News Reviews

Đinh Hồng Bảo Phương

Đinh Hồng Bảo Phương

Trong 11 tháng năm 2019, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 vừa qua ước đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 48,7 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

11 tháng, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD  - Ảnh 1.

11 tháng, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT)

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, trong thời gian này, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11 ước tính đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ...

Như vậy, tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2019 xuất siêu 9,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,6 tỷ USD.

Theo VOV

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019 tổng trị​ giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 450,46 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 31,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vượt 450 tỷ USD

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2019 (từ ngày 01/11 đến ngày 15/11/2019) đạt 22,09 tỷ USD, giảm 10,7% (tương ứng giảm 2,65 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 10/2019.

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019 tổng trị​ giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 450,46 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 31,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2019 đạt 11,03 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm 2,1 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 10/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 229,82 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 17,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vượt 450 tỷ USD - Ảnh 1.

Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (cộng dồn từ đầu năm đến 15/11/2019 và so với cùng kỳ năm 2018). Nguồn: Tổng cục Hải quan

So với nửa cuối tháng 10/2019, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 11/2019 biến động giảm ở một số mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện giảm 539 triệu USD, tương ứng giảm 19%; máy vi tính điện tử và linh kiện giảm 351 triệu USD, tương ứng giảm 18,2%; hàng dệt may giảm 135 triệu USD, tương ứng giảm 9,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 134 triệu USD, tương ứng giảm 13,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 127 triệu USD, tương ứng giảm 21,9%...

Trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2019 đạt 11,06 tỷ USD, giảm 4,7% (tương ứng giảm 549 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 10/2019. Tính đến hết ngày 15/11/2019, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 220,64 tỷ USD, tăng 7,2% (tương ứng tăng 14,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vượt 450 tỷ USD - Ảnh 2.

Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (cộng dồn từ đầu năm đến 15/11/2019 so với cùng kỳ năm 2018). Nguồn: Tổng cục Hải quan

So với nửa cuối tháng 10/2019, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 11/2019 biến động giảm ở một số mặt hàng: xăng dầu các loại giảm 180 triệu USD, tương ứng giảm 40,8%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 129 triệu USD, tương ứng giảm 17%; than các loại giảm 124 triệu USD, tương ứng giảm 56,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 106 triệu USD, tương ứng giảm 6,2%...

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2019 thâm hụt 26 triệu USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019 đạt thặng dư 9,18 tỷ USD.

Theo CafeF

Chính phủ vừa ra Nghị quyết thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.

Chính phủ thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Song song với đó, Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, KKT Vân Đồn được xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.

Mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; phấn đấu là thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu.

Một số chỉ tiêu đáng chú ý khác gồm: Tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến 2020, 2021 – 2025, 2026 – 2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%. Quy mô dân số tăng từ 52 nghìn người năm 2019 lên 140 nghìn người vào năm 2030. Đến năm 2030, tạo khoảng 89 nghìn việc làm; phát triển mạng lưới y tế đồng bộ, phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sĩ/1 vạn dân và 3 dược sĩ/1 vạn dân...

Theo CafeF

 

 

Với khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và sẽ có chương trình hành động cụ thể.

Quy hoạch khu Đông TPHCM, gắn kinh tế với lợi ích cộng đồng

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TPHCM định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông gồm các quận: 2, 9 và Thủ Đức trong mục tiêu phát triển đô thị ngắn hạn và dài hạn; lộ trình triển khai các trung tâm sáng tạo giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, những giải pháp tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo trên các phương diện: nguồn nhân lực, ngành kinh tế chủ lực; sự hợp tác 3 bên gồm nhà trường - nhà doanh nghiệp - nhà nước, vận hành đô thị sáng tạo theo hướng đổi mới được đặc biệt quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng, khu phía đông TPHCM có nhiều tiềm năng nhưng hiện chưa có một chiến lược phát triển tổng thể. Dự đoán khu vực này sẽ đối mặt với tình trạng ngập nước nghiêm trọng hơn trong tương lai, vì vậy cần tăng diện tích cây xanh và ưu tiên thoát nước thay vì những công trình xây dựng.

Do đang phát triển “nóng”, khu Đông cần một cơ chế quản lý linh hoạt, tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các đô thị khác trên thế giới.

