News Reviews

Nguyễn Ngọc Thảo

Nguyễn Ngọc Thảo

Chuyên gia cho biết, người Đông Nam Á không cân nhắc quá nhiều khi đưa ra quyết định mua hàng, 54% khách hàng mua hàng trực tuyến vì họ thấy thích.

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bùng nổ mua sắm trực tuyến

Nikkei Asia Review trích dẫn báo cáo của công ty tư vấn Bain and Co cho biết rằng, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ là những quốc gia có đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng chi tiêu trên nền tảng số tại Đông Nam Á trong 5 năm tới.

Theo báo cáo, chi tiêu trên nền tảng số tại khu vực sẽ đạt 120,9 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với mức 31,3 tỷ USD vào năm 2018.

Kết quả khảo sát từ 13.000 người tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cho thấy, tầng lớp trung lưu mới nổi trong khu vực sẽ đóng góp 70% đến 80% mức tăng trưởng của tiêu dùng kỹ thuật số. Trong đó, Indonesia đang là nước có lượng người tiêu dùng lớn nhất. Số người chi tiêu trên nền tảng số tại quốc gia này đã tăng từ 64 triệu trong năm 2017 lên 102 triệu vào năm 2018.

ông Praneeth Yendamuri, đối tác quản lý của Bain, cho biết, việc số hóa nhanh chóng tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đã khiến các quốc gia này có thể trở thành những nước dẫn đầu về chi tiêu kỹ thuật số của khu vực: "Nếu bạn để ý tới Thái Lan và Việt Nam, họ đang tăng trưởng rất nhanh. Chúng tôi tin rằng, Thái Lan và Việt Nam cộng lại, sẽ đạt quy mô tương đương hoặc lớn hơn Indonesia vào năm 2025”.

Trong giai đoạn 2017 – 2018, lượng khách hàng trên nền tảng số của Thái Lan đã tăng từ 21 triệu lên 34 triệu người. Trong khi đó, tại Việt Nam con số này đã tăng từ 38 lên 45 triệu người. Ước tính lượng khách hàng trong nền kinh tế số của Đông Nam Á sẽ đạt 310 triệu người vào năm 2025.

Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ là những quốc gia có đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng chi tiêu trên nền tảng số tại Đông Nam Á trong 5 năm tới. Ảnh: vietnambiz

Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ là những quốc gia có đóng góp lớn nhất cho sự tăng trưởng chi tiêu trên nền tảng số tại Đông Nam Á trong 5 năm tới.

Chưa có một ông lớn thống trị trong thương mại điện tử tại Đông Nam Á

Nghiên cứu của Facebook-Bain chỉ ra, chi tiêu trung bình một người ở Đông Nam Á cho thương mại điện tử sẽ tăng lên 390 USD vào năm 2025, từ mức 125 USD vào năm 2018. Các sản phẩm được mua nhiều nhất gồm quần áo, sản phẩm chăm sóc cá nhân và làm đẹp.

Ông Yendamuri, nhà nghiên cứu tại Bain cho biết rằng, người Đông Nam Á sẽ không cân nhắc quá nhiều khi đưa ra quyết định mua hàng. Có tới 54% khách hàng mua hàng trực tuyến vì họ thấy thích.

Nghiên cứu của Bain-Facebook cho thấy 67% người tham gia khảo sát không biết chính xác mình sẽ mua gì trước khi mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, trong tương lai, xu hướng này sẽ thay đổi, khách hàng sẽ lên kế hoạch mua sắm, khi họ thấy  thoải mái và tin tưởng hơn với thương mại điện tử.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng cho thấy người tiêu dùng ở Đông Nam Á ít có tính trung thành khi họ thường tham khảo từ 3 website trở lên trước khi mua một thứ gì đó. Đây cũng là một trong những lý do vì sao chưa có một ông lớn thống trị trong mảng TMĐT ở khu vực này, báo cáo lưu ý.

Kết quả khảo sát từ 6 quốc gia cho thấy, hơn 50% khách hàng nói rằng họ sẵn sàng mua từ nhiều thương hiệu khác nhau. 86% khách hàng nói sẽ so sánh giá sản phẩm trên các kênh trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline - từ các cửa hàng vật lý) trước khi mua hàng.

Đáng chú ý, hơn 40% người dùng cho biết họ đã mua từ một cửa hàng trực tuyến chưa từng biết đến trước đó trong một năm trở lại đây. Lý do hàng đầu cho quyết định mua hàng là các đánh giá tích cực từ người dùng, khuyến mại và sản phẩm thú vị.

Tăng trưởng tiêu dùng ở Đông Nam Á được kì vọng sẽ là "mỏ vàng" cho các ông lớn mạng xã hội trên phương diện doanh thu quảng cáo. Sandhya Devanathan, giám đốc Facebook Singapore, chia sẻ gã khổng lồ mạng xã hội hi vọng có thể củng cố mối quan hệ của mình với các nhà bán hàng trong tương lai.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế chi phối nhiều nhất tới tăng trưởng toàn cầu, và vẫn duy trì vị thế này tới năm 2024...

