Bùi Yến Ngọc

Bùi Yến Ngọc

Qualcomm tin rằng 2019 sẽ là “năm của 5G” và tiết lộ có hơn 30 thiết bị sử dụng chip 5G của hãng ra mắt trong năm nay.

017

Samsung, LG, HTC, OnePlus và Xiaomi đều xác nhận đang phát triển ít nhất một thiết bị dùng chip 5G của Qualcomm. Tuy nhiên, tại CES 2019, nhà sản xuất chip của Mỹ mới tiết lộ con số chính xác các thiết bị sẽ ra mắt năm nay.

  

Họp báo của Qualcomm tại triển lãm công nghệ CES 2019 được thiết kế nhằm đảm bảo với người dùng rằng 2019 sẽ là “năm của 5G”. Qualcomm xác nhận các nhà sản xuất thiết bị toàn cầu sẽ xuất xưởng hơn 30 thiết bị dùng chip 5G của hãng. Một số là hotspot di động như sản phẩm HTC đang làm cho nhà mạng Sprint, song Qualcomm nhấn mạnh phần lớn sẽ là smartphone. Nói cách khác, người dùng có thể trông đợi hàng loạt flagship dùng cả chip Snapdragon 855 và modem Snapdragon X50.

Trong danh sách hơn 30 thiết bị này, đáng chú ý là flagship 5G của OnePlus, LG G8 ThinQ và flagship 2019 của HTC. Tất nhiên, được chờ đợi nhất là Galaxy S10 phiên bản hỗ trợ 5G của Samsung. Smartphone dự kiến lên kệ vào nửa sau năm 2019 và được đồn sử dụng màn hình khổng lồ 6.7 inch. Ngoài ra, nó còn trang bị cụm camera 4 ống kính phía sau cùng camera kép phía trước.

Du Lam (Theo PhoneArena)

(BĐT) - Định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, giám sát chặt chẽ các khoản cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro, đồng thời kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn là trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2019.

016

Đến nay đã có 3 ngân hàng được công nhận đạt tiêu chuẩn Basel II. Ảnh: Minh Dũng

Đạt Basel II, được tăng trưởng tín dụng cao hơn

NHNN cho biết, đến cuối năm 2018, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, mức tăng trưởng trong tầm kiểm soát này là phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện nay và định hướng của NHNN tiếp tục là đáp ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các rủi ro của hệ thống.

Về chính sách tín dụng năm 2019, NHNN định hướng tăng trưởng ở mức 14%. Theo đó, NHNN sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, theo bà Hồng, trong năm 2019, NHNN tiếp tục khuyến khích các ngân hàng tái cơ cấu và nâng cao khả năng quản trị.

“Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, còn một năm nữa là các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng phải vào cuộc quyết liệt. NHNN khuyến khích các ngân hàng thực hiện quy định này càng sớm càng tốt. Các ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn nêu trên trước ngày 1/1/2020 sẽ được cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với các TCTD khác”, bà Hồng cho biết và thông tin thêm: “NHNN đã thành lập tổ chức thẩm định việc thực hiện quy định này tại các ngân hàng. Đến nay, đã có 3 ngân hàng được công nhận đạt tiêu chuẩn Basel II”. 

Không để phát sinh nợ xấu ngoài tầm kiểm soát

Bên cạnh chú trọng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, việc giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngân hàng.

Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, NHNN cho biết đã và đang phối hợp với các TCTD triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN cho biết, việc xử lý nợ xấu theo hai văn bản nêu trên đã đạt được kết quả rất tích cực trong năm 2017 và 2018. Theo đó, các chỉ số cơ bản của hệ thống tín dụng vào thời điểm cuối năm 2018 là khả quan, nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) ở mức trên 5%. Năm 2019, ngành ngân hàng sẽ phấn đấu đưa chỉ tiêu này xuống mức dưới 5% theo yêu cầu tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

“Việc xử lý nợ xấu là khó khăn và có nhiều vướng mắc, bởi không đơn thuần là công việc của ngành ngân hàng mà còn liên quan đến các bộ, ban ngành. Với yêu cầu của Chính phủ về xử lý nợ xấu, trong năm 2019, cần đặc biệt quan tâm xử lý nợ xấu từ việc tháo gỡ các vướng mắc, đáng chú ý là những quy định về thu giữ tài sản đảm bảo. NHNN đang trình Chính phủ các nội dung tháo gỡ vướng mắc có liên quan đến các bộ, ngành khác để có các giải pháp phối hợp cùng giải quyết”, ông Phi nói.

Đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN cho biết thêm: ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh và tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, không để nợ xấu mới phát sinh ngoài tầm kiểm soát, dù nợ xấu là rủi ro đồng hành với hoạt động của ngành ngân hàng. NHNN sẽ tăng cường chỉ đạo các TCTD đảm bảo tăng trưởng tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cấp tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, đồng thời tiết kiệm chi phí không cần thiết, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nhanh.

Hoàng Oanh

015

Tập đoàn Mitsubishi đầu tư 290 triệu USD để hợp tác cùng Bitexco triển khai dự án The Manor Central Park (Hà Nội)

Sau Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản là “tay chơi” mới nổi ở thị trường bất động sản (BĐS) Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã xây dựng hơn 30.000 căn hộ cao cấp tại Đông Nam Á và đang có kế hoạch phát triển thêm khoảng 80.000 căn hộ mới trong 5 năm tới.

Doanh nghiệp Nhật đổ bộ

Nhật Bản từ lâu đã quan tâm đến thị trường BĐS Đông Nam Á, nhưng thực sự mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là do khu vực này có tốc độ tăng trưởng nhanh và thị trường BĐS đang phát triển nóng.

Trong giai đoạn 2012- 2017, Nhật Bản đã rót 22 tỷ USD vào thị trường BĐS của các nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Trong 19 lĩnh vực mà Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, BĐS đứng thứ 3 về quy mô nguồn vốn. Có thể kể ra những dự án BĐS lớn, như: City Gate Towers, River City, Flora Anh Đào, Fuji Residence, Kikyo Residence… Trong đó đáng chú ý Tập đoàn Mitsubishi đầu tư 290 triệu USD để hợp tác cùng Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh phát triển nhà ở tại dự án Khu đô thị phức hợp The Manor Central Park (Hà Nội) đã gây tiếng vang trên thị trường BĐS Việt Nam.

Xoay xở để tận dụng

Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và mở rộng điều kiện cho phép sở hữu BĐS đối với người nước ngoài, BĐS Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cơ cấu dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là lợi thế của BĐS Việt Nam.

Tuy nhiên, các lợi thế “cứng” nói trên sẽ dần mất, nên Việt Nam cần tập trung vào các lợi thế “mềm” là chính sách pháp luật. Hiện nay, việc đấu giá đất, đấu thầu dự án vẫn chưa đảm bảo công khai, minh bạch. Bản thân các doanh nghiệp trong nước còn khó tham gia thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ còn gặp khó khăn hơn nhiều.

Các doanh nghiệp Nhật có lợi thế vốn giá rẻ, nên các doanh nghiệp BĐS trong nước nên xúc tiến thành lập liên doanh với doanh nghiệp Nhật Bản để tận dụng cơ hội này để phát triển các dự án. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, mà còn có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên xem xét giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phép thực hiện chứng khoán hóa BĐS để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoại tham gia sâu vào thị trường BĐS Việt Nam.

Theo Trương Khắc Trà

Diễn đàn doanh nghiệp

(ĐTCK) Kiểm soát tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, tín dụng bất động sản được cho là sẽ bị kiểm soát rất chặt chẽ.

014

Tín dụng bất động sản được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách của cơ quan quản lý.

Đưa nợ xấu nội bảng về dưới 2%

Theo yêu cầu tại Nghị quyết 01, hoạt động tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng cần đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Về nợ xấu, Nghị quyết 01 nhấn mạnh, kết thúc năm 2019 phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng hệ thống ngân hàng về dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu về dưới 5% (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC nhưng chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu). Trước đó, mục tiêu Chính phủ đã trình Quốc hội là đến năm 2020 giảm được tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 3%.

Giới phân tích nhận định, thay vì chỉ đạo chung về xử lý nợ xấu như nghị quyết năm trước, việc đưa ra một con số cụ thể cho năm 2019 sẽ lượng hóa rõ nhiệm vụ cần làm của ngành ngân hàng trong năm 2019 để tiến gần hơn mục tiêu năm 2020.

