Mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo được dự báo có thể xuất hiện trong năm 2019

Written by  - Thursday, 20 December 2018

Các chuyên gia của Bkav vừa đưa ra dự báo, mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI có thể sẽ xuất hiện trong năm 2019 sắp tới, ban đầu dưới hình thức những mẫu thử nghiệm PoC (Proof of Concept).

hacker may tri tue nhan tao ai 2019 1

Các chuyên gia bảo mật dự báo về sự xuất hiện của mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo, các "hacker máy" trong thời gian tới (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cùng với việc công bố báo cáo đánh giá tình hình an ninh mạng tại Việt Nam trong năm 2018, chiều ngày 19/12/2018, chuyên gia Bkav cũng đưa ra dự báo về xu hướng an ninh mạng trong năm 2019.

Các chuyên gia của Bkav nhận định, trong năm tới, mối đe dọa lớn nhất của người dùng Internet đến từ mã độc mã hóa tống tiền, mã độc xóa dữ liệu, mã độc đào tiền ảo và tấn công có chủ đích APT. “Các loại mã độc này có thể kết hợp nhiều con đường lây nhiễm khác nhau để tăng tối đa khả năng phát tán, trong đó phổ biến nhất là khai thác lỗ hổng phần mềm, hệ điều hành và qua email giả mạo”, chuyên gia Bkav phân tích.

Đại diện Bkav cũng cho rằng, trong bức tranh an ninh mạng năm 2019 sắp tới, tình trạng spam lừa đảo trên Facebook không chỉ với hình thức “comment dạo”, mà sẽ có nhiều biến tướng, đơn cử như: kẻ xấu có thể sẽ sử dụng triệt để các hình thức khác như chat messenger, mời kết bạn, tag vào các bài viết, xem chung…

“Hình thức tung tin đồn thất thiệt về tấn công mạng như vụ việc của Thế giới di động, FPT Shop… nhằm gây hoang mang, trục lợi có thể sẽ gia tăng. Người dùng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác hơn nữa với những “chiêu bài” này của kẻ xấu”, chuyên gia Bkav khuyến cáo.

Đáng chú ý, trong dự báo về an ninh mạng ở Việt Nam thời gian tới, chuyên gia Bkav nhận định mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI có thể xuất hiện trong năm 2019.

 Trước đó, tại hội thảo chuyên đề “Kết nối ASEAN số: Cơ hội và thách thức”diễn ra trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam (Vietnam ICT Investment Forum - VIIF) 2018 được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức tại Hà Nội hồi cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin –Bộ TT&TT cũng cho biết: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một mối đe dọa mới đang diễn ra xuất phát từ nền tảng trí tuệ nhân tạo – AI. Trước đây, hacker là những người cụ thể, còn ngày nay tin tặc còn có thể là những hệ thống máy dựa trên hệ thống trí tuệ nhân tạo, thực hiện các cuộc tấn công tự động vào các hệ thống khác”.

Nhấn mạnh quá trình chuyển đổi số hiện nay và an toàn thông tin mạng là 2 phần song hành cùng nhau, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng nêu rõ: “Chúng ta đang sống trong một môi trường kết nối mạng và không ai có thể an toàn một mình trên không gian mạng, không ai được miễn trừ khỏi các cuộc tấn công mạng. An toàn thông tin mạng đang là vấn đề toàn cầu, cần có sự chung tay của tất cả mọi người hướng tới mục tiêu chung là nâng cao khả năng chống chịu, ứng phó với các cuộc tấn công mạng”.

Đề cập đến vấn đề này, tại tọa đàm trực tuyến chủ đề “Đảm bảo an toàn thông tin trong doanh nghiệp thời chuyển đổi số: Chính sách và giải pháp” được ICTnews tổ chức ngày 7/11/2018, ông Nguyễn Minh Đức, CEO Công ty An toàn thông tin CyRadar cho rằng, sự xuất hiện của các cuộc tấn công mạng đến từ các “hacker máy” - những hệ thống máy được ứng dụng trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ là một xu hướng tấn công mạng trong thời gian tới.

Theo phân tích của người đứng đầu Công ty CyRadar, khi mà trí tuệ nhân tạo - AI được sử dụng ở nhiều nơi, thì cũng lúc đó, tội phạm mạng sẽ tìm cách ứng dụng nó trong lĩnh vực tấn công. Hiện nay, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều hệ thống mã độc “tự động” vận hành gần đạt tới AI. Chẳng hạn như, trong các chiến dịch mã độc tống tiền (ransomware), việc phát tán mã độc được tự động liên tục thay đổi các biến thể mới. Khi lây nhiễm trên hệ thống, chúng tự động kết nối và làm việc với máy chủ điều khiển, cũng như tiến hành mã hoá để đưa ra thông điệp tống tiền tùy theo mức độ quan trọng của dữ liệu trên máy tính. Cuối cùng là khâu “đòi tiền”, nếu nạn nhân thanh toán tiền xong, thì “hệ thống đòi tiền chuộc” tự động cung cấp phần mềm giải mã cho nạn nhân.

“Theo tôi, sớm muộn gì “phe tấn công” cũng sẽ xuất hiện những mã độc thông minh. Khi đó, việc ngăn chặn, phát hiện, phòng chống sẽ càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp đã áp dụng AI trong lĩnh vực an toàn thông tin, chúng tôi tin rằng sẽ sớm có biện pháp để ngăn chặn các “hacker máy” khi chúng xuất hiện”, CEO Công ty CyRadar Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Theo ICTNews

Our Strategic Partners