SAIGONTEL News

Đinh Hồng Bảo Phương

Đinh Hồng Bảo Phương

Nike cho biết sẽ tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật cao ở Việt Nam.

TGĐ Nike Việt Nam: 50% sản phẩm Nike toàn cầu được làm ở Việt Nam, định hướng 10 năm tới tăng gấp đôi thành phẩm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thứ trưởng LĐTB&XH Lê Văn Thanh đã có cuộc gặp với TGĐ công ty TNHH Nike Việt Nam Mike Shepard chiều qua (13/11).

Ông Mike Shepard cho biết trong năm 2019, lượng giày Nike được sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài chiếm 50% lượng giày Nike được sản xuất trên toàn cầu.

Theo ông, định hướng phát triển của công ty trong 10 năm tới là tăng gấp đôi số lượng thành phẩm được sản xuất mỗi năm nhờ vào đổi mới phương thức sản xuất, hiện đại hóa, áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật cao.

Đại diện Nike cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao kỹ năng tay nghề, đào tạo phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao, nâng cao hiệu suất làm việc, phát triển cơ sở hạ tầng (năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo, sân bay, cầu cảng…). Với mục tiêu này, Công ty mong muốn sự hợp tác lâu dài, sự tư vấn tận tình từ phía Bộ cho hướng phát triển tại Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh tỏ ra ấn tượng với những kết quả đạt được của Nike Việt Nam. Ông khẳng định Chính phủ luôn tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư, trong đó có Nike.

Bộ LĐTB&XH cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cả hai bên, người lao động Việt Nam và Nike, cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất cho sự tăng trưởng và phát triển của Nike trong thời gian tới.

Thứ trưởng đề nghị Nike Việt Nam lập kế hoạch cụ thể về cơ cấu sản xuất, trình độ nhân công… cho sự phát triển trong thời gian tới, tập trung vào đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, nghiên cứu kỹ, đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lại nhân công khi cần thiết.

Theo CafeF

TTO - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Việt Nam đã khởi động chương trình Made in Vietnam 4.0 và trân trọng đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 ở Việt Nam.

Mời gọi Hàn Quốc đến và tạo ra sản phẩm 4.0 ở Việt Nam - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan một gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp Hàn Quốc- Ảnh: LÊ TRUNG

Ngày 9-11, tại Quảng Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Singpapore và Đài Loan trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký tính đến tháng 9-2019 đạt 65,7 tỉ USD.

Các dự án đầu tư Hàn Quốc đa dạng, từ công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng đến phát triển hạ tầng giao thông, logistic… Các công ty Hàn Quốc với những thế mạnh về vốn, công nghệ, khoa học kỹ thuật có thể hợp tác tốt doanh nghiệp Việt Nam với lợi thế về lao động tay nghề cao.

"Hàn Quốc có thể hỗ trợ nước ta phát triển năng lượng mặt trời, xây dựng công viên công nghệ xanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao"- ông Lộc nói.

Ông Joo Hyung Cheol - chủ tịch ủy ban Tổng thống về chính sách hướng Nam mới - cho biết Việt Nam là đối tác thân thiết về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… với Hàn Quốc.

"Chúng tôi muốn mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, du lịch… chứ không chỉ là thương mại, kinh tế và muốn Việt Nam cùng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao" - ông Cheol nói.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng - cho biết Việt Nam luôn là người bạn tin cậy, là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Đến nay, Việt Nam thu hút được hơn 29.000 doanh nghiệp FDI từ 132 quốc gia đầu tư, đây là điểm đến an toàn của nhà đầu tư và nhiều tập đoàn kinh tế lớn từ Hàn Quốc kinh doanh rất thành công tại đây.

Chính phủ Việt Nam thời gian qua rất nỗ lực trong môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi tối đa để cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh doanh.

"Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển sang nền kinh tế số. Việt Nam đã khởi động chuơng trình Made in Vietnam 4.0 và trân trọng đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 ở Việt Nam" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, với mục tiêu nâng kim ngạch, thương mại với Hàn Quốc lên 100 tỉ USD năm 2020, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại song phương theo hướng cân bằng. 

Theo Tuổi Trẻ Online

 

TTO - Ngày 12-11, gạo ST25 của VN đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức.

Lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới - Ảnh 1.

Đoàn Việt Nam nhận giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại Philippines

Đây là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ ngày 10 đến 13-11. Gạo ST25 của VN đã vượt qua gạo của các nước như Thái Lan, Campuchia để lần đầu tiên nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi này sau 10 lần tổ chức cuộc thi trong 10 năm qua.

Theo ban tổ chức, cuộc thi bình chọn gạo ngon nhất thế giới được tiến hành bởi các đầu bếp quốc tế, những người sẽ kiểm tra cảm quan của gạo trước khi nấu cơm và độ ngon của cơm và chọn ra loại gạo thắng cuộc.

Trong 10 lần tổ chức cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, Thái Lan là nước dẫn đầu với 5 lần đạt giải nhất, tiếp đến là Campuchia với 4 lần, Mỹ có 2 lần và Myanmar 1 lần (có những năm hai quốc gia đồng giải gạo ngon nhất).

Dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau do kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua. Trước đó, một loại gạo ST là ST24 đã đoạt giải nhất cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần đầu tiên do Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 4-11.

Năm 2017, gạo ST24 đã lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World's Best Rice tại Macao.

Theo Tuổi Trẻ Online 

TTO – Đa số những cái tên lớn trong làng công nghệ đang cùng chạy đua để tạo ra kính thông minh, thay thế điện thoại di động thông minh (smartphone) để đi cùng chúng ta tới bất cứ đâu.

Tương lai công nghệ: kính thông minh thay thế smartphone - Ảnh 1.

Kính thực tế ảo đã thịnh hành trong vài năm trở lại đây, thế nhưng kính thông minh mới là mục tiêu nhiều hãng công nghệ lớn đang nhắm tới - Ảnh: CNBC

Theo kênh CNBC, Microsoft, Amazon, Google, Snap, Facebook Apple, Magic Leap và nhiều ông lớn công nghệ khác đang nghiên cứu phát triển kính thông minh hoặc các thiết bị headset giúp con người thay đổi cách nhìn về thế giới.

Thay vì rút điện thoại ra để trò chuyện hay tương tác cùng mọi người hoặc sử dụng các ứng dụng, con người có thể sử dụng lời nói hay ánh mắt để thực hiện những thao tác này với kính thông minh.

CNBC cho rằng thách thức nằm ở chỗ đâu là hãng đầu tiên sản xuất được chiếc kính thời trang, gọn nhẹ và phù hợp để bất kì ai cũng có thể mang theo cả ngày, đi bất kì đâu.

Tương lai công nghệ: kính thông minh thay thế smartphone - Ảnh 2.

Buổi ra mắt kính HoloLens 2 của Microsoft - Ảnh: CNBC

Hiện nay, Microsoft đang phát triển các thiết bị thực tế ảo tiên tiến. Cặp kính HoloLens 2 của hãng được tung ra thị trường tháng trước. Một phiên bản điều chỉnh của nó cũng đang được quân đội thử nghiệm để giúp quân lính nâng cao khả năng tác chiến.

Trong ứng dụng dân dụng, HoloLens 2 giúp hiển thị các chương trình máy tính lên trước tầm mắt, giúp chúng ta không phải ngồi máy tính quá lâu để làm việc. Tuy nhiên, chiếc kính này vẫn khá cồng kềnh và có giá lên tới 3.500 USD.

Tương tự với HoloLens 2, bộ kính được Magic Leap tung ra hồi tháng 8-2018 bị đánh giá là khá nặng nề, với mức giá cao 2.295 USD. Chiếc kính này giúp người dùng chơi game, xem truyền hình và video thực tế ảo trong lúc vẫn nhìn thấy thế giới thật.

Mẫu kính của Magic Leap - Ảnh: CNBC

Bên cạnh đó, mẫu kính Spectacles 3 của hãng Snap đã được tung ra trong tuần này với mức giá 380 USD. Spectacles 3 cho phép người dùng chụp ảnh, quay và chỉnh sửa video. Tuy nhiên, thông tin chỉnh sửa ảnh không được hiển thị trực tiếp và điều khiển trên kính, mà vẫn phải thông qua ứng dụng Snapchat.

