Việc Chính phủ Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép, 10% đối với nhôm và mới đây là một bản ghi nhớ áp đặt các khoản thuế bổ sung trị giá 60 tỷ USD đối với Trung Quốc, với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc.
Chính sách của Tổng thống Donald Trump là những mặt hàng của Trung Quốc khi nhập vào thị trường Mỹ sẽ bị áp thuế bao gồm: công nghệ thông tin, chế tạo robot, máy bay, đóng tàu và kỹ thuật hàng hải, thiết bị đường sắt, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới, thiết bị phát điện, máy nông nghiệp, dược phẩm và các vật liệu cao cấp. Ngoài ra, bao gồm cả những mặt hàng tiêu dùng như áo quần, giày dép.
Đáp trả lại chính sách của Chính phủ Mỹ, Bộ Tài chính Trung Quốc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ thị trường Mỹ tổng trị giá lên tới 3 tỷ USD có hiệu lực kể từ ngày 2/4. Cụ thể, 120 sản phẩm nhập từ Mỹ sẽ chịu mức thuế 15% gồm có hoa quả và các loại hạt; 8 sản phẩm còn lại trong đó có thịt lợn sẽ bị áp thuế 25%.
Trước những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tác động đến nhiều nước châu Á, lo ngại sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu một cuộc chiến tranh thương mại có thể gây ra. Đối với thị trường Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm qua hai thị trường này luôn dẫn đầu về kim ngạch và thương mại song phương.
Cụ thể, năm 2017 thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt 93,69 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 35,463 tỷ USD, tăng gần 61,5% so với 2016. 13 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất từ 1 tỷ USD trở lên tăng thêm 6 nhóm hàng so với năm 2016 bao gồm; Thủy sản 1,088 tỷ USD; Gạo 1,027 tỷ USD; Cao su 1,445 tỷ USD; Dệt may 1,104 tỷ USD; Giày dép 1,14 tỷ USD... Điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất 7,152 tỷ USD - đây cũng là mặt hàng tăng trưởng ấn tượng với con số tăng thêm 6,352 tỷ USD so với năm 2016 (năm 2016 chỉ đạt 800 triệu USD).
Sang năm 2018 tính từ đầu năm đến hết tháng 2 kim ngạch xuất sang Trung Quốc tiếp tục giữ đà tăng trưởng 50,62% so cùng kỳ, nhóm hàng điện thoại, linh kiện với mức tăng ấn tượng gấp hơn 13 lần đạt 1,2 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng những năm gần đây, dự báo năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc sẽ chạm mốc 100 tỷ USD và Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam lập được kỷ lục này.
Năm 2017 Việt Nam xuất sang Mỹ đạt 41,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với 2016, trong khi đó giá trị nhập khẩu chỉ đạt 9,2 tỷ USD, tăng gần 5,7% và hai tháng năm 2018 xuất khẩu đạt 6,04 tỷ USD, tăng 13,34% so với cùng kỳ 2017.
Trước việc áp thuế nhập khẩu vào Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, thay vì xuất – nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ, Trung Quốc sẽ tìm đến những thị trường mới tiềm năng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của mình, trong đó Việt Nam với vị trí và khoảng cách địa lý không quá xa, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa sẽ là thị trường lý tưởng cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc sẽ vấp phải những rào cản và khó khăn, bởi giờ đây Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước kia đã trở nên khó tính hơn do những chính sách, quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.
Cụ thể, quy định mới đây Chính phủ Trung Quốc là tất cả các mặt hàng rau, quả của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ phải truy xuất nguồn gốc, giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu tại cơ quan quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch có hiệu lực kể từ ngày 1/4. Thông tin bao gồm: Tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin bổ sung, hoặc mã vạch, QR code, tem chống hàng giả….
Trong khi đó hoa quả từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phần lớn theo đường tiểu ngạch, từ các lái buôn trung gian, thu mua từ nhiều nguồn của nông dân. Với phương thức này, hoa quả Việt Nam thường không được dán nhãn xuất xứ. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu với thép ở mức 25% vào thị trường Mỹ. Đặc biệt, 12 quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ bị áp thuế lên tới 53%. Nếu biện pháp này được áp dụng thì chắc chắn thép của Việt Nam không vào được Mỹ và bị cạnh tranh gay gắt. Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thép vào Mỹ, chủ yếu là tôn mạ.
Đối với nhóm hàng thủy sản, ngoài Chương trình giám sát nhập khẩu thuỷ sản vào Mỹ (SIMP) sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2018, việc nước này kiểm tra thông tin khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thuỷ sản là cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm… sẽ khiến con đường xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang quốc gia này thêm nhiều trở ngại.
Tiếp theo là nhóm hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, Mỹ là thị trường quan trọng nhất tiêu thụ gỗ của Việt Nam, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt tới 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa và cân bằng thương mại giữa quốc gia này và các quốc gia khác của Chính phủ Mỹ bao gồm cả Trung Quốc… có thể có những tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam .
Mới đây, Mỹ cũng đã quyết định thay đổi mức thuế nhập khẩu với sản phẩm máy giặt và pin năng lượng mặt trời. Cụ thể, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 20% đối với 1,2 triệu sản phẩm máy giặt gia dụng cỡ lớn trong năm đầu tiên và mức thuế 50% đối với các sản phẩm vượt qua ngưỡng trên. Đến năm thứ ba, mức thuế này sẽ lần lượt giảm xuống 16%, 40%.
Đối với pin mặt trời, năm đầu tiên, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 30%, năm thứ tư trở đi sẽ áp dụng mức thuế 15%. Chuyện sẽ không đáng lo ngại nếu Việt Nam không là một trong những quốc gia xuất khẩu pin năng lượng mặt trời nhiều nhất sang Mỹ, với tỷ lệ 9%. Đồng thời, Việt Nam là một trong hai nhà xuất khẩu máy giặt lớn nhất vào Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc và Mỹ gia tăng, Hàn Quốc lại đặt kỳ vọng vào thị trường Việt Nam sẽ vượt Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của các công ty Hàn Quốc. Chỉ tính riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng trưởng xấp xỉ 50%. Nếu tính trong thời gian ba năm thì con số này đã tăng hơn 200%. Việt Nam hứa hẹn trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc tính đến năm 2020.
Từ lâu nhiều công ty Hàn Quốc đã lựa chọn đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam và trong bối cảnh hiện nay thì càng đưa Việt Nam trở thành lựa chọn tốt hơn khi các công ty muốn mở rộng sản xuất cũng như tăng cường xuất khẩu.
Nhằm nắm bắt được những cơ hội và đối diện với những hàng rào kỹ thuật cao, hệ thống pháp luật thương mại phức tạp để hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh được ở những thị trường khó tính như Mỹ và Trung Quốc. Thứ nhất Việt Nam cần phải phát triển tốt ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên phụ liệu chất lượng đầy đủ cho các ngành xuất khẩu, khi đó hàng Việt mới chắc chắn được ở những thị trường khó tính đón nhận mà không lo rào cản kỹ thuật, thuế.
Thứ hai phải biết, tìm hiểu, nắm rõ diễn biến hàng rào kỹ thuật trong thương mại của từng thị trường, đối với từng mặt hàng. Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội lớn để gia tăng thương mại và hưởng lợi trong kinh doanh với thị trường Trung Quốc như các hiệp định FTA, AHKFTA (ký ngày 21/11/2017 mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực kinh tế đặc biệt này của Trung Quốc).
Xuân Bình
Theo Trí thức trẻ