Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Những nốt thăng hy vọng

Written by  - Friday, 28 December 2018

(ĐTCK) Từ năm 2014 đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh có những cung bậc khác nhau. Kết quả đạt được chưa như mong đợi, câu chuyện cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn còn là một hành trình dài với nhiều khó khăn và kỳ vọng. 

Những nốt thăng hy vọng

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh được Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây cho thấy, sau 5 năm, hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017.

Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số. Trong 10 chỉ số của năm 2018, chỉ số về tiếp cận điện năng tăng từ vị trí 66 năm 2017 lên vị trí 27; chỉ số thành lập doanh nghiệp tăng từ 123 lên 104.

Đáng chú ý, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến rất đáng ghi nhận theo xếp hạng và đánh giá tại Báo cáo Doing Business 2019, đạt 84,82/100 điểm và đứng thứ 104, như vậy tăng 2,6 điểm và tăng 19 bậc so với năm 2017.

Trong 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong năm 2018, có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh, cụ thể là cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ hành chính 2018 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính ghi nhận, đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đứng thứ 2 về chi phí tuân thủ thấp nhất trong số 8 lĩnh vực được đánh giá.

“Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, qua đó tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên. Chất lượng môi trường kinh doanh quốc gia và địa phương được cải thiện và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn”, báo cáo của CIEM nhấn mạnh. 

Câu chuyện hiệu quả và thực chất

Đánh giá cao những bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh trong giai đoạn vừa qua, song trong câu chuyện tổng kết cuối năm 2018, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, vẫn còn nhiều tồn tại lớn trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh như quy định của một số bộ, ngành không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh; tham nhũng vặt còn phổ biến; cải cách chưa đồng đều giữa các bộ và địa phương…

“Nhìn chung, số bộ tích cực, bộ trưởng tích cực vẫn chưa nhiều, các bộ làm theo kiểu bị ép buộc phải làm. Theo đó, có sự đối phó, biến tướng, dẫn đến tình trạng làm nửa vời, duy trì những vị thế, chức năng, nhiệm vụ của ngành nghề, chứ chưa phải làm để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi thấy, tâm trạng phải làm còn nhiều hơn chủ động làm”, ông Cung nhận xét.

Thực trạng tại nhiều địa phương cũng tương tự, trong đó tâm lý cơ quan nhà nước sinh ra để quản vẫn phổ biến. Vì vậy, những cải cách của Chính phủ chưa đến được doanh nghiệp, giới kinh doanh chưa cảm nhận được sự chuyển biến trong môi trường kinh doanh một cách thực chất, vì bị biến tướng qua quá trình triển khai thực hiện ở cấp cơ sở.

Mặt khác, câu chuyện bãi bỏ điều kiện kinh doanh, theo ông Cung, vẫn còn nhập nhằng giữa cắt bỏ và sửa đổi, nên có sự hoài nghi về kết quả thực chất.

“Bỏ điều kiện kinh doanh thì chỉ có cắt bỏ hoàn toàn mới có hiệu lực, còn nếu quy định đơn giản hóa, bổ sung, sửa đổi thì doanh nghiệp và xã hội rất khó cảm nhận vì trong quá trình thực hiện nhiều khi bị méo mó, chậm trễ. Thực tế, trong 50% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi vừa rồi chủ yếu là sửa đổi, tỷ lệ bãi bỏ không cao. Do đó, khó có thể đánh giá được hiệu quả thực chất việc cắt giảm điều kiện kinh doanh”, lãnh đạo CIEM nói.

Đó là chưa kể, theo thống kê của Tổ công tác, số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đến thời điểm này vẫn còn nhiều và 58% số doanh nghiệp đang kinh doanh trong những ngành nghề có điều kiện. Trong khi đó, các công cụ quản lý nhà nước thiên về tiền kiểm, vô hình trung duy trì tâm lý giữ cái gì đó để can thiệp, quản lý từ đầu. 

Doanh nghiệp vẫn lo ma trận chính sách

Trong một cuộc họp tổng kết về thực hiện Nghị quyết 19 gần đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, hiện nay, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp là sự thiếu ổn định, không thể tiên lượng của chính sách, chứ không phải chất lượng chính sách.

“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp khi không có một đường hướng cụ thể trong chính sách để doanh nghiệp nắm được nên không biết phải đàm phán với các đối tác hay lên kế hoạch chuẩn bị thị trường và khách hàng như thế nào”, ông Trường nói và cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp lúng túng và khó nắm bắt hết được các chính sách vì có quá nhiều nơi có thể ra quy định, khiến doanh nghiệp rơi vào ma trận chính sách, trong đó có chính sách thuế, phí.

“Chúng ta có quá nhiều tiểu lộ mà doanh nghiệp phải chấp nhận, điều này không chỉ làm khó cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính sách của nhà nước như con đường. Con đường tốt, có thể chạy nhanh với tốc độ cao, doanh nghiệp mới chạy nhanh được”, ông Trường nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn phổ biến tình trạng một sản phẩm nhưng chịu sự quản lý của nhiều bộ chuyên ngành, khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

“Đơn cử, với sản phẩm mật ong, mặc dù đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và nhập khẩu lưu thông trên thị trường, nhưng khi doanh nghiệp đăng ký quảng cáo phải qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ này yêu cầu nhà sản xuất phải có tên trong danh sách của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Cục yêu cầu nhà sản xuất phải đăng ký danh sách được phép xuất khẩu vào Việt Nam, đồng thời công bố khi lưu thông hàng hóa. Doanh nghiệp phải chạy lòng vòng rất mất thời gian, chưa kể tốn kém thêm nhiều loại chi phí”, ông Trung lấy ví dụ.

Bình luận về câu chuyện này, ông Cung cho rằng, đây là nỗi sợ lớn nhất của doanh nghiệp trong tư duy ban hành và thực thi chính sách. Doanh nghiệp sợ nhất sự tùy nghi, tùy ý, vì gây ra sự không dự đoán được của môi trường kinh doanh, không biết thủ tục đấy đã đủ chưa, bao giờ xong, nhiều khi lại còn tùy thuộc vào mối quan hệ để làm, tùy thuộc vào thái độ của vị cán bộ, công chức làm trực tiếp.

Theo Viện trưởng CIEM, cách giải quyết tình trạng này là cơ quan quản lý nhà nước không ban hành thêm các quy định, đồng thời bỏ đi càng nhiều càng tốt các quy định không hiệu quả. Lãnh đạo một bộ có cách xây dựng tiêu chí cắt giảm điều kiện kinh doanh rất nhanh gọn và đáng học hỏi là đọc quy định lên mà thấy không rõ ràng, không khả thi là phải bỏ ngay.

Để khắc phục tình trạng biến tướng, đối phó trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh ở cấp trung gian, Nghị quyết 19 mới của Chính phủ hướng tới giao việc và trách nhiệm cụ thể cho từng bộ trưởng phụ trách, thay vì đặt mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp mà không có ai chịu trách nhiệm.

Chỉ tiêu và mục tiêu được giao cho người đứng đầu các bộ, còn giải pháp sẽ do các bộ, ngành đề xuất thực hiện. Cách làm này kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực giúp các bộ, ngành thúc đẩy sự sáng tạo và duy trì liên tục động lực cải cách.

Hiếu Minh

Our Strategic Partners