Phát triển cụm công nghiệp: Nhiều địa phương kêu khó

Written by  - Monday, 05 November 2018

Nhiều vướng mắc về hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường cũng như các quy định của văn bản luật khiến việc phát triển cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, số liệu từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho thấy, trong số 807 cụm công nghiệp với tổng diện tích 26.565 ha, số cụm công nghiệp đi vào hoạt động và thu hút các dự án đầu tư là 680 cụm.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của các cụm công nghiệp vẫn chưa đạt theo kế hoạch. Hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp, việc lựa chọn bố trí dự án đầu tư vào cụm công nghiệp nhiều địa phương vẫn chưa chú ý đúng mức yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội...

Lúng túng khi triển khai

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do phê duyệt tại các thời điểm khác nhau nên mặc dù có nhiều cụm công nghiệp đã nằm trong quy hoạch phát triển, nhưng khi triển khai thành lập cụm theo Nghị định 68 lại “vướng” vào một số diện tích đất không phải của cụm công nghiệp, hoặc mục đích sử dụng đất chưa được cập nhật.

“Cần phải làm rõ việc thực hiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trước hay sau đó sẽ điều chỉnh các quy hoạch khác liên quan hay ngược lại. Cần phải đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch liên quan trước làm cơ sở để quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp”, ông Thắng nêu khúc mắc.

 photo 1 15412945861171337158755

 Việc triển khai thành lập, mở rộng cụm công nghiệp tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng quan điểm với ông Thắng, ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay, đến nay tỉnh đã có 18/38 cụm công nghiệp có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Để mở rộng cụm công nghiệp và tiếp nhận các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, theo Nghị định 68, các tổ chức cá nhân chỉ cần thỏa thuận với chủ đầu tư về vị trí, địa điểm, diện tích đất công nghiệp, ngành nghề, quy hoạch, giá thuê đất, nhà xưởng.Cũng theo ông Thắng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 68 khá rộng, có liên quan đến nhiều luật, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… nên cần có các hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan để việc triển khai được thông suốt, tránh khó khăn vướng mắc do chưa có sự đồng bộ giữa các văn bản pháp luật.

Tuy nhiên tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT năm 2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lại quy định: Không được mở rộng cụm công nghiệp, tiếp nhận thêm dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trong trường hợp cụm chưa có công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

“Các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp chỉ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi nào đã có hạ tầng kỹ thuật là đường, điện và hệ thống xử lý nước thải… Điều này là hạn chế huy động vốn của chủ đầu tư và lợi thế về thời gian của doanh nghiệp tham gia xây dựng và kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp, giảm chỉ số cạnh tranh của tỉnh”, ông băn khoăn.

Gỡ vướng từ quy hoạch và thẩm định

Với những vướng mắc này, ông Hùng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh thời gian, trình tự thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và thành lập, mở rộng cụm công nghiệp phù hợp với quy chế hoạt động của tỉnh.

“Chính phủ nên giao cho Sở Công Thương chủ trì tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp… để tạo thuận lợi cho quản lý cụm công nghiệp ngay từ khâu quy hoạch, thành lập, hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp và giảm các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư hạ tầng, sản xuất kinh doanh…”, ông Hùng kiến nghị.

Theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Nghị định 68 đã tạo hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng hơn, góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương.

 

Tuy nhiên, việc chấp hành một số nội dung, quy định của Nghị định 68 tại một số địa phương còn chưa nghiêm túc, đầy đủ. Nhiều địa phương vẫn còn gặp khó trong việc triển khai Nghị định 68 như Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp nay không còn phù hợp với Luật Quy hoạch nên việc lựa chọn chu đầu tư cần được hướng dẫn cụ thể hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Cao Quốc Hưng ghi nhận phản hồi từ phía các địa phương và cho rằng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 68 về quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, trình Chính phủ trong Quý IV/2019.

“Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng, hoàn thiện thể chế, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động liên quan đến cụm công nghiệp; thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi và phối hợp trong việc quản lý nhà nước về cụm công nghiệp. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển cụm công nghiệp tạcác địa phương từ khâu quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động của các cụm công nghiệp”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định./.

Theo VOV

Our Strategic Partners