Ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp: “Việt Nam cần đi ngay, đi nhanh, đi chính xác”

Written by  - Friday, 13 July 2018

"Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần phù hợp với vùng, với sản phẩm của từng vùng thì mới hiệu quả. Còn không sẽ tốn kém và lãng phí."

Ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp: “Việt Nam cần đi ngay, đi nhanh, đi chính xác”
"Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần phù hợp với vùng, với sản phẩm của từng vùng thì mới hiệu quả. Còn không sẽ tốn kém và lãng phí."
 

Đó là nhận định của TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại hội thảo chuyên đề "Nông nghiệp thông minh" diễn ra chiều 12/07 tại Hà Nội.

"2 năm qua, 60 hội thảo liên quan đến công nghệ thông minh đã được tổ chức, là chúng ta đã đi ngay," TS. Phạm S nói. Nhưng theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đi nhanh và đi chính xác còn là vấn đề nan giải với nông nghiệp Việt Nam. 

"Đất nước ta hiện có 11 triệu hecta đất nông nghiệp nhưng ứng dụng về nông nghiệp thông minh rất hạn chế. Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần phù hợp với vùng, với sản phẩm của từng vùng thì mới hiệu quả. Còn không sẽ tốn kém và lãng phí." TS nhận định.

Ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp: “Việt Nam cần đi ngay, đi nhanh, đi chính xác” - Ảnh 1.

TS Phạm S

Làm sao để đi nhanh và đi chính xác? Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra 6 khuyến nghị để phát triển nông nghiệp thông minh trong giai đoạn tới.

Một là, giao cho Bộ Thông tin Truyền thông nghiên cứu mô hình quản lý mới. 

Hai là, "chúng ta đi từ 1.0 lên thẳng 4.0 nên hạ tầng công nghệ thông minh của chúng ta hầu như hạn chế," TS nói. TS. Phạm S khuyến nghị cần đầu tư nguồn lực cho công nghệ thông minh.

Ba là, xây dựng đề án về phát triển nông nghiệp thông minh. Theo TS. Phạm S, Việt Nam vẫn chưa có đề án về phát triển nông nghiệp thông minh.

Bốn là, các trường đại học cần thay đổi về đào tạo nguồn lực để phù hợp với nhu cầu mới. "Vai trò của các trường đại học rất lớn," TS nhận định.

Năm là, nghiên cứu đi thẳng vào phần mềm phần cứng để sản xuất ra các thiết bị công nghệ 4.0 phục vụ nông nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho hay hiện nay các thiết bị 4.0 như IoT phải nhập từ Nhật, Mỹ với chi phí đắt. Vì vậy cần đặt hàng các viện nghiên cứu trong nước phát triển công nghệ này.

Sáu là, các tỉnh muốn phát triển nông nghiệp thông minh thì phải đào tạo toàn diện từ cấp quản lý, các doanh nghiệp và người nông dân. "Nếu cán bộ quản lý không biết hay người nông dân không biết thì cuối cùng sẽ không tiếp cận được công nghệ, dẫn đến lãng phí trong giai đoạn mới," TS cho hay.

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, biến đổi khí hậu nếu chúng ta không có công nghệ, không có giải pháp đồng bộ thì sản xuất nông nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh. Việt Nam và nông nghiệp Việt Nam không thể bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo "Nông nghiệp thông minh" diễn ra chiều 12/07 nằm trong khuôn khổ Industry 4.0 Summit - diễn đàn cấp cao với chủ đề "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" diễn ra ngày 12 - 13/07 tại Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức bởi Ban Kinh tế Trung ương, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều đại biểu, lãnh đao cấp cao các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Quỳnh

Theo Trí Thức Trẻ

Our Strategic Partners