Hàng Việt tạo chỗ đứng vững chắc

Written by  - Friday, 15 November 2019

Với sự chung tay của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng và bằng nhiều hình thức khác nhau, hàng Việt đã tạo được chỗ đứng nhất định trong tâm trí người tiêu dùng Việt.

Hàng Việt tạo chỗ đứng vững chắc

Hàng Việt đã tạo được chỗ đứng nhất định trong tâm trí người tiêu dùng Việt. Nguồn: internet

Tạo vị thế mới

Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 10 năm qua, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op trên cả nước đã thực hiện nhiều biện pháp ưu tiên cho hàng Việt, từ chính sách thu mua đến trưng bày quảng bá, duy trì tỷ lệ hàng Việt ổn định hơn 90%. Thông qua các chương trình hỗ trợ hàng Việt, Saigon Co.op đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN), các hợp tác xã, nông dân trên cả nước thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh tạo ra các sản phẩm chất lượng cao hơn, không chỉ cung cấp cho nhu cầu trong nước mà còn đưa hàng Việt xuất ngoại. 

Theo ông Diệp Dũng, từ năm 2009 đến nay, Saigon Co.op đã nâng tầm chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao” thành chương trình “Tự hào hàng Việt”. Chương trình được tổ chức định kỳ vào tháng 9 hằng năm tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra và Co.opFood với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Các chương trình đã góp phần tạo một diện mạo khác biệt, đẳng cấp hơn cho hàng Việt cả về hình thức lẫn chất lượng. Từ đó, giúp hàng hóa Việt Nam nhận được những tình cảm tốt đẹp của người tiêu dùng Việt Nam và bạn bè quốc tế, đóng góp quan trọng cho việc thực hiện các chỉ tiêu và duy trì tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. “Điều quan trọng là các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, từ tâm lý sính ngoại đã dần chuyển sang sử dụng, góp ý và nhiệt tình ủng hộ hàng Việt”, ông Diệp Dũng cho biết.

Cùng nhận định này, ông Võ Hồng Sơn - Trưởng đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam (Bộ Công Thương) cho rằng, hàng Việt đã có những bước tiến nhất định trong công cuộc hội nhập với thế giới khi hàng hóa ra các nước ngày càng nhiều. Trong 10 năm qua, nhiều thương hiệu sản phẩm - dịch vụ của Việt Nam được công nhận là thương hiệu mạnh, thương hiệu lớn, được các công ty, người tiêu dùng nước ngoài đón nhận. Đơn cử, có nhiều nhãn hiệu của Việt Nam vươn tầm quốc tế như VNPT, Vinafone, các DN như Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Hải Phòng... đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ngay như mặt hàng sữa dinh dưỡng, thương hiệu sữa Việt Nam Vinamilk cũng xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. 

Hiện hàng hóa Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trong việc cải tiến mẫu mã, cũng như trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Không những thế, nhiều DN, đặc biệt là DN ngành bán lẻ như Co.opmart, Vinmart... đã mở rộng thị phần. Trong đó, Saigon Co.op đã có quy mô và vị thế nhà bán lẻ hàng đầu với hơn 800 siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhỏ trên cả nước và đón hơn 1 triệu lượt khách mỗi ngày. Các hệ thống bán lẻ của Vingroup đã mở chuỗi lên đến hơn 2.000 điểm bán gồm các trung tâm thương mại Vincom, siêu thị Vinamart, cửa hàng tiện lợi Vinmart+.  

Thay đổi xu hướng tiêu dùng

Các chuyên gia cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm như tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, ngành da giày chiếm khoảng 40-50%... 

Trong khi đó, các hệ thống phân phối hàng Việt từng bước tạo lập thương hiệu ở các địa phương thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút người dân trên địa bàn đến tham quan mua sắm mà còn thu hút người tiêu dùng các nước Lào, Campuchia...

Tại thị trường nội địa, hàng Việt chiếm tỷ lệ rất cao. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện hàng Việt chiếm từ 80-90% tại các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, hàng Việt hiện chiếm 72% trong hệ thống siêu thị, 58% tại hệ thống trung tâm thương mại, 67% chuỗi cửa hàng tiện lợi và mở rộng phân phối đến nhiều vùng xa trung tâm Thành phố. 

Không chỉ chiếm tỷ lệ cao tại hệ thống siêu thị nội địa, hàng Việt cũng chiếm số lượng lớn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài. Năm 2018, tỷ lệ hàng Việt tại các kệ hàng siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%. Cụ thể, tại hệ thống Lotte, hàng Việt chiếm 82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng. Tại hệ thống Big C, hàng Việt chiếm tỷ lệ đến 96% doanh thu và tỷ lệ này tại hệ thống siêu thị MM Mega Market là 95%. 

Một điều quan trọng không kém là người tiêu dùng đang rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương, có 92% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi khẳng định rất quan tâm đến hàng Việt, 63% khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt và 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi cần mua sắm.

Có 67% người được hỏi cho rằng, kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bản thân họ đã xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam. So với các năm trước, có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức, thái độ của người tiêu dùng Việt Nam khi mua sắm hàng hóa. Cụ thể, năm 2010, có 59% người tiêu dùng ưu tiên mua hàng Việt thì đến năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên 63%, và tăng lên 67% trong năm 2019.

Theo Tạp Chí Tài Chính 

 

Our Strategic Partners