Xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xây dựng, duy trì tuyến đường hoa, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn
Các địa phương chủ động nguồn lực
Đánh giá về kết quả này, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, hầu hết các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng đều có điều kiện kinh tế với các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển hơn (trong đó có 5/11 tỉnh, thành phố tự túc ngân sách là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng), nên có nguồn thu lớn để đầu tư ngược trở lại cho xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, giai đoạn II, các tỉnh, thành phố đã ưu tiên nguồn từ ngân sách địa phương để đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng NTM cao gấp 2,37 lần so với giai đoạn I (cao hơn so với cả nước); trong đó ngân sách cấp tỉnh chiếm 44,8%, ngân sách cấp huyện 37,1%, ngân sách xã chiếm 18,1% (chủ yếu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn).
Ngoài ra, vốn tín dụng tăng mạnh (gấp 2,52 lần so với giai đoạn I), chủ yếu của người dân để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư phát triển vùng sản xuất tập trung và ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù, nguồn vốn đóng góp của nhân dân và cộng đồng giai đoạn II có cao hơn (2.045 tỷ đồng), nhưng về tỷ lệ trong cơ cấu vốn chung thì giảm nhiều so với giai đoạn I.
Việc các địa phương bố trí nguồn ngân sách trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM cũng cho thấy việc các địa phương để lại kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất để hỗ trợ xây dựng NTM đã bổ sung thêm nguồn lực rất lớn cho xây dựng NTM ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Cụ thể, huyện Gia Lâm (Hà Nội) trong 9 năm qua đã đầu tư 3.978 tỷ cho xây dựng NTM, trong đó trên 70% từ nguồn kinh phí thu từ đấu giá quyền sử dụng đất.
Đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã có 2.402/3.474 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Sự khác biệt về cơ cấu nguồn vốn
Đáng chú ý, có sự khác biệt giữa hai vùng trong cơ cấu nguồn vốn: Trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ có 1,6% nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và 25,3% đối ứng từ ngân sách địa phương, thì con số này ở vùng Bắc Trung Bộ tương ứng là 4,19% và 10,39% (trung bình cả nước là 10,71%); tỷ lệ vốn lồng ghép của vùng Bắc Trung Bộ là 16,47%, cao hơn so với vùng Đồng bằng sông Hồng là 9,61%.
Hầu hết các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng có điều kiện kinh tế với các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển hơn, có nguồn thu lớn để đầu tư ngược trở lại cho xây dựng NTM, nên phần ngân sách địa phương đối ứng thực hiện Chương trình tương đối lớn.
Ngoài ra, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương được các địa phương tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống đường giao thôn nông thôn chiếm 27,9%, trường học chiếm 21%, cơ sở vật chất văn hóa chiếm 17,4%, công trình nước sạch tập trung chiếm 13,1%…
Vốn sự nghiệp được ưu tiên bố trí thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chiếm 22,2%, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chiếm 11,8%, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư chiếm 10,1%...
Theo Tạp Chí Tài Chính
Nhiều KCN đã “kín đất”
Báo điện tử TBCK Việt Nam dẫn nguồn báo baodongnai.com.vn thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh này có 17 KCN đã được lấp đầy với tỷ lệ từ 92 - 100% và hiện tại đều muốn được mở rộng diện tích. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong 17 KCN này khi tăng công suất đều có nhu cầu thuê thêm đất để xây dựng nhà xưởng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn sau một thời gian hoạt động hiệu quả cũng muốn “kéo” những doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung ứng về gần để thuận tiện cho cả hai bên.
Trong quy hoạch các KCN Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt thì tỉnh có 8 KCN được chấp thuận điều chỉnh mở rộng, tăng thêm diện tích gồm: Amata (TP.Biên Hòa), An Phước, công nghệ cao Long Thành, Long Đức (huyện Long Thành), Tân Phú (huyện Tân Phú), Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc), Hố Nai, Sông Mây (huyện Trảng Bom).
Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa) đã được lấp đầy và đang mở rộng
Ông Masahico Makata, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức (huyện Long Thành) cho hay: “KCN Long Đức có diện tích cho thuê hơn 200 ha, hiện đã cho thuê gần hết. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào nên chúng tôi đang đề xuất tỉnh cho mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư thứ cấp”.
