Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư và định hình con đường đi tới thịnh vượng

Written by  - Monday, 23 September 2019

Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư; VRDF 2019: Định hình con đường đi tới thịnh vượng; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 10 dự án; Đề xuất chính sách một giá cho điện mặt trời; Phê duyệt Quy hoạch chi tiết sân bay Côn Đảo… là những tin tức đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Việt Nam vào Top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

U.S. News & World Report vừa công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay, theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm ngoái.

Để đưa ra bảng xếp hạng 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, U.S. News & World Report đã khảo sát hơn 21.000 người từ 80 quốc gia trên thế giới, trong đó, lấy ý kiến của khoảng 7.000 lãnh đạo công ty trên toàn cầu để đưa ra quyết định.

Bảng đánh giá dựa trên 8 tiêu chí, gồm tinh thần khởi nghiệp, sự ổn định kinh tế, chính sách thuế thuận lợi, sự sáng tạo, lao động có tay nghề, chuyên môn về công nghệ, sự năng động và vấn nạn tham nhũng.

Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên một báo cáo vào năm 2011 của Ngân hàng Thế giới, trong đó nhấn mạnh 4 yếu tố để một quốc gia trở thành địa điểm đầu tư tốt: Con người, môi trường, các mối quan hệ và khung pháp lý, từ đó thúc đẩy cả cá nhân lẫn tổ chức đầu tư vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, thị trường tài chính, công nghệ hoặc các thương hiệu của nền kinh tế đó.

US News & World Report đánh giá rằng, những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại hơn.

Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên hội nhập hơn khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Liên Hợp Quốc cũng như tham gia vào ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cùng các hiệp định thương mại lớn.

Đứng đầu danh sách xếp hạng của U.S. News & World Report là Uruguay, sau đó đến Saudi Arabia, Costa Rica, Luxembourg, Ấn Độ, Ba Lan, Qatar.

VRDF 2019: Định hình con đường đi tới thịnh vượng

Các thảo luận tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF), diễn ra ngày 19/9, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức tại Hà Nội, đã bước đầu giúp Việt Nam định hình được con đường phải đi, để tránh tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đi tới thịnh vượng.

Một sự đồng thuận nhìn thấy rõ từ các diễn giả, các chuyên gia tham dự VRDF 2019, đó là Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 30 năm Đổi mới. Nhưng còn có một sự đồng thuận khác. Đó là Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi nhanh chóng của thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi từng ngày, từ sự giảm tốc của kinh tế thế giới, những tác động của biến đổi khí hậu và cả xu thế phi toàn cầu hóa đang lan rộng…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là “một thách thức lớn” với Việt Nam.

Câu trả lời là buộc phải cải cách. “Dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro của mình”, ông Ousmane Dione đã nhấn mạnh.

Những cải cách táo bạo đó chính là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng đầy đủ, hiện đại và hội nhập và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là hai chủ đề chính được thảo luận tại VRDF.

“Tại sao phải tiếp tục cải cách thể chế, dù điều này đã được nói đến trong 20 năm qua? Đó là vì thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn những khiếm khuyết. Hơn nữa, thể chế liên tục thay đổi, do vậy phải liên tục cải cách thể chế, nếu không muốn lùi lại phía sau”, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, phải gắn cải cách thể chế kinh tế với cải cách thể chế chính trị, không thể tách rời được, thì mới có thể giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn thể chế của Việt Nam.

Còn đổi mới mô hình tăng trưởng sang dựa vào đổi mới sáng tạo là con đường đã được Việt Nam lựa chọn, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng tới toàn cầu. “Đổi mới sáng tạo là con đường đi tới thịnh vượng”, chia sẻ câu chuyện của Malaysia, ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia nói.

Đổi mới sáng tạo, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, được xác định là một đột phá chiến lược mới của Việt Nam khi xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 10 dự án

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2019 của 5 địa phương.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2019 giữa 10 dự án của 5 địa phương (Bắc Giang, Hà Nam, Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau) đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 số tiền là 173,4 tỷ đồng.