Bloomberg cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang chịu sức ép bởi những căng thẳng, vốn gây cản trở hoạt động thương mại quốc tế và làm gia tăng bất ổn. Và vì vậy, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn trong 5 năm tới.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục chậm lại, đóng góp vào tăng trưởng GDP toàn cầu của quốc gia  nước này cũng sẽ giảm trong thời gian tới. Tỷ lệ đóng góp vào GDP toàn cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ giảm 32,7% trong năm 2018-2019 xuống còn 28,3% vào năm 2024, tức giảm 4,4%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo, tăng trưởng toàn cầu ​​sẽ giảm xuống 3% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự suy giảm tăng trưởng này sẽ ảnh hưởng tới 90% nền kinh tế thế giới.

Dựa trên những dự đoán của IMF (có điều chỉnh ngang giá sức mua - purchasing power parity), Bloomberg đã tìm ra những nền kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới.

Năm 2019, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Năm 2019, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù vẫn được dự báo là sẽ đóng góp một phần đáng kể vào tăng trường toàn cầu, nhưng nền kinh tế Mỹ ​​sẽ rơi xuống vị trí thứ ba, sau Ấn Độ. Phần đóng góp của Mỹ vào tăng trưởng toàn cầu của Mỹ được dự đoán sẽ giảm từ 13,8% xuống còn 9,2% trong năm 2024. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của Ấn Độ sẽ tăng lên 15,5% và vượt qua Mỹ trong 5 năm tới.

Indonesia tiếp tục giữ vị trí thứ tư khi nền kinh tế này sẽ đóng góp 3,7% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024, giảm nhẹ so với mức 3,9% trong năm 2019.

Trong khi đó, vai trò của nền kinh tế Anh với tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm rõ rệt trong bối cảnh Brexit khi đóng góp của nền kinh tế này vào tăng trưởng toàn cầu giảm từ vị trí thứ 9 xuống thứ 13.

20 nền kinh tế sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2024. Ảnh: Bloomberg

20 nền kinh tế sẽ chi phối tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2024. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù đóng góp của Nga trong tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt mức 2% và dự kiến sẽ duy trì mức này trong 5 năm tới, song Nga được dự đoán sẽ thay thế Nhật Bản và trở thành nước đóng góp nhiều thứ 5 vào tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới.

Nhật Bản sẽ rơi xuống vị trí thứ 9 vào năm 2024. Brazil dự kiến ​​sẽ tăng từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Tỷ lệ tăng trưởng của Đức ​​sẽ duy trì ở mức 1,6% và đứng thứ 7 trong danh sách.

IMF cho biết các quốc gia mới được dự báo sẽ gia nhập nhóm nhóm 20 quốc gia chi phối tăng trưởng kinh tế thế giới trong 5 năm tới, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Pakistan và Ả Rập Saudi, trong khi Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada và Việt Nam sẽ cùng rơi ra khỏi top 20.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Long An đang nổi lên như một "ngôi sao" trên bản đồ điểm đến kề bên TP.HCM...

Một dự án biệt thự nghỉ dưỡng tại Long An

"Staycation” ven đô hay câu chuyện của đời sống chất lượng cao

Nghỉ dưỡng ven đô là hình thức du lịch phát triển mạnh mẽ từ Anh, Mỹ và Canada – những nơi người dân không ngừng nâng tầm chất lượng cuộc sống và coi việc du lịch để nghỉ ngơi, thư giãn như là các hoạt động không thể thiếu.

Có thể thấy rõ điều đó qua xu hướng “staycation” đã và đang tạo nên một ngành “du lịch quốc dân” khởi sắc, cũng như cơ hội lớn cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng tại các quốc gia này.

Cách đây 10 năm, khái niệm “staycation” bắt đầu phổ biến ở Anh và Mỹ, được dùng để mô tả khoảng thời gian mà một cá nhân hoặc gia đình cùng trải nghiệm kỳ nghỉ ở trong nước chứ không phải ở nước ngoài. “Staycation” ảnh hưởng mạnh đến tất cả các phân khúc kinh doanh du lịch cũng như ngành bất động sản nghỉ dưỡng.

Thực tế ở Châu Âu từ xưa, hoàng gia và giới quý tộc sở hữu nhiều lâu đài, biệt thự nghỉ dưỡng ven đô như là những “ngôi nhà thứ hai”. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Lâu đài Winsor đang thuộc sở hữu của Nữ hoàng Anh Elizabeth. Suốt thời gian trị vì vương quốc Anh từ thuở đôi mươi đến nay ở tuổi 92, Nữ hoàng thường xuyên về nghỉ cuối tuần và tiếp đón nhiều chính khách quốc tế tại đây. Lâu đài Winsor chỉ cách nơi sống và làm việc của bà là Điện Buckingham khoảng 40km.

Với người Châu Âu, thuê biệt thự đồng quê để nghỉ dưỡng dài hạn hoặc đi chơi cuối tuần vẫn luôn là một phong cách sống, có thể gọi là thói quen. Các khu biệt thự, trang trại ven đô Florence (Ý), Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha)… cho thuê với giá niêm yết theo tuần có thể dễ dàng được tìm kiếm trên mạng internet.