Theo một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thổng tổ chức tín dụng là 2,4%, giảm nhẹ so với năm 2017 (2,5%). Trước đó, báo cáo cuối năm 2017 của cơ quan này cho biết, tổng tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn của ngành ngân hàng vào khoảng 9,5%. 

Siết tín dụng bất động sản để tránh rủi ro "bong bóng"

Trên thực tế, không phải đến năm nay, mà trước đó chủ trương kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là bất động sản, đã được thực hiện một cách rốt ráo. Mặt khác, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo thấp hơn năm trước, nên khả năng vốn vào bất động sản sẽ còn siết chặt hơn.

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, năm nay, hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại chịu sự tác động lớn từ những chính sách của cơ quan quản lý, từ đó ảnh hưởng tới tín dụng bất động sản.

"Các ngân hàng phải đáp ứng quy định giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 45% xuống 40% kể từ ngày 1/1/2019 theo Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 19/2017/TT-NHNN về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, quy định của Thông tư 19/2017 cũng tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 250%, thay vì 200% như hiện tại. Điều này sẽ khiến 'van' tín dụng vào bất động sản càng trở nên hẹp hơn", ông Tín đánh giá.

Mặt khác, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tuy tỷ lệ an toàn vốn (CAR) dự kiến giảm từ 9% xuống 8% theo Basel II (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), nhưng các điều kiện trong Basel II lại khắt khe hơn, nhất là các quy định về tổng tài sản có, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Trong đó, tổng tài sản có liên quan trực tiếp đến hoạt động cấp tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Trên thực tế, thông điệp kiểm soát vốn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn thường xuyên được cơ quan quản lý đề cập. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định và thực hiện nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội trong hoạt động tín dụng, nhất là với lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tập trung thanh tra, cảnh báo các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao...

Theo giới phân tích, việc thắt chặt tín dụng nói chung và vào thị trường bất động sản nói riêng tất yếu sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Tuy nhiên, trên phương diện vĩ mô, đây là cơ hội để doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại nguồn vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, từ đó hạn chế rủi ro "bong bóng", giúp thị trường bất động sản hoạt động ổn định và bền vững hơn.

"Mặc dù sẽ đón nhận không ít thách thức trong năm nay, cũng như thời gian tới, nhưng với tiềm năng vốn có, thị trường bất động sản sẽ thu hút được nhiều dòng vốn khác, ngoài vốn tín dụng", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận.

Thùy Vinh

16

Quy mô TTBĐS TP. Hồ Chí Minh bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Nguồn: internet

Dù thị trường bất động sản (TTBĐS) TP. Hồ Chí Minh trong năm 2018 vẫn giữ được sự phát triển ổn định, tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng lại nhiều dấu hiệu đáng ngại có thể sẻ tác động không nhỏ đến thị trường BĐS trong năm 2019.

Cụ thể, nguồn thu ngân sách từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), trong năm 2018, tổng thu ngân sách nội địa TP. Hồ Chí Minh 268.780 tỷ đồng đạt 100,03%, thu vượt hơn 7.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, ước thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. Số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 61,3% tổng nguồn thu về đất.

Tuy nhiên, so với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%; số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng, giảm đến 22,5%. Điều đáng quan tâm là số tiền thu ngân sách từ đất mà các doanh nghiệp và cá nhân còn nợ đến ngày 30/11/2018 đã lên đến 3.013 tỷ đồng; Tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã sụt giảm 2,43% (Từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018).

Qua đó cho thấy, điều cần đặc biệt quan tâm là nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án BĐS đã có dấu hiệu chững lại và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.

Bên cạnh đó, quy mô TTBĐS cũng bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Cụ thể, năm 2018, có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017. Trong đó, phân khúc cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m 2 chiếm 30%, tăng 4,5% so với năm 2017; Phân khúc trung cấp chiếm 45,3% tương đương năm 2017; Phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7% giảm 4,4% so với năm 2017. Số liệu trên đây cho thấy TTBĐS thành phố chưa phát triển bền vững. Bởi lẽ, TTBĐS chỉ phát triển bền vững khi đạt được cơ cấu sản phẩm hợp lý: Phân khúc nhà ở bình dân chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là phân khúc trung cấp và nhỏ nhất là phân khúc cao cấp.

