Đầu tư hơn 1.000 tỷ khơi thông sông Cổ Cò để kích du lịch Quảng – Đà phát triển mạnh

Written by  - Tuesday, 24 September 2019

Quá khứ phồn thịnh của thương cảng Hội An sầm uất, tấp nập thuyền ra vào sẽ được tái hiện...

Trước thế kỷ 19, sông Cổ Cò là một dòng sông nổi tiếng trong lịch sử ngoại thương của xứ Đàng Trong, nối liền Đà Nẵng (Touranne) với Hội An (Fai-Fo). Sau một thời gian dài bị bồi lắng và xâm hại nghiêm trọng, hiện hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ khơi thông để khai thác nguồn tài nguyên du lịch hiếm có này.

Nỗi nhớ “trên bến, dưới thuyền”

Từng được biết đến với cái tên Lộ Cảnh Giang, sông Cổ Cò có vị thế chiến lược về thương mại, du lịch, thủy lộ chính nối liền tiền cảng Đà Nẵng với thương cảng Hội An sầm uất từ thế kỷ 16 đến 17. Các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa thường sử dụng thủy lộ này để ra vào, buôn bán.

Do ở vị trí cuối sông và đầu biển, Cổ Cò là một vùng nước lợ có nhiều thủy sản, người dân gần đó sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt. Khu vực dọc dài theo Cổ Cò là những điểm du lịch phong phú và đa dạng như đèo Hải Vân, núi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm, phố cổ Hội An, sông Thu Bồn, nhiều bãi biển đẹp… đã tạo nên một bức tranh lãng mạn thuộc loại bậc nhất duyên hải miền Trung.

Theo năm tháng, con sông dài khoảng 27 km này đã bị bị bồi lắng, chỉ còn lại một vài khúc sông cạn, ngắn. Việc chính quyền hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cùng đầu tư khơi thông dòng sông phục vụ du lịch giống như câu chuyện cổ tích được viết lại trong tâm tưởng những người xứ Quảng.

Quá khứ phồn thịnh của thương cảng Hội An sầm uất, tấp nập thuyền ra vào sẽ được tái hiện.

Hấp thụ động lực phát triển

Chỉ khoảng một năm nữa thôi, tuyến sông Cổ Cò này sẽ được khơi thông, đem đến nhiều cơ hội bứt phá và là động lực kích thích phát triển kinh tế giữa một bên là đô thị cổ Hội An đang phải đối mặt, một bên là đô thị mới Đà Nẵng đang muốn bứt phát. Tính chất cộng hưởng của dự án sẽ vực dậy kinh tế toàn khu vực.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có dự án đầu tư nạo vét lòng sông với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi đoạn qua Đà Nẵng được chính quyền thành phố này ghi vốn hơn 500 tỷ đồng thuộc danh mục các dự án của chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020.

Theo phương án thống nhất của lãnh đạo UBND hai địa phương tại cuộc họp hồi tháng 4 năm nay, sông Cổ Cò sẽ được khớp nối, thông luồng toàn tuyến trước tháng 9/2020.

Đây là cơ hội lớn chinh quyền địa phương và các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch sinh thái trải nghiệm ven sông bởi phong cảnh hai bờ có nhiều điểm rất đẹp, như qua rừng dừa Bẩy Mẫu ở Hội An, ghé vườn rau Trà Quế, dừng chân ở bến thuyền bên ngọn núi Kim Sơn để thưởng ngoạn núi Non Nước…

Một lãnh đạo doanh nghiệp du lịch lớn nhận định, khi sông Cổ Cò được thông luồng toàn tuyến sẽ kích thích nhiều khu đô thị sinh thái, đô thị ven sông và điểm du lịch phát triển mạnh bởi hiếm có dòng sông nào gần biển, song song với biển, gần những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới như Cổ Cò. “Khách du lịch, đặc biệt là nước ngoài rất thích những nơi như vậy”, vị này nhận xét.

Không riêng dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò mà ở thời điểm hiện tại, nhiều công trình hạ tầng từ Đà Nẵng đi Hội An đang được gấp rút hoàn thành như tuyến đường dẫn nối cầu Cửa Đại với cầu Đế Võng qua sông Cổ Cò dài gần 4,2 km có mặt đường rộng 38 mét khi hoàn thiện.

Trước đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng kêu gọi hợp tác đầu tư cho “siêu” dự án tàu điện nối Đà Nẵng - Hội An với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng.

Biệt thự nghỉ dưỡng ven sông Cổ Cò hút hàng

Một chuyên gia bất động sản khu vực miền Trung cho biết, những dự án phát triển hạ tầng theo trục Đà Nẵng – Hội An sẽ làm cho bất động sản nghỉ dưỡng khu vực này sắp tới sôi động và thu hút nhiều nhà đầu tư dù thực tế đang khan hiếm nguổn cung.

Tuy vậy, quỹ đất ven biển hạn chế và theo định hướng sẽ điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng với một trong hai hướng mũi nhọn là Đông Nam - khu vực bãi tắm Sơn Thủy, khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò, vị chuyên gia trên nhận định xu hướng phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng trong tương lai là biệt thự ven sông.

“Biệt thự cao cấp ven sông sẽ là xu hướng định hình thị trường nhà thứ hai trong tương lai bởi bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn mang lại hiệu quả cao, khai thác lãi trên vốn hiệu quả hơn lãi suất ngân hàng”, vị này nhận định.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Our Strategic Partners