Việt Nam phải tránh những bất ổn kinh tế vĩ mô

Written by  - Monday, 25 June 2018

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, tránh những bất ổn kinh tế vĩ mô có thể xảy ra trong vòng hai năm tới là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Việt Nam phải tránh những bất ổn kinh tế vĩ mô
 
 

Tác động đến Việt Nam trong ngắn, trung và dài hạn

TS Võ Trí Thành nhận định, căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang bị đẩy lên cao. Tình trạng này có thể xảy ra theo hai góc độ. Thứ nhất, leo thang đối đầu thương mại sẽ tăng đến lúc nào đó rất khó kiểm soát, có thể nổ ra chiến tranh thương mại.

Thứ hai, khi vượt qua mức dền dứ như hiện nay, vì quan hệ thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, áp lực của dư luận quốc tế, kinh tế thế giới hoặc bản thân không muốn đi quá xa thì đến lúc hai bên cần ngồi lại thảo luận “mềm” với nhau.

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, thực tế cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang xảy ra rồi, vấn đề chỉ là quy mô, mức độ sẽ như thế nào. Trong mấy chục năm qua, kiến trúc sư trưởng hay đạo diễn đứng đằng sau các thiết chế trên toàn cầu là Mỹ. Mỹ luôn có tư tưởng ngoại lệ, luôn coi mình là số 1, là lãnh đạo thế giới nên họ muốn làm theo ý họ. Nhưng điều đó bây giờ không còn đúng nữa. Do vậy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc xảy ra sẽ khiến cả đôi bên, thậm chí là kinh tế thế giới đều chịu thiệt hại.

Theo TS Võ Trí Thành, với mức độ căng thẳng như hiện nay, việc tăng thuế lên vài trăm tỷ USD giữa hai nước lớn sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp, ngắn và trung hạn tới Việt Nam. Thế mạnh của Mỹ là hàng công nghệ, Trung Quốc là nông sản. Do đó, đều ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Cụ thể lúc này là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, trong đó có yếu tố thuận và nghịch. Nhà đầu tư của Mỹ và Trung Quốc có thể tìm kiếm thị trường mới như Việt Nam vốn ổn định, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu cuộc đối đầu leo thang sẽ tạo ra vòng xoáy, các nước tăng cường bảo hộ thương mại, ảnh hưởng nặng đến Việt Nam, nhất là khi kinh tế Việt Nam có độ mở cùng tỷ trọng xuất khẩu cao, đặc biệt là phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI.

Tránh lạc quan thái quá

“Doanh nghiệp (DN) Việt cần làm gì?”, ông Võ Trí Thành cho biết, doanh nghiệp cần quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường. Đây cũng là giai đoạn vừa tăng sức đề kháng, vừa cải cách, học hỏi chuẩn bị, xắn tay vào bắt nhịp xu hướng mới.

Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần tăng sức chống chọi các cú sốc bên ngoài, ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, tái cấu trúc tài chính ngân hàng theo hướng minh bạch hơn. Quan trọng hơn nữa chính là cải cách thể chế, con người gắn với hội nhập. Dù kịch bản nào thì cải cách, bắt nhịp phải đi cùng xu hướng, phải phòng thủ và học hỏi.

TS Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, Chính phủ cần phải chú ý đến và tiếp tục việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) và môi trường kinh doanh (MTKD), đặc biệt cần lưu ý chu kỳ khủng hoảng 10 năm. Bởi theo ông, nếu bây giờ để bất ổn vĩ mô như lạm phát bùng lên hay là đổ vỡ ở thị trường này, thị trường kia thì công sức ổn định KTVM trong mấy năm qua coi như đổ xuống sông, xuống biển.

“Tôi tin nếu đà này giữ được thì những kết quả khả quan sẽ chờ đón ở phía trước. Tuy nhiên, thực tế hơn bốn thập kỷ qua, cái “dớp” khủng hoảng và chu kỳ trục trặc 10 năm đã luôn xảy ra (khi nhìn lại những năm có đuôi số 9: 1979; 1989; 1999; 2009). Bởi vậy cần hết sức thận trọng để tránh sự lạc quan thái quá dẫn đến trục trặc tránh những bất ổn vĩ mô có thể xảy ra. Trong vòng hai năm tới nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam”, ông Du nói.

Theo Tuấn Nguyễn (Tiền phong)

Our Strategic Partners