Các KCN Hố Nai, Sông Mây, Amata cũng đang tiến hành bồi thường, giải tỏa mặt bằng để mở rộng diện tích. Tương tự, tại 3 huyện miền núi, vùng xa như: Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, đến nay diện tích trong các KCN cho thuê cũng lên đến 90 - 100% và đang làm hồ sơ xin mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Định Quán (huyện Định Quán) cho biết: “KCN Định Quán đã lấp đầy nên công ty đang làm hồ sơ xin mở rộng giai đoạn 2 thêm hơn 100 hécta. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đến hỏi thuê đất làm nhà máy sản xuất nên công ty sẽ hoàn thiện nhanh thủ tục để xây dựng hạ tầng, thu hút những dự án phù hợp với yêu cầu của tỉnh”.
Cần thêm các KCN mới
Ngoài những KCN đề xuất mở rộng, thời gian tới, Đồng Nai sẽ có thêm 4 KCN mới đi vào hoạt động là KCN công nghệ cao Long Thành, KCN Phước Bình (huyện Long Thành), KCN Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và KCN Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).
Trong đó, KCN công nghệ cao Long Thành đang trong giai đoạn thu hồi đất, xây dựng hạ tầng, dự tính đầu năm 2020 sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư thứ cấp; KCN Phước Bình đã tìm được chủ đầu tư và 2 KCN là Gia Kiệm, Cẩm Mỹ đang lựa chọn nhà đầu tư. Các KCN trên có tổng diện tích 1.320 ha gồm: KCN công nghệ cao Long Thành gần 500 ha, Cẩm Mỹ 300 ha, Gia Kiệm 330 ha và Phước Bình 190 ha. Khi 4 KCN này đi vào hoạt động, dự tính sẽ có thêm gần 900 hécta đất cho thuê.
Ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Do có đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây nên các doanh nghiệp về Thống Nhất đầu tư vào công nghiệp tương đối nhiều. Nếu KCN Gia Kiệm sớm có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp thì sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương và góp phần phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn”.
Đồ họa thể hiện cơ cấu các khu công nghiệp, sự phân bố các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai hiện nay
Một số tổng lãnh sự, tập đoàn, chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp FDI có chung nhận xét, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục là điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Bởi với tốc độ phát triển hạ tầng như hiện nay, tỉnh sẽ là trung tâm giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai sẽ thuận lợi và có chi phí thấp khi đưa đi xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác trong nước.
Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. HCM nhận xét: “Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhiều đường cao tốc được xây dựng sẽ giúp Đồng Nai thu hút đầu tư FDI tốt hơn. Có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, hàng không… nên đã nhờ lãnh sự quán hỗ trợ thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai nên tới đây rất có thể sẽ có làn sóng doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào tỉnh”.
Lãnh đạo Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) - tập đoàn đang dẫn đầu trong các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Đồng Nai với trên 1,5 tỷ USD - cho hay, nếu KCN Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) mở rộng diện tích, công ty sẽ tiếp tục thuê thêm đất xây dựng nhà máy, tăng vốn đầu tư vào tỉnh.
Đề xuất thêm KCN vào quy hoạch
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, ngoài 35 KCN đã được quy hoạch, tỉnh đang xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho quy hoạch thêm một số KCN để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại đất đai trên địa bàn và đề xuất địa điểm quy hoạch các KCN.
Thực tế trước đây, các KCN vùng xa của tỉnh thu hút đầu tư rất chậm vì các doanh nghiệp “ngại” đường xa, chi phí cao, khó tuyển lao động. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, khi đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành đi vào hoạt động, doanh nghiệp đến đầu tư tại các KCN rất đông và nay các KCN vùng xa gần như đã lấp đầy.
Trong tương lai gần, khi đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành hoàn thành, giao thông thuận lợi hơn, các doanh nghiệp sẽ về những huyện vùng xa của tỉnh đầu tư nhiều hơn. “Quy hoạch thêm các KCN cho giai đoạn 2021 - 2030 là rất cần thiết. Vì hiện nay và trong những năm tới, Đồng Nai vẫn là nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước. Nhưng tỉnh sẽ cân nhắc để quy hoạch phát triển công nghiệp bền vững” - ông Hà nhấn mạnh.