Tất cả những thiết bị trên đều chưa được hoàn thiện và việc cải thiện chúng đòi hỏi rất nhiều chi phí. Dù vậy, giới chuyên gia nhận định các hãng công nghệ không vì thế mà từ bỏ kế hoạch phát triển của họ.

Theo Tuổi Trẻ Online 

Năm 2018 công suất pin mặt trời tích lũy của Việt Nam chỉ có 134 megawatt (MW) nhưng năm nay đã lên 5,5 gigawatt (GW).

Nguồn ảnh: Theaseanpost.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong năm 2019 và 2020. Với vị thế là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để đảm bảo nhu cầu năng lượng. 

Trong một nghiên cứu được công bố vào tuần trước, theo các chuyên gia tư vấn năng lượng toàn cầu tại Wood Mackenzie, năm 2018 công suất pin mặt trời tích lũy của Việt Nam chỉ có 134 megawatt (MW) nhưng năm nay đã lên 5,5 gigawatt (GW), tương đương với 44% tổng công suất của khu vực Đông Nam Á.

Từ tháng 6/2018 đến 6/2019, Việt Nam đã sản xuất thêm 4,45 GW công suất pin mặt trời mới. Công ty tư vấn Rystad Energy của Na Uy tính toán rằng, thời gian trung bình để xây dựng và vận hành một dự án điện mặt trời ở Việt Nam là đáng kinh ngạc.

Vượt quá mong đợi

Mức 4,45 GW vào tháng 9 được cho là đã vượt quá mục tiêu đặt ra cho điện mặt trời vào năm 2020 là 1 GW.

Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, có tới 82 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4,45 GW được kết nối với lưới điện quốc gia kể từ ngày 30/6, cho phép họ đủ điều kiện hưởng biểu giá FiT (*).

Những dự án năng lượng mặt trời tại các quốc gia Asean từ 2010-2019

Công suất lắp đặt pin mặt trời của Việt Nam đã vượt trội các nước Asean khác.

Năm 2017, chính phủ đã có thông báo những dự án được đưa vào hoạt động trước 6/2019 sẽ đủ điều kiện nhận hợp đồng FiT là 20 năm với mức giá 0,0935 USD/ kilowatt giờ (kWh), điều này đã dẫn đến việc nhiều dự án được triển khai vội vàng.

Ông David Dixon, nhà phân tích cao cấp của nhóm tái tạo Rystad Energy cho biết, “Năng lực vận hành ở Việt Nam đã vượt kỳ vọng của chúng tôi”.

Dù có những lo ngại về nguồn vốn cho các dự án mới, ông Rishab Shrestha, nhà phân tích năng lượng và năng lượng tái tạo của Wood Mackenzie, đã chỉ ra rằng những dự án năng lượng mặt trời rất tiềm năng. Nó có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Có thể nói, FIT là một công cụ chính sách hiệu quả để tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng trong năng lượng tái tạo.

Quá tải lưới

Tuy nhiên, Công ty tư vấn Rystad Energy cũng lưu ý, tình trạng quá tải lưới là mối quan tâm chính của Việt Nam. 4 nhà máy năng lượng mặt trời có tổng công suất 150 MW được kết nối với lưới điện vào giữa tháng 4, sau đó 34 nhà máy có tổng công suất 2,2 GW đã được bổ sung vào cuối tháng 5 và EVN dự kiến ​​con số này sẽ tăng lên 95 cuối năm 2019.

Trong khi đó, công ty Wood Mackenzie cũng lưu ý rằng EVN sẽ cần mở rộng lưới điện, hay các nhà máy của họ có thể không sản xuất phù hợp với công suất thiết kế.

Tại các tỉnh trọng điểm của Việt Nam, công suất lắp đặt đã vượt quá 18% công suất lưới điện và công suất được phê duyệt cho các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đứng ở mức 5 GW, nhiều hơn gấp đôi công suất sử dụng lưới.

Ngày 2/10, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký kết một hiệp định vay trị giá 37 triệu USD với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) để tài trợ lắp đặt một dàn pin điện mặt trời nổi với công suất đỉnh là 47,5 MW trên hồ chứa hiện thời của nhà máy thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận) với công suất 175 MW thuộc Công ty DHD.

