World Bank: Môi trường bên ngoài không thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng

Written by  - Sunday, 29 December 2019

Trong một báo cáo được công bố mới đây, World Bank (WB) nhận định, cho dù môi trường toàn cầu nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng…

Ảnh: Báo quốc tế.

Cụ thể, theo nhận định của WB cho dù môi trường toàn cầu có nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sự vững vàng, nhờ vào tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu ở các ngành chế tạo và chế biến được duy trì tốt. Tăng trưởng sau khi chững lại vào quý II/2019 đã xoay chiều đi trong quý III/2019, nâng tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước lên gần 7% trong ba quý đầu năm 2019.

Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2019 ước đạt khoảng 6,8%, thuộc dạng cao nhất trên thế giới và rơi vào nhóm hai quốc gia đứng đầu ở khu vực Đông Á, thấp hơn Cam-pu-chia, nhưng cao hơn Trung Quốc.

Nguồn: WB.

Tốc độ tăng trưởng GDP vững vàng có được nhờ vào kết quả tốt ở các ngành công nghiệp (tăng 9,6% trong chín tháng đầu năm 2019), ngang bằng với xu hướng của năm 2015. Tăng trưởng cao ở các ngành chế tạo và chế biến, giúp bù đắp cho ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng chững lại do cắt giảm trong chương trình đầu tư của Chính phủ.

Trong khi đó, ngành nông, lâm, thủy sản gặp bất lợi về khí hậu, giá cả thế giới đi xuống, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nên chỉ tăng được 2% trong chín tháng đầu năm 2019. Ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khoảng 7,0%, nhờ nhu cầu trong nước tăng tương đối mạnh và quá trình đô thị hóa, cũng như kết quả tốt ở các ngành dịch vụ hiện đại như viễn thông, tài chính và giao thông vận tải.

Nhìn từ phía cầu, tốc độ tăng trưởng GDP được trợ lực bởi tăng trưởng tín dụng và nhu cầu trong nước của khu vực tư nhân. Khu vực kinh tế đối ngoại vẫn là động lực truyền thống trong thập kỷ qua và vai trò đó lại được khẳng định trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao, đóng góp đến gần 12 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.

Đóng góp của tiêu dùng tư nhân là xu hướng mới xuất hiện trong vài năm qua do tầng lớp trung lưu trỗi dậy chiếm xấp xỉ 10% dân số. Theo ước tính, mỗi năm có thêm khoảng một triệu người dân gia nhập tầng lớp trung lưu, đẩy mạnh nhu cầu về hàng tiêu dùng và nhà ở. Nhờ thu nhập thực đang tăng lên và lạm phát ở mức thấp, doanh số bán lẻ tăng vững ở mức 11,8% theo giá hiện hành trong 10 tháng đầu năm 2019. Sức cầu như vậy một phần được đáp ứng bởi hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng lên (tăng bình quân 15% kể từ năm 2015). Đầu tư của khu vực tư nhân cũng tăng khoảng gần 17% trong ba quý đầu năm 2019 và cũng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao.

Nguồn: WB.

Ngược lại, đóng góp của khu vực công cho tăng trưởng GDP vẫn thấp do Chính phủ áp dụng chính sách thắt chặt từ năm 2015/2016. Mức chi (ròng) đang giảm do thu đạt kết quả cao hơn dự kiến và ngân sách đầu tư được triển khai chậm. Đóng góp của khu vực công ước chỉ đạt 0,4 điểm phần trăm GDP, thấp hơn ba lần so với 2016.

Tăng trưởng kinh tế vững vàng của Việt Nam tiếp tục tạo ra việc làm mới và giúp tăng lương theo giá so sánh. Thu nhập khả dụng thực của hộ gia đình đang hưởng lợi do lạm phát thấp, khu vực làm công ăn lương đang phát triển, và lương theo giá hiện hành tăng mạnh ở mức 13,1% (10,5% theo giá so sánh) trong chín tháng đầu năm 2019.

Nguồn: WB.

Lực lượng lao động tiếp tục thoát nông (giảm 1,6 triệu việc làm trong chín tháng đầu năm 2019) để chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ (tạo ra 2,5 triệu việc làm mới). Xu hướng chuyển dịch đó cũng góp phần nâng cao mức lương do người lao động chuyển từ các hoạt động năng suất thấp sang các hoạt động năng suất cao hơn. Mức lương tăng lên theo giá so sánh kết hợp với chuyển dịch sang công việc có năng suất cao hơn dẫn đến tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm. Tỷ lệ nghèo cùng cực hiện nay đã giảm xuống dưới 2% theo ước tính dựa trên chuẩn nghèo quốc tế (1,90 USD/ngày).

Như vậy, theo đánh giá của WB, sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam được thể hiện thông qua tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu về lương, việc làm,... trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. 

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Our Strategic Partners