Giới tài phiệt Mỹ cũng coi các biệt thự nghỉ dưỡng gần thành phố là hạng mục tài sản cá nhân hấp dẫn và khá quan trọng. Đó là lý do các khu biệt thự sân golf, ví dụ các dự án của ông Donald Trump, luôn đắt khách. Các biệt thự này không chỉ là nơi ở chơi của các chính chủ mà còn được khai thác cho thuê.

Cơn khát biệt thự ven đô trong xu thế “staycation” tại Việt Nam

Ở Việt Nam, nhu cầu “staycation” đang gia tăng nhanh chóng. Điểm nhanh thị trường, mặc dù đang xu thế nở rộ các ứng dụng đặt thuê nhà ở tư nhân ngắn hạn như AirBnB, Agoda, Booking.com, Luxstay… có thể thấy rõ nhu cầu tìm thuê và cho thuê biệt thự nghỉ dưỡng ven đô ngay trên các mạng xã hội.

Một số tin đăng tìm biệt thự nghỉ dưỡng ven đô trên một group Facebook chuyên về villa, homestay gần Hà Nội. Ảnh: PV

Một số tin đăng tìm biệt thự nghỉ dưỡng ven đô trên một group Facebook chuyên về villa, homestay gần Hà Nội. Ảnh: PV

Đáng ngạc nhiên là thị trường phía Hà Nội đang dẫn trước, trong khi phía TP.HCM còn khá im ắng. Trên Facebook có các nhóm tìm thuê và cho thuê biệt thự ven đô thu hút từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên, với vô số trao đổi, giao dịch mỗi ngày. Khi tìm kiếm các nhóm hội chuyên về biệt thự, homestay quanh TP.HCM thì chưa hề có.

Thông tin biệt thự nghỉ dưỡng cho thuê ở Ba Vì, Tam Đảo… là những nơi cách Hà Nội chỉ khoảng 1-2 giờ di chuyển bằng ô tô (Ảnh: PV)

Thông tin biệt thự nghỉ dưỡng cho thuê ở Ba Vì, Tam Đảo… là những nơi cách Hà Nội chỉ khoảng 1-2 giờ di chuyển bằng ô tô. Ảnh: PV

Lý do gì khiến TP.HCM là nơi vốn phát triển kinh tế nhanh hơn Hà Nội nhưng thị trường biệt thự nghỉ dưỡng ven đô còn “yên ả” vậy? Một số chuyên gia bất động sản chỉ ra sự thiếu hụt nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ở ngoại ô.

Hiện nay các quận nội thành như quận 2, quận 9 đang cung cấp một số khu biệt thự mô hình nghỉ dưỡng ven đô, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu “staycation” của thị trường du lịch. TP.HCM vẫn đang rất khát các dòng biệt thự hạng sang ven đô, cách trung tâm khoảng 1-2 giờ lái xe.

Tín hiệu từ miền đất hứa Long An

Ven TP.HCM, tỉnh Long An ngay cận kề đang trở thành điểm đến nổi bật khi được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông bài bản, liên kết vùng mạnh, rất thuận tiện kết nối đến trung tâm TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

Đối với thị trường du lịch và các nhà đầu tư, đây là một tin tức rất đáng chú ý trong xu thế “staycation” hiện nay. Các khu biệt thự nghỉ dưỡng tại Long An chắc chắn sẽ thu hút lượng khách nghỉ dưỡng lớn từ phía Nam, tương tự như phía Bắc có khi biệt thự nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) là điểm đến ưa chuộng của khách hàng Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Giới chuyên môn dự đoán, dự án biệt thự sân golf tại Đức Hòa cũng sẽ đón sóng khách mua từ TP.HCM là các thương gia giàu có và chuyên gia quốc tế. Bởi đây là những cư dân cao cấp có nhu cầu “staycation” rất lớn, có sở thích lái xe đi du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần. Thậm chí nhiều người vốn quen với việc lái xe đường trường đi làm hàng ngày, họ có thể an cư để hưởng thụ cuộc sống trong lành ngay tại khu biệt thự này mà vẫn dễ dàng kinh doanh, làm việc tại TP.HCM.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Báo cáo thị trường quý 3 của DKRA Vietnam hé lộ một số điểm nhấn mới.

Khu Đông Tp.HCM.

Theo ghi nhận của công ty CP DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam), trong quý 3/2019, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM chứng kiến nguồn cung phân khúc căn hộ gia tăng đột biến nhờ vào dự án Vinhomes Grand Park tại khu Đông. Dù vậy, nếu loại trừ dự án này, thị trường nhìn chung suy giảm cả về nguồn cung và sức cầu.

Cụ thể, có 8 dự án được chào bán ra thị trường với tổng số lượng 13.853 căn, tăng gấp 5,4 lần so với quý 2 và 71% so với cùng kì năm trước. Lượng tiêu thụ nguồn cung mới lên tới 96%, tăng 6,5 lần so với quý 2 và 2,1 lần so với cùng kì năm trước. Tỉ lệ hấp thụ rất cao cho thấy người mua nhà vẫn dành một sự quan tâm rất lớn đến phân khúc nhà ở một khi có cơ hội rót tiền.