Ông Christopher Thieme, Phó Tổng Giám đốc Bộ phận Điều hành Khối Tư nhân của ADB đã nhận định, việc kết hợp hai công nghệ năng lượng sạch: thủy điện và năng lượng mặt trời là một thành tựu đơn giản nhưng rất sáng tạo, có thể được nhân rộng ở những nơi khác ở Việt Nam, khắp Châu Á và Thái Bình Dương.

Ngoài việc giúp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng tổng thể của Việt Nam, những dự án như vậy cũng sẽ giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiên liệu hóa thạch như than đá vốn sẽ là chìa khóa cho sự thúc đẩy tăng trưởng bền vững của đất nước.

Theo Asean Post

Các ngân hàng hàng đầu của Hàn Quốc đang gia tăng nỗ lực mở rộng tại Việt Nam, trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa.

KEB Hana Bank vừa mua lại 15% cổ phần của BIDV. Ảnh: Yonhap News

Các ngân hàng hàng đầu của Hàn Quốc đang gia tăng hiện diện tại Việt Nam, một thị trường chưa được khai thác nhiều, nhưng đạng trở thành một nguồn tăng trưởng thay thế trong tương lai cho các ngân hàng này trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa.

Động thái từ những người đến sau như Woori bank và KEB Hana đang đe dọa vị trí dẫn đầu của Shinhan- ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

Hiện Ngân hàng Shinhan Việt Nam đang nắm giữ số tài sản hơn 4,9 nghìn tỷ won (4,2 tỷ USD) và điều hành 37 chi nhánh trong cả nước.

Ngân hàng Woori đang tìm cách thách thức vị trí dẫn đầu của Shinhan Bank. Nói trong lễ khai trương chi nhánh thứ 10 tại Đà Nẵng vào ngày 8/11, ông Sohn Tae-seung, Giám đốc điều hành Woori Bank nói rằng, sẽ đưa ngân hàng này trở thành ngân hàng nước ngoài tốt nhất tại Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư và nỗ lực để làm cho Woori Bank trở thành ngân hàng nước ngoài hoạt động tốt nhất ở quốc gia Đông Nam Á này", ông Sohn Tae-seung nói.

Ngân hàng này có kế hoạch mở thêm 3 chi nhánh vào cuối năm 2019 và 5 chi nhánh vào năm 2021.

Shinhan Bank hiện là ngân hàng Hàn Quốc có nhiều chi nhánh nhất tại Việt Nam. Ảnh: The Korea Time

Shinhan Bank hiện là ngân hàng Hàn Quốc có nhiều chi nhánh nhất tại Việt Nam. Ảnh: The Korea Time

 

Woori Bank cho biết các chi nhánh mới sẽ kinh doanh ngân hàng bán buôn, ngân hàng đầu tư, cho vay hợp vốn, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, bên cạnh việc củng cố mảng ngân hàng bán lẻ cho khách hàng cá nhân tại địa phương, thông qua các dịch vụ di động, ví dụ như kiểm tra điểm tín dung dựa trên trí tuệ nhân tạo và dịch vụ cho vay.

Tài sản của Ngân hàng Woori tại Việt Nam đang ở mức 1,28 nghìn tỷ won (1 tỷ USD) vào tháng 6. Theo báo cáo của Woori bank, năm 2018, lợi nhuận ròng của ngân hàng này đạt 10,7 tỷ won. 9 tháng đầu năm nay, con số này đạt 10,1 tỷ won.

Khác với Woori bank, KEB Hana Bank đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo Korea Times, chiến lược này của KEB Hana ít tốn kém hơn, nếu xét đến khả năng sinh lợi của BIDV.

Theo đó, KEB Hana sẽ mua 603 triệu cổ phiếu của BIDV với giá 1 nghìn tỷ won (20.300 tỷ đồng). Sau thương vụ, ngân hàng Hàn Quốc này sẽ nắm giữ 15% cổ phần của BIDV.

Với tỉ lệ nắm giữ này, KEB Hana có thể thu về khoản nhuận ròng  khoảng 50 tỷ won, nếu lợi nhuận ròng của BIDV đạt mức 400 tỷ won như dự kiến.