Bà Vương Trang, Phó Giám đốc Công ty enCity, cho rằng: “quận 2, 9 và Thủ Đức có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên, tình trạng ngập lụt sẽ tăng cao. Vì vậy, đồ án quy hoạch mới theo hướng thích ứng, gìn giữ không gian mở rất quan trọng để quản lý nguồn nước và hạn chế ngập lụt. Tích hợp và đa năng hơn chứ không chỉ đơn thuần là sử dụng đất và cần lưu ý để đảm bảo bền vững về môi trường.”

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: quy hoạch phát triển khu phía Đông TPHCM bám sát 5 mục tiêu phát triển chiến lược, đặc biệt là hoàn thiện các trung tâm sáng tạo dựa trên nền tảng sẵn có của thành phố. Dù mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn, thành phố đều chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và sẽ có chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới.

“Với khu đô thị sáng tạo phía Đông, TPHCM làm rất nhanh. Chúng ta phát triển trên 3 cực: nghiên cứu đào tạo trình độ cao, khu công nghệ cao và khu đô thị mới trung tâm giải trí. Đây là vận dụng trí tuệ quốc tế vào thành phố. Mỗi dự án là một lớp, trong đó những nét tinh tú nhất, chúng ta vận dụng để cùng nhau phát triển. Thành phố sẽ có một tổ đảm nhận việc này, đưa ra phương án cuối cùng” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo VOV

Châu Âu là khu vực xuất khẩu cà phê thành phẩm nhiều nhất, chiếm 35% tỷ lệ xuất khẩu.Chỉ xếp sau Brazil, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới với giá trị xuất khẩu cà phê lên đến 3,5 tỷ USD.

Bản đồ xuất khẩu cà phê thế giới

Thống kê xuất khẩu dưới đây không nói tới những nơi cà phê được trồng. Chẳng hạn như Đức và Thuỵ Sĩ đều có giá trị xuất khẩu cà phê rất cao nhưng nông dân 2 nước này không trồng cà phê. Thay vào đó, họ nhập khẩu hạt cà phê xanh từ các khu vực kém phát triển hơn, rang và vận chuyển nó đi khắp thế giới. Để rang và tạo hương vị cho cà phê cần rất nhiều điện và nước, tài nguyên mà các nước kém phát triển hơn thường không đáp ứng được. Điều này giải thích lý do các hoạt động này gần nơi sinh sống của người tiêu dùng giàu có khắp Tây Âu.

Nhìn vào các quốc gia trồng cà phê nói riêng, chỉ có một vài 'ông lớn' có giá trị xuất khẩu cà phê trên 2 tỷ USD như Brazil (4,6 tỷ), Việt Nam (3,5 tỷ) và Colombia (2,5 tỷ) - chiếm đến 32,7% toàn bộ giá trị xuất khẩu cà phê thế giới. Bất kỳ quốc gia nói trên đều tạo ra nhiều hạt cà phê hơn toàn bộ lục địa châu Phi, minh chứng cho ngành công nghiệp sản xuất cà phê tại đây kém phát triển như thế nào. Nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất ở  Châu Phi, Ethiopia (938 triệu USD) thậm chí còn không nằm trong danh sách top 10 quốc đạt giá trị xuẩt khẩu lớn nhất.

Tuy nhiên, thị trường cà phê quốc tế tương đối phân tán giữa hàng chục quốc gia khác nhau. Chỉ có hai quốc gia chiếm hơn 10% thị trường xuất khẩu toàn cầu và 17 quốc gia khác nhau đóng góp từ 1-5% mỗi nước. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có vô số lựa chọn khi muốn thưởng thức một tách cà phê.

Theo CafeF

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy sự tăng mạnh về đầu tư nước ngoài (FDI) theo hình thức góp vốn, mua cổ phần.

Giải ngân vốn FDI: 11 tháng tăng 6,8%

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tinh đến 20/11/2019, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó có 3.478 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,7 tỷ USD, tăng 28,2% về số dự án và giảm 7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 1.256 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,9 tỷ USD, giảm 20,7%.

Đặc biệt, có tới 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 11,2 tỷ USD, tăng 47,1%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Ngoài ra, trong 11 tháng năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ...