Một trong các Dự án được điều chỉnh vốn nội bộ là Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu Dự án TP Cần Thơ (Trong ảnh: TP Cần Thơ)

Một trong các dự án được điều chỉnh vốn nội bộ là Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ (Trong ảnh: TP Cần Thơ)

Các dự án được điều chỉnh tăng vốn bao gồm Dự án Phát triển bệnh viện tỉnh, vùng giai đoạn II Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Nam, Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ, Dự án nâng cấp đô thị TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cà Mau.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các thông tin, số liệu, danh mục và mức vốn điều chuyển của các dự án theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố căn cứ danh mục và kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2019 điều chỉnh ở trên thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2019 điều chỉnh cho từng dự án theo quy định; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để kiểm tra tình hình thực hiện theo quy định; chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương giải ngân số vốn được điều chỉnh nêu trên đảm bảo hiệu quả đầu tư theo quy định.

Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Đường bộ ven biển đoạn đi qua địa bàn

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Đoàn công tác Bộ giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình quản lý và phát triển giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tiến độ thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 (đoạn qua Thừa Thiên Huế dài 62,5 km) được tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên thời gian qua, địa phương đã tập trung thực hiện, chỉ đạo quyết liệt. Ban chỉ đạo công tác GPMB do Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu làm Trưởng ban.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc

Để thực hiện dự án, khối lượng cần GPMB, tái định cư, di dời lăng mộ gồm 1.540 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng; tổng diện tích đất phải thu hồi khoảng 430 ha; số hộ tái định cư (TĐC) 177 hộ; tổng số lăng mộ cần di dời 794 ngôi mộ và xây mới một khu nghĩa trang.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu năm 2019 giải ngân 410/600 tỷ đồng tổng kinh phí phải thực hiện. Dự kiến kế hoạch GPMB, đối với đoạn không có tái định cư, di dời dân cư và mồ mả, đến 30/9/2019 bàn giao 15 km mặt bằng; đối với các đoạn bố trí tái định cư xen ghép, đến 30/10/2019 dự kiến di dời thêm 17 km và đến 30/11/2019 bàn giao thêm 13 km; đối với các đoạn tuyến phải di dời các hộ dân về khu tái định cư, đến 30/12/2019 bàn giao 10 km, phần còn lại bàn giao trong tháng 2/2020.

Theo Chủ tịch Phan Ngọc Thọ, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn một số dự án giao thông trọng điểm, trong đó có dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49B; tuyến đường ven biển; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài nâng tổng lượng khách 5 triệu người/năm. Tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ GTVT quan tâm bố trí kinh phí để hoàn thành giai đoạn 1 dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49B; bố trí vốn để đầu tư 9 km từ cầu Tư Hiền đến Quốc lộ 1A; bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2 dự án từ Thuận An - Tư Hiền - Quốc lộ 1A.

Đối với tuyến đường ven biển, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đề xuất Bộ GTVT xem xét, tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua Thừa Thiên Huế; đồng thời, ủy quyền cho tỉnh tổ chức lập quy hoạch điều chỉnh trình bộ GTVT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thuận tiện cho việc quản lý đất đai, tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh

Đối với dự án mở rộng sân bay Phú Bài, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư sớm hoàn thành thủ tục khởi công công trình góp phần phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chỉ đạo các hãng hàng không tăng tuyến bay đi/đến Huế.

Đồng thời, ủng hộ chủ trương, báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vận tải hàng không lữ hành Việt Nam do Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam thực hiện tại Cảng hàng không Phú Bài. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất bố trí nguồn vốn để sớm khởi công cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương; nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Đồng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể hoan nghênh, biểu dương tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã tập trung, thực hiện quyết liệt các dự án giao thông đi qua địa bàn tỉnh. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, giao thông có vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, nếu có một hệ thống giao thông tốt, thuận lợi với nhiều loại hình giao thông sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương.

Đối với cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan, qua trao đổi và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, hiện nay dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua tháo gỡ khó khăn, giúp hoàn thành tốt các công đoạn cuối cùng của dự án.