"Bên cạnh khoản lợi nhuận ròng, mạng lưới rộng lớn và toàn diện của BIDV sẽ giúp chúng tôi mở rộng dịch vụ bán lẻ cho khách hàng cá nhân tại địa phương. Điều này sẽ giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh của chúng tôi, giúp lợi nhuận từ các thị trường nước ngoài tăng lên", một quan chức KEB Hana nói.

Trong bối cảnh, các ngân hàng khác bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam thì Shinhan Bank Việt Nam cũng nỗ lực để củng cố vị trí của mình.

Năm 2017, Shinhan mua lại Ngân hàng ANZ của Úc để tăng cường mảng kinh doanh bán lẻ cho người dân địa phương. Năm 2019, ngân hàng này đã mở một trung tâm quản lý tài sản cá nhân (PWM) tại TP.HCM vào hồi tháng 6.

Shinhan cho biết, 9 tháng đầu năm, ngân hàng này đạt 93,4 tỷ won lợi nhuận.  Năm 2018, lợi nhuận ròng của Shinhan Bank đạt 96,6 tỷ won gấp đôi so với 47 tỷ won trong năm 2017.

Ngân hàng cho biết họ sẽ cố gắng duy trì vị trí dẫn đầu thông qua việc tăng cường kinh doanh bán lẻ, tăng số lượng khách hàng doanh nghiệp và cung cấp dịch quản lý tài sản phù hợp.

"Chúng tôi đã mở một trung tâm quản lý tài sản cá nhân (PWM) tại TP.HCM vào tháng 6 để đáp ứng nhu cầu của từ lượng khách hàng cao cấp ngày càng tăng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cơ hội kinh doanh chung với các fintechs để cải thiện sự thuận tiện của khách hàng", một đại diện của Shinhan bank cho biết.

Một chuyên gia chính sách đối ngoại cho biết, các ngân hàng Hàn Quốc nên tăng cường quản lý rủi ro. Trong khi đang cạnh tranh gắt để mở rộng độ phủ, các ngân hàng này không có các giải pháp cho những kịch bản tiêu cực có thể xảy ra.

"Lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ giảm nếu Việt Nam có những quy định chặt chẽ hơn đối với ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng cần có sẵn kịch bản cho những tình huống bất ngờ, không lường trước được”, ông Young-sik, Tổng Giám đốc Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) nói.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Sau hơn 6 năm đàm phán, hơn 10 quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương đang nhắm đến việc ký kết thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới vào 2020.

Thỏa thuận, được gọi là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), liên quan đến tất cả 10 quốc gia từ khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và năm đối tác thương mại lớn của nước này: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

15 quốc gia này chiếm gần 1/3 dân số thế giới và tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, theo báo cáo của Reuters. Khối liên minh này còn lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Liên Minh châu Âu (EU) và thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Thỏa thuận ban đầu có 16 quốc gia, nhưng sau đó Ấn Độ quyết định không tham gia hiệp ước thương mại vì lo ngại rằng điều này sẽ làm tổn thương các nhà sản xuất trong nước.

RCEP ra đời như thế nào?

RCEP được ra mắt vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh, Campuchia như một sáng kiến ​​của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các quốc gia thành viên và sáu quốc gia khác.

Sáu quốc gia khác, gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ , Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - đều đã có thỏa thuận thương mại tự do riêng với khối ASEAN. RCEP sẽ thúc đẩy thương mại bằng cách hạ hàng rào thuế quan, tiêu chuẩn hóa các quy định và thủ tục hải quan, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, nhất là ở những quốc gia chưa hề tham gia một thỏa thuận thương mại nào.

Tất cả 16 quốc gia bắt đầu đàm phán RCEP vào năm 2013, khi các cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán. Vì Trung Quốc không tham gia vào TPP (khi ấy do Mỹ khởi xướng), nhiều ý kiến cho rằng RCEP sẽ là một cách để Bắc Kinh kìm hãm tầm ảnh hưởng của Mỹ tới khu vực này.

