Sự ra đi của Samsung là đòn giáng mạnh vào ngành sản xuất Trung Quốc

Written by  - Wednesday, 30 October 2019

Cuối tháng 9/2019, Samsung đã lặng lẽ đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng tại Trung Quốc. Công ty cũng tặng điện thoại Galaxy S10 và Note 10 cùng với một số tiền thưởng, cho nhân viên lâu năm.

Sự ra đi của nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới là đòn giáng mạnh vào sự thống trị của Trung Quốc trong ngành sản xuất điện thoại và linh kiện điện tử, trong bối cảnh tiền lương tăng và mối đe dọa về thuế quan của Mỹ đè nặng lên các công ty khác, như Apple.

Các nhà phân tích cho biết, khoảng 2 năm trước, nhà máy Huệ Châu với 6.000 công nhân vẫn đang sản xuất 63 triệu điện thoại, chiếm 17% sản lượng toàn cầu của Samsung.

"Việc đóng cửa nhà máy Huệ Châu, Thiên Tân và Thâm Quyến là chiến lược nhằm đa dạng hóa rủi ro của các cơ sở sản xuất", một vị lãnh đạo của Samsung cho hay.

Bị thu hút bởi chi phí lao động rẻ hơn và giảm thuế khổng lồ, Samsung đã xây dựng nhà máy điện thoại thông minh đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam vào năm 2008 với giá 2,5 tỷ USD và một nhà máy khác ở Thái Lan với giá 5 tỷ USD vào năm 2013.

Thị phần của Samsung tại Trung Quốc đã sụt giảm mạnh xuống 1%. Ảnh: Financial Times

Thị phần của Samsung tại Trung Quốc đã sụt giảm mạnh xuống 1%. Ảnh: Financial Times

Mỗi năm, hai nhà máy này sản xuất 150 triệu chiếc điện thoại, chiếm khoảng 60% tổng số điện thoại Samsung trên toàn cầu. Tháng 7/2018, Samsung cho biết sẽ xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại Noida, Ấn Độ.

Mặc dù dịch chuyển nhà máy sản xuất sang các nước khác, nhưng Samsung vẫn giữ một phần sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ cho thị trường này. Tuy nhiên, thị phần của Samsung đã sụt giảm nhanh chóng từ 20% trong năm 2013 xuống còn 1% vào năm ngoái.

Ông Yanhui Wang, tổng thư ký của Liên minh di động Trung Quốc cho biết, Samsung đã không xem xét kỹ đặc thù của thị trường Trung Quốc.

“Thị phần của chúng tôi tại Trung Quốc đã giảm rất nhiều. . . Trước đây, các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc được bán ở các thị trường nước ngoài, song khả năng cạnh tranh của nó giờ đây đã giảm”, giám đốc điều hành của Samsung cho biết.

Samsung đã gặp khó trong việc cân bằng sự thống trị toàn cầu của mình trên thị trường điện thoại thông minh, và ra mắt các tính năng phù hợp với địa phương, để thu hút người tiêu dùng Trung Quốc.

Thị phần các hãng điện thoại thông minh tại Trung Quốc trong quý II/2019. Ảnh: Financial Times

Thị phần các hãng điện thoại thông minh tại Trung Quốc trong quý II/2019. Ảnh: Financial Times

Mặc dù Samsung và các đối thủ Trung Quốc đều sử dụng hệ điều hành Google Android, nhưng các nhà sản xuất trong nước như Huawei và Xiaomi đã xây dựng các ứng dụng thay thế cho Google Play và các dịch vụ khác, vốn bị chặn ở Trung Quốc.

Lý do mà Samsung gia nhập Trung Quốc là nhờ thị trường khổng lồ và chi phí rẻ, nhưng hiện tại hai yếu tố này đã không còn, ông Cameron Chung, người phụ trách nghiên cứu tại ngân hàng Nomura ở Seoul cho biết.

Samsung vẫn đang đầu tư mạnh vào nhà máy sản xuất chip nhớ của mình ở Tây An. Trong khi Samsung sẽ tiếp tục sản xuất một số điện thoại thông minh cấp thấp hơn ở Trung Quốc thông qua hợp đồng sản xuất, các thiết bị cao cấp hơn như S10 giờ đây sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Ông Huang Weiping, giáo sư kinh tế tại Đại học Renmin, Bắc Kinh, cho biết, hầu hết hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc là lắp ráp thủ công có tay nghề thấp. Do đó, khi chi phí lao động tăng đã làm giảm lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh của Samsung tại Trung Quốc.

"Vấn đề trong việc sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc là, thị trường này không thể cung cấp nhiều linh kiện giá rẻ cho việc sản xuất trong khi đó lợi thế về nhân công giá rẻ cũng không còn", ông Huang nói. Các nhà phân tích cho rằng tiền lương ở Trung Quốc cao gấp 2 lần so với ở Việt Nam và gấp nhiều lần tại Ấn Độ.

Ngành sản xuất tại Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn. Ảnh: Financial Times

Ngành sản xuất tại Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn. Ảnh: Financial Times

Samsung không phải công ty duy nhất dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các nhà sản xuất của Mỹ bao gồm Google, Fitbit, GoPro và iRobot cũng đã đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong năm qua.

LG Electronics đang tăng sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam, thay vì Trung Quốc, trong khi Sony cho biết vào tháng 3 rằng họ sẽ đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh Bắc Kinh và chuyển sang cơ sở tại Thái Lan.

Tuy nhiên, không phải tất cả việc đa dạng hóa sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc của các công ty đều thuận lợi.  GoPro là một trong những nhà sản xuất của Mỹ thực hiện dịch chuyển sớm nhất. Tháng 12/2018, GoPro tuyên bố họ sẽ chuyển sản xuất máy quay phim sang Mexico vào nửa cuối năm 2019 nhằm né thuế quan của Mỹ. Nhưng đầu tháng 10/2019, công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon đã buộc phải cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận cho dòng camera Hero8, do trì hoãn sản xuất.

Điều này cho thấy, mục tiêu đưa các tập đoàn điện tử lớn trở về Mỹ của Tổng thống Donald Trump còn khó hơn. Năm 2017, CEO Apple cho biết: "Tại Mỹ, nếu tổ chức một cuộc gặp mặt các kỹ sư gia công, tôi không chắc số người tham dự đủ lấp đầy một phòng họp. Nhưng tại Trung Quốc, số lượng kỹ sư gia công có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá".

Nguồn Financial Times

Strategic Partnership