Đối với cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong lãnh đạo tỉnh quan tâm ủng hộ, chỉ đạo địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, bám sát kế hoạch, bám sát thực địa nhằm bảo đảm bàn giao sớm mặt bằng để không ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Về một số kiến nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT ghi nhận ý kiến đề xuất của địa phương; đồng thời giao Tổng cục đường bộ và các ban, đơn vị thuộc bộ nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất Chính phủ, Quốc hội phân bổ nguồn vốn cho nhiệm kỳ tới, Bộ sẵn sàng cùng với địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện.

Quảng Ninh phê duyệt Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 829 tỷ đồng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành quyết định số 3851/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về Thủy sản tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng 169,5 ha này có chức năng chính là nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu về khoa học công nghệ và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản (trọng tâm là phát triển tôm), phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp tôm cho khu vực miền Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.… Sản phẩm chủ lực là con giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng thủy sản, công nghệ phụ trợ, đào tạo – tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản.

Một phần hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà tại thời điểm đầu năm 2019.  Ảnh: Việt Hoa.

Một phần hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà tại thời điểm đầu năm 2019. Ảnh: Việt Hoa.

Mục tiêu của Đề án nhằm hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp, hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm như con giống, công nghệ nuôi thương phẩm, công nghệ phụ trợ.

Tất cả là để phục vụ việc phát triển đối tượng tôm nước lợ và các đối tượng thủy sản đặc thù khác có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, nhằm nhân rộng ra các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao trong, ngoài tỉnh. Qua đó, sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 06/5/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tổng mức đầu tư của toàn dự án là 829 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 159 tỷ đồng, Công ty CP Thủy sản Việt Úc sẽ là nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng toàn bộ Khu với kinh phí 670 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đồng thời là nhà đầu tư chiến lược, hạt nhân trong Khu và được quản lý diện tích 102,6 ha, chiếm 60,5% tổng diện tích toàn Khu.

Phần diện tích còn lại sẽ dành cho các nhà đầu tư thứ cấp khác. Các nhà đầu tư thứ cấp sau khi được thuê đất sẽ sử dụng chung hệ thống xử lý nước thải, rác thải và trả phí theo quy định của Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao. Trong trường hợp chưa có nhà đầu tư thứ cấp thuê, thì phần diện tích đó sẽ do Công ty CP Thủy sản Việt Úc khai thác và sử dụng để phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Dự án được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đến năm 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 – 2023 và giai đoạn 3 từ năm 2024 – 2025. Ngay trong thời gian triển khai giai đoạn 1 - 27/3/2019, Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc đã chính thức cho ra mẻ tôm giống thẻ chân trắng đầu tiên với 12 triệu con, đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh Quảng Ninh.

Hyundai Kefico khánh thành nhà máy số 2 và trung tâm nghiên cứu, phát triển

Sáng 19/9, Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và khánh thành nhà máy số 2, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại khu công nghiệp Đại An, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Nhà máy số 2

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Nhà máy số 2

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương khẳng định mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng với định hướng, chiến lược kinh doanh phù hợp, Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam luôn phát triển tốt, doanh thu tăng đều qua các năm. Hải Dương luôn xem Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam nói riêng và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói chung là đối tác ưu tiên trong hợp tác đầu tư, phát triển. Bằng việc đưa nhà máy số 2 và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vào hoạt động, trong những năm tới, công ty sẽ góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tạo sức lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước, đóng góp tích cực vào sự phát kiển kinh tế - xã hội của Hải Dương.

Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam thuộc Tập đoàn Hyundai Motor của Hàn Quốc, chuyên sản xuất động cơ điện tử tự động, các hệ thống thân thiện với môi trường và các sản phẩm cảm biến thông minh. Dự án được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 19/9/2009 và đi vào hoạt động chính thức tháng 12/2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu 30 triệu. Đầu năm 2018, công ty tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD để xây nhà máy số 2 với 28 dây chuyền, sản xuất hơn 20 loại sản phẩm; Trung tâm nghiên cứu và phát triển với những trang thiết bị đặc biệt, công ty đã và đang chuẩn bị một hệ thống đồng bộ, thống nhất, hiện đại cho sự ra đời và phát triển của một số sản phẩm mới, từ khâu thiết kế - thử nghiệm đến sản xuất hàng loạt trong tương lai gần.