Về thể chế hành chính và hệ thống quy phạm pháp luật chưa thật thống nhất, chưa đồng bộ; Tinh thần làm việc của một số cán bộ, công chức có liên quan đến dự án bất động sản bị sụt giảm; Thủ tục hành chính có liên quan đến dự án bất động sản bị trì trệ.

Theo đó, những điểm nghẽn về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư dự án, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở dẫn đến làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong thời gian qua và cả trong năm 2019, bởi lẽ không chỉ các doanh nghiệp BĐS bị giảm doanh thu, lợi nhuận, giảm nguồn thu thuế, mà có khoảng 95 ngành nghề khác có liên quan TTBĐS cũng bị ảnh hưởng theo.

Trong khi đó, TTBĐS thành phố lại tiếp tục tình trạng lệch pha cung - cầu , dấu hiệu rỏ nhất là dư thừa nguồn cung trong phân khúc BĐS cao cấp và rất thiếu nhà ở trong phân khúc bình dân, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc BĐS cao cấp trên địa bàn thành phố cũng tăng mạnh so với năm 2017. Tuy nhiên, việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trênTTBĐS.

Cũng theo số liệu thống kê của Hiệp hội, hàng tồn kho của 65 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán có tổng giá trị hàng tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng., trong đó, có một số doanh nghiệp của thành phố. Nhưng điều đáng quan ngại ở đây là hàng tồn kho đưa ra thị trường chưa tiêu thụ được, bị ế, sẽ có tác động đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng.

Ngoài ra, còn một số dấu hiệu quan ngại khác ảnh hưởng đến TTBĐS như: Điểm nghẽn do chưa có Nghị định của Chính phủ về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); Tranh chấp tại chung cư gia tăng và diễn biến phức tạp; Vai trò của chủ đầu tư dự án chung cư; Sốt ảo giá đất nền; Vấn đề đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại chung cư cao tầng…

Theo Chu Ký/nhadautu.vn

(BĐT) - Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, năm 2018, Thành phố thu hút 7,501 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng hơn 2 lần so với năm 2017. Trong đó có 616 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký hơn 5 tỷ USD; 157 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng 828 triệu USD...

012

Ảnh minh họa: Internet

Một số dự án lớn cấp mới, tăng vốn trong năm 2018 trên địa bàn như: Dự án Khu đô thị thành phố thông minh 4.138 triệu USD; 2 dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc 400 triệu USD; Dự án Nhà máy xử lý rác Xuân Sơn 90 triệu USD; Dự án Lotte Mall Hà Nội tăng vốn 300 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất bia của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Hà Nội tăng vốn 43 triệu USD...

Lũy kế đến ngày 18/12/2018, Hà Nội có 4.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36 tỷ USD, trong đó đã giải ngân khoảng 18,9 tỷ USD (chiếm 52,5% vốn đăng ký). Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư vào Thành phố với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,5 tỷ USD. Quy mô vốn đăng ký trung bình là 7,6 triệu USD/dự án.

Việt Anh

005

Cách đây 3 tháng, giá dầu thế giới còn ở đỉnh của gần 4 năm.

Năm 2018, Phố Wall đã có lúc dự báo giá dầu sẽ vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng, nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược...

Năm 2018, Phố Wall đã có lúc dự báo giá dầu sẽ vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên trong 4 năm. 

Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn trái ngược: không những không vượt ngưỡng giá dự báo trên, giá dầu còn có năm giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2015.

Đợt giảm kinh hoàng và bất ngờ của giá dầu trong quý 4/2018 đã chấm dứt quãng thời gian phục hồi 2 năm rưỡi sau khi giá năng lượng này giảm sâu trong năm 2014-2016. Ở thời điểm hiện tại, các nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tăng trở lại trong năm 2019, nhưng những rủi ro địa chính trị gây sức ép lên thị trường dầu trong năm 2018 vẫn là một "ẩn số" lớn - theo hãng tin CNBC.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12 tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau còn 45,41 USD/thùng, giảm gần 25% trong cả năm. Tại thị trường London, giá dầu Brent còn khoảng 54 USD/thùng, giảm 20%. 

Đây là năm giảm đầu tiên của giá dầu thế giới kể từ 2015 - năm mà giá hai loại dầu này cùng giảm trên 30%.

