Cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của công nghiệp điện tử

Written by  - Friday, 20 September 2019

Bối cảnh thời đại mới đang mang lại cho ngành điện tử Việt Nam những cơ hội mới nhưng cùng với đó là sự cạnh tranh gia tăng và thách thức ngay trên thị trường nội địa.

Năm 2019 đánh dấu những thay đổi mang tính đột phá cho ngành điện tử Việt Nam, bao gồm xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam cũng như các thỏa thuận của Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA).

Bối cảnh này hứa hẹn mở ra nhiều cánh cửa mới cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp điện tử, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, quá trình toàn cầu hoá đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất và cung ứng cho các doanh nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ ngay tại thị trường nội địa.

Cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của công nghiệp điện tử

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành điện tử tại Việt Nam phần đông vẫn là DNNVV

Do đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư vào các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng đầu ra cũng như tìm được nguồn cung ứng và các mạng lưới hỗ trợ.

Theo bà, để có thể gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu thì các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc thiết lập các liên kết, kết nối với doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp FDI. Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư của ngành điện tử trong khu vực và trên thế giới là vô cùng cần thiết và quan trọng.

Phát biểu tại diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2019 trong khuôn khổ triển lãm quốc tế lần thứ 12 về thiết bị, công nghệ kiểm tra hàn linh kiện bề mặt SMT và công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế tạo điện tử (NEPCON), bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Phó giám đốc trung tâm IPS, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã đưa ra các vấn đề liên quan đến ngành, cơ hội từ EVFTA cũng như chính sách kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, sự kiện Việt Nam ký EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (IPA) vào cuối tháng 6 tại Hà Nội được đánh giá là cơ hội vàng cho hợp tác kinh tế giữa tất cả các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp điện tử nói riêng với các nước trong Liên minh châu Âu (EU), thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.

Bà Thúy cho rằng, khi ngành điện tử Việt Nam và các ngành công nghiệp hỗ trợ có thể xây dựng được mạng lưới cung ứng và sản xuất được các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thì việc tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ diễn ra nhanh chóng.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin và hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy đầu tư từ doanh nghiệp và nguồn vốn FDI cũng là một bước mà các doanh nghiệp nên cân nhắc nếu muốn tạo ra đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành điện tử tại Việt Nam phần đông vẫn là DNNVV. Tại các quốc gia Đông Nam Á đang trên đà phát triển nói chung, nhóm các DNNVV vẫn được xem là trụ cột, xương sống của nền kinh tế.

Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đã quyết định thực hiện Dự án Liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) trong giai đoạn 2018 – 2023 với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu USD.

Dự án có mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua, nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo The Leader

Our Strategic Partners