Cũng trong 11 tháng, đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông); Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp theo là Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…

Đáng chú ý, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể: đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kỳ 2018.

Về đầu tư của Việt nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2019, tống vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 458,82 triệu USD. Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, tiếp theo là Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore...

Theo Báo Hải Quan

Tầng lớp trung lưu Việt Nam chưa lúc nào bớt giàu có đi. Công ty tư vấn Boston dự báo rằng đến năm 2030, khoảng 16% người Việt Nam sẽ thuộc nhóm giàu có so với tỷ lệ chỉ 5% hiện nay.

Forbes: Du lịch và đầu tư đang tạo bệ phóng cho ngành hàng không Việt Nam phát triển mạnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện tại Việt Nam đang có 5 hãng hàng không đang hoạt động và sẽ có thêm một hãng máy bay mới chuẩn bị vận hành.

Sở dĩ có ngày một nhiều hãng hàng không như vậy là bởi tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày một thích đi lại bằng máy bay, theo quan điểm được đưa ra trong bài viết được Forbes đăng tải.

Cục Hàng không Việt Nam tính toán rằng số lượt người đi lại bằng đường hàng không có thể đạt 131 triệu vào năm 2020, số lượt khách đi lại bằng máy bay đã tăng trưởng 16% trong năm ngoái và cả năm nay. Đến năm 2030, cục ước tính sẽ có khoảng 280 triệu lượt đi lại bằng máy bay dân dụng mỗi năm.

Một chuyên gia tại công ty chứng khoán SSI, ông Mike Lynch, nhận xét: “Tất cả các máy bay đều đã kín chỗ. Tuyến Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh đông kín khách mỗi ngày”.

Một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam đến chính từ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất tăng lên, người ta cần phải đến thăm nhà xưởng thường xuyên, tìm kiếm nguồn cung cấp cũng như gặp gỡ họp mặt với nhiều nhân viên tại nhiều khu vực địa lý khác nhau, có thể là Hà Nội hay Tokyo.

Không chỉ tại Việt Nam mà ở khắp châu Á, các hàng hãng không mới xuất hiện ngày một nhiều hơn khi tăng trưởng kinh tế lên mạnh và việc bay bằng hàng không giá rẻ ngày một trở nên phổ biến. Thế nhưng tăng trưởng của số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác tại châu Á trong năm 2017, theo số liệu của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates.

Trong năm 2017, ngành hàng không Việt Nam có 94 triệu lượt hành khách đi lại bằng đường hàng không trong đó có 13 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 16% so với năm 2016.

Lao động giá rẻ đã thu hút nhà đầu tư đến từ các nước phát triển đến Việt Nam để sản xuất nội thất, phụ tùng ô tô và hàng điện tử cũng như nhiều loại mặt hàng khác. Đầu tư tăng hỗ trợ quan trọng giúp GDP Việt Nam tăng trưởng 6% đến 7% mỗi năm. Và đương nhiên những người này cũng đi lại bằng máy bay.

Khách du lịch Việt Nam cũng góp phần quan trọng giúp cho số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng chóng mặt bởi họ có thể du lịch đến 10 nước Đông Nam Á mà không cần đến visa. Khách du lịch nước ngoài đi theo tour cũng đang đến Việt Nam nhiều hơn. Năm ngoái, số lượng khách du lịch đến Việt Nam đạt 15,5 triệu, cao hơn 20% so với năm 2017, theo nghiên cứu của Dezan Shira.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit, ông Rajiv Biswas, nói: “Chính sự kết hợp giữa nhu cầu đi lại trong công việc và hoạt động du lịch phát triển đang khiến Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành hàng không”.

Người Việt Nam giờ đây đang sử dụng máy bay nhiều hơn khi giá giảm và các hãng hàng không đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Tầng lớp trung lưu Việt Nam chưa lúc nào bớt giàu có đi. Công ty tư vấn Boston dự báo rằng đến năm 2030, khoảng 16% người Việt Nam sẽ thuộc nhóm giàu có so với tỷ lệ chỉ 5% hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cũng đang có chính sách hỗ trợ sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, từ nay đến năm 2030, dự kiến bộ sẽ đầu tư khoảng 15,4 tỷ USD để phát triển khoảng 23 sân bay.

