu tư phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng như các tuyến cao tốc, kéo dài tuyến metro số 1, xây mới tuyến đường sắt phụ vụ dân sinh....

Một xu thế nhận thấy rõ, tại TPHCM nguồn cung, thanh khoản và lợi tức đối với người mua, xuống mức thấp khi đầu tư trong thời gian dài qua. Do vậy, người mua tất yếu sẽ tìm đến các thị trường mới lận cận với nhiều sự lựa chọn sản phẩm, cộng với chính sách giá bán hấp dẫn hơn nhiều so với TPHCM.

"Các nhà phát triển BĐS nhìn thấy xu hướng đang lên này và tập trung phát triển những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu người mua. Trong ngắn hạn và trung hạn, sản phẩm được ưa chuộng ở thị trường các vùng giáp ranh với TPHCM sẽ là đất nền và nhà phố hoặc biệt thự xây sẵn. Theo đó, tiến độ các dự án giao thông kết nối càng được đẩy nhanh tiến độ triển khai thì thị trường sẽ càng "nóng", bà Dung nói thêm.

Dẫn chứng một ví dụ cụ thể, bà Dung cho rằng TPHCM trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch mở rộng vùng đô thị về hướng Long An, lập tức thị trường một số khu vực giáp ranh khởi sắc hơn hẳn. Theo đó, thời gian tới, cùng với sự quan tâm từ Trung ương và các bộ, ngành trong việc rót vốn đầu tư các dự án về hạ tầng giao thông giúp kết nối không chỉ Long An với TPHCM mà còn với những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khác một cách thông suốt.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, theo đề án Quy hoạch vùng TPHCM thì 3 huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TPHCM. Trước sự chuyển động của các dự án hạ tầng, từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn "sốt" nhất là tại các khu  vực giáp ranh TP.HCM như Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc...

Chẳng hạn, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; Nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); Xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương; Nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long); Xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50.

Theo UBND TPHCM, địa phương hiện đang đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp với nhau, kết nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước, Cảng biển Quốc tế Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối với các huyện giáp ranh: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An.

Nguồn cung thị trường đất nền tại Long An đang khá sôi động và biên độ tăng giá từ 15-30%, những điểm nóng có khi tăng dao động từ 60 - 80% một năm. Đáng chú ý, tại Cần Giuộc, giá đất nền hiện tại đang dao động ở mức 18 - 25 triệu đồng/m2, đã tăng gấp đôi với năm 2016. Theo nhận định của các chuyên gia, trong tương lai với sự hoàn thiện đến từ hạ tầng, giá bất động sản khu vực này sẽ còn tăng gấp nhiều lần hơn nữa.

Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có một số chủ đầu tư từ TPHCM đã nhận được quyết định đầu tư khu dân cư tại Cần Giuộc, Đức Hoà, Đức Huệ và TP Tân An, hứa hẹn sẽ cung cấp cho thị trường hàng nghìn sản phẩm nhà ở trong vòng 2 năm tới. Những khu dân cư này đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, chỉ còn chờ các chủ đầu tư khởi công xây dựng.

Đơn cử như tại Cần Giuộc, theo thống kê, trong khoảng 3 năm trở lại đây có đến 26 dự án được phát triển với quy mô từ 10ha đến hơn 200ha. Theo tìm hiểu, UBND tỉnh Long An đã thống nhất về chủ trương để Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp nhận, đầu tư nhiều dự án mới trên địa bàn huyện Cần Giuộc. 

Ngoài ra, thị trường nhà đất Cần Giuộc có ưu thế có pháp lý hoàn chỉnh được ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao ấn tượng. 

Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cho rằng, mặc dù thị trường BĐS Long An trong giai đoạn đầu năm 2019 có mức giao dịch không như kỳ vọng nhưng cá nhân ông dự đoán từ quý 4/2019 đến những tháng đầu năm 2020 thị trường sẽ có chiều hướng khởi sắc hơn.

"Tâm lý chung của người Việt từ trước tới nay thường mua nhà để đón Tết. Bên cạnh đó, nguồn kiều hối cũng bắt đầu đổ về vào dịp cuối năm. Trong khi đó, giá BĐS ở TP.HCM quá cao nên BĐS vùng ven sẽ là lựa chọn chính", ông Chánh dự đoán.

Theo CafeF

Strategic Partnership