Nhưng trên phân khúc nhà phố và biệt thự, thống kê của DKRA Vietnam cho thấy cả nguồn cung và sức cầu của thị trường đều giảm mạnh. Toàn thị trường chỉ có 1 dự án được mở bán với chỉ 30 căn. Tỉ lệ tiêu thụ đạt khoảng 67%.

Ở phân khúc đất nền, sự kiện liên quan đến tập đoàn Alibaba phần nào tác động đến tâm lí người mua. Kết quả là quý 3 chỉ chứng kiến 3 dự án mới ra mắt thị trường với số lượng 473 nền, chỉ bằng 73% so với cùng kì năm trước. Tỉ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 75%- tăng không đáng kể so với hai quý đầu năm.

Không khí trầm lắng cũng thể hiện trên phân khúc bất đông sản nghỉ dưỡng. Trong quý 3, lượng biệt thự biển mở bán chỉ là 68 căn, bằng 5% so với quý 2 do không có dự án lớn triển khai. Tỉ lệ hấp thụ biệt thự biển đạt 67%.

Trên phân khúc condotel, DKRA Vietnam ghi nhận 6 dự án mở bán với nguồn cung đạt 2.605 căn, bằng 68% so với quý 2. Tỉ lệ tiêu thụ đạt khá cao: 86%. Nguồn cung sơ cấp và lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Khánh Hòa và Đà Nẵng.

Triển vọng thị trường quý cuối năm có thể không nhiều đột biến. DKRA Vietnam cho rằng nguồn cung căn hộ có thể sẽ giảm mạnh, sức cầu có thể cải thiện nhưng không đáng kể.  Căn hộ hạng A và hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung hạng C tiếp tục khan hiếm.

Thị trường nhà phố/biệt thự có thể sẽ khởi sắc hơn với lượng mở bán dao động trong 400-600 căn. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu thị trường, nhưng sức cầu khó có sự gia tăng đột biến.

Trên phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel có thể giảm nhẹ trong khi biệt thự biển có thể sẽ tăng. Các dự án gây chú ý vào thời điểm cuối năm có thể đến từ dự án The Sóng tại Vũng Tàu của An Gia hay dự án Thanh Long Bay tại Hàm Thuận Nam- Bình Thuận.

Theo ông Nguyễn Hoàng, giám đốc phòng R&D của DKRA Vietnam, trong thời gian tới, các dự án theo mô hình khu nghỉ dưỡng tích hợp (integrated resorts) nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng, trong đó loại hình nhà phố/shophouse được thị trường đón nhận khá tốt.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn công bố thông tin về quyết định của HĐQT về giao dịch với bên có liên quan là Công ty CP Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc.

Thời gian qua chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp đang hoạt động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn giải ngân cho đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nửa đầu năm 2019 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018. Có 1.723 dự án mới đăng ký trị giá 7,41 tỷ USD, tăng 63% so cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Cấp cao Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL cho biết, bất ổn địa chính trị chỉ là một phần nguyên nhân của sự gia tăng đầu tư.

Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do như là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng chính là những động lực tích cực cho sự tăng trưởng.

Trong khi đó, nhu cầu hàng tiêu dùng trong nước khó có thể giảm do tầng lớp trung lưu gia tăng và lực lượng lao động dồi dào.

“Việt Nam là quốc gia sở hữu những yếu tố vô cùng thuận lợi cho kinh tế tăng trưởng như tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu rộng lớn, với tiềm năng tiêu thụ hàng tiêu dùng trong rất lớn. Ngành công nghiệp sản xuất được ghi nhận có sức hút đáng kể trong năm nay”, bà Khanh cho biết.

Mức giá thuê đất công nghiệp trung bình ở miền Nam và miền Bắc tại Việt Nam là 95USD/m2/thời hạn thuê, tăng lần lượt 15,8% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mức giá thuê này vẫn còn khá hấp dẫn và đủ sức hút với nhà đầu tư.

Thực tế, thời gian qua chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp đang hoạt động.

Tập đoàn Sharp cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, trong khi công ty sản xuất giày Brooks Running của Mỹ cũng đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước lân cận.

Nhà đầu tư nước ngoài tích cực thâu tóm quỹ đất và tài sản công nghiệp

Foxconn, nhà cung cấp linh kiện cho tập đoàn Apple đã mở rộng dấu chân tại Việt Nam bằng việc mua lại một nhà máy sản xuất linh kiện nội địa vào tháng 7 vừa qua, sau khi được cấp giấy phép vào tháng 2.

Thậm chí các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang để mắt đến Việt Nam - theo nghiên cứu từ Nikkei Asian Review, gần 70% trong số 33 công ty Trung Quốc được khảo sát đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài và cân nhắc chọn Việt Nam làm điểm đến.