Theo CafeF

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng khá 9,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%.

Sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 9,3%

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính chung 11 tháng năm 2019,  chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,9% (cùng kỳ năm trước giảm 1,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng khá 10,6% (cùng kỳ năm trước tăng 12,1%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 6,9% (cùng kỳ năm trước tăng 11,9%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 6,6%; sản xuất thuốc lá tăng 3,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 1,6%; khai khoáng khác (đá, cát, sỏi...) tăng 1,5%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sắt, thép thô tăng 37,5%; xăng, dầu tăng 23,9%; thép thanh, thép góc tăng 20,5%; tivi tăng 14,6%; thức ăn cho thủy sản tăng 12,7%...

Sản xuất công nghiệp tháng 11 có dấu hiệu tăng chậm lại với mức tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ đầu năm 2019 do sụt giảm của ngành khai khoáng và sự giảm tốc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2019 ước tính giảm 1,6% so với tháng trước, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, là tháng có tốc độ tăng thấp nhất kể từ đầu năm. Trong đó ngành khai khoáng giảm 5,3% (khai thác dầu thô giảm 10,4%; khai thác than tăng 6,6%); chế biến, chế tạo tăng thấp 6,5% chủ yếu do sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 46,4% và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng thấp 2,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%.

Theo Chinhphu.vn

 

Ông Yanai - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tadashi Yanai cho biết một số thị trường Đông Nam Á vẫn chưa có bất kỳ cửa hàng Uniqlo nào - Campuchia, Lào và Myanmar - không phải là ưu tiên trước mắt. "Có nhiều quốc gia khác phù hợp hơn để mở các cửa hàng," ông nói.

Nikkei: Việt Nam sẽ là một trong những trụ cột của kế hoạch tăng trưởng của Uniqlo, được Aeon Group coi là thị trường quan trọng nhất ngoài Nhật Bản

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nikkei Asian Review đưa tin: Với diện tích sàn bán hàng hơn 3.000 mét vuông, Uniqlo chuẩn bị mở một trong những cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á trên đường Đồng Khởi, một khu mua sắm ở thành phố Hồ Chí Minh.

Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, đang tìm cách kinh doanh ở Việt Nam - một thị trường đầy tiềm năng với tầng lớp trung lưu đang mở rộng và quy mô dân số tương đối trẻ, có tuổi trung bình khoảng 31. Việt Nam sẽ là một trong những trụ cột quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng 30% mỗi năm ở Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Đại Dương của Fast Retailing.

Công ty bán lẻ thời trang nhanh Uniqlo đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần số lượng cửa hàng tại Đông Nam Á trong 10 năm, đưa khu vực ASEAN lên ngang tầm với mạng lưới cửa hàng ở Trung Quốc hiện tại, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tadashi Yanai cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 28/10.

Ông Yanai cho biết phải mất 17 năm để tập đoàn thời trang lớn nhất Nhật Bản xây dựng mạng lưới của mình tại một thị trường lớn hơn, với số lượng khoảng 800 cửa hàng. Công ty hy vọng việc mở rộng tại Đông Nam Á sẽ tiến triển nhanh hơn nhiều kể từ bây giờ.

"Châu Á, từ Trung Quốc đến Ấn Độ, với 4 tỷ dân, là khu vực duy nhất trên thế giới đang có sự tăng trưởng ổn định", ông Yanai nhấn mạnh, phát biểu bên lề Diễn đàn quản lý toàn cầu Nikkei ở Tokyo. "Tăng trưởng ở Đông Nam Á giờ đây sẽ "nhanh hơn ở Trung Quốc, vì ở Trung Quốc, chúng tôi phải xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản từ con số 0".

Trên toàn thế giới, Uniqlo có khoảng 2.200 cửa hàng và lợi nhuận hoạt động ở nước ngoài lần đầu tiên vượt qua thị trường Nhật Bản trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8 vừa rồi. Mặc dù vậy, Fast Retailing vẫn cẩn thận lựa chọn các mục tiêu Đông Nam Á. Ông Yanai nói một số thị trường Đông Nam Á vẫn chưa có bất kỳ cửa hàng Uniqlo nào - Campuchia, Lào và Myanmar - không phải là ưu tiên trước mắt. "Có nhiều quốc gia khác phù hợp hơn để mở các cửa hàng," ông nói.

