News Reviews

Nguyễn Ngọc Thảo

Nguyễn Ngọc Thảo

Vẻ đẹp hoang sơ, bãi cát trắng mịn, biển xanh ngọc và những cánh rừng bạt ngàn, Hồ Tràm đang ngày càng thu hút nhiều khách du lịch tham quan.
 
Với lượt khách du lịch ghé thăm tăng cao thì giá trị bất động sản cũng được nâng cao qua thời gian.
Hồ Tràm đang nổi lên bởi sở hữu vẻ đẹp hoang sơ cũng như sở hữu vị trí đắc địa thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ.
Không chỉ vậy, nơi đây còn nhờ vào đòn bẩy giao thông như nằm trên “cung đường vàng” cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chỉ cách TP.HCM 90 phút di chuyển; từ sân bay quốc tế Long Thành đến các khu nghỉ dưỡng tại Hồ Tràm mất 60 phút di chuyển.
Thêm vào đó là loạt dự án kết nối giao thông đang và sắp triển khai như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu dễ dàng.
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 75 km trị giá 25.000 tỉ đồng giúp kết nối địa phương với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Xuyên Á, sân bay lưỡng dụng Hồ Tràm, đường hầm xuyên biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu...
Trong thời gian gần đây, thông tin về việc dự kiến xây sân bay Lộc An đã kéo nhiều nhà đầu tư đến với Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá đất đai tại Hồ Tràm.
Bên cạnh những cú hích từ hạ tầng, thị trường khu vực còn được kích thích khi nhiều tên tuổi bất động sản lớn ở tại TP.HCM và cả những tập đoàn nước ngoài tìm đến đầu tư các dự án nghỉ dưỡng ở đây.
Các quỹ đất ngay mặt tiền đường được các nhà đầu tư săn đón để xây dựng kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn
Các quỹ đất ngay mặt tiền đường được các nhà đầu tư săn đón để xây dựng kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn
 
Không chỉ các chủ đầu tư mà cả nhà đầu tư cá nhân cũng đang tham gia vào thị trường nhằm mong muốn sở hữu vị trí đẹp để triển khai các kế hoạch kinh doanh như xây nhà nghỉ, khách sạn, homestay, biệt thự nghỉ dưỡng…
Anh Trần Hải, một chủ nhà nghỉ tại đây chia sẻ: “Lượng khách du lịch đổ về Hồ Tràm du lịch ngày càng đông, tình trạng “cháy phòng” nhà nghỉ, khách sạn thường xuyên xảy ra, nhất là những dịp cuối tuần, ngày lễ. Vì vậy khi vừa sở hữu được mảnh đất có vị trí ngay ngã tư Hồ Tràm, tôi đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng mô hình khách sạn. Hiện nay công trình đang trong thời gian sắp sửa hoàn thành, có nhiều người ngỏ ý mua lại với số tiền gấp hàng chục lần so với giá mua lúc đầu, tuy nhiên tôi không bán”.
Thời gian gần đây, các nhà đầu tư và đại gia từ Hà Nội vào Hồ Tràm tìm kiếm để mua lại những miếng đất có vị trí đẹp nhằm đầu tư kinh doạnh. Vì vậy giá đất nơi đây tăng cũng là điều dễ hiểu, anh Hải cho biết thêm.
Hiện nay, Hồ Tràm đã và đang sở hữu nhiều tiện ích của khu du lịch, dự án khá đồng bộ, các loại hình dịch vụ đa dạng như khách sạn nghỉ dưỡng, condotel, biệt thự đem tới nhiều lựa chọn cho du khách. Đặc biệt, sân golf quốc tế The Bluffs cũng nhờ vị thế sát biển mà hằng năm thu hút hàng ngàn khách nước ngoài tới giải trí và thi đấu các giải golf quốc tế.
Ngoài ra, Hồ Tràm còn sở hữu những điểm dừng chân mới mẻ, hấp dẫn du khách như núi Tầm Bồ, suối nước nóng, rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu (một trong số ít rừng nguyên sinh còn lại ở Việt Nam)… cũng giúp nơi này trở nên nổi bật nhờ lợi thế đa dạng sinh thái, hiếm nơi nào có được.
 
Image result for hồ tràm
 
 
Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng sân bay Lộc An được chấp thuận, càng khiến giới đầu tư quan tâm, thị trường bất động sản khu vực Hồ Tràm và các vùng lân cận vì thế chuyển động. Như quan sát, nhiều dự án bất động sả nghỉ dưỡng quy mô lớn đang rục rịch khởi công và nhà đầu tư Sài Gòn, Hà Nội cũng đến tìm đất.
Nhờ sở hữu điều kiện tự nhiên thích hợp để nghỉ dưỡng, Hồ Tràm ngày càng được nhiều khách du lịch lựa chọn làm điểm đến. Để phục vụ cho nhu cầu của du khách, các khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giải trí, và chăm sóc sức khỏe,… sẽ được đầu tư ngày càng nhiều.
Theo Báo Thanh Niên    

Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề để định hướng trong các năm tới.