Tuy nhiên, sau khi cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi tệ cho Mỹ. Các nước còn lại trong thỏa thuận, gồm Việt Nam và Nhật Bản, tiếp tục đàm phán, đi đến ký kết, và thực thi TPP từ cuối năm 2018. Thỏa thuận này đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Các quốc gia đã đưa ra ý kiến đồng ý hay không đồng ý để ký thỏa thuận RCEP

Các quốc gia đã đưa ra ý kiến đồng ý hay không đồng ý để ký thỏa thuận RCEP

Vài trò của RCEP 

Theo các chuyên gia phân tích, RCEP chủ yếu có lợi cho thương mại hàng hóa vì nó sẽ giảm dần thuế quan đối với nhiều sản phẩm. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp bán cùng một hàng hóa trong khối nhưng không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường.

Ông Deborah Elms, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Asian Trade Centre, nói với Reuters, rằng cách này sẽ giúp các nhà sản xuất châu Á bán được nhiều sản phẩm hơn tại thị trường khu vực. Ngay cả đối với các công ty xuất khẩu hàng hóa bên ngoài khối, sẽ có những ưu đãi để xây dựng chuỗi cung ứng của họ trên khắp các quốc gia thành viên RCEP. Thế nhưng, RCEP được cho là không có những chất lượng và phạm vi áp dụng như trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cụ thể hơn, không như CPTPP, RCEP thiếu đi những cam kết bảo vệ quyền của người lao động và môi trường, theo Reuters. RCEP bao gồm ít ngành dịch vụ hơn, đây có thể là một lý do khiến Ấn Độ rút khỏi thỏa thuận.

nhóm thương mại liên quan đến các quốc gia châu Á Thái Bình Dương

Vai trò của Ấn Độ

Ấn Độ vốn đã tham gia vào các cuộc đàm phán RCEP ngay từ đầu nhưng sau đó đã từ chối tham gia hiệp ước thương mại, vì lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ làm tổn thương các nhà sản xuất trong nước. Sự e ngại của Ấn Độ đối với thỏa thuận này là một trong những rào cản chính trong các cuộc đàm phán RCEP gần đây.

Một số thành viên RCEP, chẳng hạn như Nhật Bản, coi sự tham gia của New Delhi rất quan trọng vì lý do kinh tế và là một đối trọng khác với Trung Quốc, theo các nhà phân tích từ công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group.

Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và là thị trường tiêu dùng lớn.

Nhưng 15 quốc gia còn lại vẫn dự kiến ​​sẽ đưa RCEP đến thỏa thuận cuối cùng, theo Công ty tư vấn The Economist Intelligence Unit (EIU). "Không có Ấn Độ, RCEP giảm tầm quan trọng, nhưng con đường tiến tới thực thi thỏa thuận này trở nên êm ái hơn", một báo cáo của EIU viết.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Những đột phá trong chính sách phát triển Sapa trong thời gian qua đã cho thấy Sapa đang được quan tâm, phát triển vượt bậc. Đây cũng là lý do thời gian vừa qua hàng loạt doanh nghiệp BĐS lớn mở rộng đầu tư, phát triển các đại dự án tại đây.

Bộ GTVT duyệt quy hoạch sân bay Sapa, "thổi làn gió mới" cho bất động sản nghỉ dưỡng núi nơi đây

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) giai đoạn đến năm 2030. Theo phê duyệt quy hoạch, cảng hàng không Sa Pa nằm tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đây sẽ là cảng hàng không nội địa với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Về mục tiêu quy hoạch, cấp sân bay 4C với công suất 3.000.000 hành khách/năm; loại máy bay khai thác là máy bay code C hoặc tương đương với 9 vị trí đỗ máy bay. Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Sa Pa đến năm 2030, có dự trữ phát triển sau năm 2030 là 371 ha.

Mạng lưới giao thông phục vụ hoạt động của Cảng hàng không Sa Pa được quy hoạch đồng bộ. Đường trục vào cảng nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tới khu vực sân đỗ ô tô trước ga với quy mô 6 làn xe. Nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là nút giao khác mức. Cầu cạn kết nối nhà ga 2 cao trình với chiều dài cầu khoảng 620 m dự phòng kết nối cho phát triển nhà ga hành khách giai đoạn sau năm 2030.

Cùng với sân bay Sapa, mới đây Sapa cũng được "đặc cách" lên thị xã. Cụ thể, sáng 11/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí để Lào Cai được nâng cấp Sapa từ huyện lên thị xã, theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt". Phương án chính phủ đề xuất là thành lập thị xã Sapa trên cơ sở toàn bộ 681,37 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số 81.857 người và 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Sapa.