Bán tháo không thể lường trước

Cách đây 3 tháng, giá dầu thế giới còn ở đỉnh của gần 4 năm. Cũng đã có một số nhà phân tích cảnh báo rằng đợt tăng đó là thiếu bền vững và giá dầu có thể giảm trở lại, nhưng hầu như không ai có thể lường trước được sự bán tháo lại diễn ra nhanh và mạnh đến như vậy. 

Từ đỉnh tới đáy, giá dầu WTI đã mất gần một nửa giá trị.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, không có gì là khó để giải thích việc dầu thô rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).

Hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Donald Trump nối lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). 

Động thái này của Washington đặt ra nỗi lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu.

Trong tháng 6, OPEC và một nhóm đối tác, dẫn đầu là Nga, quyết định dừng thỏa thuận hạn chế sản lượng đã thực hiện từ năm 2016. Đối mặt với sự thúc giục từ ông Trump và khách hàng mua dầu, Saudi Arabia tăng mạnh sản lượng, đưa thêm khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường trong thời gian từ tháng 6-11.

Mặc dù vậy, đến tháng 10, các chuyên gia cảnh báo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng chậm hơn dự báo trước đó. 

Cùng tháng, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, khi các cổ phiếu công nghệ tăng cao trước đó bị bán tháo và nhà đầu tư lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và lãi suất tăng.

Các tài sản có độ rủi ro cao hơn bị bán tháo ồ ạt, trong đó có dầu thô. Đến cuối tháng, giá dầu đã sụt khoảng 11 USD/thùng so với đỉnh thiết lập hôm 3/10.

Nhân tố Mỹ

Áp lực giảm giá dầu càng lớn hơn bởi một động thái bất ngờ của ông Trump khi Mỹ chính thức tái áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran vào ngày 5/11. 

Giới đầu tư dầu lửa "trở tay không kịp" khi Washington tuyên bố áp dụng miễn trừ đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ là những khách hàng mua dầu lớn nhất của Tehran. Sự miễn trừ cho phép các nền kinh tế này tiếp tục được mua dầu Iran trong vòng 6 tháng mà không phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.

Điều này đặt OPEC và Nga vào một tình huống không thể trớ trêu hơn: họ tăng sản lượng dầu giữa lúc nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi, và nguồn cung dầu từ Iran không giảm mạnh như dự kiến.

Vào thời điểm cuối năm, xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa được giải quyết, và thị trường tiếp tục lo ngại về một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.

Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo, đưa Mỹ vượt qua Saudi Arabia và Nga, trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong nửa cuối năm.

Giá dầu năm 2019?

Tuy vậy, nhiều nhà sản xuất dầu của Mỹ cần giá dầu trong khoảng 50-55 USD/thùng để hòa vốn đối với những giếng dầu mới, nên mức giá dầu hiện nay đang buộc một số công ty khai thác dầu ở Mỹ phải hạn chế sản lượng - theo nhà phân tích cổ phiếu dầu lửa Neal Dingmann thuộc Suntrust Robinson Humphrey.

"Tôi luôn nói rằng phương thuốc cho tình trạng giá dầu thấp ở Mỹ chính là giá dầu thấp", ông Dingmann nói với CNBC. 

"Một số nhà khai thác dầu của Mỹ đã bắt đầu giảm sản lượng. Chúng tôi được biết đã có 3-4 công ty tầm trung quyết định như vậy".

Theo ông Dingmann, điều này sẽ dẫn tới việc sản lượng dầu của Mỹ giảm dần trong quý 1 hoặc quý 2/2019, nhờ đó OPEC có thể cân bằng thị trường dầu trong năm 2019. Tháng 12 vừa qua, OPEC và Nga đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày để cứu giá dầu.

Đa phần các nhà phân tích ở Phố Wall dự báo giá dầu sẽ tăng lên ngưỡng 70 USD/thùng và giá dầu WTI lên ngưỡng 60 USD/thùng trong năm 2019. Nhưng vẫn có nhiều rủi ro lớn gây biến động giá dầu, bao gồm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, và việc liệu Mỹ sẽ làm gì sau khi biện pháp miễn trừ về trừng phạt Iran hết hạn vào khoảng đầu tháng 5.

Trong bối cảnh môi trường chính trị tiếp tục ảnh hưởng lên giá dầu, thị trường dầu lửa sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm lại trạng thái cân bằng, và nhà đầu tư cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự biến động mạnh của giá "vàng đen" trong năm nay - ông Dingmann khuyến cáo.