Tuy nhiên, các công ty đã có mặt tại Việt Nam cũng đưa ra những mối lo ngại trong việc tìm kiếm nguồn lao động tay nghề cao, và hàng loạt những yêu cầu trong chuỗi cung ứng có chất lượng tương ứng với nguồn hàng mà họ đã sử dụng ở Trung Quốc.

Chuyên gia từ JLL cũng cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều thử thách để bắt kịp đà tăng trưởng các doanh nghiệp sản xuất chuyển hướng sang Việt Nam.

“Nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự chậm trễ do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và dòng vốn. Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đón đầu những lợi ích của các công ty di chuyển đến đây, Việt Nam sẽ cần cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và quá trình thực hiện các giao dịch xuyên biên giới,” bà Khanh nhấn mạnh.

Theo dantri.com.vn

Bất động sản công nghiệp phát triển sẽ tác động tích cực đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê

Thống kê mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy nhiều tập đoàn đã và đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam như: Hanwha, Yokowo, Shuafu, Goertek, Foxcom, Lenovo, Nintendo, Sharp, Kyocera, Oasis… Các tập đoàn này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, sản xuất phụ tùng.

Nhiều yếu tố hút nhà đầu tư vào KCN

Theo ông John Campbell, tư vấn cấp cao dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, chính những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã tạo cơ hội cho nguồn vốn đầu tư, từ đó tác động tích cực đến ngành bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan, hàng hóa thông thương sẽ gia tăng thu hút vào lĩnh vực BĐS công nghiệp.

Ông John Campbell cho rằng tỉ lệ lấp đầy KCN ở các tỉnh trọng điểm tăng trưởng mạnh theo năm, quỹ đất dồi dào và các dự án tiêu biểu gia tăng ngược lại cũng thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. "BĐS công nghiệp phát triển tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... Các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc từ đó các phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới" - tư vấn cấp cao của Savills Việt Nam nhận xét.

Trong khi đó, CBRE Việt Nam dẫn chứng số liệu giá đất công nghiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt. Theo đó, giá thuê đất công nghiệp ở Việt Nam trung bình hấp dẫn hơn, từ 100-140 USD/m2/chu kỳ thuê, trong khi giá ở Trung Quốc đến 180 USD/m2/chu kỳ.

Công ty JLL Việt Nam cũng thống kê mức giá thuê tại các KCN ở Việt Nam đã có chiều hướng tăng và tỉ lệ lấp đầy đã nhích lên. Theo JLL, giá thuê trung bình quý II/2019 đã tăng 15,8% so quý trước. Với mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là thị trường có giá thuê đất và nhà xưởng cao nhất phía Nam. Tiếp theo là Đồng Nai 160 USD/m2/chu kỳ thuê. Long An cũng rất tiềm năng, được xem là lựa chọn mới bên cạnh 2 khu vực đầu tư truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai.

Theo JLL, do các KCN hiện tại đã có tỉ lệ lấp đầy cao, thời gian tới những KCN hiện hữu và KCN mới sắp đưa ra thị trường sẽ đáp ứng dần các nhu cầu mới của nhà đầu tư. Năm thị trường công nghiệp hàng đầu tại khu kinh tế trọng điểm miền Nam đều có tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt được mức cao với 81% trong quý II/2019. Dẫn đầu vẫn là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Xét về triển vọng tương lai, sẽ có khoảng 18.290 ha đất đã được định hướng cho phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam, phần lớn nguồn cung tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Một góc Khu Công nghệ cao quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phát triển KCN gắn với đô thị

Theo ghi nhận của phóng viên, trong bối cảnh BĐS công nghiệp đang bùng nổ để đón đầu xu hướng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam thời gian qua, nhiều KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực cải thiện, thay đổi để thu hút doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, một số KCN đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng. Như tại KCX Tân Thuận (quận 7), chủ đầu tư đã xây dựng 3 khối nhà xưởng cao tầng cho thuê hay KCX Linh Trung đang xây dựng nhà xưởng cao tầng dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Một xu hướng khác là các KCN đang tiến hành chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình "khu thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại" nhằm tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn với DN, nhà đầu tư. Đại diện KCX Tân Thuận cho biết các KCN có vị trí gần trung tâm đang đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng công nghiệp xanh, bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư về công nghệ thúc đẩy sự phát triển kinh tế…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, đánh giá thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi các tập đoàn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá kỳ vọng và ảo tưởng về những lợi ích to lớn mà xu hướng này mang lại. Bởi hiện tại sức cạnh tranh của Việt Nam còn thua Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…

"Đón nhận và ứng xử với xu hướng dịch chuyển này ra sao để tốt nhất cho thị trường là vấn đề. Theo tôi, cần nâng cao chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ để thu hút BĐS công nghiệp. Văn phòng làm việc sẽ sôi động; căn hộ cho thuê, hộ gia đình cũng như các dịch vụ liên quan đến giáo dục, vui chơi, giải trí, mua sắm… cũng sẽ được thúc đẩy từ sự phát triển của BĐS công nghiệp" - ông Lê Hoàng Châu nói.