Ngày 21/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Trong giai đoạn từ nay tới 2030, quan điểm chỉ đạo được Bộ Chính trị nhấn mạnh là phải thu hút FDI chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng đó, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục căn bản những hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.

Nghị quyết lưu ý nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng"; không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Chỉ đạo này được nêu ra trong bối cảnh thu hút FDI vừa qua có một số thành tựu nhưng vẫn có hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày vàng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách lao động, tiền lương... làm phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế. 

Nghị quyết Bộ Chính trị cũng bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với dự án đầu tư mới, hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Bộ Chính trị yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án. Cùng với các nhiệm vụ đó, các chính sách về quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phải được quan tâm hoàn thiện.

Bộ Chính trị lưu ý việc chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu; xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết.

Image result for dau tu nuoc ngoai

Số liệu thống kê cho thấy, sau gần 30 năm đón vốn FDI, Việt Nam đã có hơn 23.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD. Trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD. Nghị quyết 50 đặt mục tiêu, vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD một năm); vốn thực hiện 100-150 tỷ USD. Giai đoạn 2026-2030 vốn đăng ký 200-300 tỷ USD, vốn thực hiện 150-200 tỷ USD.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và tăng lên gấp đôi (100%) vào 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào 2030.

Theo VnExpress

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để vươn lên trong cuộc đua phát triển thị trường với hàng loạt yếu tố thuận lợi từ bối cảnh cho đến chính sách. 

Tiềm năng từ thị trường và chính sách

Với việc đón nhận hàng loạt những cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho đến sự phát triển nền kinh tế, bất động sản (BĐS) công nghiệp đang có những bước đột phá chóng mặt, trở thành điểm sáng thu hút trên thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.

"Trong năm 2019, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá đây sẽ là một trong những phân khúc thị trường còn nhiều dư địa phát triển", đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.

Thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam (bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics) vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng, có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Mặc cho Mỹ không còn tham gia TPP (nay gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), giới phân tích nhận định hiện Việt Nam vẫn là điểm đến chiến lược, và được xem là "công xưởng" mới cho các nhà sản xuất quốc tế.

Ngoài CPTPP, các nhà đầu tư còn đặt kỳ vọng vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết như Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc có hiệu lực, hứa hẹn về triển vọng tăng cường hơn nữa trong quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "BĐS Công nghiệp Việt Nam hiện đang có những tiềm năng lớn để phát triển và bứt phá. Từ những lợi thế sẵn có, nếu không phát triển, BĐS công nghiệp sẽ không tận dụng được cơ hội và chuyển hóa được những tiềm năng".

Cơ hội mới cho các nhà đầu tư

Sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực 10/07/2018) cho phép quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã mở ra một cơ hội mới cho các nhà đầu tư bất động sản. Nhất là khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong chính các khu công nghiệp (KCN) chính là "điểm mở" từ chính sách giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất.

Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng: KCN là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ của khu), được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp. Quy mô diện tích khu đô thị - dịch vụ không vượt quá 1/3 quy mô diện tích khu công nghiệp.

Bất động sản công nghiệp 2019: Chính sách chắp cánh cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

Quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong chính các khu công nghiệp chính là "điểm mở"

từ chính sách giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất. (Ảnh: Internet).

Đô thị và dịch vụ sẽ phát triển là yếu tố khách quan khi thu hút được nhiều nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Mối quan hệ hữu cơ và mang tính bền vững này đang được chứng minh hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới, như: Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Trung Quốc,... Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo thành tổng thể một KCN, đô thị, dịch vụ, như: KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi…

Việc phát triển mô hình này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.

Đặc biệt xu hướng xây dựng khu đô thị trong khu công nghiệp mới chỉ phát triển, đây chính là mảnh đất "màu mỡ" để các nhà đầu tư bất động sản khai thác, nắm bắt cơ hội đầu tư sinh lời vượt trội.

Theo CafeF

Năng lực cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố: chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...

Nguồn cung đất công nghiệp hiện tại và trong thời gian tới tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư sản xuất, đang thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.

Báo cáo mới nhất của Công ty CBRE cho biết, trong 3 năm qua, nhiều nhà sản xuất linh kiện ô tô từ châu Âu, Mỹ và châu Á đang gia tăng thuê mặt bằng, nhà xưởng khu công nghiệp tại Việt Nam. Cùng với đó, nhu cầu thuê đất để mở rộng sản xuất đã tác động tích cực tới thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Nhiều chuyên gia nhận định: trong 2018, Việt Nam tiếp tục nổi lên như là trung tâm sản xuất tiếp theo của châu Á. Năng lực cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố: chi phí lao động thấp; giá thuê đất hợp lý; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi; sự tham gia vào các hiệp định thương mại; lực lượng lao động năng động; vị trí địa lý gần các nguồn tài nguyên và thị trường đích.