Dự tính, quy hoạch thêm các KCN sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh trong giai đoạn tới. Có nghiên cứu, đánh giá chung về tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh và dự báo cho giai đoạn sau là rất cần thiết để trên cơ sở này, xây dựng quy hoạch KCN phù hợp với quá trình phát triển.
Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho biết: “Huyện đang cho rà soát lại đất đai, phát triển công nghiệp trên địa bàn để đề xuất mở rộng KCN Tân Phú lên 250 ha, thêm Cụm công nghiệp Phú Sơn và nếu nhà đầu tư có nhu cầu sẽ quy hoạch thêm KCN. Vì tới đây có đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa về cảng Vũng Tàu hoặc cảng TP. HCM rất nhanh”.
Quy hoạch KCN cần có tầm nhìn xa và đánh giá được khả năng phát triển trong tương lai. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh triển khai dự án nhanh, hiệu quả kinh tế đem lại sớm sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ở một diễn biến khác cũng liên quan đến việc quy hoạch các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị đưa Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch KCN nhằm bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai cho hàng triệu hộ dân sinh sống ở TP. Biên Hòa và các tỉnh lân cận.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng sẽ xin chủ trương Chính phủ cho đấu giá khu đất 324 ha của KCN Biên Hòa 1. Dự kiến, sau khi di dời, các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN này sẽ tiến hành đấu giá đất và triển khai dự án xây dựng khu đô thị, thương mại dịch vụ và trung tâm hành chính tỉnh. Khu đô thị này sẽ được thực hiện theo mô hình đô thị thông minh.
Được biết, việc đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch đã được Đồng Nai lên kế hoạch và trình Thủ tướng từ hơn 10 năm trước. Thủ tướng đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng, di dời KCN ra khỏi TP. Biên Hòa từ năm 2009. Sau đó, Chính phủ tiếp tục đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I do Tổng Công ty Sonadezi triển khai.
Sau nhiều lần họp bàn, đến thời điểm hiện tại, đề án này vẫn chưa được tỉnh Đồng Nai thực hiện vì một số khó khăn liên quan tới chính sách.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Đồng Nai, do sự thay đổi về quy định của Chính phủ nên việc tuyên bố ngưng hoạt động của KCN Biên Hòa 1 là không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Thay vào đó, để di dời và chuyển đổi công năng của KCN này, Đồng Nai sẽ phải đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch. Vì vậy, Sở cần làm văn bản trình Thủ tướng đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch, nêu rõ lý do di dời, chuyển đổi công năng vì môi trường.
Theo Thời Báo Chứng Khoán Việt Nam
Grab sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới. Nguồn: internet
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng để đầu tư đổi mới công nghệ cho đến năm 2020, bao gồm mục tiêu có 1 triệu nhân lực thành thạo công nghệ số vào năm 2020.
Đóng góp vào mục tiêu này, Grab sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam, đồng thời đầu tư vào các tài năng công nghệ Việt Nam để giải quyết những thách thức lớn nhất ở Đông Nam Á thông qua trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), máy học (machine learning)....
Grab cũng sẽ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp công nghệ và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam thông qua chương trình Grab Ventures. Ngoài ra, Grab cũng sẽ góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về tài chính và kỹ thuật số, qua đó đóng góp một phần vào mục tiêu quốc gia là có được 65-70% dân số hiểu biết về hai lĩnh vực này.
Grab cũng cam kết hướng tới một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh cho Việt Nam, bao gồm các giải pháp bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng hiện có và thay đổi thói quen người dân từ sở hữu phương tiện cá nhân sang sử dụng phương thức di chuyển chung như GrabBus, một dịch vụ di chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của đông đảo người dân.
Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với chính quyền thành phố và các cơ quan hoạch định chính sách để tận dụng dữ liệu, từ đó giúp quy hoạch đô thị tốt hơn và giảm thiểu các khó khăn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Grab cũng sẽ đặt tính bền vững vào trung tâm hoạt động kinh doanh của mình, ví dụ như hướng đến mục tiêu giảm chất thải nhựa cho dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood.
Đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD. Khoản đầu tư 500 triệu USD được công bố ngày hôm nay sẽ tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực của Grab nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho không chỉ người dùng trong hệ sinh thái siêu ứng dụng Grab, mà còn cho hàng triệu người dân Việt Nam, tiếp tục đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cũng như đóng góp vào công cuộc thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Về luật pháp, phải rà soát lại Luật ĐTNN cũng như những chính sách có liên quan đến thu hút FDI. Nguồn: internet
Nghị quyết nhằm vừa giúp Việt Nam trở thành điểm đến có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được các yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, vừa khắc phục được căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại.