Cũng liên quan đến phát triển mặt bằng sản xuất trong bối cảnh hiện tại, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, chuyên gia phát triển dự án KCN - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kizuna, cho rằng bên cạnh mô hình KCN truyền thống, vốn rất khó để DN nhỏ và vừa tiếp cận, các công ty BĐS KCN nên nghiên cứu mô hình kiểu mới cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo.

Các KCN có thể cung cấp nhà xưởng xây sẵn với quy mô nhỏ và cần đồng hành với khách hàng ngay từ lúc khách hàng tìm hiểu đầu tư nhà xưởng sản xuất và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất. "Đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho DN vừa và nhỏ, thường gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí" - bà Lâm Diệu Tâm Hiếu nhận xét. 

Giá đất công nghiệp ở miền Bắc trung bình trong quý III/2019 đạt 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài Hà Nội là trung tâm kinh tế có mức giá thuê cao nhất, Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn giữ được vị trí hàng đầu nhờ nền tảng công nghiệp mạnh mẽ với khách thuê nổi bật, vị trí chiến lược và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, theo JLL.

Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo về tiềm năng của các tỉnh phía Bắc Việt Nam, trong đó nêu bật những đặc điểm hứa hẹn sẽ là nền tảng phát triển cho các khu vực xung quanh Thủ đô Hà Nội.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ giữa tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu, với mức tăng GDP là 6,98% trong quý II/2019. Hoa Kỳ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam.

Giá đất công nghiệp ở miền Bắc tiếp tục tăng trưởng ổn định đến cuối năm 2019

Sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất trên khắp các tỉnh cũng mang lại nhiều tiềm năng phát triển lớn cho các lĩnh vực bất động sản khác. Điều này đã được chứng minh bằng dòng vốn đầu tư mạnh mẽ đang đổ vào thị trường bất động sản ở các tỉnh phía Bắc gần đây. Thống kê của BCI châu Á cho thấy, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hưng Yên là những tỉnh hàng đầu về số lượng dự án bất động sản, chỉ sau Hà Nội. Ngoài Quảng Ninh nổi tiếng với đặc khu kinh tế Vân Đồng và vịnh Hạ Long, ba tỉnh còn lại luôn dẫn đầu khu vực phía Bắc về các dự án phát triển công nghiệp.

Thị trường Bắc Ninh, Hải Phòng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các dự án dân cư đang được phát triển để tận dụng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng từ số lượng người di cư và người nước ngoài đến làm việc tại các tỉnh. Khác với Bắc Ninh và Hải Phòng, nơi tập trung nhiều dự án nhất ở trung tâm thành phố, hầu hết các dự án ở Hưng Yên đều nằm dọc theo ranh giới với Hà Nội để hưởng lợi từ nhu cầu ở Thủ đô. Sở hữu vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã luôn rất nóng với nhiều nhà phát triển nổi tiếng, tập trung vào các tài sản nghỉ dưỡng và du lịch.

Khoảng 615ha đất công nghiệp đã được lên kế hoạch phát triển để tung ra thị trường trong giai đoạn 12 tháng tới. JLL dự đoán giá đất công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng ổn định đến cuối năm 2019 do nhu cầu mạnh mẽ đến từ nhà đầu tư. Các nhà đầu tư mới – phần lớn đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc sẽ vẫn quan tâm đến việc đầu tư sở hữu tài sản công nghiệp Việt Nam. Với làn sóng các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, các khoản đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, đặc biệt là về năm thành phố công nghiệp trọng điểm của miền Bắc.

Đứng thứ 3 trong số 10 thành phố năng động nhất trong Báo cáo chỉ số động lực phát triển đô thị của JLL vào năm 2018, Hà Nội đang phát triển chóng mặt với các cập nhật cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm cả một chặng đường tàu điện ngầm hiện đại. Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc của JLL nhận xét: “Hà Nội chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh về số lượng doanh nghiệp, thành phố này hoàn toàn có tiềm năng để trở thành mũi nhọn kinh tế lớn nhất tại Việt Nam. Sự tắc nghẽn giao thông, vấn đề ô nhiễm và chỉ số minh bạch thị trường là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc thị trường phía Bắc”.

Thủ đô Hà Nội sở hữu một nền tảng nhân khẩu học mạnh mẽ với dân số trẻ và am hiểu công nghệ. Vì thế nên thương mại điện tử sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với trung tâm bán lẻ truyền thống. Các không gian bán lẻ liên tục làm mới hình ảnh thương hiệu và sửa đổi chiến lược cho thuê đã đạt được hiệu suất tốt với tỷ lệ lấp đầy cao, trong khi các trung tâm khác đang vật lộn để giữ chân khách hàng.

Đô thị hóa và sự phát triển của các khu công nghiệp xung quanh đã thúc đẩy một lượng lớn người dân từ các tỉnh lân cận chuyển đến Hà Nội. Nguồn cung đất ở đây đang khan hiếm, tình hình thủ tục cấp phép trì hoãn đã thúc đẩy các nhà đầu tư mở rộng tầm nhìn vượt ra khỏi lòng Thủ đô để tìm cơ hội đầu tư tốt hơn.