Thu hút mạnh các nhà đầu tư

Công ty Savills: chi phí lao động thấp tiếp tục thu hút một làn sóng các công ty nước ngoài từ Trung Quốc, đặc biệt là các ngành đòi hỏi nhiều nhân công. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến cho các công ty nước ngoài và Trung Quốc  đẩy mạnh việc đảm bảo năng lực sản xuất ở Đông Nam Á. Là một trong những thị trường công nghiệp phát triển nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam có vị thế tốt để đón nhận dòng chảy của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các dự án nổi bật bao gồm: Tập đoàn Hyosung với khoản đầu tư 1,2 tỷ USD vào Khu công nghiệp Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu và khoản đầu tư bổ sung 501 triệu USD của Công ty LG Innoteck tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng. Hai Công ty dệt may Ramatex và YKK từng đầu tư 80 triệu USD cho mỗi dự án vào Khu công nghiệp Bảo Minh và Đồng Văn III... 

Nguồn cung đất công nghiệp hiện tại và trong thời gian tới tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư sản xuất, đang thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhu cầu bất động sản công nghiệp có nguy cơ dần vượt quá nguồn cung tại các khu công nghiệp vận hành tốt với tổng tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.

Cũng bàn về thực tế này, Công ty CBRE nhận định, điểm quan trọng nhất cho sự thay đổi của thị trường đất đai công nghiệp trên cả nước là nhu cầu ngày càng tăng trong sản xuất kinh doanh và mở rộng quy mô sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp ô tô.

Tích tụ quỹ đất cho công nghiệp ôtô

"Thực tế, trong ba năm qua, đã có nhiều giao dịch cho thuê đất công nghiệp thành công được ghi nhận ở khu vực phía Nam, phần lớn trong số đó thuộc về các nhà máy sản xuất phụ kiện với nhu cầu mở rộng sản xuất. Trong khi đó, các cụm nhà máy lắp ráp chủ yếu được phân bổ tại miền Bắc với một mạng lưới các nhà máy của các hãng xe nước ngoài cũng như các cơ sở sản xuất phụ tùng ô tô. Việc thành lập các nhà máy của VinFast đã củng cố nền tảng lắp ráp và sản xuất ô tô của khu vực phía Bắc.

Theo đó, với nền tảng vững chắc và lịch sử phong phú về ngành sản xuất lắp ráp và phụ tùng ô tô tại phía Bắc thì việc các nhà sản xuất ô tô có nhu cầu thuê quỹ đất công nghiệp lớn để xây dựng nhà máy sản xuất là rất đáng được cân nhắc.

Ở khu vực miền Trung, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có mật độ nhà máy sản xuất ô tô tương đối cao, nổi bật là cụm ôtô Chu Lai - Trường Hải. Tổ hợp bao gồm các nhà máy sản xuất, nhà máy lắp ráp, nhà máy công nghiệp hỗ trợ, kho bãi và cảng biển chuyên sâu. Tỷ lệ lấp đầy cao, giá cho thuê tăng chính là thách thức cho việc mở rộng quy mô sản xuất của các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển bất động sản khai thác lợi ích từ nhu cầu mở rộng sản xuất và nguồn cung hạn chế hiện tại. Theo CBRE, mặc dù ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn non kém trong việc phát triển sản xuất và lắp ráp so với các quốc gia ASEAN, nhưng sự tích tụ các quỹ đất công nghiệp dành cho nền công nghiệp ô tô đang được gia tăng trên thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thị trường đất đai công nghiệp phát triển hiệu quả, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng chủ chốt và mạng lưới vận tải đa phương thức để giảm chi phí hậu cần và đáp ứng các dự án có giá trị cao hơn trong tương lai. Đồng thời nên quan tâm tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hải quan rườm rà cũng như cải thiện sự kết nối giữa các lĩnh vực kinh tế nhằm giữ chân các nhà đầu tư trong dài hạn.

Theo thống kê của Bộ Kê hoạch và Đầu tư, Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 53% vào cuối tháng 6/2018. Trong đó, 231 khu công nghiệp đang hoạt động và 94 khu công nghiệp  đang xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đền bù. Việt Nam còn có 17 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích cung cấp là 845,000 ha. Trên thị trường bất động sản công nghiệp đã xuất hiện các nhà đầu tư mới với những khoản đầu tư quan trọng. 

BWID đã phát triển 209 ha tại tám khu công nghiệp ở 5 thành phố chính, tập trung phát triển các giải pháp nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo nhu cầu. Nhà đầu tư Singapore, Boustead cũng phát triển nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo nhu cầu (với tổng diện tích 18 ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai). Trong khi đó, Công ty phát triển bất động sản Trung Quốc (CFLD)  tham gia đàm phán để tìm kiếm cơ hội đầu tư đất công nghiệp tại tỉnh Long An, vị trí chiến lược trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo VnEconomy

TP HCM cam kết lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm tiêu chí cho mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư của TP.