Mục tiêu là khả thi, song phải rất nỗ lực
Một trong những mục tiêu thu hút FDI mà Nghị quyết 50 đặt ra về định lượng là trong giai đoạn 2021 – 2025, vốn đăng ký phấn đấu đạt khoảng 30 - 40 tỷ USD/năm và vốn thực hiện đạt khoảng 20 - 30 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026 – 2030, vốn đăng ký đạt khoảng 40 - 50 tỷ USD/năm và vốn thực hiện đạt khoảng 30 - 40 tỷ USD/năm.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE), Nghị quyết đặt ra yêu cầu về số lượng là rất quan trọng vì đã nói đến đầu tư thì trước hết là cần phải có vốn. Theo đó, nếu 2019 làm tốt thì vốn FDI thực hiện có thể đạt xấp xỉ 20 tỷ USD. Trong khi giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đặt ra là giải ngân từ 20-30 tỷ USD, có nghĩa là bình quân mỗi năm trong giai đoạn 5 năm sắp tới sẽ cần giải ngân cao hơn 5 tỷ USD so với vốn thực hiện 2019.
“Đấy là một vấn đề rất lớn và nếu các bộ không lưu ý con số này mà chỉ nói chung chung thì không thể nào thực hiện được Nghị quyết”, ông Nguyễn Mại cảnh báo.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các con số mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra (về tỷ lệ tương đương đóng góp 22-23% trong tổng vốn đầu tư xã hội) là hợp lý và cần phải đạt được, không nên thấp hơn, cũng không nên cao hơn. Không nên thấp hơn vì chúng ta dù đã có trên 700 nghìn DN và 5 triệu hộ kinh doanh trong nước nhưng vốn vẫn đang hạn hẹp, cho nên cần làm thế nào để duy trì được mức tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP hàng năm vào khoảng 30%, lúc đó mới có khả năng duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức 7-8%/năm.
Tuy nhiên, cũng không nên cao hơn. Bởi vì cao hơn có nghĩa là làm giảm mất thị phần của khu vực DN trong nước. Giai đoạn những năm 1990 khi đầu tư trong nước chưa đáng kể thì ĐTNN ở mức hơn 30% là phù hợp, còn trong giai đoạn hiện nay chỉ nên giữ ở mức 22-23% là hợp lý.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, mục tiêu đặt ra như vậy là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh phải tính tới yếu tố CMCN 4.0 với rất nhiều dự án đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao. “Các yếu tố lịch sử (mức giải ngân FDI của Việt Nam trong quá khứ cũng tương đương với thế giới, đạt trung bình từ 40-60% vốn đăng ký), định hướng phấn đấu và đặc điểm thời đại hiện nay cho thấy mục tiêu như vậy là phù hợp, tất nhiên phải đi kèm với các nỗ lực và quyết tâm thì tính khả thi sẽ cao”, TS. Phong nói.
Theo Tạp Chí Tài Chính
Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) được điều chỉnh tính chất từ phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị chuyển sang trọng tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển...
Ngày 4.9, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ công bố điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 theo quyết định số 514/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8.5.2019.
Thành Phố Quy Nhơn
Theo quyết định này, diện tích Khu kinh tế Nhơn Hội được điều chỉnh từ 12.000 ha trên bán đảo Phương Mai (nằm trên địa bàn TP.Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát) được quy hoạch trước đây, nay tăng thêm 2.308 ha tại xã Canh Vinh (H.Vân Canh). Như vậy, Khu kinh tế Nhơn Hội hiện nay có diện tích 14.308 ha.
Bản đồ Khu kinh tế Nhơn Hội (các phần tô màu đậm) sau khi được điều chỉnh. ẢNH: HOÀNG TRỌNG
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quy chế phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm tại thành phố Biên Hòa.
Dự án hương lộ 2 đang được triển khai xây dựng
Theo đó, 4 dự án trọng điểm được ưu tiên tập trung đầu tư sớm là đường trục trung tâm TP Biên Hòa, đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai và đường hương lộ 2.
Văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trần Văn Vĩnh ký yêu cầu các sở ngành phối hợp trong việc thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư...