Nhà điều hành trung tâm thương mại Nhật Bản Aeon Mall cũng sẽ mở một cơ sở thứ hai tại Hà Nội vào ngày 5/12 sắp tới. Cửa hàng ở quận Hà Đông sẽ là cửa hàng thứ năm tại Việt Nam. Việt Nam được công ty mẹ Aeon Group xem là thị trường tăng trưởng quan trọng nhất ngoài Nhật Bản.

Theo Nikki Asean Review

Chỉ số PMI hồi phục của các quốc gia châu Á một phần đến từ sự gia tăng nhu cầu điện tử liên quan đến các sản phẩm điện thoại thông minh và ô tô mới ra mắt.

Bloomberg: Sản xuất toàn châu Á hồi phục, PMI Việt Nam "nhảy" từ 50 lên 51, Thái Lan giảm xuống còn 49,3

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khi các chỉ số quản lý mua hàng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Indonesia tăng nhẹ, tất cả họ đều không vượt qua được ngưỡng 50 50, dữ liệu từ IHS Markit ngày 2/12 cho thấy. Đài Loan giữ ổn định ở mức 49,8, trong khi Thái Lan giảm xuống 49,3.

PMI sản xuất của Ấn Độ đã tăng từ mức thấp nhất trong vòng hai năm - 50,6 tháng trước lên 51,2, báo hiệu động lực trong sản xuất. PMI của Việt Nam tăng cao, từ 50 lên 51, cho thấy những nỗ lực điều hòa cán cân thương mại vừa qua có thể đi đúng hướng.

Phần lớn các quốc gia, chỉ số này có dấu hiệu tốt hơn là do hiệu suất của Trung Quốc được cải thiện trong tháng. Chỉ số Caixin - vốn có trọng số hơn đối với các công ty sản xuất tư nhân của Trung Quốc - đã tăng từ 51,7 lên 51,8.

Tin tức cuối tuần trước cho biết rằng chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức của Trung Quốc đã tăng lên 50,2, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 50 kể từ tháng Tư.

"Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn của hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á", ông Alex Alex Holmes, một nhà kinh tế tại Capital Economics Ltd. tại Singapore, đã viết trong một ghi chú. "Mặc dù chúng tôi vẫn nghi ngờ rằng liệu chỉ số PMI Caixin có phản ánh đúng tình hình hay không, nhưng sự cải thiện đồng bộ trong dữ liệu khảo sát đã chỉ ra sự tăng trưởng ở Trung Quốc vào tháng trước, mang lại hy vọng cho các quốc gia có ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu ở phần còn lại của khu vực". 

Trong khi các công ty Nhật Bản tăng chi tiêu vốn thì tại Hàn Quốc - nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại - nhu cầu xuất khẩu tiếp tục giảm. Các lô hàng đã giảm 14,3% trong tháng 11 so với cùng kỳ, mức giảm hai chữ số liên tiếp lần thứ sáu, dữ liệu từ Bộ thương mại cho thấy vào Chủ nhật.

Chỉ số PMI hồi phục của các quốc gia châu Á một phần đến từ sự gia tăng nhu cầu điện tử liên quan đến các sản phẩm điện thoại thông minh và ô tô mới ra mắt.

"Tại Nhật Bản, các nhà máy vẫn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm", theo Joe Hayes, một nhà kinh tế tại IHS Markit.

"Các đơn đặt hàng nhập khẩu đang giảm ở tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm nay, trong bối cảnh các điểm đến thương mại quan trọng, cụ thể là Trung Quốc đang suy thoái", ông Joe Hayes đã viết trong một báo cáo. "Chủ yếu, tình hình bây giờ sẽ phụ thuộc vào cách các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra như thế nào và việc duy trì tăng trưởng ở Trung Quốc được tiến hành ra sao".

"Vẫn còn rất nhiều thách thức", ông Chang Shu, chuyên gia kinh tế châu Á của Bloomberg Economics nói. "Sự ổn định còn phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận 'giai đoạn một' hay không".

Theo CafeF

Strategic Partnership