Ngày làm việc thứ hai tại Indonesia (22-8), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và đoàn lãnh đạo cấp cao của TP đã nghe đại diện Dự án NCICD (National Capital Integrated Coastal Developmen, quốc gia tích hợp phát triển ven biển) trình bày về Seawall (bức tường ven biển để chống ngập).

55 tỉ USD làm "lá chắn"

Dự án có chiều dài 120 km xây dựng đê ven biển, ven sông, qua 3 giai đoạn: xây dựng đê ven biển, đê ngoài biển phía Tây và cuối cùng là xây dựng đê ngoài biển phía Đông. Ngoài ra, công trình này còn tích hợp xây dựng công trình giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng... Tổng kinh phí dự án là 55 tỉ USD.

Trong năm 1990, khoảng 12% diện tích (khoảng 1.600 ha đất) ở phía Bắc Jakarta nằm dưới mực nước biển. Tuy nhiên, vào năm 2030, ước tính gần 90% diện tích (12.500 ha đất) ở Bắc Jakarta sẽ nằm dưới mực nước biển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do xây dựng thiếu quy hoạch và triển khai tràn lan các hệ thống ống cống, khai thác nước ngầm…

Năm 2007, Indonesia gặp cơn bão đi kèm thủy triều dâng khiến gần 1/2 Jakarta bị ngập trong 4 m nước. Sau cơn bão, vài phương án được đưa ra nhưng không khả thi. Cho đến năm 2019, Indonesia thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển đê biển tại thủ đô Jakarta nhằm kiểm soát sụt lún mặt đất, phòng chống lũ lụt từ biển và sông cho Jakarta. Dự án có sự hợp tác giữa Indonesia, Hà Lan và Hàn Quốc. Đây được xem là giải pháp tích hợp phòng chống ngập lụt, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác nước ngầm. Theo đó, một hệ thống đê khổng lồ gồm 60 km đê biển, 60 km đê sông được triển khai thực hiện từ năm 2019-2050. Hệ thống đê biển này sẽ tích hợp các chức năng như ngăn nước biển dâng, làm hồ chứa nước và phát triển các công trình giao thông, nhà ở phía trên. Cũng theo tính toán của nhóm chuyên gia, chỉ cần đầu tư khoảng 8 tỉ USD để thực hiện dự án thì có thể thu khoảng 55 tỉ USD lợi ích kinh tế từ dự án.

Trước khi tiến hành dự án xây tường chống ngập, giới chức Indonesia cũng phải tiến hành khảo sát hiện trạng sụt lún của Jakarta đến năm 2025. Chi phí cho các cuộc khảo sát được cho là lên tới khoảng 7,7 tỉ USD. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng có thể thực hiện chính sách kiểm soát việc sử dụng các nguồn nước ngầm bằng cách cải thiện hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt. Hiện nay, Indonesia đang xây dựng 20 km đê biển, có một số cầu nên tuyến đê còn hở. Việc xem xét khép kín hệ thống đê sẽ được cân nhắc tùy thuộc vào thực tế về tình trạng ngập lụt và sụt lún mặt đất. Để có nguồn kinh phí đầu tư thực hiện các dự án đê biển, một giải pháp được đề xuất là yêu cầu các đối tượng hưởng lợi từ dự án đê này có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho việc thực hiện dự án. Đồng thời, thực hiện dự án theo phương thức hợp tác công tư. Thêm vào đó, việc xây dựng đê đa dụng cũng giúp phát triển dân cư, thương mại và phát triển đường vành đai.

 Kêu gọi đầu tư vào TP HCM - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm thực địa MRT và hệ thống xe buýt Transjakarta Ảnh: TỐ TRÂM

Tạo thuận lợi cho DN đến TP HCM làm ăn

Cũng trong sáng 22-8, đoàn đã đến thăm văn phòng, thực địa MRT (giao thông công cộng cao tốc) và hệ thống xe buýt Transjakarta. Thủ đô Jakarta hiện có khoảng 28 triệu dân, 10 triệu phương tiện giao thông. Tắc nghẽn giao thông đe dọa nghiêm trọng đối với hoạt động của Jakarta. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là tăng tỉ lệ di chuyển công cộng từ 23% hiện nay lên 60% vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, Indonesia phải thay đổi cách quản lý bằng việc ứng dụng công nghệ, tích hợp dữ liệu vận tải công cộng và cá nhân để có dữ liệu tổng hợp, toàn diện cho hệ thống giao thông đường bộ; điều hành hệ thống sẽ có một trung tâm giám sát. Ngoài xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, thu phí đậu xe thì phân tuyến xe buýt hợp lý cho các tuyến đường đông khách, huy động taxi vào hợp tác xã (mặc đồng phục, nhà nước trả lương) để đón khách từ các con hẻm, không sử dụng xe buýt quá 10 tuổi, có đường dành riêng cho xe buýt... Mỗi năm nhà nước bỏ ra 300 triệu USD để "mua chỗ cho người dân đi" (trợ giá vận tải công cộng).

Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã gặp gỡ doanh nghiệp (DN) Indonesia tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP HCM. Trao đổi tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cung cấp thông tin về TP cho DN Indonesia. "Tại TP HCM, tính đến hết năm 2018, Indonesia có 33 dự án đầu tư tại TP HCM với tổng vốn là 28 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai chiều TP HCM - Indonesia được duy trì ổn định, đạt hơn 1 tỉ USD. TP đã đón gần 16.000 lượt khách Indonesia đến thăm trong năm 2018. Đề án đô thị thông minh đang là hành trình đột phá của TP. TP HCM sẽ đổi mới cơ chế, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN nước ngoài làm ăn lâu dài và hiệu quả tại TP" - ông Võ Văn Hoan nói. Nhiều DN Indonesia cũng quan tâm đến vấn đề đầu tư vào bệnh viện, điều kiện hoạt động của bác sĩ nước ngoài tại Việt Nam, nhập khẩu dược phẩm, xây dựng nhà máy sữa....

Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhắn gửi: "Sự phát triển của TP có được là nhờ vào sự đóng góp tích cực của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Indonesia. TP ghi nhận sự đóng góp đó. TP luôn tạo thuận lợi cho các DN hoạt động tại TP, mang lại lợi ích cho cả hai bên. TP cam kết lấy sự hài lòng của DN là tiêu chí cho mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư của TP".

Theo CafeF

 

 

 

Với hầu hết các hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam thường nhập siêu, thì nay, khi thực hiện CPTTP, trong 7 tháng năm 2019, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu của Việt Nam với 10 nước còn lại trong CPTTP của 7 tháng năm 2018 và 7 tháng năm 2019 như sau:

 Xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu của Việt Nam với 10 nước còn lại của CPTTP (triệu USD). Nguồn: TCHQ.

Xuất nhập khẩu, xuất nhập siêu của Việt Nam với 10 nước còn lại của CPTTP (triệu USD). Nguồn: TCHQ.

Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước tham gia CPTTP đạt quy mô khá, chiếm trên 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Một số thị trường đạt quy mô khá lớn. Trong 27 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, thì khu vực này chiếm 6, có tỷ lệ so với tổng số thị trường khu vực này cao hơn tỷ lệ tương ứng của tổng số.

Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tuy thấp hơn tốc độ tăng chung (7,5% so với 7,8%), nhưng tăng là sự khác biệt so với khi mở cửa với Trung Quốc (năm 1991), với Thái Lan (năm 1995), với Hàn Quốc (năm 2018) - khi đó xuất khẩu giảm hoặc tăng thấp, trong khi nhập khẩu tăng cao, làm cho nhập siêu tăng.

Tổng mức tăng của các thị trường này đạt 156,5 triệu USD, trong đó có một số thị trường có mức tăng khá, như Nhật Bản 1.010 triệu USD, Canada 546 triệu USD, Mexico 290 triệu USD.

Riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng vào Trung Quốc gặp khó khăn do nước này thay đổi chính sách nhập khẩu tiểu ngạch, nhưng thị trường 10 nước còn lại của CPTTP lại đạt mức khá, trong đó đứng đầu là Nhật Bản, tiếp đến là Malaysia, Canada, Australia, Singapore, Mexico, New Zealand, Chile, Peru, Brunei, góp phần giảm bớt sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.

Nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường này so với cùng kỳ năm trước giảm 2,3%, hay giảm 503 triệu USD. Có một số thị trường giảm (như Mexico 659 triệu USD, Singapore 490 triệu USD, Malaysia 219 triệu USD)...

Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu

Do xuất khẩu của Việt Nam vào 10 nước tham gia CPTTP tăng, trong khi nhập khẩu từ đây giảm, nên nếu cùng kỳ năm trước Việt Nam ở vị thế nhập siêu, thì 7 tháng năm nay đã xuất siêu ở mức khá.

Trong 10 thị trường trên, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 5 thị trường và cả 5 thị trường này đều ở mức trên 100 triệu USD, lớn nhất là Canada, tiếp đến là Mexico, Nhật Bản, Chile, Peru. Đáng lưu ý, mức xuất siêu đều cao hơn cùng kỳ năm trước, đặc biệt là Nhật Bản đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu khá lớn.

Các diễn biến trên là kết quả tích cực của việc CPTTP được thực hiện. Kết quả càng có ý nghĩa khi được thể hiện ngay trong những tháng đầu tiên thực hiện. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam một mặt đã tranh thủ tốt hơn về thị trường với cơ hội thuế suất thuế nhập khẩu vào các nước này được giảm thiểu, mặt khác đây cũng là các thị trường có thể góp phần để Việt Nam có điều kiện để xử lý được khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với Trung Quốc.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng đó chỉ là bước đầu, chưa thể chủ quan. Xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường còn bị giảm (với Australia giảm 373 triệu USD, Malaysia giảm 122 triệu USD); nhập khẩu từ một số thị trường tăng (Australia, Canada, Peru, Brunei); còn nhập siêu từ một số thị trường (như Malaysia, Australia, Singapore, Brunei, New Zealand). Đáng lưu ý, với Australia năm trước xuất siêu, nay nhập siêu, còn với Brunei là nhập siêu tăng.