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, hiện tổng vốn đầu tư đã tăng lên 250 triệu USD. Trong năm 2019, công ty phấn đấu doanh thu xuất khẩu đạt 350 triệu USD và những năm tới, công ty sẽ sản xuất 120 triệu linh kiện điện tử/năm.

Ông Cương đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương, chính quyền địa phương và Công ty CP Đại An tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp đỡ công ty trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, công ty nghiên cứu tiếp tục mở rộng dự án, tăng vốn đầu tư; quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề và đời sống cho người lao động. Công ty cũng cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các quy định của tỉnh.

Đề xuất chính sách một giá cho điện mặt trời

Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) vừa hoàn thiện dự thảo về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mới, thay thế Quyết định 11/2017 đã hết hiệu lực từ tháng 6.

Điểm thay đổi nổi bật nhất của bản dự thảo lần này so với bản dự thảo mà Bộ Công thương báo cáo Chính phủ hơn hai tháng trước là chính sách giá điện mặt trời (giá FIT) sẽ chỉ còn một mức cho tất cả các vùng bức xạ, thay vì kịch bản chia làm 4 vùng hoặc 2 vùng như đề xuất trước đây.

Bộ Công Thương đề xuất giá điện mặt trời mới sẽ thống nhất trên tất cả vùng, thay vì chia theo nhiều vùng bức xạ như trước đây.

Bộ Công Thương đề xuất giá điện mặt trời mới sẽ thống nhất trên tất cả vùng, thay vì chia theo nhiều vùng bức xạ như trước đây.

Theo dự thảo mới nhất này, biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện được quy định như sau: Dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 UScents/kWh. Giá mua với dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 UScents/kWh. Dự án điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 UScents/kWh.

Giá mua điện này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Giá mua điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (tính tương đương UScents/kWh). Tỷ giá áp dụng là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày bên bán điện xuất hóa đơn thanh toán.

Trong dự thảo lần này, trường hợp của tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh).

Các dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021 áp dụng biểu giá mua điện 1.620 đồng/kWh cho dự án điện mặt trời mặt đất; 1.758 đồng/kWh với dự án điện mặt trời nổi.

Phê duyệt Quy hoạch chi tiết sân bay Côn Đảo

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030.

Cảng hàng không Côn Đảo

Cảng hàng không Côn Đảo

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo theo đúng quy định, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018.

Bộ Xây dựng hướng dẫn, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan theo đúng Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải thích một số điều của Luật Quy hoạch và theo đúng quy định của pháp luật.

Tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không Côn Đảo được xác định là cảng hàng không nội địa, quy mô sử dụng đất dự kiến là 141 ha, được định hướng đến năm 2020 là cảng hàng không cấp 3C, đạt 0,5 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030 là cảng hàng không cấp 4C, đạt 2 triệu hành khách/năm.

Đề xuất cho Công ty CP cảng Hải Phòng đầu tư 6.946 tỷ đồng xây 2 bến cảng Lạch Huyện

Công ty CP Cảng Hải Phòng được đề xuất là nhà đầu tư Dự án đầu tư 2 bến container số 3, 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Khu bến cảng Lạch Huyện, Tp. Hải Phòng.

Dự án xây dựng 2 bến container số 3, 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có mục tiêu xây dựng 2 bến container số 3, 4 dài 750 m, tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT; xây dựng 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà làn sức chứa 100 – 160 Teus.

Dự án xây dựng 2 bến container số 3, 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có mục tiêu xây dựng 2 bến container số 3, 4 dài 750 m,

tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT; xây dựng 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà làn sức chứa 100 – 160 Teus.

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng 2 bến container số 3, 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Khu bến cảng Lạch Huyện, Tp. Hải Phòng) do Công ty CP Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư.