Về sự cần thiết thành lập thị xã Sapa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói, thời gian qua Lào Cai đã tập trung đầu tư phát triển Sapa thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Lào Cai, cả nước và khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, số lượng khách du lịch đến Sapa tăng 23,4%/năm (riêng năm 2018 đã đón trên 2,5 triệu lượt khách). Trên địa bàn Sapa hiện có 571 cơ sở dịch vụ, gồm các khách sạn từ 1 đến 5 sao, 34 đơn vị kinh doanh lữ hành...

Từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe đến nay, Sapa đã trở thành khu du lịch đại chúng, Chính phủ cho rằng, thành lập thị xã Sapa trên cơ sở huyện Sapa là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn (huyện) sang chính quyền địa phương ở đô thị (thị xã), bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã và đang có tốc độ đô thị hoá nhanh.

Có thể nói những đột phá trong chính sách phát triển Sapa trong thời gian qua đã cho thấy Sapa đang được quan tâm, phát triển vượt bậc.

Khách du lịch đến Sapa đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nếu như năm 2013, lượng khách du lịch 720.000 lượt, doanh thu 576 tỷ đồng, thì đến năm 2018, tổng lượt khách 2,7 triệu, doanh thu 3.900 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, lượng khách đến Sa Pa đạt 1,65 triệu lượt, doanh thu xấp xỉ 5.200 tỷ đồng). Từ những con số này có thể thấy, Sapa đang phát triển mạnh mẽ và sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. 

Theo CafeF

Dự án trường đua ngựa gồm các hoạt động chăn nuôi ngựa, nhân giống ngựa, dạy cưỡi ngựa, kinh doanh đặt cược đua ngựa tại trường đua...

Vì sao Đà Nẵng muốn xây trường đua ngựa 200 triệu USD?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 13/11, Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND TP Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố vừa có tờ trình về việc bổ sung nội dung Nghị quyết số 163/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND thành phố về thông qua Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo UBND TP Đà Nẵng, thành phố được xác định là trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là trung tâm du lịch vùng với vai trò “cửa đến” đã được xác định trong "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam".

"Ngành du lịch Đà Nẵng tuy có một số sản phẩm du lịch có đẳng cấp nhưng vẫn chưa đa dạng sản phẩm dịch vụ, nhất là các dịch vụ đặc sắc phù hợp với thị hiếu, sở thích của du khách quốc tế", UBND TP Đà Nẵng cho biết.

Trong đó, loại hình du lịch kết hợp với môn thể thao golf được thành phố chú trọng phát triển. Bên cạnh đó, Dự án Câu lạc bộ cưỡi ngựa được triển khai sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, thúc đẩy phát triển KT - XH của thành phố.

UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, hiện nay, Nhà đầu tư đã có những động thái tích cực trong quyết định đầu tư dự án Câu lạc bộ đua ngựa (có kinh doanh hoạt động cá cược). Dự án Câu lạc bộ đua ngựa dự kiến gồm 2 hạng mục đầu tư: trang trại nuôi ngựa và trường đua ngựa.

Trong đó, trang trại nuôi ngựa dự kiến đặt tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với diện tích đất sử dụng là 93,1ha; Trường đua ngựa dự kiến đặt tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) với diện tích 42,5ha. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến 200 triệu USD.

Dự án gồm các hoạt động: chăn nuôi ngựa, nhân giống ngựa; Tổ chức và điều hành các sự kiện thể thao liên quan đến đua ngựa; Dạy cưỡi ngựa, đào tạo nài ngựa, hướng dẫn nuôi ngựa; Kinh doanh đặt cược đua ngựa tại trường đua ngựa và các điểm bán vé đặt cược ngoài trường đua ngựa.

Kinh doanh nhà hàng; Viện xét nghiệm DNA & bệnh viện thú y; Mua và bán bản quyền phát sóng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cho các đối tác ở trong và ngoài nước; Thực hiện quyền phát sóng từ nước ngoài vào Việt Nam (truyền hình trực tiếp bằng vệ tinh)...

Được biết, dự án Khu phức hợp khách sạn, sân golf tại Hòa Phong, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) với diện tích dự kiến 497,4ha, tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD (tương đương 40.212 tỷ đồng) cũng đang được Đà Nẵng xúc tiến đầu tư.