Ngoài ra, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam còn thấp so với tổng nhập khẩu của các thị trường này. Tốc độ tăng xuất khẩu vào các thị trường này còn thấp hơn tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tác động đến việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu chung...

Theo Tạp Chí Tài Chính

Khi mà Mỹ và Trung Quốc đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại đầy căng thẳng, nhiều người tin rằng đã đến lúc Việt Nam tỏa sáng.

Thế nhưng, có lẽ sẽ cần phải mất nhiều năm Việt Nam và nhiều địa điểm sản xuất khác trong khu vực có thể thay Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, theo Wall Street Journal nhấn mạnh trong bài báo mới được đăng tải.
Theo bài báo này, ở Việt Nam, hiện tại khó có thể có được chuỗi cung ứng đặc biệt, chuyên biệt hóa đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất điện thoại thông minh, thang nhôm, máy hút bụi cũng như nhiều sản phẩm khác. Ngoài ra cũng không hề dễ tìm kiếm các nhà máy có chứng nhận an toàn chuyên phục vụ cho thị trường Mỹ cũng như nhiều loại máy móc đắt đỏ cần đầu tư nhiều về vốn. 
Và ngoài ra, với dân số chưa bằng 1/10 của Trung Quốc, Việt Nam hiện cũng đang đối diện với thực tế thiếu lao động trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất toàn cầu chạy đua mở nhà máy tại đây nhằm tránh thuế cao từ Mỹ.
Wall Street Journal: Việt Nam đối mặt nhiều thách thức khi trở thành công xưởng của thế giới

Sự phát triển của các nhà cung cấp trong ngành công nghiệp không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Giám đốc phụ trách hoạt động của một nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp, ông Wing Xu, nhận xét rằng Trung Quốc đã có một hệ thống hoạt động lâu năm, và rằng bất kỳ cái gì doanh nghiệp muốn, họ có thể đã có sẵn nhà cung cấp trên thị trường.
Cũng chính nữ giám đốc này cho rằng, không phải cứ đơn thuần muốn là chuyển được sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và tin sẽ có thể kiếm được bất kỳ cái gì mình muốn.
Một số công ty chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á hoặc nơi khác, một số khác vẫn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ cho người Trung Quốc cũng như thị trường ngoài Mỹ - chiến lược họ gọi đến với cái tên Trung Quốc cộng Một. Một số nhà máy khác với đơn hàng lớn đang hy vọng nhà cung cấp của họ cũng sẽ chuyển sản xuất cũng chuyển khỏi Trung Quốc.
Kết quả, một cục diện mới của ngành sản xuất toàn cầu đang hình thành. Hoạt động sản xuất được đưa ra khỏi Trung Quốc và được chia vào nhiều nước đang phát triển, một tỷ lệ nhỏ được đưa trở về Mỹ bởi nó hoạt động dựa trên công nghệ tự động hóa. 
Sự phát triển của các nhà cung cấp trong ngành công nghiệp không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, thế nhưng quy mô như vậy vẫn quá nhỏ so với 1,3 tỷ người của Trung Quốc, hệ thống đường sá và cầu cảng của Việt Nam hiện vốn đã quá đông đúc.
Nhìn sang Ấn Độ, quốc gia này có đủ nhân lực thế nhưng trình độ tay nghề còn thấp và các quy định của chính phủ được đánh giá không mấy thông thoáng.
Một chuyên gia kinh tế và tư vấn chiến lược tại Control Risks nói: “Mọi người đang cùng đặt câu hỏi: “Giờ chúng ta nên đi đâu?”. Câu trả lời chưa thể rõ ràng”.
Công ty sản xuất máy ảnh GoPro đang chuyển hoạt động sản xuất phục vụ cho thị trường Mỹ sang Mexico, tuy nhiên vẫn còn duy trì hoạt động sản xuất tại Trung Quốc để bán hàng cho một số thị trường khác.
Công ty Universal Electronics, trụ sở tại Arizona – Mỹ, chuyên sản xuất thiết bị công nghệ cho nhà thông minh, mới đây đã có thêm đối tác tại Philippines và đồng thời mở rộng hoạt động tại Mexico.
Công ty Techtronic Industries niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông chuyên sản xuất máy hút bụi sẽ thành lập nhà máy mới ở Việt Nam cũng như mở rộng hoạt động tại nhà máy ở Mississippi. Công ty sẽ duy trì sản xuất ở Trung Quốc thêm ít nhất một thập kỷ.
Ở một thực tế khác, mô hình phát triển của ngành sản xuất Trung Quốc 20 năm qua dựa trên việc các nhà cung cấp rất gần nhau, sản xuất vì vậy được đẩy nhanh hơn về thời gian. Giờ đây, hoạt động sản xuất bị phân tách nhiều hơn, điều này đe dọa đẩy cao chi phí, kéo dài thời gian vận chuyển và khiến cho nhiều công ty phải giải quyết vấn đề phát sinh từ nhiều hệ thống thuế quan và chế độ lao động.
Các doanh nghiệp giờ đây đang phải chú tâm nhiều hơn đến tỷ lệ nội địa hóa sản xuất để sản phẩm có thể được gọi là “Sản xuất tại Việt Nam”, theo phân tích của chuyên gia kinh tế chuyên mảng sản xuất tại Harvard Business School, ông Willy C. Shih. Ông Willy C. Shih cũng cho rằng quy định về môi trường cũng sẽ bị siết hơn, thời đại của những quy định môi trường lỏng lẻo giờ đã qua rồi.
Theo Wall Street Journal, Việt Nam rõ ràng chờ đợi cơ hội này đã lâu. Hoạt động của một số ngành thâm dụng lao động đã được chuyển sang Việt Nam từ nhiều năm trước khi mức lương lao động tại Trung Quốc ngày một tăng. Đơn cử như Samsung Electronics đã đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam.
Việt Nam còn đang muốn mở rộng hơn nữa hoạt động của các ngành điện tử và kỹ thuật - nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bizlive.vn 