Công trình này sẽ được thực hiện tại Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, huyện Cát Hải, Tp. Hải Phòng.

Dự án có mục tiêu xây dựng 2 bến container số 3, 4 dài 750 m, tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT; xây dựng 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà làn sức chứa 100 – 160 Teus; đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đồng bộ, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1 – 1,1 triệu Teus/năm. Việc thực hiện Dự án này nhằm phục vụ việc di dời Khu bến cảng Hoàng Diệu, đảm bảo phát huy truyền thống lịch sử của cảng Hải Phòng và phát triển trong tương lai có tính cạnh tranh lâu dài của Công ty CP Cảng Hải Phòng.

Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 6.946 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư là 3.125,8 tỷ đồng (chiếm 45% tổng mức đầu tư), vốn vay thương mại là 3.820,4 tỷ đồng (chiếm 55% tổng mức đầu tư).

Nếu được thông qua, Dự án sẽ được khởi công xây dựng từ năm 2020 và hoàn thành vào năm 2025, trong đó bến số 3 sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2022; thời gian hoàn vốn công trình là 70 năm.

Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP. Hải Phòng chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án và năng lực nhà đầu tư được lựa chọn đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm nhà đầu tư có đủ điều kiện được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được giao chỉ đạo HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam yêu cầu người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Công ty CP Cảng Hải Phòng tổ chức thực hiện đầu tư theo đúng quy định của pháp luât, quản lý dự án; xây dựng phương án tài chính thực hiện dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Trước đó, trong Đề án Di dời bến cảng Hoàng Diệu thuộc cảng biển Hải Phòng, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên cho Công ty CP Cảng Hải Phòng đầu tư một số bến cảng mới tại Lạch Huyện, đảm nhận lượng hàng theo quy hoạch, bù đắp năng lực thông qua và đảm bảo nguồn thu khi bến cảng Chùa Vẽ chuyển đổi công năng. Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 3, 4 tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Công ty CP Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư có quy mô 2 bến công ten nơ và tổng hợp, có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000 TEU.

TP.HCM: Bắt đầu triển khai Dự án cầu Thủ Thiêm 4 trị giá hơn 5.200 tỷ đồng

UBND TP.HCM vừa công khai quyết định được ký hôm qua 17/9 về tuyển chọn "Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thủ Thiêm 4". Theo cơ quan chức năng, cuộc tuyển chọn này sẽ là cơ sở triển khai đầu tư xây dựng dự án ưu tiên cầu Thủ Thiêm 4 có vị trí kết nối hạ tầng quan trọng của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

UBND TP.HCM yêu cầu thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 phải tạo điểm nhấn cho khu vực

UBND TP.HCM yêu cầu thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 phải tạo điểm nhấn cho khu vực

Theo UBND TP.HCM, cầu Thủ Thiêm 4 được xác định là 1 trong các công trình hạ tầng giao thông quan trọng cần ưu tiên đầu tư. Bởi cầu không chỉ để từng bước hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung mà còn kết nối giao thông  Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Khu đô thị Nam Sài Gòn, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu vực.

Theo cơ quan chức năng, cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chi phí đầu tư hơn 5.200 tỉ đồng với tổng chiều dài gần 2,2 km, rộng 28 m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành; tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10 m; vận tốc thiết kế 60 km/h.

Điểm bắt đầu của công trình cầu Thủ Thiêm 4 từ trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát để kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn, nối với Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuyển chọn thiết kế, UBND TP HCM đặt ra yêu cầu, cầu Thủ Thiêm 4 phải có kiến trúc mang tính biểu tượng, độc đáo, tạo điểm nhấn cho khu vực quận 2 và 7; phải chú trọng tính hình tượng, thẩm mĩ và tính khả thi cao trong xây dựng phù hợp vơi hình tượng kiến trúc Việt Nam.

UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch  Kiến trúc chủ trì việc tổ chức thi tuyển để làm cơ sở triển khai dự án.

Theo Báo Đầu Tư

 

Our Strategic Partners