AN HUY

(ĐTCK) Từ năm 2014 đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh có những cung bậc khác nhau. Kết quả đạt được chưa như mong đợi, câu chuyện cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn còn là một hành trình dài với nhiều khó khăn và kỳ vọng. 

Những nốt thăng hy vọng

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh được Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây cho thấy, sau 5 năm, hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017.

Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số. Trong 10 chỉ số của năm 2018, chỉ số về tiếp cận điện năng tăng từ vị trí 66 năm 2017 lên vị trí 27; chỉ số thành lập doanh nghiệp tăng từ 123 lên 104.

Đáng chú ý, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến rất đáng ghi nhận theo xếp hạng và đánh giá tại Báo cáo Doing Business 2019, đạt 84,82/100 điểm và đứng thứ 104, như vậy tăng 2,6 điểm và tăng 19 bậc so với năm 2017.

Trong 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018, có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh, cụ thể là cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ hành chính 2018 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính ghi nhận, đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đứng thứ 2 về chi phí tuân thủ thấp nhất trong số 8 lĩnh vực được đánh giá.

“Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, qua đó tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên. Chất lượng môi trường kinh doanh quốc gia và địa phương được cải thiện và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn”, báo cáo của CIEM nhấn mạnh. 

Câu chuyện hiệu quả và thực chất

Đánh giá cao những bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn vừa qua, song trong câu chuyện tổng kết cuối năm 2018, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, vẫn còn nhiều tồn tại lớn trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh như quy định của một số bộ, ngành không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; tham nhũng vặt còn phổ biến; cải cách chưa đồng đều giữa các bộ và địa phương…

“Nhìn chung, số bộ tích cực, bộ trưởng tích cực vẫn chưa nhiều, các bộ làm theo kiểu bị ép buộc phải làm. Theo đó, có sự đối phó, biến tướng, dẫn đến tình trạng làm nửa vời, duy trì những vị thế, chức năng, nhiệm vụ của ngành nghề, chứ chưa phải làm để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi thấy, tâm trạng phải làm còn nhiều hơn chủ động làm”, ông Cung nhận xét.

Thực trạng tại nhiều địa phương cũng tương tự, trong đó tâm lý cơ quan nhà nước sinh ra để quản vẫn phổ biến. Vì vậy, những cải cách của Chính phủ chưa đến được doanh nghiệp, giới kinh doanh chưa cảm nhận được sự chuyển biến trong môi trường kinh doanh một cách thực chất, vì bị biến tướng qua quá trình triển khai thực hiện ở cấp cơ sở.

Mặt khác, câu chuyện bãi bỏ điều kiện kinh doanh, theo ông Cung, vẫn còn nhập nhằng giữa cắt bỏ và sửa đổi, nên có sự hoài nghi về kết quả thực chất.

“Bỏ điều kiện kinh doanh thì chỉ có cắt bỏ hoàn toàn mới có hiệu lực, còn nếu quy định đơn giản hóa, bổ sung, sửa đổi thì doanh nghiệp và xã hội rất khó cảm nhận vì trong quá trình thực hiện nhiều khi bị méo mó, chậm trễ. Thực tế, trong 50% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi vừa rồi chủ yếu là sửa đổi, tỷ lệ bãi bỏ không cao. Do đó, khó có thể đánh giá được hiệu quả thực chất việc cắt giảm điều kiện kinh doanh”, lãnh đạo CIEM nói.

Đó là chưa kể, theo thống kê của Tổ công tác, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đến thời điểm này vẫn còn nhiều và 58% số doanh nghiệp đang kinh doanh trong những ngành nghề có điều kiện. Trong khi đó, các công cụ quản lý nhà nước thiên về tiền kiểm, vô hình trung duy trì tâm lý giữ cái gì đó để can thiệp, quản lý từ đầu. 

Doanh nghiệp vẫn lo ma trận chính sách

Trong một cuộc họp tổng kết về thực hiện Nghị quyết 19 gần đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, hiện nay, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp là sự thiếu ổn định, không thể tiên lượng của chính sách, chứ không phải chất lượng chính sách.