Để triển khai thi hành Luật Kiến trúc kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc.

Theo đó, năm 2019 và các năm tiếp theo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật.

Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Kiến trúc; đề xuất hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp, thống nhất với Luật Kiến trúc. Kết quả rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 31/3/2020.

Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc (khoản 5 Điều 13, khoản 5 Điều 14, khoản 1 Điều 15, khoản 8 Điều 17, khoản 3 Điều 22, khoản 3 Điều 23, khoản 4 Điều 26, khoản 5 Điều 29, khoản 4 Điều 30, khoản 3 Điều 31) vào tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật (2 văn bản): Thông tư quy định chi tiết hồ sơ thiết kế kiến trúc; Thông tư quy định về mẫu chứng chỉ hành nghề; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trong cả nước; xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chuyển đổi sang Quy chế quản lý kiến trúc (hoàn thành 31/12/2021); quy chế quản lý kiến trúc (hoàn thành từ ngày 1/7/2020 và các năm tiếp theo).

Luật kiến trúc số 40/2019/QH14 được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Luật Kiến trúc có 5 chương với 41 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Theo Báo Chính Phủ

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được khoảng 340 dự án đầu tư nước ngoài.

Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã thu hút được khoảng 340 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 8,7 tỷ USD.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế tổng số các dự án vốn ĐTNN vào Việt Nam lên khoảng 8.900 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 186 tỷ USD.

Đối với các dự án đầu tư trong nước (ĐTTN), trong 6 tháng đầu năm 2019, các KCN, KKT đã thu hút được khoảng 334 dự án với tổng vốn đăng ký mới đạt khoảng 82,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng số các dự án vốn ĐTTN lên khoảng 9.086 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2.060,5 nghìn tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6 năm 2019, có hơn 3,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KKT, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%.

Hiện có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 95,5 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,6 nghìn ha, chiếm khoảng 68,7%.

Trong 326 KCN được thành lập, có 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 66,2 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 74% và 75 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng với tổng diện tích khoảng 29,3 nghìn ha.

Hiện có 17 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha. Ngoài ra, KKT Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) nằm trong quy hoạch phát triển các KKT nhưng chưa được thành lập.

Lũy kế đến tháng 6 năm 2019, có 38 KCN nằm trong KKT với tổng diện tích khoảng 15,2 nghìn ha. Trong đó, 17 KCN đang hoạt động có tổng diện tích khoảng 6,9 nghìn ha và 21 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích khoảng 8,3 nghìn ha.

Dự kiến đến hết tháng 6 năm 2019, có 221/251 KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 88%.

Nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan tâm nhiều đến các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan tâm nhiều đến các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Việt Nam

Dữ liệu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nửa đầu năm nay cũng vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, cho thấy dòng vốn ngoại tiếp tục đổ về Việt Nam, trong bối cảnh xung đột thương mại và địa chính trị tiếp tục xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và dự báo kinh tế toàn cầu tăng chậm lại.

Tính đến 20/6/2019, cả nước thu hút được tổng cộng 18,47% vốn FDI đăng ký, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, con số giải ngân đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ.

Nửa năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 13,15 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. 
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Khoảng 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,73 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư. Singapore, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký 2,2 tỷ USD và 1,95 tỷ USD.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,87 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,09 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 1,37 tỷ USD chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong con số 18,47 tỷ USD nêu ở trên, có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm gần 44% tổng vốn đăng ký.