Với số vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng những dự án này được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ tạo ra động lực phát triển cho Đồng Nai.
Trong 4 dự án trọng điểm, đáng chú ý là dự án hương lộ 2 nối từ quốc lộ 51 đến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, với chiều dài 17km, đi qua hai xã An Hòa và Long Hưng.
Dự kiến hương lộ 2 có quy mô 6 làn xe cơ giới và 4 làn xe hỗn hợp. Khi hoàn thành, hương lộ 2 sẽ kết nối trung tâm hành chính TP. Biên Hòa với khu Nam Biên Hòa nơi tọa lạc của các khu đô thị Aqua City, Khu công nghiệp An Phước, đô thị Nhơn Trạch… đã và đang được triển khai xây dựng.
Với việc kết nối vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên sau khi hoàn thành hương lộ 2 sẽ giúp khoảng cách giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM sẽ được rút ngắn.
Theo TheLeaderVn
Trong 8 tháng qua, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,88 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ảnh: TL
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (29/8), từ đầu năm đến ngày 20/8/2019, có 2.406 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 91 tỷ USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 908 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,99 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng năm 2019 đạt 13,1 tỷ USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dẫn đầu trong thu hút FDI tại Việt Nam là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6,8 tỷ USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản, các ngành còn lại đạt 1,47 tỷ USD, chiếm 16,1%.
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,88 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc 1,7 tỷ USD, chiếm 18,9%; Nhật Bản 1,18 tỷ USD, chiếm 13%; Hồng Kông (Trung Quốc) 1,1 tỷ USD, chiếm 12,2%; Singapore 1,03 tỷ USD, chiếm 11,3%...
Nguồn ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm nay có 102 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 339,5 triệu USD và 23 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm là 99,5 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng đạt 439 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 96,7 triệu USD, chiếm 22% tổng vốn đầu tư và lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 88,6 triệu USD, chiếm 20,2% đồng thời lĩnh vực chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 83,4 triệu USD, chiếm 19%.
Vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Australia là dẫn đầu với 178,9 triệu USD, chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư. Tây Ban Nha đứng thứ hai với 59,8 triệu USD, chiếm 13,6% và Mỹ đứng kế tiếp với 49,3 triệu USD, chiếm 11,2%.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Tỷ trọng 2 nhóm hàng lớn nhất trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đến 15/8. Biểu đồ: T.Bình.
154,4 tỷ USD là tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước tính đến 15/8, theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2018.
Đáng chú ý, có 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
So với cùng kỳ năm ngoái, số nhóm hàng nhập khẩu "chục tỷ USD" không thay đổi về số lượng và nhóm hàng.
Tuy nhiên, kim ngạch tăng thêm của những nhóm hàng này là rất đáng kể, lên tới gần 8 tỷ USD so với 1 năm trước đây.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 31 tỷ USD, tăng tới 5,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng trưởng 21%.
Về thị trường, Việt Nam vẫn nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhiều nhất từ Hàn Quốc với trị giá 10,2 tỷ USD (cập nhật theo thị trường hết tháng 7 của Tổng cục Hải quan), tăng nhẹ 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các vị trí tiếp theo là Trung Quốc với 6,91 tỷ USD, tăng mạnh tới 65,9%; Đài Loan và Hoa Kỳ chia nhau vị trí thứ 3 và thứ 4 với kết quả lần lượng tà 2,93 tỷ USD, tăng 39,9%; và 2,63 tỷ USD, tăng tới 49,5%...
Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,3 tỷ USD tăng 12% so với cùng kỳ 2018, tương đương kim ngạch tăng thêm 2,4 tỷ USD.
Những tháng đầu năm, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 8,04 tỷ USD, tăng 26,7%; từ Hàn Quốc đạt 3,73 tỷ USD, tăng 3,8% và từ Nhật Bản đạt 2,69 tỷ USD, tăng 6,1%...
Với tổng kim ngạch lên đến 53,3 tỷ USD, riêng 2 nhóm hàng nêu trên chiếm đến gần 34,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Sự góp mặt của Trung Quốc và Hàn Quốc ở 2 nhóm hàng trên là điều dễ hiểu khi đây đang là 2 thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ngoài ra, đến 15/8, Việt Nam còn nhiều nhóm hàng nhập khẩu lên đến hàng tỷ USD.