Theo boxaydung.com.vn

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 dự kiến đạt 6,7%, con số này vượt trội so với các nền kinh tế còn lại trong khu vực.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á của ICAEW: Trong khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,7% vào năm 2019, thì con số này vẫn vượt trội so với các nền kinh tế còn lại trong khu vực và Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng chuyển hướng thương mại tích cực, mặc dù ở đà thấp hơn, cũng như sức cầu mạnh trong nước và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vững chắc.

Tăng trưởng GDP một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Theo Oxford Economics)

Tăng trưởng GDP một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Theo Oxford Economics)

Tăng trưởng kinh tế chung của khu vực trong nửa đầu năm 2019 chậm lại 4% so với 4,5% cùng kỳ năm 2018. Đây là kết quả của sự tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhu cầu nội địa Trung Quốc giảm và suy thoái trong chu kỳ điện tử toàn cầu.

Theo báo cáo, chỉ có Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với khu vực, phản ánh sự giảm tốc khiêm tốn hơn trong tăng trưởng xuất khẩu và sức bật của nhu cầu nội địa. Trong khi đó, đà xuất khẩu chậm lại đè nặng lên sự tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc thương mại như Singapore, Thái Lan và Philippines.

Bà Sian Fenner, Cố vấn Kinh tế ICAEW & Trưởng Kinh tế gia Oxford khu vực Châu Á cho biết: “Trong bối cảnh những cơn gió ngược trên toàn cầu đang diễn ra và những kết quả không chắc chắn xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, chúng tôi cho rằng đây sẽ là những yếu tố dẫn đến triển vọng kinh tế trên toàn khu vực tiếp tục sụt giảm, đặc biệt là giữa các nền kinh tế phụ thuộc thương mại. Nhìn chung, tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ ở mức vừa phải 4,5% trong năm nay và ổn định ở mức tương tự vào năm 2020.”

Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng chuyển hướng thương mại tích cực. Nguồn ảnh: QH

Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng chuyển hướng thương mại tích cực. Nguồn ảnh: QH

Nền tảng cho tăng trưởng của Việt Nam

Xuất khẩu, nhu cầu trong nước và dòng vốn FDI vững chắc làm nền tảng cho tăng trưởng của Việt Nam.

Khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và nhu cầu nội địa Trung Quốc chậm lại đè nặng lên xuất khẩu và tăng trưởng trên toàn khu vực, Việt Nam dường như là một trong số ít quốc gia được hưởng lợi. Xuất khẩu tăng 33% sang Mỹ trong nửa đầu năm 2019, đã giúp bù đắp thương mại chậm hơn với Trung Quốc và các nước trong khu vực, cho phép Việt Nam vượt trội so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Được hỗ trợ bởi tốc độ xuất khẩu bền vững và sản xuất công nghiệp trong các ngành sản xuất và chế biến định hướng xuất khẩu, nền kinh tế đã tăng lên 6,7% trong quý II năm 2019, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 6,8% được ghi nhận trong quý I năm 2019.

Trong khi đó, sức tiêu thụ nội địa dự kiến sẽ vẫn mạnh mẽ trong giai đoạn 2019-2020. Chi tiêu hộ gia đình dự kiến sẽ vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát ổn định và thu nhập tăng, trong khi du lịch bền vững sẽ hỗ trợ ngành dịch vụ. Ngoài ra, triển vọng trung hạn cho dòng vốn FDI vẫn rất khả quan, với dòng vốn FDI vững chắc dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25% trong năm tới.

Dự kiến giảm tốc nhẹ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các hiệu ứng chuyển hướng tích cực, đà thương mại sẽ tiếp tục xu hướng giảm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc yếu hơn và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng nói chung.

Chính sách thuế tiềm năng từ Mỹ cũng tạo ra nguy cơ chính đối với tăng trưởng của Việt Nam. Ngoài các mức thuế cao hơn đối với một số sản phẩm thép và nhôm đã có, ba nhóm sản phẩm: máy tính và phụ tùng, dệt may và thủy sản, có nguy cơ bị áp thuế cao hơn, bao gồm khoảng 18,4 tỷ USD hoặc gần 39% xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018. Theo ước tính, nếu chính quyền Trump tăng thuế 10% đối với 18,4 tỷ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại khoảng 5,9% mỗi năm trong năm 2020−2021.

“Chúng tôi dự báo rằng các yếu tố đầy thách thức bên ngoài sẽ tiếp tục đè nặng lên sự tăng trưởng chung của các nền kinh tế Đông Nam Á, cũng như các dòng chảy thương mại khu vực. Nhìn về phía trước, tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức vừa phải 6,3% vào năm 2020 và sau đó khoảng 6% mỗi năm trong năm 2020-21. Ngoài ra, chúng tôi cũng thận trọng với thuế quan tiềm năng của Mỹ đối với Việt Nam và tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại nói chung, ông Mark Billington, Giám đốc khu vực ICAEW, Trung Quốc và Đông Nam Á nói.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

 

Giá thuê mặt bằng bán lẻ ngoài trung tâm đã tăng 3,4% nhờ mô hình thương mại hiện đại. Điều này cho thấy khách hàng đang yêu thích mô hình này.
 

