Forbes: Du lịch và đầu tư đang tạo bệ phóng cho ngành hàng không Việt Nam phát triển mạnh

Written by  - Tuesday, 03 December 2019

Tầng lớp trung lưu Việt Nam chưa lúc nào bớt giàu có đi. Công ty tư vấn Boston dự báo rằng đến năm 2030, khoảng 16% người Việt Nam sẽ thuộc nhóm giàu có so với tỷ lệ chỉ 5% hiện nay.

Forbes: Du lịch và đầu tư đang tạo bệ phóng cho ngành hàng không Việt Nam phát triển mạnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện tại Việt Nam đang có 5 hãng hàng không đang hoạt động và sẽ có thêm một hãng máy bay mới chuẩn bị vận hành.

Sở dĩ có ngày một nhiều hãng hàng không như vậy là bởi tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày một thích đi lại bằng máy bay, theo quan điểm được đưa ra trong bài viết được Forbes đăng tải.

Cục Hàng không Việt Nam tính toán rằng số lượt người đi lại bằng đường hàng không có thể đạt 131 triệu vào năm 2020, số lượt khách đi lại bằng máy bay đã tăng trưởng 16% trong năm ngoái và cả năm nay. Đến năm 2030, cục ước tính sẽ có khoảng 280 triệu lượt đi lại bằng máy bay dân dụng mỗi năm.

Một chuyên gia tại công ty chứng khoán SSI, ông Mike Lynch, nhận xét: “Tất cả các máy bay đều đã kín chỗ. Tuyến Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh đông kín khách mỗi ngày”.

Một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam đến chính từ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất tăng lên, người ta cần phải đến thăm nhà xưởng thường xuyên, tìm kiếm nguồn cung cấp cũng như gặp gỡ họp mặt với nhiều nhân viên tại nhiều khu vực địa lý khác nhau, có thể là Hà Nội hay Tokyo.

Không chỉ tại Việt Nam mà ở khắp châu Á, các hàng hãng không mới xuất hiện ngày một nhiều hơn khi tăng trưởng kinh tế lên mạnh và việc bay bằng hàng không giá rẻ ngày một trở nên phổ biến. Thế nhưng tăng trưởng của số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác tại châu Á trong năm 2017, theo số liệu của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates.

Trong năm 2017, ngành hàng không Việt Nam có 94 triệu lượt hành khách đi lại bằng đường hàng không trong đó có 13 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 16% so với năm 2016.

Lao động giá rẻ đã thu hút nhà đầu tư đến từ các nước phát triển đến Việt Nam để sản xuất nội thất, phụ tùng ô tô và hàng điện tử cũng như nhiều loại mặt hàng khác. Đầu tư tăng hỗ trợ quan trọng giúp GDP Việt Nam tăng trưởng 6% đến 7% mỗi năm. Và đương nhiên những người này cũng đi lại bằng máy bay.

Khách du lịch Việt Nam cũng góp phần quan trọng giúp cho số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng chóng mặt bởi họ có thể du lịch đến 10 nước Đông Nam Á mà không cần đến visa. Khách du lịch nước ngoài đi theo tour cũng đang đến Việt Nam nhiều hơn. Năm ngoái, số lượng khách du lịch đến Việt Nam đạt 15,5 triệu, cao hơn 20% so với năm 2017, theo nghiên cứu của Dezan Shira.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit, ông Rajiv Biswas, nói: “Chính sự kết hợp giữa nhu cầu đi lại trong công việc và hoạt động du lịch phát triển đang khiến Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành hàng không”.

Người Việt Nam giờ đây đang sử dụng máy bay nhiều hơn khi giá giảm và các hãng hàng không đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Tầng lớp trung lưu Việt Nam chưa lúc nào bớt giàu có đi. Công ty tư vấn Boston dự báo rằng đến năm 2030, khoảng 16% người Việt Nam sẽ thuộc nhóm giàu có so với tỷ lệ chỉ 5% hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cũng đang có chính sách hỗ trợ sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, từ nay đến năm 2030, dự kiến bộ sẽ đầu tư khoảng 15,4 tỷ USD để phát triển khoảng 23 sân bay.

Theo CafeF

Our Strategic Partners