Điển hình như vải đạt 8,2 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 7,99 tỷ USD; sắt thép đạt 6 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 5,59 tỷ USD…
Theo Báo Hải Quan
Công nghiệp sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong nửa cuối năm 2019. Nguồn: internet
Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Phước Nghĩa cho biết, nhu cầu đầu tư bất động sản đang chịu sự tác động rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và diễn biến nền kinh tế vĩ mô cũng như tiến độ pháp lý.
Trong 8 tháng qua, tâm lý nghe ngóng chờ đợi và đầu tư phòng thủ kiểu "ăn chắc mặc bền" đang có xu hướng mạnh dần. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2019 các loại hình bất động sản có khả năng mang lại dòng tiền sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Chuyên gia này chỉ ra 3 kênh đầu tư hứa hẹn diễn biến tích cực nhất trên thị trường bất động sản trong nửa cuối năm.
Bất động sản khu công nghiệp
Theo ông Nghĩa, công nghiệp sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong nửa cuối năm 2019 trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp. Cuộc so găng này góp thêm chất xúc tác giúp Việt Nam lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà sản xuất nước ngoài, ít nhiều giúp Việt Nam hưởng lợi bởi các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam nỗ lực mở rộng khu vực thương mại tự do, trong đó mới nhất là Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết vào cuối tháng 6/2019, cũng được kỳ vọng tăng cường sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu với bất động sản công nghiệp.
Nhu cầu thuê tăng mạnh nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang đã đẩy giá thuê đất công nghiệp, mặt bằng, nhà xưởng tại thị trường Việt Nam tăng cao 10-15% tùy khu vực và vùng miền. Trong những tháng còn lại của năm, bất động sản công nghiệp có thể gia tăng nguồn cung đồng thời có nhiều thương vụ mua bán sáp nhập hoặc đón thêm nhiều khách thuê mới cũng như nhà đầu tư.
Bất động sản nghỉ dưỡng
Thống kê sơ bộ trong 8 tháng qua, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đang phủ sóng khá dày đặc trên khắp các chợ địa ốc cả nước. Cùng với sự gia tăng rổ hàng, có khoảng trên 65% người tham gia thị trường địa ốc năm 2019 đang chọn bất động sản ven biển để đầu tư.
Điểm khác biệt lớn so với giai đoạn trước đó là nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đang quen dần với bán kính dịch chuyển thị trường xa hơn, độ mở cũng như quy mô của thị trường cũng ngày càng lớn hơn.
Ông Nghĩa khẳng định, làn sóng đầu tư bất động sản ven biển tại Việt Nam sẽ còn dâng cao trong vài quý tới. Sự phát triển mạnh mẽ của kênh đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng do tăng trưởng du lịch ấn tượng, kết nối hạ tầng liên vùng đang tốt dần lên bao gồm cả đường bộ và hàng không.
Bên cạnh sự gia tăng lượng khách du lịch quốc, du lịch trong nước cũng phát triển mạnh mẽ về lượng và biến đổi về chất (thói quen du lịch, thị hiếu tiêu dùng khi du lịch) nhờ đời sống người dân được nâng cao, nhu cầu trải nghiệm ngày càng lớn. Trong vài quý đến vài năm tới, làn sóng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng lên do Việt Nam hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp không khói.
Bất động sản đa năng: sở hữu - tích lũy - khai thác
Theo ông Nghĩa, trong 8 tháng đầu năm 2019 thị trường bất động sản có xu hướng giá đi ngang, giao dịch sụt giảm, nguồn cung tại các đô thị lớn trên đà giảm tốc. Tâm lý nhà đầu tư vì vậy bắt đầu bước vào vùng do dự và phòng thủ nhiều hơn so với giai đoạn 2016-2018.
Do đó, trong những tháng cuối năm 2019 nhiều khả năng các loại hình bất động sản nhà ở, văn phòng, thương mại và dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu vừa sở hữu tài sản vừa tích lũy để gia tăng giá trị đồng thời có thể khai thác cho thuê ngay sẽ hút vốn đầu tư hơn là loại sản phẩm đầu tư lướt sóng thông thường. Xu hướng tâm lý này được xem là một bước đệm phòng thủ cho kịch bản khó đoán của thị trường trong 12 tháng tới.
Theo VnExpress
Theo Zing News