“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp khi không có một đường hướng cụ thể trong chính sách để doanh nghiệp nắm được nên không biết phải đàm phán với các đối tác hay lên kế hoạch chuẩn bị thị trường và khách hàng như thế nào”, ông Trường nói và cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp lúng túng và khó nắm bắt hết được các chính sách vì có quá nhiều nơi có thể ra quy định, khiến doanh nghiệp rơi vào ma trận chính sách, trong đó có chính sách thuế, phí.

“Chúng ta có quá nhiều tiểu lộ mà doanh nghiệp phải chấp nhận, điều này không chỉ làm khó cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính sách của nhà nước như con đường. Con đường tốt, có thể chạy nhanh với tốc độ cao, doanh nghiệp mới chạy nhanh được”, ông Trường nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn phổ biến tình trạng một sản phẩm nhưng chịu sự quản lý của nhiều bộ chuyên ngành, khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

“Đơn cử, với sản phẩm mật ong, mặc dù đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và nhập khẩu lưu thông trên thị trường, nhưng khi doanh nghiệp đăng ký quảng cáo phải qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ này yêu cầu nhà sản xuất phải có tên trong danh sách của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Cục yêu cầu nhà sản xuất phải đăng ký danh sách được phép xuất khẩu vào Việt Nam, đồng thời công bố khi lưu thông hàng hóa. Doanh nghiệp phải chạy lòng vòng rất mất thời gian, chưa kể tốn kém thêm nhiều loại chi phí”, ông Trung lấy ví dụ.

Bình luận về câu chuyện này, ông Cung cho rằng, đây là nỗi sợ lớn nhất của doanh nghiệp trong tư duy ban hành và thực thi chính sách. Doanh nghiệp sợ nhất sự tùy nghi, tùy ý, vì gây ra sự không dự đoán được của môi trường kinh doanh, không biết thủ tục đấy đã đủ chưa, bao giờ xong, nhiều khi lại còn tùy thuộc vào mối quan hệ để làm, tùy thuộc vào thái độ của vị cán bộ, công chức làm trực tiếp.

Theo Viện trưởng CIEM, cách giải quyết tình trạng này là cơ quan quản lý nhà nước không ban hành thêm các quy định, đồng thời bỏ đi càng nhiều càng tốt các quy định không hiệu quả. Lãnh đạo một bộ có cách xây dựng tiêu chí cắt giảm điều kiện kinh doanh rất nhanh gọn và đáng học hỏi là đọc quy định lên mà thấy không rõ ràng, không khả thi là phải bỏ ngay.

Để khắc phục tình trạng biến tướng, đối phó trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh ở cấp trung gian, Nghị quyết 19 mới của Chính phủ hướng tới giao việc và trách nhiệm cụ thể cho từng bộ trưởng phụ trách, thay vì đặt mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp mà không có ai chịu trách nhiệm.

Chỉ tiêu và mục tiêu được giao cho người đứng đầu các bộ, còn giải pháp sẽ do các bộ, ngành đề xuất thực hiện. Cách làm này kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực giúp các bộ, ngành thúc đẩy sự sáng tạo và duy trì liên tục động lực cải cách.

Hiếu Minh

Từ đầu năm đến nay, thu hút dòng vốn FDI của Hà Nội đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút vốn đầu tư FDI.

Ngày 25/12, tại giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Trần Ngọc Nam - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã báo cáo về kết quả thu hút đầu tư FDI của Thành phố Hà Nội năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

FDI

Thu hút đầu tư của Thành phố Hà Nội cao nhất trong 30 năm qua. Ảnh minh họa

Theo ông Nam, năm 2018, toàn Thành phố thu hút đầu tư FDI đạt khoảng 7,501 tỉ USD, tăng 2,81 lần so với 2017, dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút FDI.

Riêng trong 3 năm 2016-2018, thu hút được gần 14,05 tỉ USD, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015.

Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã cấp mới cho 616 dự án vốn đầu tư đăng ký mới 5,03 tỉ USD; tăng vốn 157 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 827,69 triệu USD; giảm vốn 8 dự án, vốn đầu tư đăng ký giảm 54,26 triệu USD; chấp thuận góp vốn mua cổ phần của 430 nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 1,688 tỉ USD.

Một số dự án cấp mới, tăng vốn lớn đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư như: Dự án Khu đô thị thành phố thông minh hơn 4,1 tỷ triệu USD...