Theo CafeF

 

Dân số già hóa có thể là một lợi ích đối với các nền kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nếu các chính phủ áp dụng những chính sách công nghệ giúp cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, tăng cường kỹ năng và tăng thời gian làm việc, hỗ trợ họ tìm việc làm phù hợp.

ADB: Công nghệ có thể khiến việc già hóa trở thành "lợi tức bạc" cho các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo Tổng hợp Kinh tế châu Á 2019/2020 (AEIR) cho biết: Tuổi thọ trung bình đã tăng gần 7 năm, từ 57,2 lên tới 63,8 tuổi trong giai đoạn từ năm 1990 tới 2017 tại các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương. Số năm học tập trung bình của nhóm người cao tuổi, từ 55 tới 64 tuổi, cũng đã tăng từ 4,6 vào năm 1990 tới 7,8 vào năm 2015.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: "Xu hướng già hóa là không thể đảo ngược tại phần lớn khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nhưng các chính phủ có thể biến điều này thành một khoản "lợi tức bạc". Ngày nay, người cao tuổi có trình độ học vấn cao hơn và khỏe mạnh hơn so với trong quá khứ. Những chính sách đúng đắn về công nghệ có thể mở rộng thời gian làm việc, tạo ra sự đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung."

Cần triển khai những biện pháp chính xác tùy thuộc vào điều kiện già hóa và giáo dục cụ thể của từng quốc gia, nhưng nhìn chung có bốn loại hình sau: già hóa nhanh hay chậm, và trình độ học vấn trên hoặc dưới mức trung bình.

Những quốc gia có tỷ lệ lão hóa nhanh và trình độ học vấn trên mức trung bình sẽ có lợi từ việc triển khai công nghệ tự động hóa và nâng cao năng suất lao động để bổ sung cho nguồn cung lao động thấp đối với công việc thường nhật, trong khi các quốc gia có tốc độ lão hóa chậm và trình độ học vấn dưới mức trung bình có thể ưu tiên những ứng dụng công nghệ trong giáo dục để giúp dân số trẻ hơn tiếp cận giáo dục chất lượng cao.

Bất kể các điều kiện lão hóa và học vấn ra sao, báo cáo kêu gọi tư duy lại về giáo dục và đào tạo kỹ năng để bao gồm việc học tập suốt đời cũng như ứng dụng các công nghệ và phương pháp giúp công việc và môi trường làm việc trở nên phù hợp hơn với người lao động cao tuổi. 

Thị trường lao động, an sinh xã hội và cải cách hệ thống thuế cũng sẽ khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc. Cuối cùng, những chính sách tạo thuận lợi cho việc di chuyển dòng vốn, lao động và công nghệ qua các biên giới sẽ hữu ích để giúp những quốc gia ở các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và ứng dụng công nghệ đối phó với vấn đề này.

Báo cáo lưu ý rằng hợp tác kinh tế khu vực vẫn được duy trì mạnh mẽ ở châu Á và Thái Bình Dương, tạo ra vùng đệm chống đỡ những tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu. Chỉ số Hợp tác và Hội nhập khu vực châu Á - Thái Binh Dương mới nhất, dựa trên số liệu năm 2017, cho thấy cơ sở hạ tầng và kết nối là lợi thế lớn nhất, nhưng hội nhập khu vực tổng thể lại giảm sút do sự sụt giảm trong chỉ tiêu tiền tệ và tài chính. Đông Á và Đông Nam Á là những tiểu vùng hội nhập nhiều nhất với châu Á nói chung, trong khi Trung Á và Nam Á thấp hơn mức trung bình của khu vực.

Thương mại của châu Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa trong năm 2019, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Tỉ lệ thương mại nội vùng của khu vực tính theo giá trị vẫn duy trì ở mức cao là 57,5% thương mại toàn cầu năm 2018, tăng hơn so với mức trung bình 56,3% của giai đoạn từ 2012 tới 2017. Dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á và từ châu Á ra bên ngoài cũng tăng trong năm 2018, trong khi dòng kiều hối đạt mức kỷ lục là 302,1 tỉ USD trong năm ngoái.

Theo CafeF

Our Strategic Partners