Dòng vốn này thường là thống kê lượng vốn FDI đổ vào mua từ 50% giá trị doanh nghiệp, dự án trở lên, nên nó cho thấy hoạt động thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn và đang lấn át các chủ trương đầu tư mới, mở rộng dự án cũ của nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước chỉ có 1.723 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,41 tỷ USD, giảm tới 37,2% so với cùng kỳ năm 2018; có 628 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,94 tỷ USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Reatimes.vn

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, VDSC tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn và tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm tới.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, (VDSC) việc tăng trưởng GDP của Singapore sụt giảm gần đây không chỉ phản ánh hệ quả tất yếu của cuộc chiến thương mại mà còn vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu. Các cuộc khảo sát chỉ ra góc nhìn tương đối bi quan và cẩn trọng của khu vực doanh nghiệp với bối cảnh kinh tế và kế hoạch mở rộng đầu tư sắp tới của họ. Do đó, VDSC cho rằng việc gia tăng tầm quan trọng của “bàn tay hữu hình”, được đề cập bởi nhà kinh tế học John Maynard Keynes, có thể là một điều tốt.

Điều này hàm ý sự phối hợp của “bàn tay” tài chính và tiền tệ theo hướng hỗ trợ trong bối cảnh khả năng lãi suất đã dần tới giới hạn. Sự kết hợp trên không phổ biến trong lịch sử và gợi lại chiến lược “tiền trực thăng” (Helicopter money) được đề xuất bởi cựu chủ tịch FED Ben Bernanke năm 2002.

Theo chiến lược này, việc cắt giảm thuế trên diện rộng, được hỗ trợ bởi một chương trình mua tài sản trên thị trường nhằm giảm bớt mọi xu hướng tăng lãi suất, gần như sẽ là một động lực đối với tiêu dùng và tăng giá cả. Ngay cả khi các hộ gia đình quyết định không tăng tiêu dùng mà thay vào đó tái cân bằng danh mục bằng cách sử dụng thêm tiền mặt để sở hữu thêm tài sản thực và tài chính. Kết quả của việc tăng giá trị tài sản sẽ làm giảm chi phí vốn và cải thiện tình hình bảng cân đối kế toán riêng của người vay tiềm năng. Tài trợ giảm thuế bằng cách cung tiền tương tự như khái niệm “tiền trực thăng” của Milton Friedman.

Trong khi đó, việc chuyển hướng và củng cố lại vai trò của chính sách tài khóa trong việc dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu là cần thiết khi các chi phí vay của Chính phủ đã giảm và lãi suất ít hỗ trợ cho nền kinh tế hơn so với trước đây. Chính phủ nên tập trung vào các dự án đầu tư thay vì các khoản chi tiêu khác. Trong những trường hợp này, chính sách tài khóa và tiền tệ nên thực hiện theo cùng một định hướng để kích thích tăng trưởng.

VDSC: Kinh te Viet Nam se tiep tuc tang truong on dinh trong thoi gian toi

Chỉ số nợ công của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2018. Ảnh: VDSC

Tuy nhiên, có những mặt lợi ích và hạn chế. Một mặt, việc nới lỏng các chính sách tài khóa về cơ bản cần thời gian ngắn hơn để ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Song trong ngắn hạn, điều đó làm cho một nền kinh tế tăng nóng, đẩy lạm phát vượt quá mục tiêu dự định của nó. Mặt khác, chi tiêu tài khóa không được kiểm soát có thể làm tổn hại đến uy tín của chính phủ và ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn. Do đó, tác động lên một quốc gia riêng lẻ sẽ phụ thuộc vào khả năng phản ứng của nó. Sự phối hợp độc đáo cần được thực hiện một cách cẩn thận và có chiến lược cho“lối thoát”.

Đối với Việt Nam, các số liệu kinh tế được công bố gần đây cho thấy không có nhiều xáo trộn. Và “Việt Nam vẫn đang là ngôi sao sáng trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định”, theo nhận định mà VDSC, đưa ra trong một báo cáo mới công bố.

Trong nhiều năm, Chính phủ đã thiết lập một hoạch định tài chính được cân nhắc kỹ lưỡng để đối phó với sự chững lại trong tương lai.

Báo cáo cập nhật mới nhất cho thấy tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam giảm xuống 58,4%, thấp hơn mức cao nhất 63,7% trong năm 2016. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thận trọng hơn trong giai đoạn 2019-2022 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bất lợi và hơn 1/3 nợ công sẽ đáo hạn.

Tuy nhiên, có những lý do để tin rằng Việt Nam sẽ có thể vượt qua khó khăn. Chính phủ đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch thoái vốn ban đầu về mặt giá trị trong khi luật mới về đầu tư công sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020. Cùng với đó, Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách lãi suất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại. Lãi suất thực vẫn dương trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ đã bắt đầu có xu hướng giảm lại.

VDSC nhận định, nền kinh tế Việt Nam hội tụ đủ những điều kiện để tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm tới.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Our Strategic Partners