Tính đến nay, Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài đạt 36,55 tỷ USD vốn FDI, trong đó, các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 80%. Lĩnh vực thu hút đầu tư lớn nhất là bất động sản (31%), tiếp theo là công nghiệp chế biến chế tạo (28%). Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với 10,6 tỷ USD, tiếp sau là Singapore và Hàn Quốc.

Vũ Đậu (T/h)

 

(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự kiến đạt mức cao nhất trong 10 năm trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn so với những năm trước. Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2019 dự báo vẫn khả quan với bước tiến khoảng 7% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể thấp hơn 3,6%.

07 xstn

Động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên

Đây là những nội dung đáng chú ý tại báo cáo tổng quan thị trường tài chính vừa được Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) công bố.

Những chuyển biến tích cực của năm 2018

Theo ước tính của UBGSTCQG, năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 6,9 - 7%, ghi nhận mốc cao nhất trong một thập kỷ qua với động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn năm 2017.

Lạm phát bình quân cả năm ước khoảng 3,6%. Theo ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát thuộc UBGSTCQG, lạm phát cao hơn năm 2017 do giá hàng hoá thế giới tăng cao, tác động đến giá lương thực, thực phẩm và chi phí sản xuất. Lạm phát cao hơn năm 2017 không nhiều nhờ giá dịch vụ y tế giảm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng chậm lại và tín dụng được kiểm soát tốt.

Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao nhờ cán cân thương mại dự báo xuất siêu ở mức cao hơn năm 2017, cán cân tài chính tiếp tục thặng dư nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đạt khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, kiều hối tăng trưởng trên 10%, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục (khoảng 12 tuần nhập khẩu).

Cân đối ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ do thu ngân sách nhà nước đạt khá trong khi chi ngân ngân sách nhà nước được kiểm soát, cơ cấu thu - chi cải thiện tích cực, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% do tăng trưởng kinh tế khả quan. Nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7%, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng nhanh.

Bình luận về những nhận xét và phân tích của UBGSTCQG, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế của Đại học Fulbright cho rằng, điểm khác biệt trong tăng trưởng kinh tế năm 2018 so với các năm trước là từ yếu tố cầu của nền kinh tế. Theo đó, đây là năm mà tăng trưởng kinh tế đạt mức cao trong khi tăng trưởng tín dụng không cao, chỉ ở mức dưới 15%. “Những năm 2016 - 2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng đã bị đẩy lên mức trên 18%. Do đó, xu hướng tăng trưởng của năm 2018 là tích cực hơn so với những năm trước. Bởi nếu Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tín dụng 17 - 18% liên tục đến năm 2020 thì sẽ phát sinh nguy cơ mất bền vững”, ông Thành nói. 

Tiềm năng và cơ hội của năm 2019

Tăng trưởng GDP năm 2019 được dự báo có khả năng đạt 7%. Bên cạnh tiềm lực nội tại, kinh tế Việt Nam có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế, đó là hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác.

Theo UBGSTCQG, lạm phát năm 2019 có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, áp lực khiến CPI tăng mạnh là không nhiều do giá hàng hoá thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ. Tính toán cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%.

Ông Đặng Ngọc Tú nhận xét: “Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chịu tác động từ kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ và Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại. Đáng chú ý, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cùng nhiều cơ hội tốt, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân”.

Về lạm phát, theo ông Tú, yếu tố tác động đến mặt bằng giá cả năm 2019 là ảnh hưởng trễ của việc tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, yếu tố thuận lợi là mặt bằng giá cả hàng hoá thế giới dự kiến sẽ tăng ít. “Tuy nhiên, cần đề phòng tình huống giá cả hàng hoá thế giới có thể tăng hơn dự báo và tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm mạnh. Hai yếu tố này có thể gây ra những tác động đáng kể với kinh tế Việt Nam”, ông Tú nhấn mạnh.

Nhận xét về xu hướng tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn, ông Lê Đức Thuý, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2018 đã đạt thành công về nhiều mặt, song điều quan trọng là cần xem xét đà tăng trưởng như vậy có bền vững hay không. “Điều đáng ngại là các con số của nền kinh tế là tích cực, song mô hình tăng trưởng vẫn chậm chuyển đổi. Đây lại là yếu tố cần thiết để đẩy mạnh bước tiến của nền kinh tế trong dài hạn”, ông Thuý nói.

Theo Báo Đấu Thầu

 

Our Strategic Partners