JLL cho biết, nhu cầu đối với bất động sản bán lẻ tiếp tục khả quan trên thị trường. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 89%. Hiệu suất hoạt động được cải thiện ở một vài trung tâm bán lẻ cho thấy các biện pháp bố trí lại khách thuê và linh hoạt điều khoản thuê có hiệu quả. Kết quả khả quan ở các trung tâm bán lẻ này đã khiến các trung tâm khác bắt đầu chiến lược tái định vị và bố trí khách thuê của mình.

Nguồn cung khan hiếm

Trong QIII/2019, cả Hà Nội và TPHCM đều không có nguồn cung mới gia nhập thị trường . Tại TPHCM, diện tích trống vẫn duy trì ổn định ở cả khu vực Trung tâm và Ngoài trung tâm. Các khách hàng có nhu cầu thuê trên 1.000 m2 rất khó có thể tìm được một vị trí phù hợp trong các trung tâm bán lẻ hiện tại. Hầu hết các khách thuê yêu cầu diện tích lớn phải chờ đợi và tìm kiếm nguồn cung tương lai hoặc các trung tâm bán lẻ đang trong quá trình cải tạo/nâng cấp.

Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, tỉ lệ lấp đầy trong quý giảm còn 90,3%. Nguyên nhân là do một số TTTM bắt đầu nâng cấp và thay đổi chiến lược lựa chọn ngành hàng cho thuê. Đồng thời, việc một vài khách thuê chủ chốt như Auchan rời đi khiến tỷ lệ hấp thụ thấp.  Tuy nhiên, bên cạnh đó, những mặt bằng bán lẻ đầu tư vào hình ảnh và thương hiệu, có chiến lược thuê tốt vẫn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao. Những TTTM tiêu biểu như AEON Mall, Vincom Metropolis, Vincom Trần Duy Hưng đều hoạt động hiệu quả và có diện tích trống thấp hơn 5%.

Khan hiếm nguồn cung bán lẻ trong quý III/2019. Ảnh: JLL

Khan hiếm nguồn cung bán lẻ trong quý III/2019. Ảnh: JLL

Mô hình thương mại hiện đại thu hút khách hàng

Nguồn cung ít khiến giá thuê tăng lên. Trong quý III, tại TPHCM, giá thuê mặt bằng tăng 0,2% theo quý, song lại giảm 2,6% theo năm. Nguyên nhân giá thuê giảm theo năm là do giá thuê thấp hơn trung bình thị trường của các trung tâm bán lẻ mới ở khu vực Ngoài trung tâm trong bốn quý trở lại đây, Estella Place, Gigamall và TNL Plaza.

Trong khi đó, tại Hà Nội giá thuê trung bình của thị trường giữ ở mức 29,3USD/m2/tháng, tăng 2,8% theo năm. Nguyên nhân là do Lotte Department Store đạt được giá thuê tốt sau khi cải tạo và nâng cấp. Ngoài ra, do có mô hình thương mại hiện đại nên giá thuê ở những mặt bằng bán lẻ ngoài quận Hoàn Kiếm cũng tăng thêm 3,4% theo năm. Điều này cho thấy sự yêu thích của người tiêu dùng với những mô hình này.

Ngành F&B, thời trang, giải trí tiếp tục dẫn dắt nhu cầu

Là yếu tố quan trọng tăng lượng khách tham quan đến các trung tâm bán lẻ, các khách thuê là thương hiệu quốc tế và chuỗi cửa hàng trong nước nhắm vào phân khúc bình dân/trung cấp kinh doanh các mặt hàng như F&B, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp và thời trang tiêu thụ nhanh có kết quả kinh doanh khả quan và được các chủ nhà ưa chuộng. JLL cho biết, ngành F&B, thời trang tiêu thụ nhanh và lifestyle sẽ tiếp tục là nguồn cầu chính trên thị trường bán lẻ. Các thương hiệu quốc tế tiếp tục để mắt đến thị trường Việt Nam nhờ vào cơ cấu dân số trẻ và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu.

Giá thuê bán lẻ

Giá thuê mặt bằng bán lẻ sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Ảnh: JLL

Thị trường sẽ đón một nguồn cung mới trong quý cuối cùng của năm. Đối với thị trường TPHCM, Crescent Mall giai đoạn 2 sẽ khai trương, đóng góp 25.000 m2 GFA vào tổng nguồn cung.

Trong tình hình thị trường ngày càng cạnh tranh, các chủ đầu tư sẽ càng phải chịu sức ép lớn hơn trong việc thu hút khách thuê. Trong khi những trung tâm mới được kỳ vọng sẽ giới thiệu những mô hình hấp dẫn để xây dựng hình ảnh với người tiêu dùng, những trung tâm hiện tại cần không ngừng cố gắng để bắt kịp với xu hướng thị trường nếu muốn giữ vững hiệu suất hoạt động.

“Giá thuê được dự đoán sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong thời gian tới, nhờ ảnh hưởng tích cực của tình hình kinh tế hiện tại lên nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng”, JLL nhận định.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Our Strategic Partners