Mobile Money có thể trở thành công cụ thúc đẩy thương mại điện tử ở nông thôn

Written by  - Thursday, 03 October 2019

Trong khi thương mại điện tử ở 2 thành phố lớn chiếm tới 70% số lượng giao dịch nhưng chỉ là cuộc cạnh tranh về giá thì thị trường nông thôn trở thành khu vực ổn định, còn nhiều tiềm năng cần phát triển.

Mobile Money có thể trở thành công cụ thúc đẩy thương mại điện tử ở nông thôn

Hiện nay Việt Nam đang có gần 100 triệu dân với 72 triệu người sử dụng diện thoại di động. 31% dân số là người trưởng đang có tài khoản tại các ngân hàng, tổ chức tài chính. Tuy nhiên về cơ cấu dân số, lại có tới 64,2% người dân đang ở nông thông với 40% làm nông nghiệp.
 
Trong khi đó với ngành thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch ngành trong năm 2018 tại Việt Nam đã đạt 8 tỷ USD. Nhưng 70% các giao dịch lại nằm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây hoạt động thương mại điện tử đang là cuộc chiến về giá.
 
Quy mô thương mại điện tử ở các địa phương khác, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất nhỏ. Đây cũng là khu vực thị trường có rất nhiều tiềm năng cho cả người bán và người mua cần được khai phá.
 
Người bán trên các hệ thống thương mại điện tử ở các vùng nông thôn có nhu cầu bán các loại hàng đặc sản vùng miền của họ, các đồ thủ công mỹ nghệ ở địa phương, các sản phẩm chăn nuôi, chế biến.
 
3 rào cản chính khi phát triển thương mại điện tử với khu vực này được nhận định đó là thiếu niềm tin, hệ thống giao vận chưa bao phủ rộng và các vấn đề về thanh toán.
 
Người mua không đủ tin tưởng về chất lượng sản phẩm, về dịch vụ khách hàng, vẫn lo sợ các gian lận khi thanh toán. Trong khi Việt Nam và ở khu vực nông thôn, thanh toán vẫn dựa trên tiền mặt. Thẻ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng trực tuyến không được sử dụng rộng rãi. 
 
Phần lớn giao dịch thương mại điện tử thường áp dụng hình thức thanh toán khi giao hàng (COD) trong khi đó hình thức thanh toán này có tỷ lệ huỷ đơn hàng cao hơn. Và nếu một đơn bị huỷ, bên bán sẽ phải chịu thêm cả chi phí chuyển hàng về, khiến lợi nhuận gần như không còn. Nhiều khu vực ở Việt Nam các dịch giao nhận vẫn chưa thể tiếp cận.
 
Một giải pháp có thể thúc đẩy được phát triển thương mại điện tử ở các vùng nông thôn là Mobile Money. 
 
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra ngày 2 và 3/10 do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ liên quan phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm FinTech – VNPT Media đã dẫn lại ý kiến của Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông: “Chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho việc phổ cập mảng thanh toán khu vực nông thôn qua Mobile Money với sự tham gia của các nhà mạng sẽ giúp người ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao”.
 
Thực tế thì Mobile Money là dịch vụ chuyển tiền, thực hiện thanh toán dựa trên điện thoại di động. Khác với ví điện tử và Mobile Banking, Mobile Money không yêu cầu khách hàng phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng.
 
Điều này phù hợp với đối tượng người dùng ở nông thôn, nơi những dịch vụ ngân hàng vẫn khó tiếp cận vì không có chi nhánh tới tận từng thôn, xã.
 
Các mạng viễn thông không chỉ cung cấp dịch vụ Mobile Money mà còn có thể tham gia vào dịch vụ giao nhận, dựa vào những điểm dịch vụ đã có ở từng khu vực. Như vậy có thể hoàn thiện tất cả những điểm hạn chế khi phát triển thương mại điện tử ở nông thôn.
Ông Nguyễn Nam Thắng, Phó giám đốc Trung tâm FinTech – VNPT Media.
 
Cũng theo ông Thắng, Mobile Money còn phù hợp cho cả những khách hàng đang sử dụng ngân hàng truyền thống nhưng họ chỉ dùng thẻ ATM để rút tiền. Quan trọng nhất là khách hàng sử dụng điện thoại di động trong mọi mặt của đời sống.
 
Hiện nay dịch vụ này có đủ khả năng sử dụng làm công cụ thanh toán cho các hoạt động của kinh tế số, từ dịch vụ di chuyển, thanh toán hoá đơn để dùng trong các hoạt động chính phủ như thanh toán thuế.
 
Ở các nước đã phát triển dịch vụ Mobile Money, đây còn là công cụ để thực hiện giải ngân các khoản vay hỗ trợ xoá đói giảm nghèo.
 
Nhưng để làm được tất cả điều này, bản thân các nhà cung cấp Mobile Money còn cần tự chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, tăng số điểm giao dịch và mở rộng hợp tác với các dịch vụ thương mại điện tử, đối tác logistic, đối tác tài chính.
Theo Bizlive

Strategic Partnership